Tuesday, July 18, 2023

HỌ LÀ AI, HỌ CÓ ĐẠI DIỆN CHO ĐẠO ĐỨC CÁN BỘ CỦA BỘ MÁY KHÔNG? (Đoàn Bảo Châu)

 



Họ là ai, họ có đại diện cho đạo đức cán bộ của bộ máy không?  

Đoàn Bảo Châu

18-7-2023    05:22   

https://www.facebook.com/DoanBaoChau21165/posts/pfbid02H4kNYpPufGqmYCVF6GN4UUuc7uSdKdA3GDwWmfpcjFAC6ATPthzsfoLD9a5ChFbdl

 

Theo các bạn, các bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” có đại diện cho đạo đức cán bộ của bộ máy không?

 

Có biết bao đồng chí nhìn các bị cáo mà toát mồ hôi tự nhủ “may quá!, giá mình vào vị trí ấy, được cả núi tiền bỗng dưng bày trước mắt thì có khi mình cũng đang trong số các đồng đội áo sọc kia!”

 

Chắc chắn là tồn tại tâm lý ấy, bởi sự tham nhũng ở đây diễn ra rộng khắp, liên quan nhiều ngành, đủ độ để có thể nói rằng nếu vào một hoàn cảnh khác thì rất nhiều các đồng chí đang an toàn và may mắn đang đóng vai trò khán giả sẽ trở thành các “nhân vật chính” trong vở bi hài kịch to đùng kia.

 

Điều đáng buồn và có thể nói là điều tuyệt vọng ở đây là có vẻ như rất khó hay không thể tìm được một giải pháp nào để thay đổi tình trạng tham nhũng kinh hoàng này.

 

Ta không thể thay đổi một hiện trạng bằng một tư duy cũ. Nếu ta cứ đốt lò nhưng không thật sự tự hỏi củi từ đâu sinh ra thì ta có lẽ cứ phải đốt triền miên.

 

Cũng giống như việc điều trị ung thư, cứ xạ trị, hoá trị nhưng con bệnh cứ ăn uống bậy bạ thì ông nội bác sỹ cũng bó tay.

 

Muốn một xã hội trong sạch, tất nhiên là trong sạch tương đối thì vấn đề gốc rễ là cả xã hội phải trọng đạo, đầu tiên là đạo làm người.

 

Đạo ở đây không phải là cúng bái mê tín, không phải đút lót, hối lộ thánh thần để được phù trợ, ban phát bổng lộc, sức khoẻ, sự may mắn, sự trúng quả trong các phi vụ làm ăn, mà là một con đường sống giản dị, sống là để có ích cho mình, cho gia đình và xã hội. Một chiếc lá xanh làm đẹp thêm cho bầu trời, một con người làm đẹp thêm cho cuộc sống. Rất giản dị, khiêm tốn và rõ ràng.

 

Tiếc thay, các cán bộ trong hệ thống mặc dù được học đủ các lớp đào tạo về chuyên môn và đạo đức cán bộ, lý tưởng cán bộ nhưng lại không hiểu được điều giản dị ấy.

 

Các đồng chí ấy đã hối hả vơ vét, hối hả thúc giục nhau nộp tiền và giờ thì hối hả tố tội nhau trước toà, rồi thì sẽ chậm rãi bóc lịch khi đi “nghỉ”, từ của một đồng chí dùng khi đứng trước toà.

 

Tôi hy vọng những người nằm trong hệ thống thấy rõ sự nghiêm trọng, sự đau lòng của vụ án và nhận thức rõ đây chính là chân dung, những nét phác thảo khái quát nhưng chính xác của bộ máy.

 

Phải nhìn vào sự thật, phải nuốt thuốc đắng thì mới hy vọng chữa được bệnh. Vụ việc này không có một “thế lực thù địch” nào làm, không có “phản động” nào có thể làm bẩn thỉu hơn những gì đã và đang diễn ra.

 

Việc cần làm ngay là cương quyết dẹp bỏ cái tệ nạn được goi là “văn hoá phong bì”. Sở dĩ nó được gọi là văn hoá bởi cái thứ ti tiện ấy nó tràn khắp mọi nẻo trong xã hội. Nó hạ thấp cả kẻ đưa lẫn kẻ nhận.

 

Tôi tâm đắc với bài viết gần đây về phong bì của thầy Chu Mông Long. Nhiều năm trước, khi còn làm phóng viên, tôi chứng kiến các buổi họp báo có một số phóng viên đến đôi khi chỉ để nhận phong bì. Có đồng nghiệp một ngày lượn tới mấy cuộc họp báo, cốt để làm cái việc ấy.

 

Tôi tin chắc rằng, bây giờ các buổi họp báo vẫn y như vậy. Đây chính là mấu chốt, là căn nguyên của vấn đề.

 

Chúng ta coi mấy cái phong bì là chuyện nhỏ, ta thò tay ra đưa và thò tay ra nhận, cả kẻ đưa, kẻ nhận đều cười tươi như thể đấy là một cử chỉ xã giao “dễ thương”, nhưng thực ra cả hai đều là những kẻ đang bán lương tâm và phẩm giá của mình.

 

Tôi đã có bài phong bì sau khi vụ cháy quán Karaoke làm chết mấy chục người. Chính phong bì là kẻ đã gây ra bi kịch đau lòng ấy. Phong bì nó làm què cụt đi những yêu cầu và quy định về phòng cháy chữa cháy.

 

Hồi ấy khi nói về việc nhận phong bì ở các cuộc họp báo, một đồng nghiệp bảo tôi rằng phải thông cảm với đồng nghiệp bởi cuộc sống của họ khó khăn.

 

Nếu cứ áp dụng cái lý luận ấy thì ta cũng có thể “thông cảm” với các cán bộ áo sọc, bởi lương họ thấp, họ làm việc vất vả…

 

Và rồi ta cũng có thể “thông cảm” với một kẻ sát nhân, hay kẻ cướp bởi những lý do rất “con người” nào đấy.

 

Đây cũng là một vấn đề trong xã hội Việt Nam. Một xã hội mà tư duy con người mập mờ, ù xoẹ trắng đen, tặc lưỡi cho qua, tặc lưỡi “thông cảm”, đầy “nhân văn”, “mềm mại”.

 

Việc cần làm ngay là bên cạnh việc đốt lò thì phải làm sao ngừng sản xuất ra củi!

 

Các bạn lại hỏi vậy làm sao để ngừng sản xuất ra củi? Tôi để các bạn trả lời tiếp nhé!

 

 

Hình :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10160596106223965&set=a.10150708808583965

 

 

103 BÌNH LUẬN    





No comments: