Gates,
Musk, Cook, Dimon, Kissinger qua Bắc Kinh
23/07/2023
https://www.voatiengviet.com/a/gates-musk-cook-dimon-kissinger-qua-bac-kinh-/7192015.html
https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-a539-08db89099278_cx0_cy8_cw0_w650_r1_s.jpg
Henry Kissinger được
đón tiếp trọng thể hơn các nhà kinh doanh cũng vì là một “cố hữu,” quen biết từ
hơn 70 năm; nhưng cũng vì có uy tín trên những người hướng dẫn dư luận trong nước
Mỹ, giới truyền thông và trí thức.
Nhưng nếu
muốn thuyết phục người Mỹ bớt ác cảm với Trung Cộng thì lời nói của Henry
Kissinger có thể mạnh hơn những Bill Gates hay Tim Cook.
Người Việt Nam trên 70 tuổi chắc còn nhớ tên Henry A. Kissinger, coi ông
là người “bán đứng Việt Nam Cộng Hòa” khi bắt tay Lê Đức Thọ ký Hiệp định
Paris, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cố ngăn cản không nổi. Nhưng thực ra
Kissinger chỉ thi hành một chính sách Tổng thống Richard Nixon đã quyết định.
Trước cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2 năm 1968, Nixon đã cho Kissinger tới báo cho đại sứ
Nga tại Washington biết rằng Mỹ sẽ rút quân về nước, sau đó Cộng sản có chiếm
miền Nam Việt Nam cũng không hề gì.
Nhiều người còn coi Henry Kissinger là nhân vật khai phá cuộc bang giao
giữa Tư bản Mỹ và Cộng sản Trung Quốc vào năm 1972, với chuyến bay bí mật từ thủ
đô Pakistan qua Bắc Kinh gặp Chu Ân Lai (Zhou Enlai), thủ tướng Trung Cộng. Bảy
năm sau đó Mỹ đã bỏ rơi Tưởng Giới Thạch cùng Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan,
chính thức công nhận Trung Cộng; tiến đến những cuộc mua bán hàng, nhờ thế
Trung Quốc phát triển khi Đặng Tiểu Bình mở cửa. Nhưng cả chuyến đi bí mật, ly
kỳ này, Kissinger cũng chỉ làm theo lệnh của Tổng thống Nixon.
Dù chỉ đóng vai người thừa hành nhưng Kissinger đã nổi bật, được nhắc đến
nhiều nhất. Vì ông có tài viết văn, qua những cuốn lịch sử ngoại giao và hồi
ký, rất giỏi tự quảng cáo. Ông đóng vai một “chính khách lão thành” đồng thời
biết kinh doanh bằng vốn liếng cuộc đời ngoại giao của mình.
Năm nay, Tập Cận Bình đã mời Kissinger, 100 tuổi, qua Bắc Kinh như “một
người bạn cũ” của Trung Quốc. Trong một video được truyền trên đài CCTV của nhà
nước, Tập ngồi đối diện Kissinger, ca ngợi “thời hoàng kim” 50 năm trước, nhấn
mạnh rằng “Bang giao Trung Quốc và Mỹ sẽ mãi mãi gắn liền với tên Kissinger!”
Tập Cận Bình còn khéo léo thu xếp để cuộc hội kiến diễn ra tại Biệt thự số
5 trong Nhà khách Điếu Ngư Đài (Diaoyutai), là nơi Chu Ân Lai đã tiếp Kissinger
trong chuyến đi năm 1972. Trong khi nghe tiếng đàn piano êm dịu gây không khí
tình cảm nhẹ nhàng, như nhật báo The Wall Street Journal tường
thuật, Tập ân cần nhắc nhở: “Chúng tôi không bao giờ quên một cố hữu!” Tập còn
mô tả bang giao giữa hai nước, một lần nữa, cũng đang tới “một ngã tư quan trọng.”
Để làm vui lòng chủ nhà, Kissinger khi đáp lời đã nhấn mạnh đến nguyên tắc
“một nước
Trung Hoa.” Nghĩa là đảo Đài Loan chỉ là một tỉnh của Trung Quốc.
Kissinger đã gãi đúng chỗ ngứa của Tập Cận Bình; dù chỉ nhắc lại một điều vô hại.
Vì hiến pháp Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan cũng viết giống như vậy. Nhưng đây
là một điều mà Trung Cộng luôn luôn đề cao, và nhắc lại mỗi lần đả kích chính
phủ Mỹ giúp Đài Loan, bán khí giới hoặc đưa các chiến hạm qua vùng eo biển.
Bắc Kinh đang phản đối chính quyền Joe Biden vì cho phép phó tổng thống
Trung Hoa Dân Quốc William Lai ghé qua Mỹ trong tháng tới, trên đường đi thăm
nước Paraguay ở Nam Mỹ. William Lai, tức Lại Thanh Đức (Lai Ching-te, 賴清德) thuộc đảng Dân Tiến như Tổng thống Thái Anh Văn, một đảng từng chủ
trương Đài Loan độc lập. Ông đang tranh cử tổng thống, dẫn đầu đối thủ với tỷ số
67.7% ủng hộ, 8 tháng trước ngày dân bỏ phiếu.
Nhưng Bắc Kinh bất mãn nhất là các chính sách của Mỹ nhằm cô lập hóa
Trung Cộng về
kinh tế và những kỹ thuật tân tiến. Chính quyền Biden cấm các công ty Mỹ
không được bán các chất bán dẫn tối tân, cấm bán các thiết bị và không đầu tư
vào việc làm chíp, lại lôi kéo Hòa Lan, Nhật Bản cùng cấm vận Trung Cộng. Trong
tương lai, sẽ hạn chế không cho các công ty Mỹ đầu tư vào các ngành máy vi tính
lượng tử (quantum computing) và trí khôn nhân tạo ở Trung Quốc.
Những chính sách trên được cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ ủng hộ. Không
thể lay chuyển chính phủ Mỹ, Bắc Kinh phải tìm cách tạo ảnh hưởng trên dư luận
dân chúng. Một phương thức đang thi hành, là đón tiếp các nhân vật nổi tiếng
trong các lãnh vực kinh tế, chính trị qua thăm Trung Quốc.
Bill Gates, người sáng lập công ty Microsoft, được mời sang Bắc Kinh
trong tháng Sáu vừa qua, cũng được Tập Cận Bình gọi là một “cố hữu.” Tập đã chọn
Gates là người Mỹ đầu tiên gặp trong năm nay, vì muốn bắt tay một người Mỹ có
thiện cảm, trước khi phải tiếp Ngoại trưởng Antony Blinken! Tỷ phú Elon Musk,
chủ nhân công ty xe chạy điện Tesla, đang sản xuất trong một nhà máy ở Thượng Hải,
đã đến trước Gates một tháng nhưng chỉ được gặp vài bộ trưởng và quan chức địa
phương. Sau Gates một tháng là Tim Cook, chủ tịch công ty Apple, đang ráp các
điện thoại iPhone ở Trịnh Châu (Zhengzhou), tỉnh Hà Nam, và Jamie Dimon, chủ tịch
tổng giám đốc Ngân hàng JPMorgan Chase cũng là những doanh nhân được đón tiếp
trọng hậu.
Tập Cận Bình còn muốn trình diễn các quý khách trên đây lên mản ảnh ti vi
cho dân Trung Hoa thấy rằng tư bản Mỹ vẫn chú tâm đến thị trường tiêu thụ và khả
năng sản xuất trong lục địa Trung Hoa. Năm nay kinh tế đang có dấu hiệu trì trệ,
số xuất cảng và nhập cảng đều xuống, ngành địa ốc sa lầy, rất nhiều cơ xưởng lớn
giảm hoạt động, người tiêu thụ không muốn chi tiền. Khi người dân nhìn khuôn mặt
tươi cười của những nhà tỷ phú Mỹ này, hy vọng họ sẽ tin tưởng vào tương lai
hơn.
Tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) của đảng Cộng sản khen tụng “Ông
Musk là người cổ động giao thương tự do giữa Mỹ và Trung Quốc,” và “Chuyến đi của
ông Musk chứng tỏ giới kinh doanh Mỹ hoàn toàn tin tưởng vào thị trường Trung
Quốc mặc dù nhiều chính trị gia Tây phương đang gây ồn ào với chủ trương cách
ly.”
Bắc Kinh cũng muốn việc tiếp rước những Bill Gates, Elon Musk, Tim Cook
và Jamie Dimon sẽ trấn an tư bản ngoại quốc. Số tiền đầu tư trực tiếp vào Trung
Quốc đang giảm chỉ còn 10% so với những năm gần đây. Giới làm ăn nước ngoài hiện
rất lo lắng, sau khi Bain & Company, một cơ sở cố vấn đầu tư, bị cảnh sát đến
khám xét, cật vấn nhân viên Trung Hoa và ngoại quốc, lấy các tài liệu và máy vi
tính về để điều tra. Bain bị tình nghi làm gián điệp; vì họ đi tìm các số thống
kê, các dữ liệu, hỏi han các chính sách và việc áp dụng như thế nào. Tất cả các
xí nghiệp nước ngoài đều có thể bị nghi tội gián điệp như thế, vì cần nghiên cứu
thị trường và tình trạng cạnh tranh ở Trung Quốc. Phải xóa bỏ mối lo ngại này
ngay, nếu không thì tiền không vào.
Cộng sản Trung Quốc muốn được giới tư bản Mỹ nhìn với con mắt thiện cảm
hơn. Đó một phần trong kế hoạch gây ảnh hưởng trên dư luận dân Mỹ, hy vọng
chính quyền Mỹ sẽ thay đổi. Bắc Kinh biết rằng các doanh nhân ở Mỹ có thể ăn
nói tự do hơn, không cần phải dè dặt như các nhà chính trị.
Nhưng nếu muốn thuyết phục người Mỹ bớt ác cảm với Trung Cộng thì lời nói
của Henry Kissinger có thể mạnh hơn những Bill Gates hay Tim Cook. Henry
Kissinger được đón tiếp trọng thể hơn các nhà kinh doanh cũng vì là một “cố hữu,”
quen biết từ hơn 70 năm; nhưng cũng vì có uy tín trên những người hướng dẫn dư
luận trong nước Mỹ, giới truyền thông và trí thức.
Báo The Wall Street Journal chú ý đến hai cách tiếp đón
khác biệt dành cho hai người, Henry Kissinger và John Kerry. Mới thăm Bắc Kinh
suốt bốn ngày trong tuần trước, Kerry cũng là một cựu ngoại trưởng, và đang làm
bộ trưởng, nhưng không được gặp Tập Cận Bình. Henry Kissinger còn gặp cả bộ trưởng
quốc phòng Trung Cộng, Tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu, 李尚福), một tháng sau khi Phúc từ chối không gặp Tướng Lloyd Austin, đương kim
bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Cũng theo báo Wall Street, Lý Thượng Phúc
nói chuyện với Kissinger đã than trách, “Mối bang giao đi xuống đáy sâu nhất vì
nhiều người Mỹ không muốn tiến nửa quãng đường để gặp Trung Quốc.” Các quan chức
Trung Cộng đã nhiều lần dùng hình ảnh “không tiến nửa đường để gặp gỡ” khi đả kích
chính quyền Biden.
Phát ngôn viên John Kirby của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phải than phiền,
trách cứ lại: “Thật là đáng tiếc khi một công dân thường được gặp gỡ và trao đổi
với ông bộ trưởng quốc phòng, mà chính phủ Mỹ thì không được gặp!” Ông Kirby
nói Tòa Bạch Ốc đang chờ nghe ông Kissinger kể lại, coi ông đã “nghe được gì,
nhìn thấy gì, và học được điều nào không.” Lắng nghe một công dân bình thường
thuật lại như thế, không biết có được ông Lý Thượng Phúc chấm điểm là đã “tiến
nửa quãng đường” hay chưa!
No comments:
Post a Comment