Friday, July 14, 2023

ĐỀ NGHỊ TRUNG QUỐC CHO SỚM KHAI THÁC CHUNG KHU THÁC BẢN GIỐC – ĐỨC THIÊN : ‘THÊM BƯỚC NHƯỢNG BỘ’ CỦA VIỆT NAM (Quốc Phương, RFA)

 




Đề nghị Trung Quốc cho sớm khai thác chung khu Thác Bản Giốc – Đức Thiên: ‘thêm bước nhượng bộ’ của Việt Nam

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.07.14

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-wants-china-to-joint-develop-ban-gioc-waterfall-tourism-07142023103220.html

 

Việc Việt Nam vừa đề nghị Trung Quốc sớm đưa khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên vào vận hành thí điểm, như truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin, là ‘thêm một bước nhượng bộ’, trong khi Việt Nam đã chịu nhiều thiệt thòi, mất mát từ trước đến nay trước các yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, và đây phải được coi là một bài học trong đối phó với các yêu sách và hành động của Trung Quốc nay mai trên Biển Đông, theo một nhà quan sát lịch sử chủ quyền biên giới, biển đảo Việt Nam và quan hệ Việt – Trung chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do từ Pháp hôm 14/7/2023.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-wants-china-to-joint-develop-ban-gioc-waterfall-tourism-07142023103220.html/@@images/7570a99a-d333-4901-a508-20426139a785.jpeg

Khách du lịch Việt Nam và Trung Quốc tại Thác Bản Giốc hôm 12/3/2017. Thác ở biên giới giữa hai nước thuộc tỉnh Cao Bằng   (AFP)

 

Trước đó, hôm 13/7, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, đã có cuộc hội kiến với ông Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dịp dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 và các hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia. Trong các nội dung trao đổi, làm việc song phương, đã đề nghị phía Trung Quốc “sớm đưa Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) vào vận hành thí điểm”, bên cạnh việc ‘đẩy nhanh’ triển khai một số dự án hợp tác giữa hai nước; ‘phối hợp’ quản lý tốt biên giới trên đất liền, đẩy nhanh tiến độ mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu đã thống nhất, theo báo ‘Thế Giới & Việt Nam’ thuộc Bộ Ngoại giao từ Hà Nội. (*)

 

Từ Marseille, nhà quan sát và nghiên cứu độc lập Trương Nhân Tuấn nêu bình luận trên quan điểm riêng của ông với RFA Tiếng Việt về diễn biến này:

 

“Việt Nam phải đề nghị hợp tác với Trung Quốc về kinh tế để khai thác du lịch ở thác Bản Giốc, theo tôi thấy đây là thêm một bước nhượng bộ của nhà cầm quyền Việt Nam trước những yêu sách của Trung Quốc... Trung Quốc muốn Việt Nam đồng thuận với họ để khai thác khu vực thác Bản Giốc, nhìn trước mắt, phía Việt Nam cũng có lợi, Việt Nam cũng có thể khai thác được kinh tế, khách du lịch nước ngoài cũng có thể đi lên thác Bản Giốc để tham quan, thí dụ vậy, nhưng phải đào sâu vào kết ước có thể có giữa Việt Nam và Trung Quốc để xem Việt Nam được gì.”

 

Theo ông Trương Nhân Tuấn, Việt Nam đã chịu thiệt thòi khi chính quyền Việt Nam để cho quá nửa khu vực Thác Bản Giốc này ‘rơi vào tay’ Trung Quốc, và hiện nay trong khu thác ‘với ba tầng’, thì phần ‘đẹp nhất, có ‘tiềm năng’ nhất về kinh tế và du lịch cảnh quan đã nằm trong tay Trung Quốc. Ông nói tiếp:

 

“Việt Nam cần phải thận trọng, khi Trung Quốc đòi hỏi Việt Nam một chuyện gì đó, mình phải suy nghĩ sâu xa xem Việt Nam có bị thiệt hại hay là có tiềm năng bị thiệt hại một vấn đề gì đó.”

 

Nhìn lại lịch sử chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam liên quan khu vực Thác Bản Giốc, nhà nghiên cứu từ Pháp nói:

 

“Năm 1979, Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam ở một số cao điểm trên đường biên giới, trong đó bao gồm Thác Bản Giốc; sau khi hai bên ký kết Hiệp định Biên giới, Việt Nam bắt buộc phải nhượng cho Trung Quốc ở những nơi vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đã chiếm được.”

 

Về việc được cho là ‘nhượng đất’ ở khu vực Thác Bản Giốc của Việt Nam cho Trung Quốc, ông Trương Nhân Tuấn nói thêm:

 

“Tôi thấy Trung Quốc được phần nhiều, Trung Quốc chiếm phần lớn Thác Bản Giốc, có thể gọi thác đó có ba tầng, chiều cao khoảng 50 mét, có chia nhiều phần khác nhau và phần thác đẹp nhất nay lại thuộc về Trung Quốc. Người dân Việt Nam phản đối, lý do là một cái thác đẹp như vậy cũng là một thắng cảnh quốc gia, nhưng cũng là một tài nguyên về kinh tế, nếu khai thác một cách đúng đắn, khu vực Thác Bản Giốc đó có thể đem lại cho tỉnh Cao Bằng một nguồn kinh tế đáng kể. Nhưng phần đẹp nhất của thác từ năm 2000 đã thuộc về Trung Quốc.”

 

Vẫn theo ông Trương Nhân Tuấn, khu vực Thác Bản Giốc ngày nay được Trung Quốc quảng cáo rất mạnh mẽ và được đặt tên là khu Đức Thiên Bộc Bố, trên phần thác ‘thuộc bên Trung Quốc’ nay đã được khai thác một cách rất bài bản, Trung Quốc xây dựng hạ tầng cơ sở, khách sạn, du lịch quy mô, hiện đại, với khách du lịch bên phía Trung Quốc đi tham quan tới địa điểm này đông đảo.

 

Theo ông Trương Nhân Tuấn, việc ngoại trưởng Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn, thông qua ông Vương Nghị, tại cuộc hội kiến tại Indonesia hôm 13/7/2023 ‘đề nghị phía Trung Quốc sớm đưa Khu cảnh quan thác Bản Giốc-Đức Thiên vào vận hành thí điểm’ là một hành động có thể gây ra thêm tình trạng mà ông gọi là ‘ván đã đóng thuyền’. Việc này, theo nhà nghiên cứu có thể hiểu thêm là sự củng cố thêm việc khẳng định rằng khu Thác Bản Giốc vốn từ xa xưa thuộc Việt Nam, nay đã ‘thuộc về Trung Quốc’, đây là điều mà ông Tuấn cho rằng trừ phi trong tương lai hai nhà nước có thỏa thuận khác đi, phân định gây ‘mất đất đai’ này khó có thể thay đổi dưới thời chính quyền CHXHCN Việt Nam.

 

 

‘Rút kinh nghiệm Bản Giốc, không thể khai thác chung với Trung Quốc’

 

Nhà nghiên cứu độc lập về lịch sử chủ quyền biên giới lãnh thổ Việt Nam và quan hệ biên giới, lãnh thổ Việt Nam   – Trung Quốc, Trương Nhân Tuấn, nhân dịp này chia sẻ trên quan điểm cá nhân với Đài Á Châu Tự Do rằng Việt Nam nên rút kinh nghiệm câu chuyện Thác Bản Giốc, để không thể ‘khai thác chung’ với Trung Quốc ở những khu vực biên giới, lãnh thổ, hải đảo mà Trung Quốc có yêu sách và tham vọng về từng bước thay đổi hiện trạng chủ quyền lãnh thổ hay biển đảo của Việt Nam, đặc biệt trên Biển Đông và ông nhấn mạnh:

 

“Điểm nhấn của tôi bây giờ là đừng có đi lại con đường của Thác Bản Giốc ở Bãi Tư Chính, Việt Nam không thể nào khai thác chung với Trung Quốc ở Bãi Tư Chính được. Theo tôi biết, khoảng từ bốn – năm năm nay, Việt Nam đã đưa ra một số chỉ dấu có ý nghĩa như là định hướng dư luận rằng Việt Nam và Trung Quốc ‘sẽ khai thác chung’ ở vùng Tư Chính. Theo tôi nghĩ, vùng Tư Chính đó quan trọng hơn cả về vấn đề kinh tế, chiến lược lẫn chủ quyền. Cho nên, nên chú trọng ở vùng Tư Chính và nên cảnh giác rằng Việt Nam không nên khai thác chung với Trung Quốc ở vùng đó.”

 

Ông Trương Nhân Tuấn nhân dịp này đề cập và khẳng định rằng dưới thời của chính quyền Việt Nam do ĐCSVN lãnh đạo hiện nay, cho đến nay, Việt Nam đã chịu nhiều mất mát và thiệt thòi về đất đai và lãnh thổ, thua thiệt về chủ quyền quốc gia trước Trung Quốc.

 

Ông liệt kê một số địa điểm như Ải Nam Quan, mà nay theo ông đã lùi sâu ít nhất 300 mét về phía trong lãnh thổ của Việt Nam, so với mốc giới cũ biên giới giữa hai nước từ xa xưa, trong khi tại Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, Việt Nam đã ‘để mất’ về tay Trung Quốc nhiều điểm cao ‘có tính chiến lược và quân sự’ như ở khu vực Núi Đất, Lão Sơn, mà từ đó Trung Quốc có thể ‘kiểm soát, chế ngự’ về mặt an ninh, quân sự, do thám với không chỉ Hà Giang mà cả tỉnh Cao Bằng. Ông cũng cho rằng trong phân định Vịnh Bắc Bộ, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã ‘nhượng bộ’ và ‘để mất’ nhiều địa điểm có tính chất quan trọng, chiến lược về mặt an ninh, kinh tế, quốc phòng.

 

Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn đánh giá:

 

“Nếu chúng ta so sánh hai hiệp ước năm 1887 (và hiệp định phân định biên giới Việt – Trung gần đây), người ta nói giữa Pháp và nhà Thanh không có phân định trong Vịnh Bắc Bộ; đường kinh tuyến 105 độ…, nếu nhìn nhận đó là đường biên giới, thì Việt Nam bị mất khoảng 11.000 cây số vuông trên biển và tất cả những vùng có tiềm năng kinh tế của Việt Nam, mà vốn tất cả đều thuộc về Việt Nam, thì hai bên lại đồng ý phân định lại.”

 

 

Có chuyện ‘nhượng đất, nhượng biển’ của Việt Nam cho Trung Quốc không?

 

Theo quan sát của ông Trương Nhân Tuấn, có một hiện tượng chung xảy ra trên đường biên giới Việt – Trung sau phân định biên giới giữa chính quyền cộng sản Việt Nam và chính quyền Trung Quốc là rất nhiều địa điểm trên đường này bị di dời, lùi ‘ngược sâu’ vào trong đường biên giới cũ trước kia của Việt Nam, ông lấy ví dụ có cả một địa điểm mà ông nhắc tên là Thủy Khẩu đã bị ‘rời ngược’ vào sâu trong biên giới cũ của Việt Nam đến một, hai trăm mét và ngay sau đó Trung Quốc đã cho ‘xây cất các công trình cửa khẩu, thông thương kiên số và quy mô’ trên các đất mới mà họ đã ‘lấn được’ vào đất của Việt Nam, sau các ‘kết ước’, thỏa thuận giữa hai bên. Ông Trương Nhân Tuấn nói:

 

“Từ tất cả những cửa ải, Việt Nam đều bị thiệt hại, tất cả không ngoại lệ, tôi có thể kể ra như Nam Quan, Bình Nhi, Thủy Khẩu v.v… cửa ải ở Lào Cai, tôi không nhớ hết, nhưng tất cả những cửa ải lớn ở Việt Nam, thêm cả Ải Chí Mã nữa, đều bị mất về phía Trung Quốc hết. Đó là những điểm cực kỳ phi lý.”

 

Nhà nghiên cứu độc lập nói rằng đã có một số ý kiến trong công luận và giới quan sát Việt Nam cho rằng đã có hiện tượng được gọi là ‘nhượng đất, nhượng biển’ của Việt Nam cho Trung Quốc dưới thời cầm quyền của nhà nước Cộng sản Việt Nam, nêu quan điểm riêng của mình về vấn đề này, ông Trương Nhân Tuấn nói:

 

“Nhượng đất và nhượng biển theo tôi nghĩ là có. Nhượng đất rải rác ở mọi điểm trên đường biên giới, nhượng đất có ở những vùng có giá trị cao về kinh tế, lẫn an ninh, chiến lược. Nhượng biển cũng có.  Việt Nam khi ký hiệp định phân định lại Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, đường phân định đó không theo bất kỳ một quy tắc, tiêu chuẩn nào của quốc tế hết cả, và theo tôi Việt Nam đã có những nhượng bộ một cách phi lý, hoàn toàn phi lý và việc này đem lại thiệt hại cho Việt Nam.

 

Nếu dựa trên nền tảng của Hiệp ước Pháp – Thanh, Việt Nam thiệt hại khoảng 11.000 cây số vuông, nếu dựa trên sự phân định theo đường trung tuyến, theo quy định của quốc tế, Việt Nam cũng bị thiệt hại tương tự như vậy, cũng khoảng trên 10.000 cây số vuông. Và nếu phân định theo đường trung tuyến có điều chỉnh, phần chênh lệch sẽ chia làm hai, thì Việt Nam bị mất khoảng từ 4.000 đến 5.000 cây số vuông trong Vịnh Bắc Việt.”

 

Hướng về tương lai, nhà nghiên cứu độc lập từ Marseille nói với RFA Tiếng Việt:

 

“Và chuyện tương lai mà mình (Việt Nam) cần phải cảnh tỉnh, để ở quần đảo Hoàng Sa có một lối đối xử (hợp lý) như thế nào, quần đảo này bây giờ Trung Quốc đã nắm hết. Với quần đảo Hoàng Sa, phải đi bằng một phương cách thận trọng, tức là giải quyết từng điểm một.  Trong đó, nóng nhất và dễ nhất là giải quyết vấn đề vùng đánh cá giữa hai quốc gia, vì vùng Hoàng Sa là vùng đánh cá truyền thống của ngư dân Việt Nam, cho nên phần  đó đi từng bước một, từ vùng phân định biển đánh cá, rồi đi đến thềm lục địa và vấn đề chủ quyền lãnh thổ tạm gác lại... Cuối cùng là vấn đề Bãi Tư Chính, về vấn đề khai thác chung ở vùng biển Trường Sa, theo tôi nghĩ, Việt Nam phải trả lời là ‘không’, bởi vì Trung Quốc không có bất cứ một lý do, một nền tảng pháp lý nào để yêu sách vấn đề đó,” ông Trương Nhân Tuấn nêu quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do từ Marseille, Pháp hôm 14/7/2023.

 

------------------------------

Ông Trương Nhân Tuấn là nhà nghiên cứu độc lập về lịch sử chủ quyền Việt Nam và an ninh trên Biển Đông và là tác giả của cuốn sách “Biên giới Việt Trung 1885-2000: Lịch sử thành hình và những tranh chấp”.

 

VIDEO :

 Nhìn toàn cảnh 40 năm Chiến tranh biên giới Việt-Trung

 

------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

·        Nỗi đau 17/2/1979 bị báo chí Nhà nước “lãng quên”?

·        Cuộc chiến Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979 vẫn chưa được truyền dạy đầy đủ!

·        Việt Nam thuộc gì từ bài học đắt giá 'cuộc chiến biên giới 1979'?

·        Băn khoăn về quy hoạch Du lịch Thác Bản Giốc

·        Tưởng niệm, vinh danh các chiến sĩ trong cuộc chiến biên giới phía Bắc

 

 








 

No comments: