Có
thực giáo dục Việt Nam đáng xếp trong nhóm hàng đầu thế giới?
Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
04-07-2023
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn_education_top_the_economist-07042023082636.html
Nhiều nghiên cứu và đánh giá của một số
chuyên gia nước ngoài về giáo dục Việt Nam tỏ ra ‘phiến diện’. Muốn đánh giá
toàn diện một nền giáo dục tốt hay không, phải xem người dân được hưởng thụ nền
giáo dục đó như thế nào và nếu giáo dục Việt Nam tốt và hàng đầu thế giới thì
sao nhiều người Việt Nam lại gửi con ra nước ngoài học phổ thông.
Những
vụ tai tiếng trong giáo dục Việt Nam năm 2020. (RFA edited)
Nhà nghiên cứu giáo dục PGS. TS. Mạc Văn Trang, nguyên
chuyên viên cao cấp của Viện Khoa học Giáo dục, thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo của
Việt Nam, vào ngày 4/7/2023 từ Sài Gòn nêu quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự
Do như vừa nêu; nhân một bài báo mới đây trên tờ The Economist từ Anh quốc đặt
vấn đề cho rằng mặc dù thu nhập quốc dân (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam
hiện chỉ ở mức 3.760 USD, thấp hơn so với các nước láng giềng ở Đông Nam Á như
Malaysia và Thái Lan, trẻ em Việt Nam “được học tại một trong những hệ thống
giáo dục tốt nhất thế giới.”
Bài báo có tựa đề “Tại sao các trường học của Việt Nam tốt đến như vậy?”
(*) của tác giả, PGS. TS. Abhijeet Singh, nhà kinh tế học phát triển thuộc trường
Kinh tế Stockholm, Thụy Điển, đăng hôm 29/6/2023 trên The Economist, chuyên mục
châu Á, dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới, cho rằng xét về tổng điểm học tập,
sinh viên Việt Nam không chỉ ‘vượt trội’ so với các bạn ở Malaysia và Thái Lan
mà còn ‘vượt trội’ so với sinh viên Anh và Canada, những quốc gia giàu hơn gấp
sáu lần.
Vẫn tác giả bài báo, Abhijeet Singh cho rằng hơn nữa, ở Việt Nam, điểm số
của học sinh ‘không phản ánh quy mô’ của ‘bất bình đẳng’ giới và vùng miền, một
vấn đề rất phổ biến ở các quốc gia khác, và về đại lược thì mô hình giáo dục
‘thành công’ của Việt Nam nhờ ba nhân tố là có giáo viên giỏi, tài trợ cho hệ
thống trường học, và sự quan tâm giáo dục nói chung.
Ảnh minh họa: Sinh viên dự lễ tốt nghiệp đại học Văn
Miếu, Hà Nội hôm 18/11/2014. AFP
‘Động
lực hay áp lực lên học sinh từ cha mẹ, gia đình?’
Hôm 04/7/2023, từ Sài Gòn, PGS. TS. Mạc Văn Trang, nguyên chuyên viên cao
cấp của Viện Khoa học Giáo dục, thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam, đưa
ra bình luận của ông với RFA Tiếng Việt về các nhận định, đánh giá được đưa ra
trong bài báo của tác giả Abhijeet Singh, mà vốn được công bố từ cuối tháng trước,
nhưng được hàng loạt báo chính thống của nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin rầm
rộ vào nhiều ngày liền trong thượng tuần tháng Bảy này.
“Nhận xét thứ nhất của tôi là chỉ số IQ của học sinh Việt Nam cũng vào loại
khá so sánh với thế giới.
Cái này Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tiến hành trắc nghiệm và khẳng
định cách đây vài chục năm. Nay tôi không nhớ chính xác, nhưng chỉ số IQ của học
sinh Việt Nam vào loại khá.
Thứ nhì, người Việt rất coi trọng sự học và thúc ép con em phải học tốt.
Không chỉ người Việt ở trong nước mà hầu hết cộng đồng người Việt nhập cư vào
các nước thì trẻ em Việt Nam đều có kết quả học tập ở top đầu.
Ở Đức đã có nghiên cứu và đánh giá học sinh gốc Việt có kết quả học tốt nhất
so với các nhóm nhập cư khác. Thậm chí ở một số địa phương các em còn học tốt
hơn học sinh gốc Đức bản địa.
Và họ đã rút ra kết luận cha mẹ các học sinh quản lý việc học, thúc ép học
sinh phải học tốt đó là động lực để các em cố gắng có kết quả học tập hơn các bạn
khác.”
‘Học
sinh Việt Nam dành thời gian cho học, học thêm quá nhiều’
Còn nhìn vào giáo dục của Việt Nam ở trong nước, PGS.
TS. Mạc Văn Trang, nhà giáo dục học và chuyên gia tâm lý học giáo dục,
nói tiếp với Đài Á Châu Tự Do:
“Còn ở trong nước, điều thứ ba tôi muốn nói là việc
cha mẹ học sinh thúc ép con mình học tập có thành tích cao càng ráo riết hơn.
Không chỉ học theo chính khóa mà còn học thêm rất
nhiều.
Nếu so sánh thời gian học tập và vui chơi giải trí của
học sinh Việt Nam với học sinh các nước sẽ thấy học sinh Việt Nam dành cho thời
gian học quá nhiều.”
Về việc đánh giá của quốc tế về giáo dục Việt Nam nói chung và kết quả học
tập của học sinh Việt Nam nói riêng, ông Mạc Văn Trang nhận
xét:
“Theo tôi, việc đánh giá quốc tế về kết quả học tập
họ chủ yếu dựa trên một số đo đạc về kiến thức cơ bản trong chương trình về
khoa học tự nhiên.
Cái này học sinh Việt Nam rất thuộc, rất khá. Thí dụ
đánh giá theo chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), thì học sinh Việt
Nam rất khá.
Đi thi Olympics toán, lý, hóa, sinh v.v…, học sinh
Việt Nam đều được chọn từ các trường chuyên, được các thầy giỏi luyện và có quyết
tâm rất cao nên kết quả cũng khá.
Thế nhưng theo tôi nếu đánh giá toàn diện một nền
giáo dục tốt hay không thì phải xem người dân được hưởng thụ nền giáo dục đó
như thế nào.
Ở Việt Nam trẻ em đi học quá tốn kém và vất vả, bố mẹ
đầu tư cho con học chiếm phần lớn ngân sách gia đình tầng lớp bình dân.
Ngoài ra, đánh giá về sự phát triển toàn diện của trẻ
em cần chú ý nhất là về phát triển nhân cách.”
Một lớp học tại Việt Nam
‘Nếu
đứng hàng đầu thế giới, sao phải gửi con em ra nước ngoài học từ sớm?’
Riêng về giáo dục bậc cao, sau phổ thông ở Việt Nam, ông Mạc Văng Trang
nhân dịp này đặt ra một vài câu hỏi để các giới quan tâm tới giáo dục Việt Nam,
và nghiên cứu, đánh giá, xếp hạng giáo dục ở trong và ngoài nước thử tham khảo
và tìm câu trả lời:
“Còn về giáo dục đại học Việt Nam, xin hỏi có mấy
Trường được xếp vào những trường tốt trên thế giới; văn bằng cử nhân, thạc sĩ,
tiến sĩ của Việt Nam có được các nước công nhận không?
Rồi Việt Nam có bao nhiêu bằng phát minh sáng chế
trong một năm so với các nước?
Các trường đại học Việt Nam có những nghiên cứu gì
đóng góp cho tiến bộ nhân loại?”
Và để khép lại ý kiến vừa có thể được coi là nhận xét, gợi ý, vừa là bình
luận về thông tin và đánh giá với bài báo trên The Economist của Anh bởi tác giả
Abhijeet Singh, nhà kinh tế học phát triển thuộc trường Kinh tế Stockholm, Thụy
Điển mới đăng hôm 29/6 mà nay được báo chí chính thống Việt Nam trích nội dung
và đăng tải rầm rộ trong tuần đầu tháng Bảy, PGS. TS. Mạc Văn Trang
nêu tiếp quan điểm của mình:
“Nếu giáo dục Việt Nam tốt và hàng đầu thế giới thì
xin hỏi sao nhiều người Việt Nam lại gửi con ra nước ngoài học từ phổ thông với
biết bao tốn kém và rủi ro?
Tóm lại, theo tôi những nghiên cứu và đánh giá của một
số chuyên gia nước ngoài về giáo dục Việt Nam chỉ nhìn phiến diện ở lĩnh vực kiến
thức phổ thông mà cũng chủ yếu ở lĩnh vực khoa học tự nhiên mà thôi,” nhà nghiên cứu chuyên về giáo dục từ Sài Gòn nêu nhận định riêng với Đài
Á Châu Tự Do hôm 04/7 từ Sài Gòn.
Tham khảo: (*) https://www.economist.com/asia/2023/06/29/why-are-vietnams-schools-so-good
No comments:
Post a Comment