Sunday, July 9, 2023

CÓ MỘT CUỘC CHIẾN KHÁC QUYẾT ĐỊNH CUỘC CHIẾN NGOÀI CHIẾN TRƯỜNG (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



Có một cuộc chiến khác quyết định cuộc chiến ngoài chiến trường

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
7 tháng 7, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/co-mot-cuoc-chien-khac-quyet-dinh-cuoc-chien-ngoai-chien-truong/

 

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới, Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo NATO sẽ tập trung vào việc xây dựng lại quân đội và nguồn cung cấp vũ khí. Đằng sau những chiến tuyến chết chóc là một trận chiến sinh tử ít được chú ý đang diễn ra khốc liệt để giữ cho quân đội không bị gián đoạn nguồn cung vũ khí, đạn dược. Bên thua cuộc chiến này sẽ thua ngoài chiến trường.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/GettyImages-1320354789.jpg

Với nhiều chuyên gia, quân đội Mỹ nói riêng và NATO nói chung cần phải đầu tư mạnh hơn vào hệ thống sản xuất và cung cấp vũ khí (ảnh: John Moore/Getty Images)

 

Đổi mới trên tinh thần Mỹ không còn chiếm ưu thế tuyệt đối về công nghệ

 

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã bộc lộ những thiếu sót lớn về năng lực và tổ chức công nghiệp quốc phòng của phương Tây. Hoa Kỳ và các đồng minh chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài ở Thái Bình Dương và sẽ phải vất vả hơn nữa cho cuộc xung đột kéo dài ở châu Âu. Như Đô đốc Rob Bauer, sĩ quan quân sự hàng đầu tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từng nhận định: “Mỗi cuộc chiến, chỉ cần kéo dài quá một tuần là hậu cần và tiếp liệu sẽ giữ vai trò quyết định”.

 

Nếu Mỹ đụng độ trực diện với Nga hoặc Trung Quốc, kho vũ khí chính xác sẽ được sử dụng hết trong vài giờ hoặc vài ngày. Các nguồn cung cấp quan trọng khác cũng cạn kiệt nhanh. Nhiều chính phủ phương Tây bắt đầu phản ứng trước nguy cơ này. Hoa Kỳ đang tăng cường sản xuất vũ khí sau nhiều thập niên tập trung vào chống khủng bố và bảo đảm an ninh nội địa. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết theo đuổi một “nền kinh tế chiến tranh”. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng rũ bỏ sự xem nhẹ lâu nay của Berlin với chi tiêu quân sự. Sự xoay chuyển này mang âm hưởng của thế kỷ trước, khi Mỹ liên tục dùng lợi thế kinh tế và công nghiệp để chiến thắng cũng như răn đe kẻ thù.

 

Năm 1917, Tổng thống Woodrow Wilson quốc hữu hóa các tuyến đường sắt, và năm 1942, Detroit chuyển từ sản xuất xe hơi sang sản xuất xe tăng và máy bay ném bom. Chiến tranh Lạnh đã sinh ra tổ hợp công nghiệp-quân sự gắn bó như môi với răng. Nhưng tổ hợp này yếu dần vì lý do rằng các mối đe doạ đã qua và tiền cần dùng vào những việc khác cấp bách hơn. Nay, để đối phó với những kẻ thù mới, Washington và các đồng minh cần phải có cách tiếp cận mới: Nghiên cứu phát triển, sản xuất, mua và bảo đảm các nguồn cung cấp quân sự không bị đứt gãy.

 

“Công nghiệp quốc phòng mạnh đã giúp nước Mỹ sau Đại chiến Thế giới lần thứ hai và giúp chúng ta thắng cuộc Chiến tranh Lạnh nay vẫn phải là nền tảng giúp chúng ta thắng Trung Quốc” – nhận định của Joseph Votel, Đại tướng nghỉ hưu, từng lãnh đạo Bộ Tư lệnh các chiến dịch Đặc biệt (Special Operations Command) và hiện đứng đầu Business Executives for National Security (một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1982 với mục đích đưa công nghiệp quân sự tư nhân đến Ngũ Giác Đài).

 

Năm 2014, sau khi Nga chiếm Crimea từ Ukraine và xúi giục nổi dậy ở miền Đông nước này, các thành viên NATO cam kết chi ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng vào năm 2024. Nhưng chỉ có Hoa Kỳ và một số ít thành viên làm được điều đó cho đến nay. Dự báo, khoảng một nửa trong 31 thành viên NATO có thể đạt 2% vào năm tới. Khi các lãnh đạo NATO gặp nhau tại Litva vào tuần tới cho hội nghị thượng đỉnh hàng năm, họ hy vọng sẽ đồng thuận 2% GDP là mức chi tiêu tối thiểu.

 

Với một số nhà phân tích, Hoa Kỳ không còn sở hữu công nghệ tiên tiến một cách tuyệt đối sau những thành công như internet và GPS. “Quốc gia chúng ta dẫn đầu nhiều công nghệ mới nổi liên quan quốc phòng và an ninh, từ trí tuệ nhân tạo và năng lượng định hướng đến công nghệ thông tin lượng tử và hơn thế nữa” – một hội đồng gồm các cựu quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng (DoD) nhận định trong báo cáo gần đây gửi đến cơ quan cố vấn Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) của Washington – “Nhưng DoD thường gặp khó khăn trong việc xác định, áp dụng, tích hợp và đưa những công nghệ này vào các ứng dụng quân sự”. Ủy ban, do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đứng đầu đã đưa ra 10 khuyến nghị, từ việc khuyến khích các công ty công nghệ tư nhân hợp tác kinh doanh với Ngũ Giác Đài đến hiện đại hóa ngân sách.

 

 

Tận dụng vốn của khu vực tư nhân

 

Tài trợ quốc phòng ngoài ngân sách sẽ phá vỡ truyền thống, nhưng những người ủng hộ nói rằng, các bộ phận khác của chính phủ cũng từng làm như thế. Cụ thể, Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp đã tận dụng thị trường vốn để có tiền tài trợ cho các dự án quan trọng, từ vi mạch đến phân bón. Tháng Mười Hai qua, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã thực hiện một bước đi theo hướng đó, khi ra mắt Văn phòng Vốn Chiến lược (Office of Strategic Capital-OSC), một vườn ươm công nghệ nội bộ được giao quyền hợp tác với các nhà tài chính tư nhân, Wall Street Journal cho biết.

 

Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (Defense Advanced Research Projects Agency-DARPA) của Ngũ Giác Đài đạt được vị thế huyền thoại hiện nay cũng nhờ hỗ trợ cho sự trỗi dậy của Silicon Valley. Mục đích của OSC là giúp các công ty khởi nghiệp phát triển, hợp tác với Ngũ Giác Đài, đồng thời nuôi dưỡng các công nghệ mới có triển vọng dùng trong quốc phòng.

 

Trong quá khứ, những tập đoàn quốc phòng khổng lồ từng khai thác chuỗi cung ứng mở rộng với hàng ngàn nhà máy cung cấp các thành phần cơ bản. Hợp nhất các ngành, toàn cầu hóa và thu hẹp nhu cầu sau Chiến tranh Lạnh đã làm xói mòn hệ thống đó. Ngày nay, các nhà thầu phụ có nhiều khả năng trở thành những nhà phát triển phần mềm độc lập nhưng họ cũng phải đối mặt với những vấn đề đau đầu tương tự với các nguyên tắc cơ bản trong tài trợ cho nghiên cứu và phát triển.

 

Sự linh hoạt công-tư ngày càng quan trọng trong sản xuất. Ví dụ F-35, máy bay chiến đấu phản lực mới nhất của Mỹ. Stacie Pettyjohn, Giám đốc chương trình quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (New American Security), cho biết phần lớn vẫn được chế tạo thủ công tại một nhà máy ở Texas, nơi mỗi chiếc máy bay đi dọc theo dây chuyền lắp ráp từ trạm sản xuất này sang trạm sản xuất khác. Ông nhấn mạnh: “Thế hệ vũ khí tiếp theo của Ngũ Giác Đài sẽ cần dựa vào những tiến bộ trong công nghệ sản xuất của các ngành thương mại, từ in 3D đến tự động hóa nhà máy. Các hệ thống sản xuất mới cho các hệ thống phòng thủ mới sẽ rất quan trọng” – ông nói.

 

___________

 

Blog quốc phòng





No comments: