Campuchia: Hun Sen dọa cấm Facebook sau khi bị Meta đề nghị đình chỉ 6
tháng
Joel Guinto
BBC News
1 tháng 7 2023, 11:53 +07
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cm58g40em82o
Thủ tướng
Hun Sen đã xoá Facebook và đe dọa sẽ chặn nền tảng này tại Campuchia sau khi
tài khoản của ông bị ban giám sát của Meta đề nghị đình chỉ trong sáu tháng.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/d19c/live/79fe0fb0-17ca-11ee-8215-4952d29d4789.jpg
Thủ tướng Campuchia Hun Sen chụp ảnh với một người ủng hộ ở Phnom Penh
vào ngày 19/6/2023
Trong một video có 600.000 lượt xem, Hun Sen đã kêu
gọi bạo lực chống lại các đối thủ chính trị của mình hồi tháng 1/2023.
Động thái của nhà lãnh đạo Campuchia diễn ra vài ngày trước khi ông khởi
động chiến dịch tái tranh cử để kéo dài 38 năm cầm quyền của mình.
Hun Sen là một người sử dụng Facebook thường xuyên và trang của ông có 14
triệu người theo dõi.
Sau khi xoá Facebook hôm 29/6, ông Hun Sen cũng đe dọa sẽ chặn Facebook ở
nước này.
Hun Sen đưa
quân tới biên giới Việt Nam, treo thưởng bắn hạ drone
Campuchia:
Kiến nghị điều tra Facebook của Hun Sen
Trung Quốc
và Campuchia khẳng định quan hệ 'sắt son', Việt Nam sẽ chịu áp lực?
Nói chuyện với các công nhân may mặc ở tỉnh Pursat hôm 30/6, ông cảnh báo
rằng ông có thể chặn Facebook bất cứ lúc nào "trong một thời gian ngắn hoặc
mãi mãi" để ngăn các chính trị gia đối lập lưu vong liên hệ với công dân của
đất nước này.
"Đừng kiêu ngạo, các người đang ở nước ngoài, các người đang sử dụng
Facebook để liên lạc, chúng tôi có thể chặn Facebook", ông đe dọa trong
các bình luận nhắm vào đối thủ.
Hun Sen kêu gọi người Campuchia chuyển sang các nền tảng truyền thông xã
hội khác mà ông đã chuyển sang, bao gồm Telegram và TikTok.
Trước khi ngưng sử dụng Facebook, ông Hun Sen đã xây dựng được khoảng
800.000 người theo dõi trên Telegram, một kênh thường được sử dụng trong chính
trị Campuchia.
Những người chỉ trích cho rằng phạm vi tiếp cận rộng rãi trên mạng xã hội
của nhà lãnh đạo 69 tuổi một phần là nhờ bot (tức các chương trình tự động hóa)
hoặc tài khoản giả mạo.
Ban giám sát của Meta, công ty mẹ của Facebook, hôm 29/6 đã đề nghị đình
chỉ tài khoản của Thủ tướng Hun Sen trong sáu tháng vì một video trước đó, được
đăng vào tháng Một. Động thái này đảo ngược quyết định trước đó của Facebook về
việc giữ lại video trên nền tảng, với lý do "đáng tin cậy".
"Với mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, lịch
sử vi phạm nhân quyền và đe dọa các đối thủ chính trị của ông Hun Sen, cũng như
việc sử dụng các kênh truyền thông xã hội để khuếch đại các mối đe dọa đó,
chúng tôi kêu gọi Meta đình chỉ ngay lập tức tài khoản Facebook và Instagram của
ông Hun Sen trong sáu tháng," ban
giám sát cho biết trong một tuyên bố.
Trong đoạn video, ông Hun Sen đe dọa các nhà lãnh đạo đối lập cáo buộc đảng
của ông ăn cắp phiếu bầu trong cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng Bảy này.
"Hoặc là các người phải đối mặt với pháp lý tại
tòa án, hoặc tôi tập hợp những người [Đảng Nhân dân Campuchia] biểu tình và
đánh các người," ông nói.
Ngay sau khi quyết định của ban giám sát được công bố, Thủ tướng Hun Sen
cho biết ông đã yêu cầu một trợ lý xóa tài khoản Facebook của mình.
Ông Hun Sen đã giữ chức Thủ tướng Campuchia trong hơn 38 năm và là một
trong những nhà lãnh đạo chính trị tại vị lâu nhất trên thế giới. Quá trình hoạt
động của ông thường xuyên gặp phải những cáo buộc vi phạm nhân quyền, và ông
cũng bị cáo buộc đã tiêu diệt tất cả các phe đối lập chính trị trước cuộc bỏ
phiếu vào tháng Bảy.
Tháng 5/2023, cơ quan bầu cử của Campuchia đã loại bỏ đối thủ đáng gờm
duy nhất của ông, Đảng Ánh nến, với lý do thiếu giấy tờ thích hợp.
Và trước đó vào tháng 3, lãnh đạo phe đối lập Kem Sokha đã bị kết án 27
năm quản thúc tại gia vì tội phản quốc, một cáo buộc mà ông này bác bỏ.
Sebastian Strangio, tác giả của cuốn sách "Hun Sen's Campuchia"
(Campuchia của Hun Sen), nói rằng việc Hun Sen ngưng sử dụng Facebook là cách
ông hành động trước việc bị đình chỉ bởi ban giám sát của Meta.
Ông Strangio nói với hãng tin AFP rằng quyết định của
Hun Sen khi chuyển sang TikTok và Telegram cũng phản ánh chính sách đối ngoại rộng
lớn hơn của Campuchia xoay trục sang Trung Quốc và Nga.
Công ty mẹ của TikTok, ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh trong khi
Telegram được thành lập tại Nga, nơi ứng dụng này được dân chúng và thậm chí cả
Điện Kremlin sử dụng rộng rãi.
“Dựa trên hồ sơ theo dõi của họ, ít có khả năng hai nền tảng này sẽ hạn
chế ông Hun Sen sử dụng chúng khi ông ấy thấy phù hợp, kể cả như một phương tiện
để nhử mồi, chọc ghẹo và đe dọa đối thủ của ông ấy”, ông Strangio nói.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) mô tả việc Hun Sen
rời nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới là một "cuộc đối đầu giữa
Big Tech và một nhà độc tài về các vấn đề nhân quyền".
Phó Giám đốc Châu Á của HRW, ông Phil Robertson cho biết: “Rủi ro là rất
cao vì có rất nhiều tác hại trong đời thật diễn ra khi một nhà độc tài sử dụng
mạng xã hội để kích động bạo lực - mà chúng ta đã thấy quá nhiều lần ở
Campuchia”.
Lời đe dọa chặn Facebook của Hun Sen đã gây ra phản ứng ở Campuchia, nơi
mạng xã hội này được coi là nền tảng chính cho các hoạt động trực tuyến, từ các
cuộc thảo luận chính trị đến thương mại điện tử.
"Nếu Facebook bị chặn, quan hệ với phương Tây sẽ xấu đi. Các quan chức
tệ hại sẽ rất vui", một người dùng Facebook viết.
No comments:
Post a Comment