Thursday, July 6, 2023

BẠO LOẠN TẠI PHÁP, NGUYÊN NHÂN VÀ TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI? (Phạm Cao Phong / BBC News)

 



Bạo loạn tại Pháp, nguyên nhân và trách nhiệm thuộc về ai?

Phạm Cao Phong

Gửi bài tới BBC từ Paris, Pháp

5 tháng 7 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjk8kle4vlmo

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/6043/live/97542c80-1b25-11ee-87d1-5feb7aae5bea.jpg

Hoa được đặt tại địa điểm nói Nahel tử vong

 

Chuyến bay từ nước ngoài đưa tôi về sân bay Charles de Gaulle vào gần nửa đêm. Lúc đợi lấy hành lý tôi mới biết các phương tiện giao thông công cộng nối sân bay quốc tế Pháp với thủ đô Paris đều không hoạt động.

 

Các cuộc bạo động cực đoan xảy ra ngay tại Paris và các vùng ngoại ô dẫn đến việc chính quyền hủy các chuyến xe bus, tramway, xe lửa cao tốc RER ngay từ trước 21h đêm.

Nhìn lên bản đồ các nơi xảy ra bạo loạn các điểm đỏ mọc như nấm độc khắp mọi nơi, từ thành phố Strasbourg, Grenoble, Roubaix, Lille, đến Pau, Marseille, Lyon, Montpellier, Nice, Toulouse, Dijon… nơi nơi đều xuất hiện những tin xấu.

 

Nước Pháp còn chưa hạ nhiệt với những cuộc biểu tình chống lại cải cách hưu bổng của Tổng thống Macron làm tê liệt nền kinh tế, lại bị đẩy vào vòng xoáy bạo loạn đáng lo ngại trên diện rộng.

 

Nguy hiểm hơn, là có cả vụ việc leo đến đỉnh điểm của tội cố sát. Ngày 3/7 những kẻ bịt mặt dùng xe chứa chất cháy, đâm vào nhà riêng gia đình thị trưởng L’Hay-les-Roses (Val-de-Marne) lúc 1h30 sáng. Hành động đê tiện này nhắm vào một tổ ấm có hai em bé mới 5, 7 tuổi phạm vào khung tội hình sự nặng nhất, với âm mưu chủ đích giết người, tổ chức và lên kế hoạch có sự tham gia của nhiều cá nhân.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/df86/live/788db6f0-1b24-11ee-87d1-5feb7aae5bea.jpg

Lính cứu hỏa nỗ lực dập lửa chiếc xe đang bốc cháy tại Nanterre sau các cuộc biểu tình liên quan tới cái chết của Nahel

 

Tầm cỡ của các cuộc bạo loạn tại Pháp mấy ngày vượt quá cuộc bạo loạn chiếm Điện Capitol ngày 6/1/2011 tại Hoa Kỳ. So với điều tồi tệ xảy ra tại Washington D.C khi những người ủng hộ cựu Tổng thống Trump đã làm, qua theo các chuyên gia thẩm định mới chỉ là con tép bên cạnh con voi.

 

Nguyên nhân dẫn đến bạo loạn được cho là từ vụ việc Nahel Merzouk, 17 tuổi, người gốc Algeria, đã bị cảnh sát bắn chết do từ chối dừng xe khi kiểm tra giao thông hôm 27/6 tại Nanterre. Viên cảnh sát bắn Nahel, được xác định là Florian M., 38 tuổi, hiện vẫn bị tạm giam với cáo buộc giết người. Tổng thống Pháp Macron đã gọi vụ nổ súng là "sai lầm không thể bào chữa".

 

Tuần đầu của các cuộc bạo loạn đã có tới 3900 kẻ gây rối bị bắt. 700 cảnh sát và hiến binh bị thương, trong đó có hai cảnh sát trúng đạn tại Paris, một ở Nîmes, một lính cứu hỏa chết cháy khi dập lửa. Phía dân thường cũng có một nạn nhân chết do đạn lạc ở Cayenne (Guyane) vào ngày 29/6.

 

Năm đêm đầu tiên đã có hơn 5000 xe gồm xe ô tô cá nhân, xe bus công cộng, hai tàu tramways bị đốt cháy, tuyến xe điện T10 vừa hoàn thành mới đi vào ngày hoạt động đầu tiên đã bị thiêu rụi, các trạm xe bus bị đập phá,10.000 thùng rác công cộng làm mồi cho lửa. 1000 dinh thự công bị phóng hỏa và phá nát, trong đó có cả thư viện, trường học, tòa hành chính địa phương. 250 trụ sở cảnh sát và hiến binh bị tấn công bằng bom xăng, gạch đá, 200 siêu thị bị cướp phá, 300 chi nhánh ngân hàng bị tấn công, 250 điểm bán thuốc lá bị hôi của, trấn lột…

 

Thiệt hại tính ra bằng tiền vẫn còn quá sớm để đưa ra con số chính xác, nhưng tính sơ không dưới 200 triệu euro.

 

Hình : https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/f0d6/live/faa9aae0-1b24-11ee-87d1-5feb7aae5bea.jpg

 

Để so sánh mức độ căng thẳng qua con số, tôi nhắc lại là trong ba năm phong trào "Áo vàng-Gilets jaunes" đập phá vào các ngày cuối tuần, con số thiệt hại là 249 triệu euro, trong khi mới 5 ngày qua đã vọt lên con số 200 triệu!

 

Ba ngày cuối tuần, nước Pháp đã phải huy động con số kỷ lục 45.000 các nhân viên an ninh, cảnh sát để ngăn chặn làn sóng bạo động, đập phá, hôi của.

 

Bạo lực tại Pháp lan sang cả quốc gia láng giềng Thụy Sĩ, Bỉ. Ngày 2/7, tại thành phố Lausanne, các chai xăng cháy đã được sử dụng trong cuộc biểu tình vào đầu giờ sáng. Cảnh sát Thụy Sĩ cho biết, "hơn một trăm thanh niên đã tụ tập ở trung tâm Lausanne và phá hoại các cơ sở kinh doanh", lặp lại "các sự kiện và bạo loạn đang hoành hành ở Pháp".

 

Người biểu tình cũng đụng độ với cảnh sát ở thủ đô Brussels Bỉ hôm 29/6. Lực lượng an ninh sau đó đã bắt giữ 64 người. Những kẻ bạo loạn đã hô vang "công lý cho Nahel".

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9847/live/1cba37d0-1b25-11ee-87d1-5feb7aae5bea.jpg

Nahel, 17 tuổi, bị bắn sau khi từ chối dừng xe để kiểm tra giao thông

 

Điều gì đã và đang xảy ra?

 

Vậy điều gì đã và đang xảy ra tại Pháp, để Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc bày tỏ lo lắng về tình trạng bất ổn ở Pháp có nguồn cơn do "phân biệt chủng tộc của lực lượng cảnh sát trong việc thực thi pháp luật"?

 

Pháp đã tuyên bố phản đối ý kiến trên của Văn phòng Nhân quyền, cho đó là vô căn cứ.

Khách quan mà nói, tôi cho rằng Pháp là đất nước tử tế với người nhập cư. Người các sắc dân da đen, Arab theo Hồi giáo, người Do thái, người châu Á và các sắc dân không phải bản địa ở đây chẳng phải thốt ra câu "hãy để ngày ấy lụi tàn, ngày tôi sinh ra đời và cái đêm một con người được kết thành thai", như nhà văn Nam Phi Gerald Gordon với ‘Let the day perish’. Đội trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Pháp Kylian Mbappé có cha là người Cameroon, mẹ là người gốc Algeria.

 

Một trẻ chưa đến tuổi vị thành niên, đương nhiên chưa có bằng lái xe vì chưa đủ tuổi, sử dụng một chiếc xe Mercedes Classe A không dưới giá 40.000 euro, biển kiểm soát đăng ký tại Ba Lan, đang vi phạm luật giao thông với việc điều khiển xe trên làn đường dành cho xe bus, không tuân lệnh kiểm tra của cảnh sát, tử nạn vì cố chạy trốn thì trong mắt một người bình thường sẽ đánh giá như thế nào?

 

Phải chăng, chiếc xe chỉ là một món đồ chơi vô hại, có cán phải ai cũng chẳng thể gây chết người?

 

Tôi tự mâu thuẫn với bản thân vì không trả lời được câu hỏi nêu trên. Dù sao chăng nữa, cuộc sống là điều đáng quý, phải trân trọng. Một người mẹ mất con đó là nỗi buồn sâu thẳm, không bến bờ. Tìm ra đó thuộc về lỗi của ai cũng đã muộn. Đó là nỗi buồn chung của nước Pháp.

 

Tôi biết những khu Cité ở ngoại ô Paris và cuộc sống của các tầng lớp người nhập cư ở đây, thậm chí đã từng đến Cité Pablo Picasso của cậu bé Nahel khi tham gia một giải thi đấu bóng đá của khu vực 92 gồm, Levallois-Perret, Courbevoie, Puteaux, Nanterre… Cité được xây như những chiếc ống phóng tên lửa của hệ thống phòng không Nga S300, S400, có thể nhìn thấy từ xa với màu sắc sặc sỡ.

 

Nanterre được coi là khu Thế giới Đại học với 2.000 giáo viên-nhà nghiên cứu, 700 nhân viên hành chính, hơn 33.000 sinh viên trong 8 phân khoa và 5 học viện của trường Paris-Nanterre, cơ sở đào tạo đa ngành của Pháp, chuyên về kinh tế, khoa học xã hội, nhân văn, luật, văn học, tâm lý học và khoa học chính trị.

 

Tổng thống Emmanuel Macron cũng đã theo học khoa triết học tại Université Paris-Nanterre.

Maurice Allais, giải thưởng Nobel về kinh tế 1988, Brice Hortefeux, cựu bộ trưởng Nội Vụ, bà Christine Lagarde, hiện là chủ tịch Quỹ tiền tệ châu Âu, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (2011-2019)… đều là các cựu học viên của trường. Danh sách những người thành đạt xuất xứ từ Nanterre không thể kể hết.

 

Không xa Nanterre là khu La Defense, được coi là cánh cửa mở vào thế kỷ 21, với các công trình kiến trúc bắt mắt, hiện đại trong khu phức hợp rộng tới 35 triệu m2 nơi đặt trụ sở của hầu hết các hãng hàng đầu nước Pháp, tô điểm thêm với La Grande Arche de la Fraternité cao 110m khánh thành dưới thời Tổng thống François Mitterrand.

 

Mảnh đất Nanterre nói vậy không phải là chốn bị bỏ quên, nơi đèo heo hút gió. Vậy tại sao là đất lành với người này, đất dữ với kẻ kia?

 

Hệ thống giáo dục bắt buộc ở Pháp bắt đầu cho các em từ năm lên sáu đến năm 16 tuổi, nhằm tránh việc bóc lột các em chưa đến tuổi vị thành niên. Kết thúc phổ thông, các em có thể theo học các trường công lập hoàn toàn không tốn đồng nào. Cha mẹ chỉ phải trả những món tiền nhập học 300 euro tượng trưng, nếu xét thu nhập của phụ huynh dưới mức nghèo thì được miễn luôn. Các em được bữa ăn nóng vào buổi trưa, đủ chất, có hoa quả trong trường, nhà nghèo cũng chỉ phải trả 50 centimes, một con số tượng trưng chỉ đủ để mua nửa chiếc bánh mì.

 

Các em nhận được giáo dục công dân đầy đủ, được tham gia các khóa học về thể thao, bơi lội, học làm người tử tế. Con đường để thoát khỏi những Cité rộng mở cho bất cứ ai không thiết tha. Ở Pháp không có chế độ hộ khẩu và khai báo tạm trú.

 

Ở trường học, chỉ thiếu giáo viên dạy làm sao ở tuổi 17 mua được xe Mercedes màu vàng như trái chanh Menton, và đi ăn cách nhà 5 phút đi bộ cũng phải đi xe không cần bằng lái.

Tôi hiểu nỗi đau của người mẹ mất con. Nhưng tôi sẽ bất công với những người khác có thể là nạn nhân nếu Nahel phóng ẩu, gây tai nạn?

 

Phải chăng sự nhắm mắt của các bậc làm cha mẹ, thói nuông chiều con cái thái quá gây ra hậu quả của ngày hôm nay?

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/14e2/live/2a0669a0-1b24-11ee-87d1-5feb7aae5bea.jpg

Cảnh sát hiện diện dày đặc tại khu vực Champs-Elysee nổi tiếng của Paris đêm thứ Bảy

 

 

Các thế hệ đá cách xa thời thuộc địa

 

Chẳng cần đào bới quá khứ thuộc địa và dễ dàng quy tội cho chủ nghĩa thực dân. Hiện tại đang là thế hệ thứ ba cho những người Arab nhập cư đến từ vùng sa mạc Sahara như Algeria, Marocco, Tunisie. Những đứa trẻ tuổi từ 12-17 tuổi đã biết rõ ràng tương lai của chúng là ở nước Pháp, không như hai thế hệ trước.

 

Bộ mặt hung hãn của bạo lực không chỉ đến từ tầng lớp trẻ xuất thân từ các gia đình nhập cư.

 

Tầng lớp trung lưu da trắng, mắt xanh ba năm liền quậy phá với phong trào Áo Vàng, cứ cuối tuần đổ lên Paris gây rối vì chính phủ đòi tăng 30 centimes trên 1 lít xăng có là tiền đề của ngày hôm nay?

 

Khi cả châu Âu làm việc 39-40h/tuần, đến 65, 67 tuổi, mà ở Pháp làm 35h/tuần, muốn được nghỉ hưu ở tuổi 62 liệu có thuyết phục?

 

Các cuộc biểu tình chống ‘Cải cách hưu bổng’ bao vây các nhà máy lọc dầu, đập phá các cửa tiệm, hoặc như thành viên Đảng Xanh dưới băng cờ chống biến đổi khí hậu sử dụng vũ lực với cảnh sát, đổ sơn lên các tác phẩm nghệ thuật.

 

Các phong trào kể trên phải chăng cũng là những chương trình tập huấn cho những đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới ở các ngoại ô nghèo? Chúng học cách biện hộ cho việc đập phá mọi thứ, sử dụng bạo lực man rợ là cách buộc mọi người phải lắng nghe tiếng nói của chúng.

Nhưng lắng nghe điều gì? Lắng nghe là sự thất học, cái nghèo không phải là lỗi của mỗi cá nhân, mỗi gia đình? Bạo lực là câu trả lời vì trợ cấp xã hội không đủ để mua chiếc smartphone đời mới, hay chiếc máy tính chơi game cần phải thay vì bạn hàng xóm vừa có chiếc láng coóng, chạy mượt mà?

 

Tổng thống Emmanuel Macron đã lên án tình trạng bạo lực. Ông nói rằng cái chết của Nahel đã được dùng làm cớ để biện minh cho các hành động bạo lực - và gọi đó là "sự khai thác không thể chấp nhận được đối với cái chết của trẻ vị thành niên". Tôi nghĩ tuyên bố đó chính xác.

 

Bạo lực kêu gọi bạo lực, một vòng xoáy không lối thoát.

 

 

Ai được hưởng lợi từ việc này?

 

Tôi nghĩ rằng, các chính trị gia cánh tả vô trách nhiệm như Jean-Luc Mélenchon hoặc các đảng cực hữu của Marie Le Pen hy vọng nắm quyền bằng cách khơi thêm sự đứt gẫy đối thoại xã hội.

 

Chắc hẳn, sự kiện này sẽ là lá bài trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp tới. Việc Tổng thống Macron hủy chuyến thăm Đức do bạo loạn được cánh hữu Pháp gọi là một "sự sỉ nhục ngoại giao". Nếu ông Macron vẫn giữ nguyên lịch trình chắc hẳn có cái nhãn "vô trách nhiệm, không để mắt tới hiện tình nước sôi, lửa bỏng trong nước, chỉ lo đàn đúm ngoại giao"?

 

Những chiêu bài mỵ dân của các cánh cực tả, cực hữu tai hại thay vẫn còn mê hoặc được rất nhiều người.

 

Thăm dò dư luận về xử lý khủng hoảng cho thấy Marie Le Pen đang đứng thứ nhất, trên Bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin, thứ ba mới tới Tổng thống Macron.

 

Việc quyên góp tiền đoàn kết với hai nhân vật của màn bi hài này cho thấy xu hướng xã hội ngả về đâu.

 

Gia đình cảnh sát Florian M. nhận được hơn 1 triệu euro, gấp nhiều lần so với con số dưới 200.000 euro dành cho gia đình Nahel Merzouk.

 

Người đứng ra lập quỹ GoFundMe để quyên tiền ủng hộ sĩ quan cảnh sát bắn chết Nahel là Jean Messiha, cựu cố vấn của lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen. Tính đến ngày 3/7, hơn 40.000 người đã tham gia đóng góp với tổng số tiền một triệu euro (1,1 triệu USD), có cá nhân đóng góp tới 3000 euro.

 

Thủ tướng Elisabeth Borne gọi hành động quyên góp của Messiha là hành động ô nhục. Còn Bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin yêu cầu giải tán Công đoàn Cảnh sát do có những bình luận trên Twitter của tổ chức này: "Cảm ơn các đồng nghiệp đã nổ súng vào một tên tội phạm 17 tuổi. Bằng cách vô hiệu hóa phương tiện gây án của hắn, các bạn đã tự bảo vệ tính mạng và những người lưu thông khác. Trách nhiệm về cái chết của tên côn đồ thuộc về cha mẹ y, đã không giáo dục con cái tử tế."

 

Người dân các khu vực ngoài ô xa Paris đang hứng chịu các hậu quả của cuộc bạo loạn tuần qua. Các siêu thị không mở cửa, phương tiện đi lại bị đốt phá không được thay thế, các chuyến xe tramway, bus dừng hoạt động từ 21h.

 

Chính phủ Pháp đang áp dụng khẩu hiệu của nhà văn Nga Mikhaïl Cholokhov, giải Nobel văn học 1965, "hãy để người nông dân suy nghĩ trên luống cày của mình", cho lũ trẻ ngoại ô đi bộ ra thành phố và trước 21h phải quàng chân chạy về vì không còn phương tiện công cộng và phải phụ cha mẹ đi mua đồ ăn ở nơi chưa bị đốt phá…”

 

Phải chăng, được một xã hội nuông chiều quá, người ta chỉ còn biết đòi hỏi?

 

Sự tình cờ may mắn sau chuyến bay trở về cho tôi thêm một nhận thức. Về Paris lúc nửa đêm, vừa ra khỏi sân bay, tôi gặp ngay nhân viên của hãng vận chuyển công cộng SNCF chạy tới nói sẽ có một chuyến tàu tốc hành TGV miễn phí đưa về trung tâm Paris. Khá ngạc nhiên là, lộ trình TGV cũng không có tuyến nào chạy từ sân bay về Paris.

 

Chẳng ai có thể quy trách nhiệm hay đòi hỏi cho những trường hợp bất khả kháng xảy ra, khi các ngoại ô bốc cháy và các chốt hiến binh cản đường các huyết mạch giao thông với xe thiết giáp của các lực lượng chống bạo động. Vì điều gì, ai đứng ra tổ chức chuyến tàu ma đó? Tôi cũng không biết tìm được ai để cám ơn.

 

Nếu chuyến TGV đó yêu cầu mỗi hành khách trả 30 euro, chúng tôi cũng sẵn sàng trả, vẫn rẻ hơn so với taxi 70 euro và 58 euro cho Uber vào lúc 1h sáng mà cũng không có. Phải chăng đây là một phần trong giá trị nhân văn của nước Pháp?

 

Trong những hình ảnh phóng sự diễn ra trong những đêm bạo loạn, tôi thấy một người cha xuống đường tìm con, rồi nhốt luôn vào cốp xe. Một người mẹ Arab đến xách tai đứa con như lôi chú mèo con về nhà. Một người phụ nữ còn đang mặc quần áo ngủ lao ra đường cản đám trẻ đang định đốt trường học, kết quả ngôi trường không bị hỏa thiêu.

 

Đó là những điểm sáng trong những ngày đen tối này của nước Pháp.

 

Là một người tha hương, tôi đã tìm ở nước Pháp chốn bình yên cho tôi nương tựa. Tôi có nhiều bạn người Arab rất tốt và những người động viên giúp đỡ trên con đường đi tìm bóng mát che chở cuộc đời mình.

 

Hy vọng các em nhỏ sa chân vào con đường bạo lực hôm nay hiểu được như tôi rằng, đây là mảnh đất tương lai của các em, chứ không phải nơi nào khác, để cố gắng nên người.

 

-----------------------

Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Phạm Cao Phong ở Paris, Pháp.

 

 



No comments: