Bà
Yellen đến Bắc Kinh và hiện tượng cầu vồng bảy sắc
13/07/2023
https://www.voatiengviet.com/a/ba-yellen-den-bac-kinh-va-hien-tuong-cau-vong-bay-sac/7179310.html
Nhưng lời
tiên đoán của ông Lý Cường “sẽ thấy cầu vồng còn xuất hiện” rất khó thành sự thật.
Hai chế độ chính trị và chính sách kinh tế trái ngược nhau quá nhiều; cuộc chạy
đua sẽ tiếp diễn cho đến khi nào Trung Cộng chấp nhận theo luật chơi quốc tế.
https://gdb.voanews.com/8313f6bb-ae3e-48ce-bb03-bca35f3021bf_cx0_cy9_cw0_w1023_r1_s.jpg
Bà
Yellen được tiếp đón niềm nở hơn các đồng nghiệp cũng từ Washington bay tới, vì
người ta biết bà sẽ chỉ nói chuyện tiền bạc, đầu tư, giao thương.
Tháng trước,
bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc từ chối không gặp bộ trưởng Mỹ trong lúc hai
người cùng dự một hội nghị ở Singapore. Tiếp theo, Antony Blinken sang Bắc
Kinh, nói chuyện 6 tiếng với bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương, thêm 3 tiếng với
quốc vụ khanh Vương Nghị, cuối cùng được gặp 35 phút để nghe Tập Cận Bình lên
án chính phủ Mỹ cấm bán chíp cho Trung Quốc là hành động phi pháp.
Cuộc
đón tiếp Janet Yellen khác hẳn.
Cộng sản Trung Quốc không đặt một “điều kiện tiên quyết” nào trước khi ngồi xuống
nói chuyện với bà bộ trưởng Tài chánh. Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang, ,李强) nói rằng máy bay của bà vừa tới Bắc
Kinh thì đã thấy điềm lành: Cầu vồng bảy sắc xuất hiện! Ông giải thích: “Mối
bang giao Trung Quốc và Mỹ không phải chỉ có mưa và gió! Chắc chắn chúng ta sẽ
còn thấy nhiều cầu vồng nữa.”
Bà Yellen
được tiếp đón niềm nở hơn các đồng nghiệp cũng từ Washington bay tới, vì người
ta biết bà sẽ chỉ nói chuyện tiền bạc, đầu tư, giao thương. Họ muốn dân chúng
nghe một nhân vật Mỹ công nhận tầm quan trọng của kinh tế Trung Quốc. Dân Trung
Hoa đang cần được kích thích. Bất cứ một tin mừng nào cũng có thể ảnh hưởng
tích cực, dân chúng nghe vui tai sẽ bắt đầu đi mua sắm, thay vì chỉ lo tiết kiệm,
không dám xài tiền.
Janet
Yellen đã nói những lời Bắc Kinh mong đợi. Trong một cuộc họp báo, bà quả quyết:
“Nước Mỹ sẽ không có hành động nào gây ảnh hưởng rộng lớn trên kinh tế Trung Quốc.
Chúng tôi không nuôi ý định đó.” Bà giải thích các biện pháp cấm vận của chính
quyền Joe Biden chỉ nhằm bảo vệ an ninh, không cho bán hoặc đầu tư làm các
“chíp tối tân nhất” vì biết quân đội Trung Quốc có thể dùng. Những hạn chế đó
được công bố quang minh và có giới hạn rõ rệt, các xí nghiệp Trung Quốc khỏi lo
các quyết định bất ngờ, một chuyện chính phủ của họ vẫn thường làm.
Thủ tướng
Lý Cường tuyên bố chỉ mong mỗi bên nhường nhịn “một nửa đường” và công nhận
Yellen nói chuyện “thẳng thắn, đào sâu, thực tế và có kết quả.” Nhưng Yellen
không phải chỉ nói những lời xoa dịu Trung Cộng. Bà thẳng thắn chỉ trích Trung
Cộng trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước, không những là bất công trong việc cạnh
tranh mà còn hoàn toàn sai lầm, vì kinh tế chỉ huy luôn luôn thất bại! Bà nhắc
khéo giới lãnh đạo Trung Cộng về quá khứ của chính họ: “Một cơ cấu kinh tế dựa
trên thị trường đã giúp Trung Quốc phát triển nhanh chóng, đưa hàng trăm triệu
người thoát ra khỏi cảnh nghèo đói.”
Yellen báo
trước, rằng Mỹ và các nước đồng minh sẽ tiếp tục trả đũa những chính sách không
công bằng của Trung Cộng. Bà tặng Lý Cường một bài học về kinh tế thị trường:
“Chúng tôi muốn cạnh tranh lành mạnh, không phải ai thắng là ăn trọn, mà sau
cùng nước nào cũng lợi nhờ có các luật lệ công bằng.” Một điều ít người Trung
Hoa được nghe, Yellen đã thành thật nói rằng nếu giới trung lưu khổng lồ ở
Trung Quốc giàu có hơn thì đó sẽ là một thị trường tốt cho các xí nghiệp Mỹ!
Báo, đài Bắc
Kinh cũng tường thuật lời Yellen trấn an các công ty Mỹ đang làm ăn trong nước
Trung Quốc: “Tôi đã giải thích rõ ràng (với các quan chức Trung Cộng) rằng nước
Mỹ không muốn tách rời kinh tế hai nước. Mỹ tìm cách mua hàng từ nhiều nguồn
khác nhau, chứ không muốn cắt tất cả.” Bà nói một điều hiển nhiên: “Không thể
nào cắt đứt quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất, sẽ khiến cả thế giới sụp!”
Đó là một
sự thật. Hai nước Mỹ và Trung Quốc, với Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) lần lượt
là $25.5 và $18 ngàn tỷ mỹ kim, chiếm 40% GDP của cả thế giới,. Trung Quốc là
khách hàng lớn thứ ba của Mỹ, sau Canada và Mexico. Hai bên trao đổi hàng hóa
và dịch vụ, năm ngoái tổng cộng $690 tỷ đô la. Trung Quốc sản xuất nhiều nhất
thế giới các thứ hàng như thép, đồ điện tử, bảng hứng nắng làm điện mặt trời,
platics, than, pin cho xe hơi chạy điện, số xe xuất cảng tăng gấp bốn lần trong
hai năm qua. Mỹ nhập cảng $563.6 tỷ hàng của Trung Quốc, dù đã tìm mua nhiều thứ
từ các nước khác.
Ngược lại,
hàng xuất cảng qua Trung Quốc tạo công việc cho hơn một triệu người Mỹ. Trung Cộng
mua một nửa số đậu nành của các nhà nông Mỹ. Nhiều công ty Mỹ lớn bán hàng cho
dân Trung Quốc thâu tiền nhiều hơn số bán cho Anh, Đức và Nhật Bản cộng lại.
Theo dữ liệu của FactSet, 7.6% số thu nhập của 500 công ty lớn nhất (Chỉ số
S&P 500) là do bán cho Trung Quốc. Theo công ty nghiên cứu thị trường giải
trí Comscore, năm ngoái, người Trung Hoa chi $673 triệu đô la để coi 20 cuốn
phim Mỹ.
Nước Mỹ
còn được một món lợi là thu hút các chuyên viên. Trong niên học 2021-22, có
296,000 sinh viên Trung Quốc đang học ở Mỹ, một phần ba số sinh viên ngoại quốc.
Hầu hết các sinh viên tốt nghiệp Ph.D. về trí khôn nhân tạo (AI) không trở về
nước, ở lại và có việc làm ngay. Có 2.4 triệu di dân từ Trung Quốc đang sống ở
Mỹ, tỷ lệ người tốt nghiệp đại học cao gấp đôi người Mỹ.
Một quan hệ
thương mại chồng chéo, rắc rối nhất giữa Mỹ và Trung Cộng là chất bán dẫn, các
thứ “chip.” Chính phủ Biden đã cấm bán và cấm đầu tư làm các loại chip nhỏ dưới
7 nano mét cho Trung Quốc. Đồng thời, còn trợ cấp hơn $40 tỷ cho các công ty
đem công việc làm các loại chip thô sơ về trong nước Mỹ - với điều kiện họ
không được đầu tư ở bên Trung Quốc. Chính sách đó cũng được nhiều nước Âu châu
áp dụng, nhưng thật sự không ích lợi. Thiết lập những cơ xưởng sản xuất cần nhiều
năm mới xong; không biết chắc tương lai còn được ưu đãi nữa hay không!
Nhiều nhà
sản xuất chip không cách nào từ bỏ thị trường Trung Hoa. Bởi vì họ mua nhiều
chip nhất! Trung Quốc sử dụng một phần ba số chip trên thế giới. Những thứ hàng
hóa đang được hơn một tỷ dân Trung Quốc tiêu thụ và bán khắp thế giới, hầu như
thứ nào cũng gắn mấy con chip bên trong: máy vi tính, điện thoại di động, xe
hơi, máy giặt, vân vân; 60% đến 70% số thu nhập của nhiều công ty chip của Mỹ
tùy thuộc thị trường này.
Chính sách
ngăn không bán chất bán dẫn có thể bất lợi cho nước Mỹ, ngoài những thứ quan hệ
đến an ninh. Trong nền kinh tế tư bản, càng bán nhiều thì càng kiếm lời, sẽ đầu
tư, càng thêm nhiều phát minh, sáng kiến.
Nhiều nhà
sản xuất chíp ở Mỹ vẫn gửi các bộ phận qua bên Trung Quốc để thuê người lắp ráp
và thử nghiệm trước khi đem bán. Bắc Kinh mới ra lệnh những công ty liên can đến
quốc phòng không được mua chips của hãng Micron Technologies. Lập tức, Micron mất
một phần tám số thu nhập toàn cầu. Nhưng ngay sau đó, Micron vẫn đầu tư thêm để
mở rộng nhà máy lắp ráp chip ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây.
Thủ tướng
Lý Cường ước ao sẽ còn thấy nhiều cầu vồng xuất hiện trên bầu trời bang giao
Trung – Mỹ. Nhưng trước khi từ giã, bà Yellen đã tạo một đám mây đen trên bầu
trời Bắc Kinh; khi bà gặp gỡ trò chuyện với các nữ kinh tế gia Trung Hoa trong
một bữa ăn trưa.
Hành động
này rất tự nhiên, không có ẩn ý nào cả; vì trong bốn ngày liền bàn luận với người
Trung Quốc bà chỉ gặp toàn đàn ông: Phó thủ tướng Hà Lập Phong (He
Lifeng, 何立峰) đặc
trách kinh tế, tài chánh; người tiền nhiệm của ông ta là cựu Phó thủ tướng Lưu
Hạc (Liu He, 刘鹤) vẫn được Tập Cận Bình hỏi ý kiến; và
Dịch Cương (Yi Gang, 易纲), chủ tịch Nhân Dân Ngân Hàng (ngân
hàng trung ương). Ngay cả các viên chức cấp thấp hơn cũng là nam giới; các cô
gái chỉ đi ra tặng hoa, thông dịch và mời trà.
Janet
Yellen, phụ nữ Mỹ đầu tiên đã nắm hai chức vụ, chủ tịch ngân hàng trung ương, rồi
bộ trưởng Tài chánh Mỹ, cũng phải ngạc nhiên.
“Tôi thấy
lúc nào mình cũng là phụ nữ duy nhất trong phòng,” Yellen thổ lộ với các bà
giáo sư và nghiên cứu kinh tế, tài chánh. “Tôi biết chắc rằng trong số quý vị
ngồi đây rất nhiều người đầy đủ kinh nghiệm để đóng những vai trò quyết định.”
Bà còn nêu lên một kinh nghiệm ở khắp thế giới: phụ nữ đi làm sẽ giúp kinh tế
phát triển, “Đặc biệt khi phụ nữ đóng góp trong việc nghiên cứu và hoạch định
chính sách kinh tế thì họ sẽ phản ảnh được các vấn đề ưu tiên trong xã hội nhiều
hơn.”
Một điều
bà Yellen không nói ra nhưng các thính giả đều biết, là sau cuộc đại hội đảng Cộng
sản Trung Quốc năm ngoái tấn phong Tập Cận Bình làm chủ tịch suốt đời, không
còn một người đàn bà nào trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Cộng, dù chỉ để làm cảnh.
Phụ nữ sau cùng được cho về hưu là phó thủ tướng Tôn Xuân Lan.
Cuộc trò
chuyện của bà Yellen với các nữ kinh tế gia đã bị đả kích tơi bời trên các mạng
xã hội. Một giáo sư ở Thượng Hải là Thẩm Trị (Shen Yi, 沈怡) viết lời phê bình cho 2 triệu người
theo đọc, dùng một ngạn ngữ của người Mỹ: “Không bao giờ có một bữa cơm trưa miễn
phí!” Ông còn quả quyết, những người ăn trưa với Janet Yellen đã tiết lộ những
chỉ số kinh tế của Trung Quốc cho đối phương!
Ông giáo
sư môn Quan hệ Quốc tế Đại học Phục Đán (Fudan, 复旦大学) không biết rằng chính phủ Mỹ vẫn
theo dõi các hoạt động kinh tế của Trung Quốc bằng đủ thứ phương tiện, đọc báo
cáo của hàng trăm ngàn xí nghiệp để biết tháng này người Trung Hoa ăn bao nhiêu
tấn thịt heo và xài bao nhiêu điện (hai chỉ số quan trọng), chụp ảnh và quay
phim các phi trường và hải cảng từ vệ tinh nhân tạo, biết hàng hóa di chuyển
nhiều nhất từ đâu tới đâu, vân vân. Những thứ đó, các nữ kinh tế gia chắc không
ai biết! Nhưng các độc giả của ông Thẩm Trị không quan tâm.
Hai người
bị công kích trên mạng nhiều nhất là bà Lưu Thiến, (Liu Qian, 刘倩), từng làm giám đốc một cơ quan
nghiên cứu kinh tế; và bà Hác Cảnh Phương (Hao Jingfang, 郝景芳), thuộc Cơ quan Nghiên cứu Phát triển
Kinh tế nhưng cũng là tác giả nhiều truyện ngắn nổi tiếng. Có người tố cáo bà
Hác Cảnh Phương là “gián điệp của Mỹ” và hỏi tại sao lại đến ăn trưa với Janet
Yellen? Bà Phương trả lời, “Vì bà ấy là viên chức Mỹ thân thiện nhất, luôn luôn
muốn hai nước giao hảo!” Hơn 600 người phê bình các phụ nữ gặp bà Yellen “chưa
bao giờ lao động trong các cơ xưởng!” Đọc mà tưởng như đang sống lại thời Vệ
Binh Đỏ của Mao Trạch Đông!
Chắc bà
Janet Yellen không được đọc những lời ồn ào phản đối trên. Bà đã được đón tiếp
nồng hậu, khác hẳn cảnh Vương Nghị hằn học lên lớp Antony Blinken, tố cáo chính
phủ Biden gây ra tình trạng căng thẳng. Thông cáo chính thức của ông Lý Cường
nhấn mạnh hai nước sẽ tiếp tục giao thương để cùng có lợi, mà không phàn nàn
chuyện Mỹ cấm bán các kỹ thuật làm chip mới nhất cho Trung Quốc, được cả Nhật Bản
và Hòa Lan hỗ trợ. Cũng không nhắc gì đến chuyện Trung Quốc kiểm soát việc bán
hai chất gallium và germanium, tối cần thiết trong việc chế tạo chip. Nhưng các
công ty Trung Quốc không trực tiếp bán hai khoáng chất đó cho Mỹ thì bán cho nước
khác, cuối cùng Mỹ vẫn mua được! Cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục cho chính phủ
Mỹ vay nhiều tiền nhất, một ngàn tỷ đô la – vì không có con nợ nào đáng tín nhiệm
hơn.
Bà Yellen
đã làm xong việc, tạo không khí hòa hoãn chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ Joe Biden và
Tập Cận Bình trong hội nghị G-20 ở New Delhi vào tháng Chín, hay hội nghị APEC
hai tháng sau ở San Francisco.
Nhưng lời
tiên đoán của ông Lý Cường “sẽ thấy cầu vồng còn xuất hiện” rất khó thành sự thật.
Hai chế độ chính trị và chính sách kinh tế trái ngược nhau quá nhiều; cuộc chạy
đua sẽ tiếp diễn cho đến khi nào Trung Cộng chấp nhận theo luật chơi quốc tế.
No comments:
Post a Comment