Sunday, July 7, 2019

TỰ HÀO HAY XẤU HỖ ? (Nguyễn Thọ)





Trên FB của bạn Nguyễn Hoàng Anh có bài “Liệu tôi có xấu hổ khi là người Việt Nam?”. Đó là câu hỏi của một sinh viên Việt Nam đăng trên Quora.com, một cổng tương tác khá nổi tiếng ở nhiều nước. Luật sư gốc Ấn Độ Neel Patel trả lời đại ý như sau:

Trích: “Không, tôi đã sống ở Việt Nam được hơn một năm và đó là một đất nước tuyệt vời với một lịch sử phong phú và những người tài năng. Nó là một tai nạn của lịch sử rằng Việt Nam chưa phải là một nước giàu. Nhưng bạn có biết rằng ngay bây giờ Việt Nam về cơ bản là quốc gia duy nhất trên thế giới vượt trội về mặt học thuật so với GDP bình quân đầu người? Tương tự, người Việt cũng có chỉ số IQ cực kỳ cao, gần bằng trình độ của người Đức, mặc dù họ là một quốc gia nghèo hơn nhiều. Người Việt Nam thông minh, chăm chỉ, và hướng đến gia đình. Nền kinh tế đang tăng trưởng 6% – 7% một năm, một trong những tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. VN đang giàu có hơn theo nghĩa đen mỗi ngày.

Trong 75 năm qua, Việt Nam đã đánh bại hai cường quốc phương Tây là Pháp và Mỹ, khi hầu hết các quốc gia thuộc địa khác trên Trái đất thậm chí không thể đánh bại một nước nào. Trong hàng ngàn năm, người Việt Nam đã đánh bại những kẻ xâm lược nhiều lần, đặc biệt là từ Trung Quốc, mặc dù Trung Quốc có dân số gấp mười lần. Họ đã phát triển một nền văn hóa phong phú và độc đáo mặc dù họ đã bị xâm chiếm theo nghĩa đen mỗi thế kỷ.”
Hết trích

Neel Patel đã nêu các dữ kiện để nói lên sự khâm phục người Việt. Nhưng nhìn ở góc độ khác thì các dữ kiện trên lại là nỗi buồn cho mỗi người Việt kiêu hãnh. Đất nước duy nhất có lực lượng học thuật vượt trội hơn GDP đầu người mà nghèo đói tức là lực lượng trí thức đó vô dụng, trong khi các nước khác mỏng trí thức mà vẫn có thu nhập cao hơn. Người thông minh có chỉ số IQ ngang người Đức mà lại chịu nằm dưới hố sâu như vậy nhìn lên bầu trời Đức một cách thèm khát thì cái hố đó có vấn đề và cả người thông minh cũng vậy.

Thế đó: Niềm tự hào hay nỗi nhục phụ thuộc vào góc nhìn, vào nhận thức.

Người Việt ra nước ngoài thường co cụm làm ăn với nhau, hay bắt chước nhau, chỉ buôn bán quần áo, mở quán cơm hay làm móng tay. Nhiều người phê phán đây là thói bầy đàn, cản trở hội nhập. Nhưng chính sự co cụm này lại tạo ra mảnh đất sống cho tiếng Việt ở Hải ngoại, cho một nền văn học nghệ thuât mà khi ghét có thể gọi là văn học lưu vong cũng được, hoặc lúc cần thì gọi là khúc ruột ngàn dặm cũng thấy hay.

Điều quan trọng nhất của chai nước mắm Phú Quốc bán ở chợ Đồng Xuân Berlin hay chợ Tam Đa Cali không phải là hương vị quê hương, mà là chất kết dính người Việt với quê hương. Tôi từng viết trong bài “Chúng tôi là người Việt Nam“ hai năm trước đây: Quê hương chẳng phải là cái gì cao siêu, là lịch sử hào hùng đánh thắng bao nhiêu đế quốc, là rừng vàng biển bạc, mà chỉ là bài hát ru con, là bát canh chua ngày hè đổ lửa.


Bản chất của sự co cụm là kìm hãm giao lưu và phát triển, là bảo thủ. Nhưng bảo thủ lại giữ được sức sống của dân tộc Việt trong suốt hơn 2000 năm qua. Chính nhờ bảo thủ mà tiếng Việt không bị mất trong suốt 1000 năm Bắc thuộc. Chính vì bảo thủ mà Quang Trung đã kêu gọi người Việt đánh quân Thanh „cho để dài tóc, đánh cho để đen răng”.

Bản chất “Bảo thủ” của người Việt có thể nhìn theo hướng tích cực như trên hoặc ngược lại. Người Việt bảo thủ không chấp nhận cho người Tây, người Tàu nào khinh mình, đè nén mình, nhưng lại chịu sống trong chính cái lồng của người Việt chụp lên đầu mình. Hình ảnh những người lính xông pha trận mạc, đến người Mỹ cũng phải nể, nhưng về làng chịu thua thằng quan xã ăn bẩn là một dấu ấn văn hóa.

Nhưng cũng có những đức tính không phải do nền văn hóa, do lịch sử chống ngoại xâm để lại, ví dụ như giả dối. Tôi đã từng sống với nhiều gia đình nông dân Việt Nam trong chiến tranh. Họ là đặc trưng cho tính chất phác, thật thà của người Việt. Vậy mà nay người nông dân Việt đang lừa dối cả xã hội bằng rau bẩn, thịt hóc môn.

Giả dối hiện nay không chỉ là lừa nhau để kiếm sống. Lừa nhau bằng rau tắm hóa chất, bằng nước mắm đểu, lừa nhau bằng tuyên truyền, bằng bóp méo lịch sử, lừa nhau để thu tiền bằng chùa chiền, bằng đức tin….. Giả dối ngày nay trầm trọng chính vì rất nhiều người giả dối với chính mình.

Nhiều người biết mình hèn, không dám chống lại cái xấu, cái ác, nhưng lại tự huyễn hoặc rằng mình “đừng dính đến chuyện chính trị làm gì. Chuyện chính trị bẩn lắm. Mình cố sống để giữ đức cho con cho cháu!“.

Võ sư Đoàn Bảo Châu Chau Doan đã ngán ngẩm kêu lên: Người ta chỉ thích trừng phạt kẻ ác bằng câu nói “Ác giả, ác báo, thế nào nó cũng bị trừng trị” rồi yên tâm chờ luật nhân quả. Anh kết luận: Mà chẳng phải chỉ riêng bạn, mà có hàng ngàn, hàng triệu người đang có cái suy nghĩ như bạn. Ấy chính là lý do mà đất nước này đang ở trong một tình trạng hết sức be bét như ngày nay.”


Tôi hoàn toàn chia sẻ với Đoàn Bảo Châu.

Người nước ngoài khi đến Việt Nam hoặc nhìn vào cộng đồng Việt ở nước họ, sẽ không đánh giá chúng ta thông qua mấy anh phi công ăn cắp vặt, đi buôn lậu, qua những người Việt trồng cần sa, buôn sừng tê bị tuyên án đó đây. Người tỉnh táo luôn hiểu rằng trong người Việt cũng có kẻ tham, kẻ cùng quẫn, kẻ ngu dốt như ở các sắc dân khác khi xuất dương kiếm sống.

Nếu nhìn vào tỷ lệ con em Việt nam trong các trường đại học quốc tế, nhìn vào sư siêng năng, tận tụy của bố mẹ các em ở các quầy hàng cơm, hàng quần áo, kiosk, họ lại cảm phục người Việt. Người Đức có câu: Người Việt là người Phổ của Á Châu (Vietnamesen sind die Preußen von Asien)[1] : (Nhờ có lòng chăm chỉ và ý chí vươn lên mà người Phổ đã biến nước Đức phong kiến lạc hậu nhất châu Âu thế kỷ 19 trở thành một quốc gia công nghiệp hùng mạnh). Ở Mỹ hay ở Úc, người Việt được đánh giá là một trong các sắc dân thành công nhất về kinh tế và văn hóa.

Nhưng họ sẽ coi thường người Việt, nếu biết rằng anh nọ khi nộp đơn xin tỵ nạn chính trị thì chửi chế độ, nhưng khi ở lại định cư xong lại xun xoe chụp ảnh với các quan chức chính quyền sang thăm nước sở tại. Người Mỹ sẽ coi ông hàng xóm mới mua căn biệt thự xa xỉ bên kia vườn là kẻ bất lương, nếu biết rằng ông ta từng là quan chức, chuyên chửi bới chủ nghĩa tư bản.

Giả dối chính là nỗi nhục lớn nhất khi nhìn vào người Việt hôm nay. Nhưng nó không phải là truyền thống, mà do cái khuôn của xã hội mới đúc nên. Cái khuôn đó cũng do những con người giả dối nặn ra, đời này khóa đời sau. Đó là cái vòng luẩn quẩn.

Cái vòng luẩn quẩn đó sẽ chỉ chấm dứt, khi từng người trong chúng ta quyết rời khuôn đúc đó, sống theo đạo lý. Ngồi kêu rên chỉ làm cho con cháu chúng ta tiếp tục nằm dưới hố nhìn lên, dù học thức đầy đầu.

Köln 07.07.2019