Tuesday, July 16, 2019

SỰ TỰ HỦY DIỆT CỦA MỸ (Fareed Zakaria - Foreign Affairs)




Fareed Zakaria  -  Foreign Affairs
Mai V. Phạm dịch
15/07/2019

Foreign Affairs  |  Số tháng 7 và tháng 8/2019

Washington Phung Phí Khoảnh Khắc Đơn Cực
Một thời điểm nào đó trong hai năm qua, vai trò bá chủ của Mỹ đã chết. Thời đại thống trị của Mỹ là một thời kỳ ngắn ngủi, khốc liệt khoảng ba thập niên được đánh dấu bằng hai thời khắc quan trọng. Đầu tiên là sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào năm 1989. Sự kết thúc, đúng hơn là sự khởi đầu của sự kết thúc, là một sự sụp đổ nữa của cuộc chiến Iraq vào năm 2003, và sự sụp đổ chậm dần kể từ đó.

Nhưng cái chết của vai trò bá chủ của Hoa Kỳ là kết quả của những nguyên nhân bên ngoài, hay do Washington đã tự đẩy nhanh sự sụp đổ của chính mình bằng những thói quen xấu và hành vi xấu? Đó là một câu hỏi sẽ được các nhà sử học tranh luận trong nhiều năm tới. Nhưng tại thời điểm này, chúng tôi có đủ thời gian và cái nhìn bao quát để đưa ra một số quan sát sơ bộ.

Hầu hết những cái chết đều có nhiều nguyên nhân và cái chết của vai trò bá chủ Hoa Kỳ cũng vậy. Những yếu tố hệ thống sâu xa trong bộ máy quốc tế hoạt động mạnh mẽ nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào thâu tóm được quá nhiều quyền lực. Tuy nhiên, trong trường hợp của Hoa Kỳ, do họ đã quản lý kém cỏi quyền bá chủ, lạm dụng quyền lực, đánh mất đồng minh và khuyến khích kẻ thù. Và bây giờ, dưới thời Trump, Hoa Kỳ dường như đã không còn quan tâm, đúng hơn là đánh mất niềm tin, vào tư tưởng và mục đích đã thổi nguồn sinh khí cho sự hiện diện quốc tế của Hoa Kỳ trong ba phần tư thế kỷ.

MỘT NGÔI SAO ĐàSINH RA
Quyền bá chủ của Hoa Kỳ hậu Chiến tranh Lạnh là điều mà thế giới chưa từng thấy kể từ thời Đế chế La Mã. Các nhà văn thường thích chọn năm 1945 là mốc cho bình minh “thế kỷ Hoa Kỳ”, không lâu sau khi nhà xuất bản Henry Luce cho ra thuật ngữ này. Nhưng thời kỳ hậu Thế chiến II đã hoàn toàn khác so với thời kỳ hậu 1989. Ngay cả sau năm 1945, ở những vùng đất rộng lớn trên toàn cầu, Pháp và Vương quốc Anh vẫn có những đế chế chính thức và do đó có tầm ảnh hưởng sâu sắc. Chẳng mấy chốc, Liên Xô đã chứng tỏ là một đối thủ siêu cường, tranh giành ảnh hưởng của Washington ở nhiều nơi. Hãy nhớ rằng cụm từ Thế giới Thứ Ba xuất phát từ sự phân chia thế giới làm 3 phần: Thế giới Thứ Nhất là Hoa Kỳ và Tây Âu; Thế giới Thứ Hai là các nước cộng sản. Còn Thế Giới Thứ Ba ở khắp mọi nơi, mà quốc gia nơi đó đang lựa chọn giữa ảnh hưởng Hoa Kỳ hoặc Liên Xô. Đối với phần lớn dân số thế giới, từ Ba Lan đến Trung Quốc, thế kỷ này dường như không phải của người Mỹ.

Sau chiến tranh lạnh, sức mạnh bá chủ của Hoa Kỳ lúc đầu rất khó nhận ra. Như tôi đã viết trong tờ The New Yorker năm 2002, hầu hết những thành phần tham gia đã bỏ lỡ nó. Năm 1990, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher lập luận rằng, thế giới đang chia thành ba lĩnh vực chính trị, bị chi phối bởi đồng Đô La, đồng Yên, và đồng Mác Đức (Deutsche Mark). Từ năm 1994, cuốn sách “Diplomacy” của Henry Kissinger đã dự đoán sự khởi đầu của một thời đại đa cực mới. Chắc chắn ở Mỹ, đã không có thái độ chiến thắng. Chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1992 được đánh dấu bằng cảm xúc của yếu đuối và mệt mỏi. Paul Tsongas, ứng cử viên đảng Dân chủ đầy hy vọng lập đi lập lại câu nói: “Chiến tranh lạnh đã kết thúc; Nhật Bản và Đức đã giành chiến thắng”. Những nước châu Á đã bắt đầu nói về thế kỷ Thái Bình Dương.

Có một ngoại lệ trong phân tích này, đó là một bài luận của nhà bình luận phe bảo thủ Charles Krauthammer “Khoảnh khắc Đơn cực”, xuất bản năm 1990. Nhưng, thái độ chiến thắng cũng bị giới hạn trong tầm bao quát của nó, thể hiện ở tựa đề bài viết: “Khoảnh khắc đơn cực sẽ ngắn ngủi”. Trong bài xã luận trên Washington Post, ông Krauthammer dự báo rằng, trong thời gian rất ngắn, Đức và Nhật Bản, hai “cường quốc khu vực” sẽ theo đuổi các chính sách đối ngoại độc lập với Hoa Kỳ.

Các nhà hoạch định chính sách hoan nghênh sự suy yếu của chủ nghĩa đơn cực, mà họ cho là sắp xảy ra. Năm 1991, khi cuộc chiến ở vịnh Balkan nổ ra, chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu, Jacques Poos, tuyên bố: “Đây là thời khắc của Châu Âu”. Ông giải thích: “Nếu một vấn đề có thể được giải quyết bởi người châu Âu, đó là vấn đề Nam Tư. Đây là một quốc gia châu Âu, và nó không do người Mỹ quyết định”. Tuy nhiên, thực tế là chỉ có Hoa Kỳ mới có sự kết hợp của sức mạnh và ảnh hưởng để can thiệp hiệu quả và giải quyết khủng hoảng.

Tương tự, vào cuối thập niên 1990, khi một loạt các cuộc khủng hoảng kinh tế khiến các nền kinh tế Đông Á rơi vào tình trạng khó khăn, chỉ có Hoa Kỳ mới có thể ổn định hệ thống tài chính toàn cầu. Hoa Kỳ đã tổ chức một gói cứu trợ quốc tế trị giá 120 tỷ đô la cho các quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất và xử lý cuộc khủng hoảng thành công. Tạp chí Time đưa ba người Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Robert Rubin, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Alan Greenspan và Phó Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers lên trang bìa với tựa đề: “Ủy ban Giải Cứu Thế Giới”.

BẮT ĐẦU CỦA KẾT THÚC
Vai trò bá chủ của Mỹ đã phát triển vào đầu thập niên 1990 trong lúc không ai chú ý đến. Thì vào cuối thập niên 1990 khi các yếu tố bắt đầu làm suy yếu vai trò bá chủ của Hoa Kỳ, ngay cả khi mọi người bắt đầu nói về Hoa Kỳ là “quốc gia không thể thiếu” và “siêu cường độc nhất thế giới”. Trước hết, quan trọng nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Có thể dễ dàng nhận ra rằng, Bắc Kinh sẽ trở thành đối thủ nặng ký duy nhất của Washington, nhưng điều đó không rõ ràng vào khoảng một phần tư thế kỷ trước. Mặc dù Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng kể từ thập niên 1980, nhưng họ đã bắt đầu từ một nền tảng rất thấp. Chỉ vài quốc gia mới có thể tiếp tục quá trình tăng trưởng mạnh như thế trong hơn vài thập kỷ qua. Kết hợp kỳ lạ của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Lênin của Trung Quốc có vẻ mong manh như cuộc nổi dậy ở Thiên An Môn đã cho thấy.

Nhưng sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn tồn tại và đất nước này đang trở thành cường quốc mới, đất nước có sức mạnh và tham vọng sánh ngang với Mỹ. Về phần mình, Nga đã đi từ một quốc gia yếu và im hơi lặng tiếng vào đầu thập niên 1990 để trở thành một cường quốc phục thù – quốc gia có đủ khả năng và xảo quyệt để phá rối. Với hai siêu cường toàn cầu bên ngoài hệ thống quốc tế do Mỹ xây dựng, thế giới đã bước vào thời điểm hậu Hoa Kỳ. Ngày nay, Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh, nhưng nó tồn tại trong một thế giới của các cường quốc toàn cầu và khu vực – có khả năng và thường xuyên chống lại Mỹ.

Các cuộc tấn công khủng bố 11/9 và sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đóng một vai trò kép, làm suy yếu vai trò bá chủ của Mỹ. Lúc đầu, các cuộc tấn công dường như đã kích thích Washington và buộc Hoa Kỳ huy động sức mạnh. Vào năm 2001, nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn lớn hơn kinh tế của 5 nước cộng lại, đã chọn tăng cường chi tiêu quốc phòng hàng năm gần 50 tỷ Mỹ kim, lớn hơn ngân sách quốc phòng hàng năm của Vương quốc Anh. Khi Washington đổ quân vào Afghanistan, họ đã có thể nhận được sự ủng hộ áp đảo cho chiến dịch này, bao gồm cả từ Nga. Hai năm sau, mặc dù có nhiều sự phản đối, Hoa Kỳ vẫn có thể kết hợp một liên minh quốc tế lớn cho một cuộc xâm lược Iraq. Những năm đầu của thế kỷ này đánh dấu đỉnh cao của chủ nghĩa bá quyền Mỹ, khi Washington cố gắng tái thiết các quốc gia xa lạ và xa cách là Afghanistan và Iraq, mặc dù phần còn lại của thế giới do dự hay phản đối quyết liệt.

Iraq đánh dấu một bước ngoặt đặc biệt. Mỹ bắt đầu một cuộc chiến tranh tự mình lựa chọn, bất chấp những do dự của thế giới. Mỹ đã cố gắng để có được sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc nhưng khi điều đó dường như khó khăn, nên Mỹ đã mặc kệ tổ chức này. Mỹ cũng bỏ qua Học thuyết Powell, khái niệm mà Đại tướng Colin Powell đưa ra trong Chiến tranh Vùng Vịnh, rằng một cuộc chiến chỉ xứng đáng tham gia khi các lợi ích chiến lược của quốc gia hơn hẳn rủi ro và chiến thắng áp đảo là chắc chắn. Chính quyền của Tổng thống Bush quả quyết rằng, thách thức lớn nhất trong việc chiếm đóng Iraq có thể được giải quyết với một số lượng quân nhỏ. Iraq được cho sẽ tự lo. Và khi ở Baghdad, Washington đã quyết định phá hủy nhà nước Iraq, giải tán quân đội và thanh trừng bộ máy quan liêu, tạo ra hỗn loạn và thúc đẩy một cuộc nổi dậy. Những sai lầm đó đã có thể được khắc phục. Nhưng tổng hợp lại cho ra kết quả là Iraq đã trở thành một thất bại đắt giá.

Sau ngày 9/11, Washington đã đưa ra những quyết định quan trọng, có hậu quả tiếp tục ám ảnh Hoa Kỳ, nhưng các quyết định đã được đưa ra trong vội vã và hoảng sợ. Hoa Kỳ nhận ra rằng, đất nước đang gặp hiểm nguy, cần phải làm bất cứ điều gì cần thiết để tự bảo vệ mình khỏi việc xâm chiếm Iraq, cho tới chi các khoản tiền khổng lồ cho an ninh quốc gia và tra tấn. Phần còn lại của thế giới chứng kiến một quốc gia đang đối phó với một loại khủng bố mà họ đã có kinh nghiệm nhiều năm qua, nhưng đã bị quật ngã như một con sư tử bị thương, phá hủy các liên minh và nguyên tắc quốc tế.

Trong hai năm đầu, chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã từ bỏ nhiều thỏa thuận quốc tế hơn bất kỳ chính quyền nào trước đây (Chắc chắn rằng kỷ lục này đã được Tổng thống Donald Trump phá vỡ). Cách hành xử của Hoa Kỳ ở nước ngoài dưới thời Tổng thống Bush đã hủy hoại quyền lực chính trị và đạo đức của Hoa Kỳ, khi mà những đồng minh lâu đời như Canada và Pháp nhận thấy mình đang xung đột với Hoa Kỳ về bản chất, đạo đức và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

MỤC TIÊU RIÊNG
Vậy điều gì đã làm xói mòn vai trò bá chủ của Mỹ? Sự trỗi dậy của các quốc gia thách thức mới hoặc quyền lực quá tầm? Cũng như với mọi hiện tượng lịch sử lớn và phức tạp, sự xói mòn vai trò bá chủ của Mỹ có lẽ là sự kết hợp của tất cả những điều trên. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những thay đổi địa chấn trong chính trường quốc tế có thể làm xói mòn bất kỳ sức mạnh bá chủ nào, bất kể khả năng ngoại giao có khéo léo đến đâu. Tuy nhiên, sự trở lại của Nga lại là một vấn đề phức tạp hơn.

Vào đầu thập niên 90, các nhà lãnh đạo Moscow quyết tâm biến đất nước mình thành một nền dân chủ tự do, một quốc gia châu Âu và một đồng minh của phương Tây. Eduard Shevardnadze, từng là bộ trưởng ngoại giao trong thập niên cuối cùng của Liên Xô, đã ủng hộ cuộc chiến của Hoa Kỳ chống lại Iraq vào giai đoạn thập niên 1990 – 1991. Và sau khi Liên Xô sụp đổ, Bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Nga, Andrei Kozyrev, là một người theo khuynh hướng tự do phóng khoáng, ủng hộ chủ nghĩa quốc tế và ủng hộ mạnh mẽ cho nhân quyền.

Lỗi lớn nhất mà Mỹ phạm phải trong khoảnh khắc đơn cực là, Mỹ đã không để ý đến những gì đang diễn ra. Điều đáng chú ý là, mặc dù Washington đã trao cho Moscow một số vị thế và sự tôn trọng, nhưng Hoa Kỳ chưa bao giờ quan tâm nghiêm túc tới những lo ngại an ninh của Nga. Hoa Kỳ mở rộng NATO nhanh chóng và dữ dội, một quá trình có thể là cần thiết đối với những quốc gia như Ba Lan, vốn có lịch sử bị đe đọa bởi Nga, nhưng là một quá trình thiếu suy nghĩ, ít quan tâm đến sự nhạy cảm của Nga, và thậm chí còn mời Macedonia vào NATO. Ngày nay, những hành động chống đối Nga khiến hành vi hung hăng của Tổng thống Vladimir Putin trở nên hợp lý. Tuy nhiên, cũng cần phải đặt câu hỏi, động lực nào đã tạo ra sự trỗi dậy của Putin và chính sách đối ngoại của ông ta ngay từ đầu? Không còn nghi ngờ gì nữa, chính những hành động của Hoa Kỳ có tính hủy hoại, kích thích nước Nga thực hiện các hành vi trả thù và trả đũa.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, người Mỹ muốn về nhà và họ đã làm thế. Trong Chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã quan tâm mạnh mẽ tới các sự kiện ở Trung Mỹ, Đông Nam Á, Eo biển Đài Loan và thậm chí Angola và Namibia. Vào giữa thập niên 90, Mỹ đã đánh mất sự quan tâm tới thế giới. Các đài phát thanh nước ngoài của NBC đã giảm từ 1.013 phút vào năm 1988 xuống còn 327 phút vào năm 1996. Cả Nhà Trắng và Quốc hội trong giai đoạn Chính quyền Tổng thống Bush cầm quyền đều không quan tâm vào một nỗ lực đầy tham vọng nhằm thay đổi nước Nga, không quan tâm đến việc đưa ra một phiên bản mới của Kế hoạch Marshall, hoặc can dự sâu vào Nga. Ngay cả khi các khủng hoảng kinh tế xảy ra trong thời Tổng thống Clinton, các nhà Lập pháp Mỹ đã phải nỗ lực tìm một giải pháp, bởi Quốc hội sẽ không phê chuẩn ngân sách giải cứu Mexico, Thái Lan hay Indonesia. Họ đưa ra những lời khuyên, hầu hết để yêu cầu sự hỗ trợ từ Washington, nhưng thái độ của Mỹ lại là thiện chí xa vời, không phải là một siêu cường muốn can dự.

Kể từ khi kết thúc Thế chiến I, Mỹ đã muốn biến đổi thế giới. Trong thập niên 90, điều đó dường như có thể hơn bao giờ hết. Các quốc gia toàn cầu đang hướng về phía Mỹ. Chiến tranh vùng Vịnh dường như đánh dấu một cột mốc cho trật tự thế giới mới – duy trì một quy tắc, được sự ủng hộ của các cường quốc, và hợp thức hóa bằng luật pháp quốc tế. Nhưng ngay tại thời điểm những phát triển tích cực này, thì Mỹ đã không còn quan tâm. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn muốn thay đổi thế giới trong thập niên 1990, nhưng bằng giá rẻ. Họ không có vốn chính trị hay tài lực để thực hiện. Đó là lý do tại sao lời khuyên của Washington cho các nước luôn giống nhau: Liệu pháp cú sốc kinh tế và dân chủ tức thì. Bất kỳ phương pháp nào giống như phương Tây đã tự do hóa nền kinh tế và dân chủ hóa chính trị – là không thể chấp nhận được.

Trước cuộc khủng bố ngày 11/9, khi đương đầu với các thử thách, chiến thuật của Mỹ là tấn công từ xa, vì vậy cách đối đầu song phương là cấm vận kinh tế và các cuộc không kích chính xác. Tất nhiên, những giới hạn về sự sẵn sàng chi trả và chịu tổn thất của Hoa Kỳ không thay đổi. Vì thế trong bài viết đăng trên báo New York Times vào năm 1998, tôi đã chỉ ra rằng chính sách ngoại giao của Mỹ được định nghĩa bằng “khoa trương về sự biến đổi, nhưng thực chất là sự thích ứng”. Theo tôi, kết quả là quyền bá chủ trống rỗng. Sự trống rỗng đó vẫn tiếp diễn.

ĐÒN GIÁNG CUỐI CÙNG
Chính quyền Trump đã làm rỗng chính sách đối ngoại của Mỹ nhiều hơn nữa. Bản năng của Trump là theo phong cách của cựu Tổng thống Jackson – hầu như không quan tâm đến thế giới vì cho rằng phần lớn thế giới đang gây hại và làm phiền nước Mỹ. Trump là người theo Chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ và dân túy, với quyết tâm “Nước Mỹ trên hết”. Nhưng đúng nghĩa hơn, ông ta đã từ bỏ chính trường quốc tế.

Dưới thời Trump, Hoa Kỳ đã rút khỏi TPP và không còn can dự rộng vào Châu Á. Hoa Kỳ cũng đang tách dần quan hệ đối tác 70 năm với châu Âu. Hoa Kỳ dưới thời Trump giải quyết người Mỹ gốc Latin bằng lăng kính hoặc ngăn cản người nhập cư hoặc thắng cử tại Florida. Hoa Kỳ thậm chí còn tìm cách xa lánh Canada. Và Hoa Kỳ cũng giao chính sách Trung Đông cho Irael và Arab Saudi. Với một vài ngoại lệ mang tính bốc đồng – như mong muốn giành giải Nobel hòa bình – khi tìm cách giải hòa với Bắc Hàn. Có thể nói, điều đáng chú ý nhất trong chính sách đối ngoại của Trump chính là sự vắng mặt của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.

Khi Vương quốc Anh còn là cường quốc – vai trò bá chủ của nước này bị xói mòn bởi nhiều tác động mang tính hệ thống như sự trỗi dậy của Đức, Mỹ và Liên Xô. Nhưng Anh cũng mất quyền kiểm soát đế chế của mình vì vươn xa quá sức, cộng với thái độ kiêu ngạo. Vào thập niên 1900, với một phần tư dân số thế giới nằm dưới sự cai trị của Anh, hầu hết các thuộc địa lớn của Anh yêu cầu quyền tự trị giới hạn. Nếu Vương quốc Anh trao cho các thuộc địa này đòi hỏi đó, có thể Anh sẽ kéo dài thời gian cai trị thêm vài thập niên nữa? Nhưng Anh không làm thế, tập trung vào những lợi ích hạn hẹp, ích kỷ thay vì thích nghi nhằm đáp ứng lợi ích của đế chế rộng lớn hơn.

Mỹ có một sự tương đồng với Anh. Nếu hành động kiên định hơn, theo đuổi các lợi ích và ý tưởng rộng lớn hơn, Mỹ có thể duy trì ảnh hưởng hơn nhiều thập kỷ nữa. Quy tắc mở rộng quyền bá chủ có vẻ đơn giản: tăng tự do hơn và giảm bá quyền. Nhưng quá rõ ràng, Washington theo đuổi lợi ích cá nhân hẹp hòi, xa lánh đồng minh và khuyến khích kẻ thủ. Không giống như Vương quốc Anh ở cuối triều đại trị vì của mình, Mỹ không bị phá sản hoặc mở rộng bờ cõi quá sức. Mỹ vẫn tiếp tục là quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới. Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng tầm ảnh hưởng hơn các quốc gia khác. Nhưng Mỹ sẽ không còn định nghĩa hoặc làm chủ hệ thống quốc tế như cách Mỹ đã làm trong gần 3 thập niên trước.

Sau cùng, những gì còn tiếp tục tồn tại chính là tư tưởng của người Mỹ. Mỹ là một bá chủ độc nhất vô nhị ở chỗ, nước này mở rộng ảnh hưởng để thiết lập một trật tự thế giới mới, là một giấc mơ của Tổng thống Woodrow Wilson và phần lớn được triển khai bởi Tổng thống Franklin Roosevelt. Đó là thế giới đã được tạo ra một nửa sau năm 1945, đôi khi còn gọi là “trật tự quốc tế tự do”, mà sau đó Liên Xô từ bỏ để xây dựng không gian riêng. Nhưng thế giới tự do tiếp tục tồn tại qua Chiến tranh Lạnh, và sau năm 1991, nó đã mở rộng để bao trùm toàn bộ thế giới. Ý tưởng làm nên trật tự đó đã tạo ra sự ổn định và thịnh vượng trong ba phần tư thế kỷ qua. Câu hỏi bây giờ là liệu khi sức mạnh Mỹ đang suy vong, thì hệ thống quốc tế mà quốc gia này bảo trợ – các nguyên tắc, chuẩn mực và giá trị có còn tồn tại. Hay Mỹ sẽ chứng kiến sự suy tàn của đế chế ý tưởng của mình?






No comments: