Tuesday, July 9, 2019

NẾU MỸ - TRUNG ĐỤNG ĐỘ TRÊN BIỂN - CUỘC KHỦNG HOẢNG TRUNG QUỐC THÁNG 10/2020 (The Economist)




Châu Minh Dũng dịch
6-7-2019

Lời người dịch: Nội dung bài viết sau đây xoay quanh một sự kiện giả tưởng, diễn ra vào tháng 10/2020, trước ngày bầu cử tổng thống sắp tới: Chiến hạm USS McCampbell bị lực lượng dân quân biển Trung Quốc bao vây trong 13 ngày ở Biển Đông.

Sự kiện này diễn ra ngay trước các cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng cử viên tổng thống còn lại: Ông Donald Trump và bà Thượng nghị sĩ Kamala Harris (là người hiện được cho là ứng cử viên nổi bật nhất sau các vòng tranh luận được truyền hình trực tiếp) nên càng tác động tiêu cực đến chính trường Mỹ, vốn đã chia rẽ mạnh từ khi ông Trump làm Tổng thống.

Nước Mỹ thời “Demander-in-chief” (thay vì “Commander-in-chief”) sẽ đối phó ra sao khi đụng độ với Trung Quốc vào thời điểm này? Kính mời quý độc giả đọc bài dịch sau đây, từ báo Economist:

Ảnh minh họa. Nguồn: Joan Wong

                                                          ***

Một cuộc đối đầu trên biển giữa hai siêu cường có thể ảnh hưởng thế nào đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm sau? Sau đây là một kịch bản tưởng tượng cho năm 2020.

Nhiều cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã bị xáo trộn bởi điều không lường trước, xảy ra vào tháng 10. Rất ít tháng 10 nào đáng báo động như tháng 10 sắp tới trong cuộc cạnh tranh năm 2020 – một cuộc khủng hoảng chết người ở Biển Đông, giờ đột ngột được giải quyết sau hai tuần căng thẳng và rối rắm. Sự đối đầu [giữa hai nước Trung – Mỹ] là một tai họa, cho thấy ngay cả nguy cơ tiệm cận chiến tranh với một cường quốc nước ngoài vẫn chưa đủ để tạo nên sự đoàn kết cho một nước Mỹ chìm trong mâu thuẫn đảng phái.

Chỉ riêng vấn đề bầu cử, cuộc khủng hoảng có thể giải thích sự giảm sút trong tỉ lệ ủng hộ dành cho thống Donald Trump, là người thường đổ lỗi nhiều hơn là chỉ huy. Nhưng với các cử tri hiện đang nghiêng nhiều về các phe đối lập, số phiếu thăm dò ý kiến ​​dành cho đối thủ Dân chủ, là Thượng nghị sĩ Kamala Harris, hầu như không suy suyển.

Ngược lại, Trung Quốc đã đạt được một chiến thắng rõ ràng. Thế giới nhìn thấy chiến hạm USS McCampbell, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ, rõ ràng ở thế yếu hơn trước một đoàn tàu gồm tàu đánh cá và tàu dân quân Trung Quốc. Bị bao vây bởi các tàu nhỏ hơn, với một thủy thủ bị phía Trung Quốc bắt giữ, con tàu này nằm bất động trong 13 ngày. Các đô đốc hải quân trong bộ quân phục viền vàng khẳng định rằng, tàu USS McCampbell không bị đánh bại, mà chỉ thể hiện sự kiềm chế đáng khích lệ trước thái độ hung hăng của Trung Quốc. Nhưng khi thế giới thở phào nhẹ nhõm, có một điều rất rõ ràng: Cái giá cho các hoạt động tương lai của Mỹ trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông vừa tăng lên đáng kể.

Trung Quốc bây giờ đã gây được sức ép trên sân nhà dựa trên lợi thế của họ. Đầy rẫy những cảnh đối đầu đang diễn ra – vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa, là một nhóm đá và rạn san hô mà cả phía Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền – bằng một đội quân hỗn hợp gồm các tàu hải quân, xuồng ca nô của lực lượng bảo vệ bờ biển, tàu dân quân biển và tàu đánh cá. Sau khi truyền hình nhà nước Trung Quốc phát đi những hình ảnh vụ tàu USS McCampbell đang “bị trục xuất khỏi vùng biển thiêng liêng của quê hương” bởi các tàu đánh cá, những nhân vật diều hâu chống Trung Quốc trong Quốc hội Mỹ kêu gọi tàu chiến quay trở lại khu vực này. Một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng thúc giục hải quân tiến hành các “hoạt động vì tự do hàng hải” càng sớm càng tốt, qua các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng là một quần đảo trong vòng tranh chấp. Nhưng các cuộc thăm dò cho thấy, hầu hết cử tri Mỹ phản đối hành động như vậy.

Một tuần sau biến cố nói trên, Washington DC tiếp tục chứng kiến ​​một cuộc chiến ngắn về những gì đã xảy ra. Lời tuyên bố chính thức về cuộc khủng hoảng này bắt đầu bằng một thông báo ngắn của Lầu Năm Góc, được công bố vào ngày 9/10/[2020] rằng tàu USS McCampbell, một tàu khu trục lớp Arleigh Burke, đã buộc phải dừng lại ở vùng biển quốc tế bởi các con tàu “nghe theo chuỗi lệnh điều động quân sự của Trung Quốc”, trong khi đang thực hiện “một chuyến tuần hành thường lệ và hợp pháp trong khu vực gần quần đảo Hoàng Sa”.

Lầu Năm Góc yêu cầu Trung Quốc cho phép tàu McCampbell “cùng tất cả trang thiết bị của tàu” được tiếp tục chuyến hải hành. Khái niệm “trang thiết bị” ở đây được làm rõ trong một giờ sau đó, khi Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, công bố một đoạn video cho thấy, ngư dân Trung Quốc với những cái móc thuyền đang giữ một thiết bị không người lái, nửa chìm nửa nổi, bị kẹt trong một tấm lưới, được mô tả là tàu ngầm gián điệp của Mỹ. Một đoạn video thứ hai cũng của Tân Hoa Xã cho thấy, một chiếc thuyền cao tốc bơm hơi, được điều khiển bởi các thủy thủ Mỹ có vũ trang, ở gần thiết bị không người lái nhưng bị mắc kẹt giữa khoảng hai chục tàu đánh cá Trung Quốc được tổ chức thành một đội hình vòng cung.

Cả hai nước đã đạt được thỏa thuận về diễn biến tiếp theo. Sau khoảng 30 phút, chiếc thuyền bơm hơi của Mỹ thoát khỏi vòng vây của những chiếc tàu đánh cá, trong khi các thủy thủ khai hỏa bằng những khẩu súng nhỏ, và quay trở lại tàu khu trục [McCampbell], nơi Ji-Hoon Kim, một trong các thuyền viên trên chiếc thuyền cao tốc, được báo cáo là đã mất tích. Ngay sau đó, một đội tàu đánh cá Trung Quốc bao vây tàu McCampbell, nhiều tàu trong số đội tàu này treo những lá cờ đỏ thật to đang tung bay.

Tháng 10/2020: Cái giá cho các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông tăng vọt

Tuyên bố của Mỹ và Trung Quốc sau sự cố này có sự mâu thuẫn rất lớn. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, tàu khu trục của Mỹ đã tiến hành các hoạt động quân sự bất hợp pháp tại vùng lãnh hải của Trung Quốc. Cơ quan này còn tiếp tục cáo buộc các thủy thủ Mỹ đã nổ súng một cách nguy hiểm vào các ngư dân Trung Quốc không có vũ khí, khiến một ngư dân thiệt mạng, mà phía Trung Quốc gọi là “hành động trơ trẽn, hiếu chiến”.

Cùng lúc, bản tin của Tân Hoa Xã tường thuật rằng, thủy thủ họ Kim đang bị giữ trên một tàu đánh cá Trung Quốc. Dẫn tin từ “các nhà chức trách có liên quan”, hãng tin này cho biết, thủy thủ người Mỹ này đang bị điều tra vì liên quan đến cái chết của ngư dân nói trên. Bản tin nói thêm rằng, ông Kim đang được điều trị những vết thương nhẹ, “liên quan đến trách nhiệm của Trung Quốc trong việc cung cấp sự hỗ trợ tìm kiếm và cứu hộ trong vùng lãnh hải của họ”.

Tại một cuộc họp báo do Lầu Năm Góc tổ chức vội vàng, một tiếng trước khi bắt đầu cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống trên truyền hình vào ngày 9/10/ [2020], một quan chức hải quân cao cấp nói rằng, tàu McCampbell chưa bao giờ đi ra khỏi vùng biển quốc tế. Một hải đồ trong khung hình [của bản đồ Biển Đông] (xem ảnh bên dưới), cho thấy vùng ranh giới hình hộp mà Trung Quốc xác lập xung quanh toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ năm 1996 và tuyên bố quyền sở hữu đối với tất cả các vùng biển bên trong. Lầu năm góc nhấn mạnh, “cái hộp” đó không có cơ sở luật pháp. Thay vào đó, mỗi hòn đảo nhỏ được bao quanh bởi một vùng lãnh hải rộng 12 dặm, nhưng vùng biển ở giữa các vùng lãnh hải này, nơi tàu McCampbell di chuyển – không thuộc quyền sở hữu của bất cứ quốc gia nào.


Bản đồ Biển Đông đi kèm. Ảnh: Economist

Đối với con tàu giữ ông Kim, Lầu năm góc  nhận diện, đó là con tàu Qiongsanshayu 00111, nặng 750 tấn, với thân tàu được gia cố và một khẩu pháo nước, thuộc Lực lượng Dân quân Biển Thành phố Tam Sa, một lực lượng có căn cứ ở đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa. Một sĩ quan nói với các phóng viên rằng, hàng trăm tàu ​​giã cào Trung Quốc có vẻ đã được huy động bởi Lực lượng Dân quân Biển, và được triệu tập đến khu vực quần đảo Hoàng Sa trong một chiến dịch được lên kế hoạch từ trước. Người sĩ quan này khẳng định: “Họ đến đó không phải để đánh cá”.

Tối hôm đó, các đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã chứng kiến ​​sự kinh hoàng khi ông Trump và bà Harris tranh luận trên truyền hình trực tiếp về cách phản ứng, biến cuộc tranh luận tổng thống áp chót của chiến dịch tranh cử năm 2020 thành phiên bản truyền hình thực tế của Phòng Tình huống tòa Bạch Ốc. Bà Harris nói: “Người dân Mỹ không muốn bắt đầu Thế chiến thứ Ba chỉ vì mấy cục đá”. Còn ông Trump phản bác rằng: “Trung Quốc tôn trọng tôi như thể họ chưa bao giờ tôn trọng một tổng thống Mỹ”, rồi ông cáo buộc, dù không có bất cứ lời giải thích hay bằng chứng nào, rằng: “Đảng Dân chủ đã bị Trung Quốc mua chuộc và kiểm soát. Thật kinh tởm nếu bạn biết những gì tôi biết”.

Tổng-yêu-cầu (*)

Trong những ngày sau đó, ông Trump thể hiện sự đoàn kết với các lực lượng vũ trang, mời các tướng lĩnh và đô đốc cùng ông đến Vườn hồng Nhà Trắng khi ông kêu gọi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Hoặc trả tự do cho “tàu của tôi” hoặc phải đối mặt “hậu quả rất là khủng khiếp”. Những cảnh như vậy được bù đắp bằng các bài báo về ông Trump mắng mỏ các chỉ huy quân sự trong Phòng Bầu dục, cho rằng họ đang cố phá hoại chiến dịch tái tranh cử của ông. Sẽ không có sự thay đổi lớn diễn ra vào thời điểm của cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng vào ngày 19/10 [2020], khi ông Trump đưa ra yêu cầu chọc ngoáy rằng, Trung Quốc phải trao trả thủy thủ họ Kim. Tuy nhiên, tổng thống cũng đổ lỗi cho ông Kim, một người Mỹ gốc Hàn, vì đã “để mình bị bắt giữ”, và đặt câu hỏi về lòng trung thành của người thủy thủ này với những điều mà đảng Dân chủ cáo buộc tội chủng tộc.

Cũng có những tín hiệu lẫn lộn từ các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản và các chỉ huy quân sự Trung Quốc. Họ lên kế hoạch công bố tang lễ theo nghi thức quân sự cho Zhou Haibo, ngư dân Trung Quốc bị thiệt mạng trong vụ giao tranh hỗn loạn. Sau đó, kế hoạch tang lễ đột ngột bị hủy bỏ, và gia đình ngư dân này sống ở phía Nam đảo Hải Nam, bây giờ được cho là đang sống tại một địa điểm không xác định. Và các trường đại học ở một số thành phố của Trung Quốc bị phong tỏa sau khi một nhóm nhỏ sinh viên ở thành phố Tam Á, thủ phủ của tỉnh Hải Nam, phản đối việc ông Kim bất ngờ được thả vào ngày 22/10 [2020], cho rằng ông này lẽ ra phải bị buộc tội giết người vì liên quan đến cái chết của ngư dân kia.

Không rõ lý do thủy thủ họ Kim bất ngờ được phóng thích. Ông Trump phủ nhận rằng ông đã giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách xin lỗi ông Tập trong một cuộc điện thoại – thông tin do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra, và sau đó được bà Harris nhắc lại. Ông Trump viết trên Twitter ba lần: “Không có lời xin lỗi nào cả”, và nói rằng việc ông Kim được trả tự do, cùng với việc phóng thích tàu McCampbell, chứng tỏ rằng Chủ tịch Trung Quốc “khôn ngoan”. Khi được các phóng viên hỏi, liệu ông có chấp thuận cho các hoạt động tự do hàng hải mới ở Biển Đông hay không, ông Trump trả lời: “Phía Việt Nam nói rằng đó là những hòn đảo của họ. Vì vậy, Việt Nam có thể tự chi tiền cho việc đó”.

Các quan chức Lầu Năm Góc bảo vệ quyết định của chỉ huy tàu McCampbell về chuyện chấp nhận bị bao vây trong hai tuần, giữa các tàu Trung Quốc, để quan sát nhất cử nhất động của con tàu giữ ông Kim. Họ lưu ý rằng, tàu McCampbell đã phải chịu đựng sự quấy rối liên tục, gồm các cuộc tấn công khiêu khích bằng thuyền nhỏ mỗi đêm, khiến thủy thủ đoàn phải sẵn sàng tự vệ bằng súng máy, vũ khí nhỏ và vòi nước cao áp trong mọi thời điểm. Các máy bay trực thăng của tàu này không thể cất cánh vì các phi công của họ bị chiếu tia laser gây lóa mắt. Một sĩ quan nói: “Đó là một sự hỗn độn, chỉ huy tàu buộc phải đưa ra những lựa chọn tệ hại”.

Nhưng phát ngôn viên của Lầu Năm Góc không đề cập đến các chi tiết của “thiết bị” thất lạc tại trung tâm của cuộc giao tranh chết người đó. Tuy nhiên, một quan chức quân sự giấu tên nói với đài CNN rằng, chiếc tàu ngầm gián điệp thật ra là “thiết bị không người lái cơ động” được gắn liền với phần cuối của một “mạng anten đa chức năng được kéo theo” [bởi tàu McCampbell]. Các mạng atten này là những ống dài, mỏng, chứa đầy các thiết bị điện tử tinh vi có thể phát hiện các mối đe dọa dưới nước từ tàu ngầm, ngư lôi và mìn, và được thiết kế để tàu chiến có thể kéo chúng theo dưới nước. Quan chức này chỉ ra: “Chính cái mạng atten đó mới là phần thưởng”, đồng thời so sánh rằng thiết bị không người lái chỉ như “anh chàng mà bạn thấy ở phía sau một chiếc xe cứu hỏa dài, điều khiển nó ở các góc tròn”.

Ông Tập vẫn chưa phát biểu trước công chúng về cuộc khủng hoảng, làm dấy lên những lời đồn đoán rằng, ông đã không dự tính được diễn biến này, hoặc thậm chí còn phản đối. Giả thuyết đó trở nên ít hợp lý hơn sau khi tờ Nhân Dân Nhật báo đăng trên trang nhất bức ảnh của lực lượng Dân quân Biển Thành phố Tam Sa, cho thấy lãnh đạo của họ đang đọc một lá thư của ông Tập, thúc giục họ xây dựng một “sức mạnh lớn trên biển”. Trong khi đó, báo New York Times tường thuật rằng, phía Trung Quốc đã thu hồi được các phần mạng atten của tàu USS McCampbell và đưa chúng về đất liền để phân tích. Cả hai ứng viên tranh cử tổng thống đều từ chối bình luận.
_______

(*) Ghi chú: Tác giả chơi chữ và châm biếm ông Trump khi lấy từ cụm từ Commander-in-chief (Tổng Tư lệnh), tức Tổng thống Mỹ, sửa lại thành Demander-in-chief, tức “Tổng đòi hỏi” hay “Tổng yêu cầu”.

*
Nguồn :
If America and China clash at sea





No comments: