Friday, July 19, 2019

MUỐN TỬ TẾ, HỌC TẬP & LÀM THEO DÂN (Trân Văn)




18/07/2019

Tờ Tuổi Trẻ vừa có một phóng sự về những lão nông ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): Trong mười năm vừa qua, những lão nông này đã cùng nhau xây dựng hơn 300 cây cầu ở Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long,(1)…

Các lão nông đang tham gia xây cầu. Hình: Trích xuất từ website báo Tuổi Trẻ/Hải Triều.

Những lão nông ấy, có người đã 74 tuổi như ông Năm Chà, trẻ hơn một chút là ông Hai Lập – 72 tuổi,… Không chỉ có các ông, những tình nguyện viên tham gia công việc hoàn toàn tự nguyện này còn có các bà đi theo nấu cơm.

Trong phóng sự vừa kể, phóng viên tờ Tuổi Trẻ tường thuật rằng, những tình nguyện viên tham gia bắc cầu ở ĐBSCL toàn người già vì người trẻ phải lo kiếm cơm. Người già không còn phải lo cơm áo, lại không muốn trở thành vô dụng nên phơi nắng, dầm mưa để vác xi măng, uốn sắt thép, trộn bê tông, dựng cột, gác dầm… làm cầu, tích đức cho mình, để phước cho con.

Đội trưởng Đội dựng cầu làm phước toàn lão nông khởi nghiệp ở Cái Bè (Tiền Giang) là ông Sáu Mãnh (Phan Văn Mãnh) – 56 tuổi. Sáu Mãnh có 15 công vườn trồng xoài, mỗi năm kiếm vài trăm triệu nhưng bỏ ngang đi bắc cầu giúp bá tánh vì năm 2001, lúc chạy xe đạp điện lên cây cầu vừa hẹp, vừa dốc cha Sáu Mãnh té ngang, chấn thương sọ não, chết… Ít năm sau, có dịp đến Sóc Trăng, Bạc Liêu, Sáu Mãnh gặp ông Chín Hùm – người chuyên đi bắc cầu giúp bá tánh, nghe mơ ước của Sáu Mãnh (có tiền – dựng những cây cầu an toàn để không ai chết oan nữa), ông Chín Hùm vận động các mạnh thường quân giúp cho Sáu Mãnh dựng một lượt ba cây cầu ở Cái Bè,…

Kể từ đó, Sáu Mãnh bỏ vườn cho gia đình chăm, dành hết thời gian, sức lực cho chuyện dựng cầu làm phước. Tiền làm cầu là những khoản đóng góp của gần 20 mạnh thường quân, đa số ở Sài Gòn. Hiện giờ là những cá nhân như anh Trí, chị Phụng,… và những nhóm như: Từ Tâm, Chung sức,... Trước nữa thì có Chín Hội...

Vào lúc này, những lão nông trong đội dựng cầu của Sáu Mãnh đang ráo riết hoàn tất cây cầu nối hai xã Mỹ Tân và Mỹ Lợi B ở Cái Bè (Tiền Giang), nơi mấy chục năm nay dân chúng ao ước có một cây cầu và vài cây cầu nữa ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang. Cứ như lời Sáu Mãnh và các thành viên trong đội kể với tờ Tuổi Trẻ thì dựng xong một cây cầu, đội lại có thêm một số thành viên mới, có lúc là một cặp vợ chồng già, có lúc ngoài cha mẹ còn thêm con góp sức.

Ông Hai Lập - 72 tuổi, thành viên trong Đội dựng cầu làm phước của Sáu Mãnh, giải thích, xưa ông nghèo tới mức không có cả cháo để ăn, nhờ con gái lấy chồng Đài Loan mới dễ thở, mới không phải lo cái ăn, nên Hai Lập tự nhắc mình “phải nghĩ tới chuyện giúp đời, giúp người”! Ông Năm Chà – người có con gái là tiếp viên hàng không, con rể là một phi công người Pháp – thành viên của Đội dựng cầu làm phước đã tám năm cũng nghĩ như vậy và lặp đi lặp lại với bốn đứa con xót cha già phải lao động nặng nhọc nên liên tục căn ngăn: Con cái sống nhờ phước đức của cha mẹ. Bắc cầu cho bà con cô bác đi lại là tạo phước!

Theo tờ Tuổi Trẻ, những lão nông trong đội dựng cầu làm phước của Sáu Mãnh đã dựng hơn 300 cây cầu ở năm tỉnh và việc làm của họ chỉ lay động được vài cán bộ, đảng viên: Một Ba Cống (Nguyễn Văn Cống – cựu Giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp), sau ba năm cho “lính” theo dõi công việc, quyết định hỗ trợ một sà lan, một máy ép cọc trụ cầu để giúp các cây cầu bảo đảm kỹ thuật, an toàn, tiết kiệm sức người. Một Sáu Dũng – Bí thư một xã thuộc huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, vừa trực tiếp trộn bê tông, vừa điều động cán bộ xã ra công trường phụ làm cầu suốt cả tháng. Bí thư, Chủ tịch một xã ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, cùng ra vác đá, khiêng cát…

***
Ở ĐBSCL không chỉ có Đội dựng cầu làm phước của Sáu Mãnh. Ngoài Sáu Mãnh còn những lão nông khác như Chín Hùm (2)… Chắc chắn không lão nông nào trong số này được học “lý luận chính trị”, kể cả sơ cấp. Họ cũng không phải là đối tượng được mời “học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Cứ đối chiếu thực trạng xã hội với hàng loạt chỉ thị của Bộ Chính trị hết khóa 11 (Chỉ thị số 03-CT/TW năm 2011), đến khóa 12 (Chỉ thị số 05-CT/TW năm 2016), vô số cuộc thi, tổng kết, khen thưởng, quảng bá điển hình “học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, sẽ thấy hiệu quả thực chất của chuỗi hoạt động này đến đâu.

Cán bộ, đảng viên có cần tử tế? Nếu thật sự cần tử tế hãy nhìn vào dân mà học. Những lão nông dựng cầu làm phước chính là những tấm gương sống động. Chẳng lẽ suy nghĩ của họ về tích đức, tạo phước cho hậu sinh, hạn chế uổng tử, hỗ trợ sinh hoạt của đồng bào tiện lợi hơn không có chút giá trị nào về mặt tư tưởng, đạo đức? Chẳng lẽ nỗ lực báo đền cộng đồng khi vừa đủ ăn, đủ mặc bất kể đã gần đất, xa trời không có chút giá trị nào về mặt phong cách?

Chính hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đã biến “học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thành… khôi hài đỏ, không gây cười, chỉ làm tăng lượng mồ hôi, nước mắt và trong nhiều trường hợp còn đẫm máu dân lành!

Càng “học tập”, càng “làm theo” thì càng nhiều dự án không những không sinh lợi mà còn khiến nợ nần quốc gia càng ngày càng lớn. Càng “học tập”, càng làm theo thì chất lượng các công trình giao thông càng tồi, làm chưa xong đã sửa vì thất thoát vốn đầu tư càng ngày càng lớn.

Càng “học tập”, càng “làm theo” thì phát ngôn càng ngớ ngẩn, khó nghe. Càng “học tập” càng “làm theo” thì kinh tế càng suy thoái, xã hội càng bất an, dân chúng càng lầm than, nhân tâm càng ly tán, chỉ có những kẻ được chọn “học tập”, “làm theo” có thêm điều kiện để hưởng lạc…

“Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thì như thế và cứ thế thì chắc chắn sẽ còn tệ hơn thế. Đảng vốn thạo… rút kinh nghiệm, liệu có mạnh dạn rút kinh nghiệm để quay lại học dân cách suy nghĩ, cách ứng xử sao cho tử tế với đời, với người hay muốn tiếp tục hưởng những lạc thú vô luân, phi nhân từ “học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”?

-----------------
Chú thích







No comments: