Monday, July 15, 2019

KIẾN NGHỊ BA ĐIỂM LIÊN QUAN ĐẾN TRUNG QUỐC XÂM PHẠM CHỦ QUYỀN VIỆT NAM (Lập Quyền Dân)




Lập Quyền Dân
15/07/2019

Kiến nghị ba điểm liên quan tới đến việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương đến dò tìm dầu tại bãi Tư Chính, thuộc chủ quyền của Việt Nam

Trong suốt mấy tuần qua, tàu Cảnh sát biển Việt Nam và tàu Hải cảnh Trung Quốc đã và đang đối đầu nhau tại Bãi Tư Chính trên Biển Đông, trong lúc bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam vừa kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh, nhằm bàn “tăng cường tin cậy chính trị”.

Theo một số nguồn tin quốc tế, trong gần ba tuần lễ qua, 6 tàu Hải cảnh Trung Quốc và 4 tàu Cảnh sát biển Việt Nam, đều được trang bị vũ khí hạng nặng, đã và đang quần nhau ở khu vực Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), thuộc quần đảo Trường Sa. Khu vực này phía Việt Nam đã đặt một số nhà giàn gọi là DK, có lính canh giữ ngày đêm. Một số nhà giàn có cả bãi đáp trực thăng trên nóc. Ngoài các tàu vừa kể, còn có cả chục tàu quân sự khác cũng hiện diện gần đó.

Nguyên nhân dẫn tới sự đối đầu nói trên là do Trung Quốc đã đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương (Haiyang Dizhi) đến dò tìm dầu khí tại khu vực Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Hộ tống cho chiếc tàu khảo sát, có chiếc tàu Hải cảnh mang số 3901, lớn nhất của Trung Quốc, trọng tải tới 12.000 tấn. Tàu này có cả trực thăng. Đồng thời, còn có tàu Hải cảnh 2.200 tấn mang số 37111.

Cuộc đối đầu hiện nay diễn ra trong bối cảnh bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam vừa có mặt ở Bắc Kinh và hội đàm với nhiều chức sắc cấp cao Trung Quốc, gồm cả Chủ tịch nước/ Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Báo chí quốc tế thuật lời ông Tập Cận Bình nói với bà Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 12/7/2019, là hai nước nên “bảo vệ hòa bình, ổn định trên biển bằng những hành động cụ thể”.

Trong khi chờ chính quyền hai nước chính thức lên tiếng,  “Lập Quyền Dân” có 3 kiến nghị khẩn cấp như sau:

Thứ nhất, yêu cầu chính quyền Việt Nam, ngay lập tức, bạch hoá các thông tin liên quan đến việc từ ngày 3/7/2019, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát, để thực hiện cái gọi là “cuộc khảo sát địa chấn”; đồng thời bạch hoá các diễn tiến phức tạp như đã nêu ở trên, bất chấp cam kết từ hồi tháng 5/2019 của các Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Việt Nam sẽ giải quyết tranh chấp hàng hải bằng đàm phán.

Thứ hai, yêu cầu chính quyền Việt Nam, động viên dư luận rộng rãi trong nước, để phản đối hành động đơn phương của Trung Quốc, coi việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò vào vùng quanh khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam là hành động vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm pháp luật Việt Nam và vi phạm các thảo thuận song phương về hợp tác ở Biển Đông mà hai bên đã cam kết và công bố. Chính quyền Việt Nam cũng cần phải khẩn cấp liên hệ với các quốc gia trong và ngoài khu vực để cùng lên án hành động thách thức dư luận quốc tế, thách thức các nỗ lực thực thi pháp luật trên biển của tất cả các quốc gia có lợi ích ở Biển Đông.

Thứ ba, yêu cầu chính quyền Việt Nam thực thi ngay những thay đổi cần thiết trong chính sách đối ngoại và đối nội để vừa huy động được các nguồn vốn xã hội, vừa kết nối được với các nguồn mạch quốc tế và thời đại nhằm bảo đảm tính liên tục của công cuộc phát triển bền vững lẫn công cuộc hội nhập sâu rộng khu vực/quốc tế của Việt Nam. Trước mắt, phải điều chỉnh ngay “chính sách ba không” vốn là vật cản, như đã thấy trong mấy tuần qua, các nước trong và ngoài khu vực vẫn chưa có tiếng nói kịp thời, nhằm ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam, phản đối chính sách bành trướng và bá quyền đẩy hiểm hoạ của Trung Quốc.

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2019
Lập Quyền Dân







No comments: