Thursday, July 4, 2019

ĐI VÀO TRANH CỬ 2020 (Cổ-Lũy)




Cổ-Lũy
July 4, 2019

Hai ngày liên tiếp giữa tuần trước, 20 ứng viên tổng thống thuộc đảng Dân Chủ gặp gỡ trong tranh luận đầu tiên do hệ thống ti vi NBC ở Florida tổ chức. Cùng thời gian này Tổng Thống Donald Trump cùng con gái và rể tham dự Hội Nghị G20 ở Nhật, với không mấy kết quả nhưng vô số cơ hội “hân hạnh” chụp hình, quay phim “lịch sử” và thân mật với nhà độc tài khét tiếng Bắc Hàn Kim Jong Un. Mùa tranh cử đã mở đầu trong những gay gắt giữa hai đảng

Ứng viên tranh cử, Nghị Sĩ Kamala Harris (cựu bộ trưởng Tư Pháp California; gốc da đen và Ấn Độ) với lý luận sắc bén, lưu loát tấn công trực diện vào ông Trump. Bà có thể sẽ nắm phần thắng sơ bộ ở California với số 1/4 đại diện đảng cần thiết để được nêu danh. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Thứ Hai đầu tuần, Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện cho biết chi tiết về điều trần của Điều Tra Viên Đặc Biệt Robert Mueller trước Hạ Viện ngày 17 tới; ông Trump vội tổ chức “mít tinh” lớn cùng ngày ở North Carolina để đánh lạc hướng dư luận. Ông Mueller nhận lời điều trần công khai trước Ủy Ban Tư Pháp và Tình Báo; ông có thể là tiếng nói vô tư, trung thực và ảnh hưởng vô cùng về cuộc điều tra.

Trong thông báo chung hai ủy ban cho biết, “Dân chúng Mỹ đòi hỏi được nghe trực tiếp từ công tố viên và những người làm việc dưới quyền để họ có thể hiểu những gì đã được xem xét, phát giác, và kết luận về những tấn công từ Nga vào nền dân chủ của chúng ta, rồi Mặt Trận Tranh Cử Trump đón nhận và lợi dụng những tấn công này, và Tổng Thống Trump cùng người làm việc cho ông ngăn cản những điều tra về tấn công này.”

Thứ Ba, sau những nhì nhằng, Chủ Tịch Ủy Ban Thuế Richard Neal đệ đơn kiện bộ trưởng tài chính đã không nộp hồ sơ thuế của ông Trump. Tiểu bang New York đã thông qua luật buộc các ứng viên phải công bố hồ sơ thuế; sở thuế tiểu bang sẵn sàng cung cấp hồ sơ thuế của ông Trump cho Quốc Hội.

Bắt đầu tranh cử: Cộng Hòa 

Ngày 18 Tháng Sáu, ông Trump chính thức công bố tái cử tại một mít-tinh đông đảo ở trung tâm Florida; trước mặt các “cử tri trung kiên/base” sôi động, ông lập lại đề tài “chia rẽ, kỳ thị” họ dễ bị kích động nhất: “Dân di cư ào ào vào Hoa Kỳ” từ Trung Mỹ và những biện pháp gắt gao ông dùng để ngăn chặn họ – hơn cả kinh tế, chính trị, ngoại giao và quốc phòng.

Ông Trump có lợi thế về mặt kinh tế, phát triển mạnh theo đà có sẵn từ hai năm cuối của Tổng Thống Obama, với số người thất nghiệp xuống rất thấp. Bình thường tổng thống tại chức với kinh tế mạnh mẽ dễ được cử tri chọn cho nhiệm kỳ tiếp. Nhưng ông Trump không bình thường; ông bị đa số dân không chấp nhận, và ông tự tạo ra những khó khăn cho mình: Thâm thủng ngân sách vì “giảm thuế cho nhà giàu,” chi phí quốc phòng quá mức, và những chính sách “nhân tạo” về thuế nhập cảng, hay làm áp lực hạ lãi suất cho vay (nhằm giảm thất nghiệp tuy dễ tăng lạm phát).

Như thường lệ, với những huyênh hoang không kiểm chứng, ông cho biết tuần lễ kế tiếp sẽ bắt đầu trục xuất “hàng triệu người di cư bất hợp pháp… nhanh chóng như họ vào đất Mỹ” mà không cần biết khả năng nhân sự di trú và những phương pháp sử dụng vào việc này. Tuy nhiên nhóm “base,” hầu hết người da trắng, ít học, lợi tức thấp, lớn tuổi và kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, như “mê tít thò lò” và nồng nhiệt ủng hộ.

Báo giới nhận xét, qua những phát ngôn hay “tuýt” hằng ngày ông chỉ muốn chụp lấy chú ý của người muốn nghe, gây sợ hãi, và xách động giận dữ, ghét bỏ từ những người này – với không một chính sách, phương cách hay kế hoạch nào cả.

Ông đã gieo cơn gió “chia rẽ, kỳ thị” và bất ngờ thắng cử 2016; nay ông lập lại những hò hét, khẩu hiệu cũ với đề tài “mình và nhóm base da trắng” là “nạn nhân” của những “kẻ thù” da không trắng và những thay đổi trong xã hội, và do đó phải đảo ngược hiện trạng để trở lại thời “hoàng kim 1950” – khi người da trắng và văn hóa trắng độc quyền chế ngự kinh tế, chính trị và đời sống Mỹ.

Từ đây ra khẩu hiệu “Make America Great Again,” đi ngược dòng lịch sử trở lại thời da trắng độc tôn; ba năm truớc ông đã hứa sẽ cấm tất cả di dân tới Hoa Kỳ, trừ người từ Châu Âu để gia tăng tỉ số người da trắng trong nước.

Phủ nhận những tội nặng mình vi phạm mà báo giới và Điều Tra Viên Robert Mueller đã đầy đủ hồ sơ, ông nói: “Họ điều tra về gia đình, làm ăn, tài chính của tôi, và người làm việc cho tôi, nhưng thật sự là họ nhắm vào các người ủng hộ tôi… tiêu diệt nhiệm kỳ của tôi và văn hóa người Mỹ da trắng.” Trên hết, ông lại hứa sẽ xây tường ngăn người vượt biên giới với Mexico mà hơn hai năm ông chưa xây được một dặm.

Điểm đáng chú ý nhất sau mít-tinh: Tổng thống thu được gần $25 triệu ủng hộ vô cùng quan trọng cho tái cử – phần lớn từ những triệu, tỷ phú đại kỹ, thương. Dưới chính quyền Trump, các giới này được bỏ nhiều ràng buộc về môi sinh và luật lệ nhằm bênh vực công nhân và người dân tiêu thụ; họ được vay tiền làm ăn với lãi suất nhẹ để tha hồ “hốt bạc,” rồi được trừ thuế tối đa sau đó. Đảng Cộng Hòa cũng thu trên $50 triệu.

Những điều trên, cùng thời gian hơn hai năm qua, cho thấy ông quyết “đánh cá” tranh cử 2020 trên nhóm “base” của mình và giới đại kỹ, thương – không nhắm tới các cử tri cùng đảng nhưng không ủng hộ mình trước đây, hay người độc lập, chưa nói gì những cử tri Dân Chủ đối lập. Đây khác hẳn những tổng thống đi trước, sau tranh cử sát phạt đều cố hòa giải, mời chào các phe phái cùng đảng và người ngoài đảng hợp tác; điều này cũng giải thích tại sao số người ủng hộ ông vẫn ở mức 42% – xa hẳn tỉ số tối thiểu 50% để có hy vọng lấy được nhiệm kỳ hai.

Phía Dân Chủ 

Khoảng hai tá ứng viên Dân Chủ tranh cử sơ bộ (primary), từ cựu Phó Tổng Thống Joe Biden với triển vọng cao đánh bại ông Trump, đến nhiều người ngay cả giới chính trị cũng không biết tên tuổi – nhảy vào vòng chiến với hy vọng nắm cơ hội chính trị lâu dài hơn là đánh bại ông Trump, người không phải qua chặng “primary” vì hầu như không có đối thủ cùng đảng.

Về những ứng viên Dân Chủ, tờ Los Angeles Times tiêu biểu miền Tây nhận định họ phải có những khả năng và tư cách mà ông Trump hoàn toàn không có, và đủ sức đánh bại ông. Quan trọng hơn nữa, người được chọn phải cho thấy mình có thể hàn gắn những đổ vỡ, tai họa chính quyền Trump để lại, nhất là những thù hận, ganh ghét độc địa về màu da, tôn giáo và những bạo hành, quá quắt từ các nhóm da trắng độc tôn (vẫn tiềm ẩn trong xã hội Mỹ nhưng đã qua ông Trump tìm được đồng minh ủng hộ mình). Những dối trá trắng trợn hằng ngày từ Tòa Bạch Ốc đã làm dân chúng mất tin tưởng vào các định chế cần thiết, như hiến pháp hoặc sự thật, để duy trì dân chủ. Về đối ngoại, thử thách lớn là làm sao lập lại những liên minh với nước ngoài mà ông Trump đã phá hoại, và các thỏa thuận với đồng minh mà ông vứt vào sọt rác với chủ trương “Nước Mỹ trước hết.”

Đảng Dân Chủ chia ứng viên thành hai nhóm tranh luận ở “primary” dựa trên mức ủng hộ và khả năng thu tiền tranh cử; mỗi nhóm gồm mười người được bốc thăm. Trong buổi tranh luận Thứ Tư trước với Nghị Sĩ Elizabeth Warren (người độc nhất trong danh sách năm ứng viên dẫn đầu) không “hào hứng” lắm vì ít tranh luận và tấn công nhắm vào ông Trump hay ông Biden. Bà Warren đưa ra nhiều kế hoạch cấp tiến nhằm thay đổi “cơ cấu kinh tế Mỹ” cho công bằng hơn.

Tranh luận Thứ Năm gồm bốn ứng viên đứng đầu danh sách trong đó bà Nghị Sĩ Kamala Harris (cựu bộ trưởng Tư Pháp California; gốc da đen và Ấn Độ) thành nhân vật trổi bật với lý luận sắc bén, lưu loát tấn công trực diện vào ông Trump và ông Biden (vì từng hòa hoãn với người và chính sách kỳ thị chủng tộc). Sau tranh luận đợt đầu, trong khi bà Warren có hy vọng “qua mặt” Nghị Sĩ Bernie Sanders như một nhân vật cấp tiến, và Thị Trưởng Pete Buttigieg gập khó khăn về chủng tộc ở thành phố mình, với thanh thế lên cao bà Harris có thể thành đối thủ chính của ông Biden với tấn công khá bất ngờ và đặt ông vào thế phòng thủ.

Sau những điều trần ở Quốc Hội làm xính vính ứng viên Tối Cao Pháp Viện Brett Kavanaugh, hai bộ trưởng tư pháp (Jeff Sessions, William Barr), và nhất là hai lần xuất hiện đầu năm ở California và Georgia để chính thức tranh cử với mức thu hút ủng hộ của dân chúng về chính trị và tài chính rực rỡ, bà thành ngôi sao sáng phía Dân Chủ và được xem là người có thể “trị” được ông Trump.

Tuy nhiên, bà lại nhìn xa và khá thận trọng xem xét 20 đối thủ, rồi âm thầm chuyển dần từ những vị trí cấp tiến sang ôn hòa hơn – dựa vào “yếu tố Biden già nua” nhưng được nhiều ủng hộ, vì “yếu tố Trump hỗn loạn” khiến đa số dân chúng muốn trở lại “normalcy/đời sống bình thường.” Có thể bà suy nghĩ đúng, nhưng giữa những giông bão “phản kháng Trump” ngôi sao bà đã lu mờ bớt.

Thành tích “trấn ngự tranh luận đầu tiên” nay có thể giúp bà cứng rắn và bớt ôn hòa trong những tháng tới, khi nhiều ứng viên ít hy vọng hơn phải bỏ cuộc.

Theo thăm dò dư luận của viện Đại Học Quinipiac, bà Harris với mức ủng hộ 20% chỉ thua ông Biden 2%. Nếu giữ được đà này, đầu Xuân tới bà sẽ nắm phần thắng sơ bộ ở California với số 1/4 đại diện đảng cần thiết để được nêu danh. (Cổ-Lũy)







No comments: