Sunday, July 14, 2019

BỊ ĐÁNH ĐAU MÀ KHÔNG DÁM RÊN CŨNG LÀ NỖI NHỤC LỚN (Nguyễn Xuân Thọ)





Vụ tàu Hải Dương Địa Lý 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc vi phạm vùng chủ quyền kinh tế của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính, đối đầu với tàu cảnh sát biển Việt Nam đã kéo dài cả tuần nay không có gì là bất ngờ. Trung Quốc đã nhiều lần làm như vậy, một phần để nắn gân Việt Nam, một phần để tạo ra các tiền lệ, cắm thêm các cột mốc mới vào sâu trong vùng biển của Việt Nam.

Việc tàu cảnh sát biển Việt Nam có mặt và ngăn chặn, dù không ở mức quyết liệt cũng không phải là mới, từ vụ Hải Dương 981 đến nay cũng vẫn quanh quẩn như vậy. Không phái là nhà binh, tôi không dám phê phán cách phòng thủ khá thụ động của cảnh sát biển và hải quân Việt Nam trong suốt hàng chục năm qua trước các hành động vi phạm lãnh hải, bắn giết, đánh đập ngư dân và khiêu khích các lực lượng vũ trang biển Việt Nam.

Xưa nay các nước cựu XNCH như Nga, Trung Quốc và cả Việt Nam vẫn hay áp dụng các kiểu đánh nhau không chính danh trong các cuộc chiến tranh không minh bạch. Nga thì đưa quân đặc nhiệm, nhưng không quân hiệu, quân hàm vào Crime, đưa lính đánh thuê vào Đông Ucraine, đánh nhau xong chối phắt. Trung Quốc thì vũ trang cho ngư dân, dùng tàu kiểm ngư thay hải quân để trấn áp các tàu cá nước ngoài trên chính vùng biển cúa nước đó. Việt Nam thì xui ngư dân cứ ra Hoàng Sa đánh cá, khi có tàu “lạ” thì cho tàu kiểm ngư, cùng lắm là cảnh sát biển ra gọi loa bắn nước vào nhau. Ai cũng khẳng định chủ quyền biển của mình mà bộ đội hải quân, bộ đội biên phòng là lực lượng chính danh bảo vệ biên giới quốc gia lại không bao giờ ló mặt. Lần này cũng vậy, tuy rất nghiêm trọng.

Ai đó sẽ an ủi: Đây là cách đánh của một võ sỹ bé nhỏ, trước một đối thủ to cao hơn. Nhiều khi cứ chạy lùi, né tránh, thậm chí chịu đòn đau, nhưng lúc nào đó sẽ tung chưởng?

Nhưng điều khó chịu nhất, đặc biệt trong hoàn cảnh thế giới phức tạp như hiện nay, là thái độ của truyền thông Việt Nam. Báo chí Trung Quốc im lặng, thậm chí chối bay biến về sự kiện tàu Hải Dương Địa lý 8 có mặt tại Tư Chính, là điều tất nhiên, vì họ là kẻ ăn cướp, vì họ muốn im lặng trong lúc này, khi mà tai tiếng của họ bốc mùi khắp nơi.

Việt Nam đã im lặng xưa nay về tranh chấp biển Đông một cách quá đáng. Ngay cả việc kiện Trung Quốc ra tòa Quốc tế cũng cứ cân nhắc mãi và chẳng còn bao lâu nữa, vụ kiện sẽ mất hiệu lực sau 50 năm. Đã có ông Bộ trưởng quốc Phòng Việt nam tuyên bố tại một hội nghị an ninh quốc tế rằng: “Tranh chấp biển Đông là chuyện của hai nước“. Nghe vậy, ai cũng thấy rằng, ông này đã ngả vào vòng tay của Trung Quốc.

Nhưng tình thế hôm nay đã khác: Trung Quốc đang ngày càng bị cô lập trên mọi lĩnh vực: kinh tế, quân sự, ngoại giao. Mỹ, EU, Nhật, Ấn Độ, Úc, Canada đều có những động thái ngoại giao và quân sự trên biển Đông, biển Hoa Đông để cảnh báo Trung Quốc. Một liên minh chống lại kẻ ăn cắp công nghệ đang hình thành. Hồng Kong và Đài Loan đều đang ra mặt chống lại âm mưu một nước Trung Hoa… Ngay cả những cái đầu thân Trung Quốc nhất ở Việt Nam cũng cảm thấy được sự tức giận của người dân trước những vụ việc Luật Đặc khu, Đường Cao tốc, Formosa, Bauxite Tây Nguyên.

Vậy thì lúc này chính là lúc cần phải thông tin minh bạch hơn về thái độ xấu của Trung Quốc trên biển Đông. Cứ cho là báo chí nhà nước, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị vẫn phải im miệng để giữ gìn tình hữu nghị của hai đảng, nhưng còn bao nhiêu báo chí khác không nằm trong hệ thống này, sao lại không đưa tin. Nhiều nhà báo lớn, tên tuổi ở Việt Nam cũng im re.

Có điều lạ là một cuộc đối đầu lớn như vậy, kéo dài vài ngày mà chỉ có một nguồn tin duy nhất của South China Morning Post đưa, tất cả BBC, AFP, VOA và Facebook Việt Ngữ đều dựa vào ông Ryan Martinson.

Trong khi đó Việt Nam có ít nhất bốn tàu đang chiến đấu bằng loa tại chỗ lại không có một thông tin nào về hành động này của Trung Quốc. Kiểu truyền thông này thì đừng bao giờ hy vọng đạt được hỗ trợ của quốc tế khi bị ăn cướp, lại càng không bao giờ đạt được sự thống nhất trong lòng dân tộc.

Trong lúc đó, bà Chủ tịch Quốc hội mặc áo dài đẹp đang ở thăm Trung Quốc. Không biết hai bên bàn với nhau cái gì, trong khi có quá nhiều mâu thuẫn như vậy? Có lẽ điều duy nhất hai bên thống nhất được với nhau là: Chúng ta cứ uỵch nhau thoải mái, nhưng đừng kêu la.

Hôm trước mới viết “Giả dối là đức tính nhục nhã nhất hiện nay“, Giờ lại thấy bị đánh đau không dám rên cũng là nỗi nhục lớn. Hèn.


LÙI BƯỚC TỪ TỪ

Bãi Tư Chính là một đảo ngầm rộng lớn dàn 63 km và rộng 11 km, đã từ lâu thuộc Việt Nam. Năm 1989, tức trước hội nghi Thành Đô, Việt Nam đã cho lắp đặt nhà dàn DK1 và được bảo vệ bởi binh sĩ thuộc Bộ Tư Lệnh Vùng 2 Hải Quân. Sau Hội Nghị Thành Đô, kể từ năm 1992 thì Trung Quốc bắt đầu xí phần trên bãi ngầm giàu tiềm năng dầu khí này. Các cuộc tranh chấp giành giật diễn ra các năm 1992, 1994, 1996 vẫn cứ ở thế giằng co. Những cuộc tranh chấp vào thời kỳ này dân không hay biết vì báo chí Việt Nam không nói và lúc đó không hề có mạng internet nên dân không có nguồn thông tin từ bên ngoài để dân hay biết.

Thế nhưng điều đáng nói là vào cuối tháng 7 năm 2017, Công ty Talisman-Vietnam thuộc công ty mẹ là Repsol Tây Ban Nha đang thăm dò mỏ khí lớn tại lô 136-03 thì bị Trung Quốc gây áp lực phải hủy bỏ hoạt động thăm dò. Đứng trước cuộc tranh chấp này, phía Hà Nội đã quyết định nhượng bộ, nghĩa là cho Talisman-Vietnam rút khỏi vị trí thăm dò, mặc dù Repsol đã đầu tư khoảng 300 triệu USD vào thương vụ này. Tất nhiên mọi thiệt hại phía Việt Nam phải chịu. Trong lần nhượng bộ này, báo chí Việt Nam cũng im thin thít, và dân chỉ biết khi báo chí nước ngoài đăng tin.

Hôm nay, Hải Quân Trung Cộng đang muốn đuổi nốt nhà dàn DK1 và Hải Quân Việt Nam đã đồn trú đã ở đây từ năm 1989. Và khoảng gần 10 ngày nay, sự căng thẳng giữa Hải Quân Trung Cộng và Hải Quân Việt Nam đang diễn ra trên vùng này, chưa biết kết quả ngã ngũ thế nào, nhưng chắc chắn kết quả của chuyện tranh chấp này sẽ không phụ thuộc vào Hải Quân bên nào mạnh, mà nó phụ thuộc vào cái gật đầu giữa 2 người đứng đầu 2 đảng CS “anh em”. Và lịch sử cho thấy, phía CSVN chỉ có thể trụ lại tạm thời rồi lùi bước chứ chưa bao giờ dám kiên quyết đứng hiên ngang với Trung Cộng. Đó là cái giá phải trả cho sự phớt lờ nguyện vọng nhân dân ôm chân Tàu của nhóm Linh – Mười - Anh và Bộ Chính Trị của ĐCSVN từ đó cho đến nay.

Từ lúc ký kết Hội Nghị Thành Đô 1990 cho đến nay, quan điểm nhất quán của chính quyền Hà Nội là đổi lãnh thổ lấy “tình hữu nghị”, điều này không cần phải bàn cãi nữa nó đã rõ ràng rồi. Trong tình thế tranh chấp căng thẳng như thế này, nhưng bà chủ tịch quốc hội lại kéo đàn lâu la thuộc diện sắp cơ cấu vài Bộ Chính Trị khóa 13 sang Bắc Kinh diện kiến Tập Cận Bình thì thử hỏi, ai cần ai trong lúc này? Rõ ràng những lãnh đạo CSVN đang cần sự bảo kê của hoàng đế thiên triều cho ghế quyền lực 5 năm nhiệm kỳ sau, như thế thì liệu chuyện tranh chấp ở Bãi Tư Chính, phía Việt Nam cầm cự được bao lâu? Câu trả lời là nếu lần này cầm cự được thì lần sau, khi đám đang diện kiến Tập hôm nay lên nắm quyền thì bọn họ cũng sẽ cho Hải Quân Việt Nam lùi bước mà thôi, đó là viễn cảnh dễ thấy.

Còn báo chí Việt Nam, đã gần 10 ngày nay họ vẫn im thin thít, vì sao? Vì thực tế, họ biết khó cầm cự lâu và sự nhượng bộ từ phía người đứng đầu ĐCSVN rất có thể sẽ xảy ra nên bắt buộc họ phải giấu. Còn nhớ, năm 1946 ông Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân kháng chiến, ông ta công khai âm mưu của Thực Dân Pháp với toàn dân. Nhưng còn hôm nay thì sao? Hôm nay, trước tình hình chủ quyền bị đe dọa, báo chí lại câm như hến thì cũng cho thấy ý đồ của Bộ Chính Trị ngược lại với ý đồ của ông Hồ Chí Minh trước kia rồi. Điều đó cho thấy thấp thoáng ý đồ của Bộ Chính Trị Việt Nam hiện nay, họ đang có tính đường lùi bước nếu Trung Cộng lấn tới. Sự nỗ lực của hải Quân Việt nam tại Bãi Tư Chính xem ra không khả quan cho lắm.

- Đỗ Ngà -

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=148364039612213&set=a.102398710875413&type=1&theater

*
Ngồi phòng máy lạnh yêu nước thì tội nghiệp mấy anh cảnh sát biển đang phải gườm gườm tàu giặc ngoài khơi, không cho nó thả thiết bị "nghiên cứu". Cái khó của vụ này là luật biển UNCLOS chỉ cho phép quyền khai thác nguồn lợi dưới mặt biển, còn mặt biển EEZ thì vẫn là của chung (https://en.wikipedia.org/wiki/Exclusive_economic_zone), nên ngay cả khi quân đội nước ngoài tập trận trên mặt biển đó thì vẫn được phép (https://digital-commons.usnwc.edu/cgi/viewcontent.cgi...). Việt Nam xây mấy nhà giàn DK1/15 ở bãi Tư chính cũng gây tranh cãi, nên phải gọi chúng là "trạm dịch vụ khoa học kinh tế", dù thực tế là lính ở đó (https://amti.csis.org/slow-and-steady-vietnams-spratly.../). Khổ nỗi dân ta mà nghe tin là đùng đùng bạo loạn phá phách ngay, nên chắc truyền thông "lề phải" đành im thin thít, chắc vì nhờ cảnh sát biển nên nó chưa "nghiên cứu" được gì, tức là vẫn trong phạm vi nó được phép làm trên mặt biển quốc tế.

EN.WIKIPEDIA.ORG
Exclusive economic zone - Wikipedia
·        



No comments: