Wednesday, July 17, 2019

BẢN TIN NGÀY 17/07/2019 (Báo Tiếng Dân)




17/07/2019

Tin Biển Đông

Trung Quốc bắn 6 tên lửa đạn đạo chống hạm ra Biển Đông, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Vụ Trung Quốc thử tên lửa chống hạm trong cuộc tập trận kéo dài gần một tuần vào đầu tháng 7/2019, đài NHK của Nhật vừa dẫn lời một sĩ quan giấu tên tiết lộ, “Trung Quốc đã bắn 6 tên lửa ASBM từ đất liền ra Biển Đông. Các tên lửa sau đó đánh trúng hai mục tiêu giả định trên biển. Tuy nhiên, danh tính của loại tên lửa này vẫn còn nằm trong vòng bí mật”.

Mỹ là phía công bố thông tin này sớm nhất, nhưng không nói rõ số tên lửa được bắn ra, còn Trung Quốc thì một mực phủ nhận. Hành động này của Bắc Kinh được đánh giá “là sự leo thang căng thẳng và mang tính dằn mặt chưa từng có. Thời điểm diễn ra vụ bắn thử có nhiều tàu chiến của hải quân Mỹ trên Biển Đông nhưng không có tàu nào nằm gần khu vực mục tiêu của Trung Quốc”.

Vụ căng thẳng ở bãi Tư Chính diễn ra cả tháng qua, báo nước ngoài và các truyền thông Việt ngữ ở hải ngoại đưa tin, trong khi báo chí “lề đảng” im lặng, nhường sân chơi cho cư dân mạng. Mãi cho tới hôm qua, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu về diễn biến gần đây ở Biển Đông, trang Tin Tức đưa tin.

Bà Hằng không nhắc tới bãi Tư Chính, mà chỉ nói chung chung về “các vùng biển ở Biển Đông”. Bà nói: “Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982“.

BBC đặt câu hỏi về vụ đối đầu ở Bãi Tư Chính: Việc truyền thông VN im lặng ‘là bình thường’? Ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn, SCIS bình luận: “Việc chính phủ Việt Nam, và truyền thông dòng chính Việt Nam không đề cập gì là chuyện bình thường… Đối với báo chí chính thống, họ sẽ phải chờ thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao, rồi sau đó mới đưa tin được. Còn Bộ Ngoại giao thường thì sẽ chỉ có thông báo sau khi sự việc sắp kết thúc hoặc đã kết thúc”.

Theo ông Phương, quan chức CSVN vẫn sẽ duy trì cách tiếp cận “không xác nhận cũng không bác bỏ”. Đó là chuyện đã xảy ra nên họ không thể phủ nhận, nhưng họ cũng sẽ không thừa nhận. Có lẽ họ sợ dẫn đến phong trào tổng biểu tình chống TQ, có thể còn dữ dội hơn cuộc tổng biểu tình tháng 6/2018 và biểu tình chống giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc năm 2014.


Hàng Tàu nhãn Việt

Cục Điều tra chống buôn lậu, thuộc Tổng cục Hải quan bắt đầu khoanh vùng 6 ‘ông lớn’ lập lờ xuất xứ hàng Trung Quốc, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Lãnh đạo cơ quan này, ông Nguyễn Phi Hùng xác nhận như vậy trong hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019. Theo đó, “vấn nạn lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để xuất hàng đi các nước, lợi dụng xuất xứ của các nước nhập vào Việt Nam để hưởng ưu đãi đang ngày càng nhức nhối”.

Ông Hùng đưa ra một số ví dụ: Công ty Hiếu Nghĩa ở Lạng Sơn nhập hàng ngàn sản phẩm gia dụng từ TQ nhưng ghi xuất xứ sản phẩm tại VN, Công ty nhập khẩu khóa Việt – Tiệp sử dụng sản phẩm nguyên chiếc lại có nguồn gốc từ TQ, Công ty Trần Vượng ở TP.HCM nhập khẩu hàng tỉ đồng mặt hàng loa, âm ly mang nhãn hiệu Nonamax – sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở VN nhưng nhãn hàng lại ghi sản xuất tại TQ.


Nghị trường vắng bóng nghị sĩ

Trang Nhà Báo và Công Luận dẫn lời than vãn của Chủ tịch Quốc hội: Kỳ họp thứ 7 “Vắng nhất trong tất cả các kỳ họp”. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân thống kê, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, “mỗi ngày vắng không dưới 30 đại biểu, có ngày vắng 100 người. Ở đoàn đại biểu Quốc hội, có đoàn vắng đến 50%, có 7 đại biểu thì vắng 4, 5 người thì vắng 3”. Bà Ngân kết luận, kỳ họp thứ 7 vừa qua “vắng nhất trong tất cả các kỳ họp”và đề nghị “các đại biểu cần trách nhiệm hơn”.

Bà Ngân không nên trách họ, vì từ trước tới nay người dân thấy rõ các ĐBQH hầu như không có vai trò gì đặc biệt, trừ “gật đầu” và “bấm nút” để biểu quyết đồng ý hay không. Như trường hợp dự luật an ninh mạng, các ĐBQH “đồng lòng” thông qua, dù nó không có lợi cho dân, cho nước. Họ đến họp đủ hay vắng mặt thì cũng chẳng có gì khác biệt.

Báo Tiền Phong dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: Có phiên biểu quyết vắng tới 70 – 80 đại biểu Quốc hội. Bà Lê Thị Nga cho rằng, “cần khắc phục, hạn chế tối đa việc vắng mặt, nghỉ sớm tại các phiên thảo luận tổ. Có phiên họp đại biểu vắng quá nhiều, có đoàn vắng 13 người, thậm chí có phiên biểu quyết vắng 70 – 80 người, cần phải chấn chỉnh”. Đó là làn sóng thoái trào đã từng xuất hiện ở các nước thuộc khối CS Liên Xô, đã bắt đầu là không dừng lại được.


Việt Nam sẽ có mạng xã hội thay thế Facebook?

Có vẻ như chính quyền CSVN muốn đuổi Facebook ra khỏi Việt Nam như Trung Quốc đã làm đối với Facebook 10 năm trước, để độc quyền kiểm soát thông tin trên mạng. Bộ trưởng 4T Nguyễn Mạnh Hùng đánh tiếng: Việt Nam cần có mạng xã hội mới thay thế Facebook, báo Pháp Luật Plus đưa tin.

Bộ trưởng 4T Nguyễn Mạnh Hùng. Nguồn: Infonet

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Đã đến lúc chúng ta viết một mạng xã hội mới, nhân văn hơn, thực sự coi trọng khách hàng hơn và đưa người dân làm chủ thể tri thức. Đồng thời người dùng cũng phải được chia sẻ giá trị khi tham gia cuộc chơi đó”. Ông Hùng nói thế, nghĩa là ông chê mạng Facebook của anh Mark Zuckerberg hay Blogspot của tập đoàn Google và các MXH khác là thiếu nhân văn, là coi thường khách hàng, không làm chủ tri thức?


Gần 2 năm trước, Bộ trưởng Bộ 4T lúc đó là Trương Minh Tuấn đã từng nói về mơ ước ‘5-7 năm nữa có sản phẩm thay thế Facebook, Google’. Còn nhớ, 50 năm trước, ông Hồ Chí Minh cũng đã từng mơ khi viết trong di chúc: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Nhưng sau khi “thắng giặc Mỹ” rồi, dân chúng đói meo, tiền đâu mà xây dựng đất nước to đẹp “hơn mười ngày nay?

Sau này đảng ta phải rước “đế quốc Mỹ” và bọn “tư bản giãy chết” vào VN, mới có khả năng xây dựng được chút ít, nhưng làm ăn với bọn này chỉ có làm mà không có ăn, vì chúng không biết đưa/ nhận hối lộ, nên chơi với bọn Tàu có lợi hơn, để cho chúng xây dựng, ta có phần trăm, phết, phẩy bỏ túi. Mạng xã hội VN nếu nhờ thằng Tàu giúp, để đuổi Facebook, thì lại tiếp tục trò “dùng Tàu đánh Mỹ” như thời chiến tranh.


Sai phạm ở Bộ GTVT

Ngày 16/7/2019, trong cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, Ban Bí thư kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải và nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, trang web của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa tin. Ban Bí thư đã cách chức ủy viên Ban cán sự đảng Bộ GTVT nhiệm kỳ 2011 – 2016, 2016 – 2021 đối với ông Trường.

Lý do, ông Trường phải chịu trách nhiệm về sai phạm trong các phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT. Ông Trường cũng đã đồng ý cho Tổng công ty Hàng không VN “thực hiện một số hoạt động không đúng với quy định của Luật doanh nghiệp năm 2013 và các quy định của Chính phủ”, để các doanh nghiệp dưới quyền vi phạm, gây thất thoát tài sản của nhà nước.


Công an “nhân dân”?

VietNamNet đưa tin: Chiến sĩ công an trộm súng, 5 viên đạn của sếp đem bán. Theo đó, VKSND quận Cái Răng, TP Cần Thơ ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Mậu Quốc Cường, công an phường Tân Phú, cùng các đồng phạm là Hồ Nhật An Khương, Lê Điền Khắc Huy về tội “Mua bán trái phép, chiếm đoạt vũ khí quân dụng”.

Vào khoảng 1 giờ sáng ngày 22/12/2018, Quốc Cường trực tại đơn vị. Nhân lúc vắng người, Cường vào phòng làm việc của ông Phạm Văn Dự – Phó trưởng Công an phường Tân Phú, mở tủ làm việc lấy 1 khẩu súng quân dụng cùng 1 hộp tiếp đạn có 5 viên đạn trong đó. Đến 9 giờ sáng cùng ngày, “Cường lên mạng xã hội facebook rao bán khẩu súng và 5 viên đạn nói trên thì được Khương đồng ý mua với giá 20 triệu đồng”.

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Cựu công an chiếm đoạt gần… 6 kg ma tuý tang vật. Ngày 15/7, TAND TP Hải Phòng kết thúc phiên tòa sơ thẩm xử các cựu cán bộ công an: Bị cáo Phạm Quốc Việt nhận án tử hình, Phạm Đức Công chịu án 20 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma tuý.

Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Việt là cựu trinh sát thuộc Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hải Phòng “đã trộm cắp hơn 5,7kg ma tuý đá là tang vật của vụ án. Sau đó Việt giao cho bị cáo Công, nguyên là cán bộ công an phường Thượng Lý (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) 500 gam ma tuý đá để Công mang tiêu thụ”.


Sai phạm ở Kon Tum

Ngày 16/7, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum vừa đề nghị kỷ luật viện trưởng, nguyên viện trưởng Viện KSND tỉnh Kon Tum, báo Thanh Niên đưa tin. UBKT Tỉnh ủy Kon Tum đề nghị Ban Thường vụ tỉnh ủy kỷ luật ông Hoàng Văn Phước, Viện trưởng VKSND tỉnh Kon Tum từ tháng 1/2009 đến tháng 9/2016 và ông Phan Minh Cự, Viện trưởng từ tháng 2/2017 đến nay, cùng với Ban cán sự Đảng của viện (giai đoạn 2009 – 2020).

Ông Phước đã để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính và đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ đạo cấp dưới làm trái nguyên tắc tài chính kế toán và công tác quản lý, sử dụng kinh phí. Còn ông Cự đã làm sai các quy định trong quản lý đầu tư, xây dựng.


Vụ Bách Đạt An

Vụ hàng nghìn người mua đất không có sổ đỏ: Thanh tra công bố loạt sai phạm của Bách Đạt An, VTC đưa tin. Theo kết luận thanh tra, thời điểm Công ty Bách Đạt An ký hợp đồng huy động vốn tại các Dự án Khu đô thị Bách Đạt, Khu đô thị 7B mở rộng, Khu đô thị Hera Complex Riverside thì “hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ, chưa có cơ sở hạ tầng, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước”. Các lô đất tại 3 dự án nêu trên đã được người mua chuyển nhượng nhiều lần nhưng tiến độ dự án không bảo đảm như cam kết.

Thanh tra tỉnh Quảng Nam kiến nghị, “thu hồi của Bách Đạt An 522,234 triệu đồng về khoản tiền sử dụng đất còn phải nộp theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam về chuyển đổi 5 lô đất tái định cư sang đất khai thác tại Dự án Khu đô thị An Quý”, đồng thời lưu ý trách nhiệm của Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam-Điện Ngọc đã làm ngơ các vi phạm, thiếu sót của Bách Đạt An.


Tin môi trường

Thêm vụ cá chết ở Quảng Nam: Cá chết xếp lớp, nổi trắng mặt hồ thủy điện sông Tranh 2, theo trang Môi Trường và Cuộc Sống. Bài báo cho biết, “một tuần trở lại đây, khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) xuất hiện hiện tượng cá chết dày đặc, nổi trắng mặt hồ. Lượng cá chết lên tới hàng tấn và phần lớn là cá rô phi”. Hiện tại, tình trạng cá chết vẫn chưa dừng lại, một lượng lớn xác cá đang phân hủy, trôi dạt vào bờ, bốc mùi hôi thối.

Một người dân ở thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, cho biết: “Hiện tại, ở lòng hồ thủy điện này có tổng cộng 14 hộ nuôi cá lồng bè. Chứng kiến tình trạng cá tự nhiên chết không rõ nguyên nhân, chúng tôi thực sự lo lắng cho cá trong các lồng bè của mình”.

Cá chết ở hồ thủy điện Sông Tranh 2. Nguồn: MT&CS

Công ty Thoát nước Hà Nội thông báo, hoãn công bố kết quả làm sạch sông Tô Lịch, Zing đưa tin. Công ty VJE cho biết: “Để kết quả được khách quan, chuyên gia Nhật Bản thông báo lùi kế hoạch lấy mẫu do ảnh hưởng của đợt xả 1,5 triệu m3 nước hồ Tây vào khu vực thí điểm. Công ty JVE sẽ chuyển văn bản hỏa tốc đến các sở, ngành, đơn vị liên quan về vấn đề này”.

Trước đó, công nghệ làm sạch sử dụng đá núi lửa Nhật Bản được kỳ vọng có thể “hồi sinh” một trong các khúc sông ô nhiễm nhất VN và bước đầu đã cho kết quả khá tích cực, nhưng sau khi Công ty Thoát nước Hà Nội cho xả khoảng 1,5 triệu m3 nước hồ Tây vào sông Tô Lịch thì “đâu lại vào đấy”, ô nhiễm vẫn ô nhiễm, cá tiếp tục chết.


***






No comments: