Friday, July 5, 2019

BẢN TIN NGÀY 05/07/2019 (Báo Tiếng Dân)




05/07/2019

Tin Biển Đông

Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 4/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam theo dõi sát vụ Trung Quốc phóng tên lửa ở Biển Đông, báo Thanh Niên đưa tin. Vụ hải quân Trung Quốc tập trận ở Biển Đông gần một tuần qua và bắn thử một số tên lửa chống hạm, bà Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam đề nghị mọi hoạt động của các bên ở khu vực Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”.

Australia quan ngại việc Trung Quốc thử tên lửa trên Biển Đông, theo VOV. Ngày 4/7, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Australia phát biểu: “Australia nhận thức được các cuộc tập trận tên lửa đạn đạo của Trung Quốc trên Biển Đông” và “kêu gọi tất cả các bên có những bước đi có ý nghĩa làm giảm bớt căng thẳng và tạo dựng niềm tin, bao gồm cả việc thông qua đối thoại”.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Vòng xoáy căng thẳng mới ở Biển Đông. Vụ Trung Quốc bắn thử tên lửa đạn đạo chống hạm nhằm vào các mục tiêu di động trên Biển Đông được xem là đòn “dằn mặt”, không chỉ nhắm vào các nước ASEAN mà còn cả Hoa Kỳ.

Trung Quốc hiện đang sở hữu tên lửa chống hạm siêu thanh CM-401 có tầm bắn ngắn khoảng 290km và tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21/DF-21D có tầm bắn xa tới 1.700km. Bài viết cảnh báo, “việc bắn thử cũng là chỉ dấu cho việc Trung Quốc hoàn thiện năng lực chống tiếp cận, chống xâm nhập (A2/AD) cho các đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng và từ từ làm thay đổi cán cân quân sự ở khu vực này”.

Nhật Bản lần đầu tăng hiện diện quân sự ở biển Đông, theo báo Pháp Luật TP HCM. Hải quân Nhật Bản đang tổ chức “nhiều chương trình huấn luyện tập trung vào đối tượng tham gia là đại diện từ các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Chương trình huấn luyện này bao gồm các nội dung về luật hàng hải quốc tế, công tác cứu trợ thảm họa cũng như tập huấn di chuyển và liên lạc trên biển”.

Vụ Malaysia bắt giữ 2 tàu cá và 21 ngư dân tỉnh Kiên Giang, Malaysia xét xử 21 ngư dân Kiên Giang từ ngày 5-7, báo Người Lao Động đưa tin. Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao “đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và cơ quan chức năng của Malaysia để giải quyết vụ việc, chủ động thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết”.

Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cho biết thêm, cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Malaysia thông báo, trong 2 tuần đầu tháng 5/2019, tại các bang Terengganu, Kelantan và Pahang, phía Malaysia đã bắt được 25 tàu cá nước ngoài, trong đó có 20 tàu cá Việt Nam.


Tin nhân quyền

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về báo cáo Tự do Tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, VnEconomy đưa tin. Bà Lê Thị Thu Hằng cho rằng, báo cáo về tình hình tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “vẫn còn một số đánh giá không khách quan dựa trên những thông tin sai lệch về Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng hợp tác và đối thoại với Hoa Kỳ trong vấn đề này để thu hẹp khác biệt, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau”.

Cũng như mấy lần phát biểu trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao bình luận rằng báo cáo của phía Hoa Kỳ “không khách quan” và “sai lệch”, nhưng không đưa ra được dẫn chứng cụ thể để chứng minh, không khách quan và sai lệch chỗ nào. Trong khi các lực lượng đàn áp tôn giáo như Hội Cờ Đỏ vẫn đang được dung túng để sách nhiễu các giáo dân.

RFA có bài: Hỗ trợ tinh thần cho tù chính trị tuyệt thực vì bị ngược đãi. Theo bài báo, tính đến ngày 3/7, cuộc tuyệt thực của các tù nhân chính trị tại Trại 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đã bước sang ngày thứ 23. Một số tù chính trị ở Trại 5 Yên Định, Thanh Hóa cũng tuyệt thực. “Các tù chính trị phải đi đến biện pháp lấy mạng sống ra để đấu tranh là bị ngược đãi”.

Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên bình luận: “Thời tiết mùa hè ở Trại 5 Thanh Hóa và Trại 6 Nghệ An thì chỉ có diễn tả bằng từ khủng khiếp… cái nghiệt ngã không chỉ đến từ những song sắt, từ những bức tường bỏng rát của nhà giam trong mùa hè mà còn đến từ sự đối xử man rợ của cai tù”.


Thủ Thiêm: Lại cam kết tiếp

Báo Người Đô Thị đưa tin: Thanh tra Chính phủ cam kết giải quyết dứt điểm khiếu nại ở Thủ Thiêm trong tháng 7. Trong hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 tỉnh/thành phố vào chiều 4/7, Tổng TTCP Lê Minh Khái nói về kết luận thanh tra sai phạm ở khu đô thị Thủ Thiêm: “Hôm nay, Ban Tiếp công dân Trung ương phối hợp cùng Chủ tịch UBND TP.HCM vận động 28 hộ dân khiếu nại, cam kết trong tháng 7 này sẽ giải quyết dứt điểm”.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng chỉ vào vị trí căn nhà của bà trên bản đồ treo trên vách. Sau khi bị cưỡng chế, bà dựng lều cắm chốt giữ đất, mãi sau này mới cất được cái chòi tôn. Ảnh: Trung Dũng/ Người Đô Thị

Tổng thanh tra nói về thông tin “bỏ quên” người dân trong vụ Thủ Thiêm, theo VnEconomy. Vụ một số dân oan Thủ Thiêm phê phán, Thanh tra Chính phủ không đề cập đến vấn đề giải quyết khiếu nại của người dân đối với ranh quy hoạch, đặc biệt là khu vực được cho nằm ngoài ranh quy hoạch, ông Khái nói, khi người dân khiếu nại thì TP HCM phải căn cứ vào Luật Khiếu nại để giải quyết, nếu người dân vẫn chưa đồng tình thì các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.

TP HCM gửi công văn khẩn cho Thanh tra Chính phủ về vụ Thủ Thiêm, báo Tiền Phong đưa tin. Nguồn tin riêng của báo này xác nhận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan vừa ký công văn khẩn gửi TTCP và Ban Tiếp công dân Trung ương về tiến độ xử lý khiếu nại của công dân, cho rằng nhà đất nằm ngoài ranh quy hoạch khu ĐTM Thủ Thiêm, quận 2.

Trong công văn có đoạn: “UBND TPHCM kiến nghị Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp công dân Trung ương giúp hỗ trợ, giải thích, thuyết phục các hộ dân đồng ý trở về địa phương để làm việc với các cơ quan chức năng liên quan nội dung khiếu nại nêu trên”.


Chủ tịch địa ốc Alibaba xúc phạm chính quyền nhưng không xin lỗi


Phát biểu tại Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sau khi được mời đến làm việc, Chủ tịch địa ốc Alibaba tuyên bố ‘không xin lỗi’ chủ tịch UBND xã Tóc Tiên, báo Thanh Niên đưa tin. Theo bài báo, ông Luyện được tháp tùng bởi hai nhân viên Công ty Alibaba, làm việc với cơ quan an ninh đến gần 12 giờ trưa thì rời khỏi trụ sở.

Trả lời báo chí, ông Luyện khẳng định “sẽ không xin lỗi Chủ tịch UBND xã Tóc Tiên vì cho rằng chính quyền sai, cưỡng chế không đúng” và nói: “Clip đó tôi không nhắm đến họ. Tôi nói đến việc vì sao họ làm sai”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Địa ốc Alibaba nói phát ngôn của mình bị “cắt cúp”, theo Infonet. Ông Luyện kể, nội dung buổi làm việc với Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xoay quanh những phát ngôn của ông này về lực lượng công an xã và Chủ tịch xã Tóc Tiên “trong buổi tọa đàm với nhân viên tại chi nhánh công ty. Trong đoạn clip ông có nói những câu bị cho là xúc phạm nhưng thực tế là do bị cắt cúp rồi đưa lên mạng”.

Với thái độ ngang ngược, công khai thách thức chính quyền như vậy, nếu là người khác, không có “ô dù” che chắn, có thể ông Luyện đã bị tạm giữ ngay tại Trụ sở Công an TP Bà Rịa – Vũng Tàu. Cho nên, diễn biến này càng củng số suy đoán của một số người rằng, nhiều khả năng có thế lực lớn ở đằng sau đang “bảo kê” cho ông Luyện.

CEO Nguyễn Thái Luyện bị công an triệu tập, Alibaba nói ‘đáng mừng’, báo Một Thế Giới đưa tin. Người phát ngôn Công ty Alibaba thông báo: “Có lẽ với đối thủ và những người ganh ghét thì ắt hẳn họ cho rằng với Tập đoàn địa ốc Alibaba, đây quả thật là tin đáng lo lắng. Nhưng, không những chẳng hoang mang, đây lại là điều đáng mừng bởi CEO kiêm chủ tịch hội đồng quản trị của chúng tôi luôn mong muốn có cơ hội được gặp gỡ trực tiếp, được nói rõ về những điều chúng tôi đã và đang làm”.


Chưa bắt được Nguyễn Chí Phương, cựu trưởng CA TP Thanh Hóa

Vụ cựu Đại tá Nguyễn Chí Phương, Trưởng Công an TP Thanh Hóa bị khởi tố vì nhận tiền chạy án, cơ quan điều tra của VKSND tối cao cho biết, đã khởi tố nhưng chưa bắt cựu trưởng Công an TP. Thanh Hóa vì đột quỵ, báo Dân Trí đưa tin. Theo đó, ngày 25/1/2019, VKSND tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án và lệnh bắt tạm giam đối với ông Phương, nhưng đến 4 giờ sáng ngày 26/1, bị can này nhập viện cấp cứu.

Nguyễn Chí Phương, cựu trưởng Công an TP Thanh Hóa. Ảnh: Báo Dân Trí

Bác sỹ trực tiếp điều trị cho bị can Nguyễn Chí Phương xác nhận, ông này bị bệnh nặng. Nhưng điều mà mọi người quan tâm là, hơn 5 tháng qua, kể từ ngày 26/1 tới nay, Nguyễn Chí Phương làm gì, ở đâu, sau lần bắt bất thành kể trên? Bị can Phương vẫn còn ở trong bệnh viện, nằm viện suốt 5 tháng qua, hay đã về nhà? Và khi nào thì cơ quan điều tra sẽ bắt ông ta? Liệu ông ta sẽ đột quỵ tiếp nếu bị bắt lần hai?


Vụ Big C ngừng mua hàng may mặc VN

Báo Hải Quan đưa tin: Big C hứa mở ngay đơn hàng của 50 DN dệt may, nhà cung ứng vẫn hoang mang. Trong buổi Họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều 4/7, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải xác nhận, Bộ Công Thương đã làm việc với TGĐ Tập đoàn Central Group VN. Sau khi làm việc, bước đầu Big C cam kết, ngay trong ngày 4/7 “sẽ mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp của Việt Nam. Trong 2 tuần tới, hoặc ít hơn, Big C tiếp tục làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp của Việt Nam”.

Ông Hải cho biết: “Họ khẳng định trong 2 tuần nữa hoặc có thể ít hơn, 100 nhà cung cấp nữa tiếp tục được mở đơn hàng… Quan điểm của họ là phải làm kỹ hơn vì nhiều DN Việt Nam chưa đáp ứng được quy định và cam kết theo hợp đồng đã ký”.

Infonet đặt câu hỏi: Vì sao Big C chỉ mở lại đơn hàng với 150/200 nhà cung cấp may mặc? Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước giải thích, 50 nhà cung cấp được Big C mở đơn hàng “là những nhà cung cấp lớn nhất, 100 nhà cung cấp tiếp theo phải xem lại cơ cấu hàng hóa, kiểm tra lại xưởng sản xuất, còn 50 nhà cung cấp còn lại Big C bàn thảo thay đổi cơ cấu vì muốn kinh doanh hàng chất lượng cao hơn”.

Zing dẫn lời Phó thủ tướng: Có hay không việc Big C phân biệt đối xử với hàng Việt? Trong phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều 4/7, ông Trương Hòa Bình phát biểu: “Tôi đề nghị Bộ Công Thương kiểm tra, làm rõ xem có việc phân biệt đối xử với hàng hóa Việt Nam ngay trên lãnh thổ của mình không”.

Vụ Big C ngưng nhập hàng của nhiều doanh nghiệp may mặc VN, “nhiều doanh nghiệp cho biết để có hàng giao cho Big C, nhà cung cấp phải chuẩn bị trước 3-6 tháng. Hiện tại kho hàng còn tồn đọng vải vóc, nguyên phụ liệu rất nhiều nhưng Big C không nhập hàng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn”.

Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Doanh nghiệp Việt mất gì khi làm ăn với các siêu thị như Big C? Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Big C đã “không tử tế” từ lâu rồi. Thứ nhất, ngay khi về tay người Thái, việc đầu tiên Big C làm là “đuổi” những cơ sở làm nhãn hàng riêng cho Big C. Thứ hai là đuổi Thế giới di động ra khỏi hệ thống. Thứ ba là tăng chiết khấu đối với những nhà cung ứng hàng VN lên mức 25 – 30% giá trị, khiến nhiều mặt hàng VN phải “ngậm ngùi” rời bỏ hệ thống siêu thị này.

LS Bùi Quang Tín phân tích: “Chết là vì sao? Thứ nhất là tỷ lệ chiết khấu, các siêu thị sẽ nâng tỷ lệ này lên để ‘siết cổ’ DN. Thứ hai, các siêu thị sẽ định vị lại vị trí để đặt hàng, sẽ ưu tiên những vị trí tốt, vị trí hot cho các DN mới. Thứ 3, các siêu thị cũng sẽ ràng buộc nhiều điều khoản mới trong hợp đồng khác, gây tác động tiêu cực cho các DN cung ứng”.


***






No comments: