Monday, August 14, 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ HAI 14/8/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Tướng Mỹ bàn giải pháp quân sự đối với Bắc Hàn --- Tướng Mỹ cao cấp đến Hàn Quốc bàn về tình hình Bắc Triều Tiên --- CIA nói gì về nguy cơ chiến tranh hạt nhân? --- Thống đốc đảo Guam tỏ thái độ cứng rắn với Bắc Triều Tiên

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Joseph Dunford hôm 14/8 tuyên bố rằng giải pháp quân sự đối với Bắc Triều Tiên sẽ được áp dụng nếu các giải pháp chế tài ngoại giao và kinh tế đối với Bắc Triều Tiên thất bại, theo tin từ văn phòng Tổng thống Hàn Quốc 14/8.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Park Su-hyun nói trong một cuộc họp báo rằng Tướng Dunford đã đưa ra bình luận như trên với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong một cuộc họp kéo dài 50 phút để thảo luận các vấn đề gần đây, bao gồm việc khiêu khích của Bắc Triều Tiên.
Tại Seoul, ông Dunford gặp gỡ các quan chức quân đội Hàn Quốc, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Song Young-moo. Vào cuối ngày 14/8, ông Dunford sẽ rời Hàn Quốc và đến thăm Trung Quốc và Nhật Bản trong tuần này.
Căng thẳng đã tăng lên trong những tháng gần đây vì lo ngại rằng Bắc Triều Tiên có khả năng tấn công Hoa Kỳ bằng vũ khí hạt nhân.
Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ đều đưa ra các lời đe dọa về hành động tấn công quân sự vào tuần trước. Bình Nhưỡng nói họ sẽ phát triển một kế hoạch tấn công đảo Guam của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.
Tổng thống Hàn Quốc Moon nói rằng 'không còn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên', kêu gọi Bắc Triều Tiên dừng những lời khiêu khích.
Ông Moon nói trong một bài phát biểu khai mạc cuộc họp thường lệ với các cố vấn cao cấp:
"Không để xảy ra cuộc chiến tranh nào trên bán đảo Triều Tiên, bất kể những thăng trầm mà chúng ta phải đối mặt, tình hình hạt nhân của Bắc Triều Tiên phải được giải quyết một cách hòa bìn”.
Ông Moon nói tiếp: "Tôi chắc chắn rằng Hoa Kỳ sẽ đáp lại tình hình hiện tại một cách bình tĩnh và có trách nhiệm”. - VOA

***
Vị tướng hàng đầu của Mỹ đang có mặt ở bán đảo Triều Tiên trong khi các cuộc diễn tập quân sự hàng năm của Mỹ và Hàn Quốc có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng hơn nữa với miền Bắc.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Joseph Dunford cho biết chuyến thăm của ông tới vùng này là để trấn an hai nước đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản trong khi xây dựng mối quan hệ quân đội tới quân đội với Trung Quốc để tránh những tính toán sai lầm.
Trong khi đó, các quan chức an ninh quốc gia cao cấp của Mỹ hôm Chủ nhật nói rằng một cuộc đối đầu quân sự với Bắc Triều Tiên không sắp sửa xảy ra, nhưng khả năng chiến tranh đã tăng lên.
Giám đốc CIA Mike Pompeo nói trên đài Fox News rằng nỗ lực của Bắc Triều Tiên phát triển một phi đạn đạn đạo có khả năng tấn công Mỹ "là một mối đe dọa rất nghiêm trọng và chính quyền này sẽ xem là như vậy."
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, H.R. McMaster, trong chương trình This Week của đài ABC nói rằng "... Chúng ta không gần với chiến tranh hơn so với một tuần trước, nhưng chúng ta gần với chiến tranh hơn so với cách đây một thập niên."
Ông Dunford nói rằng "trọng tâm chính" của quân đội là hỗ trợ chiến dịch ngoại giao và kinh tế của chính quyền để giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên, trong khi chuẩn bị các lựa chọn quân sự trong trường hợp chiến dịch đó thất bại.
"Tất cả chúng ta đều muốn thoát khỏi tình huống này mà không có chiến tranh," ông Dunford nói, ngay cả khi ông nhấn mạnh việc Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân đe dọa Mỹ và các đồng minh khu vực là điều "không thể chấp nhận được."
"Là một nhà lãnh đạo quân đội, tôi phải bảo đảm rằng tổng thống có các lựa chọn quân sự khả thi trong trường hợp chiến dịch gây áp lực về ngoại giao và kinh tế thất bại," ông nói thêm.
Nhưng một số chuyên gia không đồng ý rằng việc Bình Nhưỡng thủ đắc vũ khí hạt nhân là một lựa chọn không thể chấp nhận được. Richard Bush, nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton thuộc Viện Brookings ở Washington, nói chính quyền Trump "mắc sai lầm lớn" bằng việc xác định rằng Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân có khả năng đánh trúng Mỹ là điều mà họ phải ra sức ngăn chặn.
"Mối nguy hiểm hoặc trọng tâm lớn hơn phải là bảo đảm rằng Bắc Triều Tiên không sử dụng những năng lực đó," ông Bush nói.
Ông Dunford dự kiến sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In và chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng của Hàn Quốc vào ngày thứ Hai trước khi tới Trung Quốc và Nhật Bản sau đó trong tuần này. - VOA

***
Không có mối đe dọa hiện hữu cho một cuộc chiến tranh hạt nhân với Bắc Hàn, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ cho biết, mặc dù căng thẳng gia tăng.
Ông Mike Pompeo cho biết Bình Nhưỡng đang triển khai chương trình vũ khí của mình ở "mức đáng báo động" và việc thử thêm tên lửa sẽ không có gì đáng ngạc nhiên.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng Washington đã hết "kiên nhẫn chiến lược".
Cả hai phía đã lớn tiếng trong những ngày qua khi nói về khả năng dùng vũ lực.
Ông Pompeo nói rằng ông "hoàn toàn tin tưởng" rằng nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un sẽ "cố tiếp tục phát triển" chương trình vũ khí của nước này.
Căng thẳng bấy lâu này do chương trình hạt nhân của Bắc Hàn leo thang sau khi Bình Nhưỡng thử hai tên lửa xuyên lục địa trong tháng Bảy.
Hành động này khiến Liên Hiệp Quốc đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế mới và đã làm chính quyền Bắc Hàn phẫn nộ.
Bình Nhưỡng đã cáo buộc ông Trump đưa bán đảo Triều Tiên đến "bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân".
Tuy nhiên, ông Pompeo phủ nhận rằng mối đe dọa của một cuộc xung đột hạt nhân sắp xảy ra và nói : "Tôi đã nghe người ta nói về một cuộc chiến tranh hạt nhân sắp nổ ra và tôi không thấy có thông tin tình báo cho thấy chúng ta đang ở trong tình thế đó vào lúc này".
Một số nước đã bày tỏ quan ngại trước sự leo thang của cuộc khủng hoảng. Trung Quốc, đồng minh chính và duy nhất của Bắc Hàn, đã thúc giục kiềm chế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Donald Trump và Bắc Hàn tránh những "lời nói và hành động" làm trầm trọng thêm các căng thẳng, theo truyền thông nhà nước.
Ông Trump và Bắc Hàn đã trao đổi các lời lẽ thù địch, với tổng thống Mỹ đe dọa trút "lửa và cuồng nộ" lên Bắc Hàn.
Nhưng Trung Quốc, đồng minh chính yếu duy nhất của Bắc Hàn, đang kêu gọi kiềm chế.
Tổng thống Trump trước đó đó trách cứ Trung Quốc vì đã không kiềm chế Bắc Hàn, nói rằng Bắc Kinh lẽ ra đã có thể làm được hơn "rất nhiều".
Hôm thứ Sáu 11/8/2017, ông Trump đã đưa ra một mối đe dọa mới đối với Bắc Hàn, nói rằng nước này sẽ gặp "rắc rối lớn, rất lớn" nếu có bất cứ điều gì xảy ra với lãnh thổ Mỹ ở Guam. - BBC

***
Hôm nay 14/08/2017, thống đốc đảo Guam Eddie Calvo phát biểu trước báo chí rằng « đôi khi cần phải có một cú đấm thẳng mặt để chấm dứt những trò dọa nạt », đáp lại việc Bình Nhưỡng đe dọa phóng tên lửa nhắm vào đảo này.
Trước đó, ngày 12/08/2017, ông Eddie cũng đăng trên facebook một đoạn video về cuộc trao đổi qua điện thoại giữa ông và tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Bắc Triều Tiên. Ông Trump tuyên bố « Chính phủ đã sẵn sàng 1000% vì Guam, các bạn đang sống trong an ninh ».
Nhịp sống ở hòn đảo với 160 nghìn dân và hai căn cứ quân sự gồm 6 nghìn lính Mỹ có vẻ như không xáo trộn nhiều sau những lời đe dọa từ Bắc Triều Tiên.
Thông tín viên RFI Angélique Forget tại Guam gửi về bài tường thuật :
"Tony San Nicolas 30 tuổi ngồi trên chiếc khăn tắm đưa mắt quan sát vùng biển Thái Bình Dương. Cư dân này của hòn đảo tin vào khả năng xảy ra cuộc tấn công tên lửa nhưng nghĩ rằng chẳng việc gì phải sợ.
San Nicolas nói rằng « Bắc Triều Tiên đã sẵn sàng! Họ sẵn sàng phóng tên lửa tới bất cứ nơi nào. Tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra. Những thói quen thường nhật của tôi đến giờ cũng không có gì thay đổi, tôi ra khỏi nhà tận hưởng không gian ngoài trời. Hôm nay là một ngày tuyệt vời, nắng đẹp, biển đẹp khiến tôi chỉ muốn lặn ngụp ! »
Ở Guam, người dân giờ đã quen với bão tố, động đất hay cảnh báo sóng thần. Mối đe dọa từ tên lửa của Bắc Triều Tiên dường như chỉ được coi là một mối nguy hiểm thêm nếm.
Tại cửa hàng cho thuê thiết bị lặn của mình, anh Gayle 27 tuổi thậm chí chỉ thoáng cười khi được hỏi anh có tin rằng mối đe dọa này là một cơ hội quảng bá cho đảo Guam.
Anh nói « Gia đình và bạn bè của tôi ở Mỹ lúc nào cũng hỏi : Guam nằm ở đâu vậy? Bây giờ, nhờ Kim Jong-Un, chúng tôi thành ra nổi tiếng! »
Tuy nhiên, sự thật chúng ta đều biết nếu Bắc Triều Tiên bắn tên lửa thì chỉ mất 14 phút là tên lửa bay tới Guam. Trong trường hợp vụ tấn công xảy ra, người dân Guam hiện tại chủ yếu dựa vào sự bảo vệ của lá chắn chống tên lửa do quân đội Mỹ triển khai." - RFI
|
|
2.
Khủng hoảng tên lửa Bắc Triều Tiên: Kinh tế Hàn Quốc "chịu vạ lây"

Trong những ngày gần đây, khủng hoảng Bắc Triều Tiên là đề tài nóng bỏng trên các trang báo Pháp. Le Monde số ra hôm nay có bài viết với tiều đề « Kinh tế Hàn Quốc bị ảnh hưởng từ khủng hoảng tên lửa ». Cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên có những tác động, dù là gián tiếp, nhưng lại rất nặng nề, tới nền kinh tế Hàn Quốc.
Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, đã áp dụng nhiều biện pháp trả đũa việc Seoul triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Mặc dù THAAD nhằm chống tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh lại coi đó là mối đe dọa tới an ninh của Trung Quốc nên đã phản ứng gay gắt vào hồi tháng 07/2016, khi tổng thống Hàn Quốc khi đó là bà Park Geun Hye quyết định triển khai THAAD và vào hồi tháng 03/2017 khi lá chắn THAAD chính thức bắt đầu được lắp đặt ở Seongju - miền trung Hàn Quốc. Hàng hóa Hàn Quốc đã bị tẩy chay dữ dội ở Trung Quốc. Bắc Kinh thậm chí còn cấm công dân Trung Quốc sang Hàn Quốc du lịch.
Theo Hiệp Hội Thương Mại Quốc Tế của Hàn Quốc (KITA), xuất khẩu phụ tùng xe hơi của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã sụt giảm 33% trong giai đoạn tháng 03 - 05/2017. Lượng sản phẩm của hãng Hyundai - Kia bán ra trên thị trường nước láng giềng Trung Quốc cũng sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cả các nhà cung cấp của hãng này. Gần 1.000 công ty Hàn Quốc trong lĩnh vực xe hơi bị tác động ở nhiều mức độ khác nhau.
Ngày 27/07/2017, trong buổi gặp gỡ giữa giới doanh nhân và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Nhà Xanh (phủ tổng thống Hàn Quốc), phó chủ tịch Hyundai-Kia, ông Chung Eui Sun, đã phải nhờ sự giúp đỡ của tổng thống.
Samsung, hãng đứng đầu bảng trên thị trường điện thoại thông minh ở Trung Quốc hồi năm 2016, đã tụt xuống vị trí thứ 8 vào năm nay. Các tập đoàn mỹ phẩm Hàn Quốc cũng chịu chung số phận, trước hết phải kể tới Amore Pacific, công ty sở hữu các nhãn hiệu Sulwhasoo, Mamonde và Innisfree, vốn rất nổi tiếng ở Trung Quốc. Doanh số bán hàng quý 2/2017 của Amore Pacific đã giảm 17,8%, còn 1410 tỉ won (1.05 tỉ euro). Lợi nhuận của hãng giảm 57,9%, còn 130,4 tỉ won. Lợi nhuận của tập đoàn LG Household&Health Care, một gã khổng lồ khác trong ngành mỹ phẩm Hàn Quốc, cũng giảm 57,9%.
Tập đoàn phân phối thực phẩm Lotte, doanh nghiệp cho chính phủ triển khai THAAD trên phần đất của công ty mình, cũng bị giảm 4,3% doanh số bán hàng quý 1/2017, do không xuất khẩu được nhiều hàng sang Trung Quốc, nhiều chuỗi cửa hàng của Lotte tại Trung Quốc phải đóng cửa. Do du lịch mất mùa, chuỗi cửa hàng miễn thuế của Lotte cũng không còn « ăn nên làm ra » như trước đây.
Theo thống kê hồi tháng 06/2017, du lịch Hàn Quốc cũng giảm 36,2%/năm, do mất tới 66,4% khách hàng Trung Quốc. Thu nhập của ngành du lịch Hàn Quốc đạt mức thấp nhất từ quý 2/2011. Căng thẳng song phương cũng khiến số du khách Hàn Quốc tới Trung Quốc giảm 60% vào quý 2/2017 so với cùng kỳ năm ngoái. Số chuyến bay nối hai quốc gia cũng giảm 44,9%. Bộ Du Lịch Hàn Quốc đã phải chi 80 tỉ won để hỗ trợ các hãng lữ hành.
Le Monde kết luận, trong hoàn cảnh hiện tại, các nhà công nghiệp Hàn Quốc cần tìm cách thích nghi, tập trung phát triển các thị trường như Mỹ, Malaysia và Thái Lan. - RFI
|
|
3.
Mục sư Canada: Kim Jong Un muốn giảm áp lực

Một mục sư Canada 62 tuổi từng bị cầm tù hơn hai năm ở Bắc Hàn nói rằng ông nghĩ việc Bình Nhưỡng thả ông tuần trước nhằm mục đích hạ giảm sức ép lên chính quyền này.
Ông Hyeon Soo Lim được Reuters trích lời nói hôm 13/8: “Tôi tin việc (lãnh tụ Bắc Hàn) Kim Jong Un thả tôi là một cử chỉ thiện chí trong khi đối mặt với quá nhiều chỉ trích”.
Cho tới nay, chính quyền Canada vẫn từ chối thảo luận về các cuộc đàm phán dẫn tới việc ông Lim được thả.
Trong buổi chào đón cựu tù nhân này trở về do giáo dân của một trong những giáo hội lớn nhất Canada tổ chức, ông Lim ngồi ở hàng ghế đầu tại một nhà thờ chật kín giáo dân nằm ở ngoại ô thành phố Toronto.
Cùng với ông là các thành viên gia đình, trong đó có cháu gái 1 tuổi chào đời khi ông đang bị giam ở Bắc Hàn.
Đây là lần đầu tiên ông Lim xuất hiện trước công chúng sau khi được thả hôm 12/8.
Một mục sư gốc Hàn cho biết ông Lim nói với mình rằng ông chỉ biết được thả trước khi được phóng thích 10 phút.
Ông Lim đã mất tích trong một chuyến đi tới Bắc Hàn đầu năm 2015. Ông sau đó bị kết án tù chung thân kèm lao động khổ sai vào cuối năm 2015 vì tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng"
Hãng tin KCNA của Bắc Hàn trong tuần này nói rằng ông Lim, 62 tuổi, đã được thả vì lý do nhân đạo do sức khỏe yếu.
Mục sư này được thả trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bình Nhưỡng, và Reuters dẫn lời chính quyền cho biết rằng không có mối liên hệ nào giữa việc thả ông Lim và nỗ lực tháo ngòi căng thẳng vì chương trình hạt nhân của Bắc Hàn. - VOA
|
|
4.
Liên Hiệp Châu Âu-ASEAN: Biển Đông vẫn là điều cấm kỵ?

Tuy Liên Hiệp Châu Âu và ASEAN đang tăng cường hợp tác về an ninh và quốc phòng, Biển Đông dường như vẫn là điều cấm kỵ trong quan hệ giữa hai khối. Đó là nhận định chung của Asia Times trong một bài viết đang trên mạng hôm nay, 14/08/2017.
Trong các cuộc gặp gỡ song phương tại Manila từ ngày 6 đến 8/8/2017 vừa qua, Liên Hiệp Châu Âu và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ( ASEAN ) đã đồng ý sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Kế hoạch hành động EU-ASEAN cho giai đoạn 2018-2022, được thông qua tại Manila, có bao gồm cả vấn đề an ninh hàng hải, một vấn đề nóng bỏng đối với Đông Nam Á do các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Kế hoạch hành động này còn đề ra ra những chương trình hợp tác về cứu trợ nhân đạo và cứu nạn thiên tai, các chiến dịch duy trì hòa bình, quân y và chống khủng bố.
Thế nhưng, khi được Asia Times hỏi về việc Ủy Ban Châu Âu có sẳn sàng gởi các chiến hạm đến tuần tra ở các vùng biển Đông Nam Á theo thỏa thuận với ASEAN hay không, một phát ngôn viên của Liên Hiệp Châu Âu trả lời rằng “ phạm vi và quy mô của hợp tác EU-ASEAN sẽ được xác định trong tiến trình thực hiện kế hoạch hành động vừa được thông qua”.
Hiểu theo ngôn từ ngoại giao, điều này có nghĩa là Liên Hiệp Châu Âu chưa sẳn sàng thực hiện các chuyến tuần tra ở Biển Đông, nơi mà 4 nước ASEAN ( Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei ) cùng với Đài Loan đang tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc.
Vào năm ngoái, Pháp đã đề nghị điều các chiến hạm của Liên Hiệp Châu Âu đến vùng Đông Á. Các chiến hạm của riêng nước Pháp vẫn thường xuyên đi qua các vùng biển Ấn Độ Dương-Tây Thái Bình Dương để hành xử quyền tự do hàng hải. Theo Asia Times, chính phủ Pháp cũng muốn tiến hành các chiến dịch như vậy ở vùng Biển Đông trong khuôn khổ Liên Hiệp Châu Âu. Anh Quốc, quốc gia đang thương lượng về việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, gần đây tuyên bố cũng đang nghiên cứu khả năng triển khai các chiến hạm của nước ngày đến các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Dẫu sao thì trong bản tuyên bố chung đưa ra ngày 05/08 vừa qua, các Ngoại trưởng ASEAN đã kêu gọi các quốc gia đang tranh chấp và các quốc gia ngoài khu vực nên có thái độ kềm chế và không quân sự hóa Biển Đông. Theo Asia Times, khi tuyên bố như vậy, ASEAN hạn chế khuôn khổ hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu về Biển Đông và coi như ngả theo lập trường của Trung Quốc, vốn vẫn kiên quyết chống lại sự can thiệp của “bên ngoài” vào khu vực này.
Chính vì vậy mà lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Federica Mogherini và các đồng nhiệm ASEAN đã cố tránh nói đến những sự việc và vấn đề liên quan các vùng biển tranh chấp mà có thể làm phật lòng Trung Quốc. Trong tuyên bố chung về kỷ niệm 40 năm thiết lập bang giao EU-ASEAN, đưa ra vào ngày 06/08, hai khối đúng là có bày tỏ sự ủng hộ việc đạt đến bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông ( COC ) giữa ASEAN với Trung Quốc, nhưng lại không nói rõ là bộ quy tắc này phải mang tính “ràng buộc pháp lý”, điều mà Việt Nam đã yêu cầu nhưng Bắc Kinh dứt khoát không chấp nhận.
Mặt khác, tuy nhấn mạnh đến việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển, nhưng thông cáo chung EU-ASEAN lại không nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra vào tháng 7 năm ngoái, bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, trong bài phát biểu ngày 07/08, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Mogherini đã không hề đề cập đến Biển Đông, mà chỉ tập trung vào khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên. - RFI
|
|
5.
Trung Quốc và Mỹ đối mặt ‘chiến tranh thương mại’?

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 14/8 nói rằng vấn đề thương mại với Hoa Kỳ và chuyện Bắc Triều Tiên không có liên hệ gì với nhau, và Bộ này cũng cho rằng một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước không có lợi cho ai.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đưa ra phát biểu này tại một cuộc họp báo thường lệ.
Hãng tin Reuters tường thuật rằng Tổng thống Trump hôm nay, 14/8, sẽ ra lệnh cho cố vấn thương mại hàng đầu của ông có nên tiến hành điều tra xem cung cách làm ăn của Trung Quốc, theo đó buộc các công ty Mỹ hoạt động ở nước này phải chuyển giao sở hữu trí tuệ của mình cho Trung Quốc hay không.
Trước đó trong cùng ngày, một tờ báo do nhà nước Trung Quốc điều hành cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh điều tra cách làm ăn ‘không công bằng’ của Trung Quốc, có thể “đầu độc” quan hệ song phương.
Động thái có thể dẫn tới việc Mỹ tăng mạnh thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc, trong bối cảnh ông Trump đang hối thúc Trung Quốc phải làm nhiều hơn nữa để kìm hãm chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và ông đe dọa có thể có hành động quân sự chống lại Bình Nhưỡng.
Ông Trump trước đây tỏ ý ông sẵn sàng nhẹ tay hơn với Bắc Kinh nếu Trung Quốc hành động quyết liệt hơn để kìm hãm Bắc Triều Tiên.
Trong một bài xã luận, China Daily, tờ báo chính thức của Trung Quốc, nói rằng điều quan trọng thiết yếu là chính quyền Trump chớ hành động vội vã để mà hối tiếc sau này.
“Xét lối tiếp cận theo kiểu giao dịch của ông Trump về các vấn đề đối ngoại, không thể xem xét vấn đề mà không tính tới sự thất vọng ngày càng tăng của ông về điều mà ông cho là sự thất bại của Trung Quốc trong việc kiềm chế Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”, phiên bản tiếng Anh của tờ báo viết.
“Nhưng thay vì thăng tiến các lợi ích của Hoa Kỳ, chính trị hóa thương mại chỉ làm cho các khó khăn kinh tế của nước Mỹ càng thêm tệ hại, và cùng lúc, đầu độc mối quan hệ Trung - Mỹ nói chung.”
Một giới chức chính phủ Mỹ nhấn mạnh giải pháp ngoại giao đối với vấn đề Bắc Triều Tiên và cuộc điều tra về cách làm ăn của Trung Quốc mà phía Mỹ có thể tiến hành là “hoàn toàn không có liên hệ gì với nhau”, và cuộc điều tra này không phải là một chiến thuật để tăng sức ép đối với Bắc Kinh.
Tờ China Daily nói thật là bất công khi ông Trump trút hết gánh nặng trách nhiệm lên vai Trung Quốc, phải thuyết phục Bình Nhưỡng đừng xúc tiến những gì họ muốn làm.
Tờ báo nói bằng cách chụp mũ Bắc Kinh như một tòng phạm của Bắc Triều Tiên trong cuộc phiêu lưu hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và quy lỗi cho Trung Quốc về sự thất bại lẽ ra phải do tất cả các bên liên quan gánh vác, ông Trump có nguy cơ phạm phải sai lầm nghiêm trọng, là phá vỡ liên minh quốc tế vốn là phương tiện để có thể giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Tờ báo của nhà nước Trung Quốc viết:
“Hy vọng ông Trump có thể tìm ra một hướng đi khác. Mọi việc sẽ càng khó khăn hơn khi mà Bắc Kinh và Washington đối đầu với nhau.” - VOA
|
|
6.
Tàu thăm dò của Repsol có mặt ở địa điểm mới

Tàu khoan thăm dò dầu khí Deepsea Metro I hiện đã tới vùng biển ngoài khơi cảng Labuan của Malaysia, theo dữ liệu của hãng Thomson Reuters Eikon thể hiện vào hôm thứ Hai 14/8/2017.
Tàu nằm trong tâm điểm cuộc tranh cãi giữa Hà Nội và Bắc Kinh quanh các hoạt động thăm dò tìm kiếm dầu khí ở Lô 136-3, vị trí mà Việt Nam nói là hoàn toàn nằm trong vùng Đặc quyền Kinh tế của mình, còn Trung Quốc cho rằng nằm trong phần biển thuộc đường lưỡi bò của Trung Quốc.
Hoạt động khoan thăm dò của tàu Deepsea Metro I theo hợp đồng ký với nhà thầu dầu khí Repsol của Tây Ban Nha tại Lô 136-3 đã bị tạm ngưng hồi tháng trước do áp lực từ phía Trung Quốc.
Tàu Deepsea Metro I do hãng Odfjell Drilling Ltd của Na Uy khai thác, đã có mặt tại Labuan vào lúc 9.17 sáng giờ địa phương (01.17GMT) hôm thứ Hai, theo dữ liệu đi lại của tàu bè tại Thomson Reuters Eikon.
Lần cuối cùng tàu này được ghi nhận hiện diện tại địa điểm thuộc Lô 136-3 là ngày 30/7, Reuters nói.
Repsol hồi tháng trước nói việc khoan thăm dò đã tạm ngưng sau khi hãng chi 27 triệu đô la cho các hoạt động tại địa điểm này. Các đối tác cùng khai thác với Repsol tại Lô 136-3 có PetroVietnam, và Mubadala Development Co của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.
Trung Quốc đã thúc giục việc ngưng ngay hoạt động dầu khí tại địa điểm trên.
Việt Nam chưa bao giờ xác nhận việc có hoạt động khoan thăm dò dầu khí trên hay không, cũng như việc có chuyện tạm ngưng hay không.
Tuy nhiên, hồi tháng trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao trong một buổi họp báo định kỳ nói rằng Việt Nam có quyền tiến hành các hoạt động khai thác trong khu vực.
Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan tới tranh chấp biển dâng cao từ năm 2014, khi Trung Quốc từ đầu tháng Năm hạ đặt Giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực nằm sâu trong vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn chừng 119 hải lý (221km).
Trên bản đồ dầu khí của Việt Nam, vị trí hạ đặt giàn khoan Trung Quốc thuộc Lô 143.
Tại Việt Nam đã nổ ra các làn sóng biểu tình kéo dài chống Trung Quốc. Một số cơ sở kinh doanh của người Trung Quốc hoặc có vốn Trung Quốc tại Bình Dương, Đồng Nai và một số nơi khác đã bị đốt phá.
Làn sóng biểu tình khi đó cũng lan rộng ra các cộng đồng người Việt ở nước ngoài. - BBC
|
|
7.
Pakistan kỉ niệm 70 năm tách khỏi Ấn Độ trong không khí căng thẳng

Hôm nay, 14/08/2017, Pakistan long trọng kỷ niệm 70 năm ngày độc lập, ngày quốc gia Nam Á này tách khỏi Ấn Độ.
Lễ kỉ niệm được tổ chức ngay từ nửa đêm chủ nhật qua sáng nay. Pháo hoa được bắn tại các thành phố lớn. Sáng nay, tân thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi, vừa nhậm chức hôm 1/8, chủ trì buổi lễ Quốc khánh tại thủ đô. Tuy nhiên, nghi thức đặc biệt được chú ý là lễ thượng cờ mang tính biểu tượng, do tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan, ông Qamar Javed Bajwa, một nhân vật đầy thế lực, chủ trì. Chiếc cột cờ cao hơn 100 mét nằm tại trạm biên phòng Wagah, bang Punjab, sát với Ấn Độ.
70 năm sau ngày độc lập, căng thẳng biên giới giữa hai nước láng giềng vẫn còn nguyên. Chính tại Wagah, ngày nào cũng vậy, vào cuối buổi chiều, hàng ngàn người Pakistan đổ về đây để tham dự nghi thức đóng cửa biên giới nổi tiếng, mang đầy tính quân sự. Căng thẳng giữa hai láng giềng Nam Á lộ rõ qua nhịp sống hàng ngày. Tuy nhiên, khu vực xung quanh đường ranh giới tạm thời giữa hai nước ở vùng Cachemire tranh chấp mới là nơi máu vẫn còn đổ gần như hàng ngày, trong những ngày gần đây, khi hai bên bắn súng và pháo qua lại.
Buổi lễ kỉ niệm độc lập của Pakistan năm nay diễn ra trong bối cảnh quan hệ quân đội và chính quyền dân sự đang căng thẳng, hai tuần sau việc thủ tướng Nawaz Sharif bị Tòa án Tối cao cách chức, vì bị cáo buộc tham nhũng.
Ngày mai, đến lượt New Delhi sẽ kỷ niệm 70 năm dịp chia tay với Pakistan. - RFI
|
|
8.
Kinh tế Nhật tăng trưởng hơn dự kiến

Nền kinh tế Nhật tăng trưởng nhanh hơn so với dự kiến trong quý hai năm nay.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) có mức tăng trưởng là 4% cho giai đoạn từ tháng tư tới tháng Sáu, tức là cao hơn mức kỳ vọng tăng 2,5%.
Nền kinh tế tăng trưởng 1% so với quý trước.
Kinh tế Nhật đang có đà tăng trưởng kinh tế dài nhất trong một thập niên nhờ lực đẩy từ chi tiêu và đầu tư.
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã có đà nhờ xuất khẩu tăng, bao gồm cả điện thoại thông minh và chip bộ nhớ.
Các dự án đầu tư phục vụ cho Thế vận hội Tokyo năm 2020 cũng đã giúp kinh tế Nhật tăng trưởng trong những tháng gần đây.
Chi tiêu của người tiêu dùng
Nhu cầu trong nước mạnh giúp bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu trong quý hai.
Tiêu dùng cá nhân tăng 0,9% và trong giai đoạn này khi người dân mua sắm các mặt hàng lớn như xe hơi và đồ gia dụng, và cũng ăn tiệm nhiều hơn.
Nhật Bản đã và đang cố gắng để nâng chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm hơn phân nửa GDP nước này.
Số liệu mới nhất có thể giúp cho Thủ tướng Shinzo Abe, người đã cam kết để tiếp cận tăng trưởng và chi tiêu thông qua cải cách kinh tế theo mô hình Abenomics của riêng mình.
Nhật Bản đã gặp khó khăn vì nạn giảm phát và tăng trưởng chậm sau bong bóng chứng khoán và bất động sản vào đầu những năm 1990. - BBC
|
|
9.
Tấn công “khủng bố” tại thủ đô Burkina Faso

Một toán vũ trang, bị nghi là thánh chiến Hồi Giáo, đã tấn công vào một nhà hàng ở thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso tối qua, 13/08/2017, khiến 18 người chết, trong đó có nhiều người nước ngoài và nhiều người bị thương.
Toán vũ trang, gồm ít nhất là hai người, đã nổ súng vào các thực khách đang vừa ăn uống, vừa xem bóng đá truyền hình trực tiếp.. Nhiều người đã bị giữ bên trong nhà hàng Aziz Istanbul trong vài tiếng đồng hồ trước khi lực lượng an ninh Burkina Faso mở cuộc tấn công giải cứu, hạ sát 2 người trong toán vũ trang. Cuộc đọ súng mãi đến sáng sớm mới chấm dứt.
Hiện giờ chưa rõ các nạn nhân thuộc những quốc tịch nào, nhưng được biết nhà hàng thường có rất nhiều thực khách là người ngoại quốc sống và làm việc tại Burkina Faso. Trước mắt, Viện Công tố Paris vừa cho biết là ít nhất có một công dân Pháp thiệt mạng trong vụ tấn công. Bộ Ngoại giao Pháp hôm nay cũng vừa thông báo là đại sứ quán Pháp tại Ouagadougou đã khuyên các công dân Pháp tại Burkina Faso nên tránh đến khu vực xảy ra vụ tấn công. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết một công dân nước họ đã thiệt mạng trong cuộc tấn công.
Tổng thống Burkina Faso Roch Marc Christian Kaboré và tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cực lực lên án vụ “tấn công khủng bố” này.
Cũng như nhiều nước khác ở vùng Tây Phi, Burkina Faso thường xuyên là mục tiêu tấn công của các nhóm thánh chiến Hồi Giáo. Đa số các cuộc tấn công diễn ra ở miền Bắc, giáp biên giới Mali.
Vào tháng Giêng 2016, 30 người đã thiệt mạng, đa số là người ngoại quốc, trong cuộc tấn công vào một nhà hàng và một khách sạn ở thủ đô Ouagadougou. Mạng lưới khủng bố Al Qaida và tổ chức Bắc Phi Hồi Giáo ( Aqmi ) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. - RFI
|
|
10.
Nhà báo Thụy Điển mất tích khi làm phóng sự trên tầu ngầm

Bí ẩn vẫn bao trùm vụ mất tích xảy ra tối thứ Năm tuần trước, 10/08/2017. Nhà báo Thụy Điển được biết đã xuống chiếc tàu ngầm tư nhân tự chế cùng với người chế tạo con tàu. Tư pháp Đan Mạch đã tạm giữ viên kỹ sư nói trên để điều tra.
Thông tín viên Violette Goarant tường trình từ Stockholm:
“Câu chuyện khởi đầu như khúc dạo đầu u ám của một bộ phim trinh thám dài tập thường thấy của xứ sở Scandinave. Kể từ tối thứ Năm, nữ phóng viên Thụy Điển mất tích khi thực hiện một bài phóng sự về một chiếc tàu ngầm, bị đắm ngoài khơi thủ đô Copenhagen, Đan Mạch.
Nhà báo Kim Wall, đi cùng với Peter Madsen, người chế tạo và cũng người chủ con tàu mang tên UC3 Nautilus, được coi là tàu tự chế tư nhân lớn nhất thế giới.
Viên kỹ sư Đan Mạch bị tạm giam vì cáo buộc “cố ý giết người”. Theo lãnh đạo cơ quan cảnh sát hình sự Copenhagen, vụ đắm tàu nói trên dường như là một hành động cố tình, điều mà bị can phủ nhận, với giải thích đây là do vấn đề kỹ thuật.
Không có thi thể nào được tìm thấy trong chiếc tàu bị đắm, mà các nhà điều tra nghi ngờ là nơi xảy ra vụ án mạng. Cảnh sát của hai nước Đan Mạch và Thụy Điển được huy động tìm kiếm trên đất liền phía Đan Mạch và trên biển, với sự hỗ trợ của các thợ lặn và các sonar, tức các phương tiện theo dõi tần số âm thanh dưới nước”.
Chiến tàu được tìm thấy cách Copenhagen khoảng 50 km. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

11.
Bạo động tại Charlottesville: Nhà Trắng khó dập tắt sự phẫn nộ --- Vụ Charlottesville: Nhà Trắng bảo vệ phát biểu của Trump --- Trump lên án Tân Quốc Xã và KKK là ‘tội phạm, côn đồ’ --- Mỹ: Nghi can đâm xe vào đám đông ra tòa

Sau các vụ bạo động xảy ra vào dịp tập hợp của các thành phần cực hữu tại thành phố Charlottesville, bang Virginia, miền đông Hoa Kỳ, ngày 13/08/2017, Nhà Trắng ra thông báo chính thức lên án “các thành phần cổ vũ cho chủng tộc da trắng thượng đẳng, đảng KKK và lực lượng phát xít mới”, trong đó có James Fields, nghi phạm vụ đâm chết người bằng xe tải. Tuy nhiên, thái độ mập mờ ban đầu của tổng thống Donald Trump gây phẫn nộ.
Ngay từ tối thứ Bảy, những người phản đối tổng thống Mỹ lên án ông Trump đã có thái độ mập mờ đối với phái cực hữu trong thời gian tranh cử, và các phản ứng của ông ta sau các bạo lực tại Charlottesville là quá lừng chừng. Từ New York, thông tín viên Grégoire Pourtier cho biết thêm :
“Việc các thành phần cực đoan tập hợp tại đây nhiều lần trong năm nay không phải là do địa điểm này là một trung tâm phân biệt chủng tộc và bài ngoại. Ngược lại, đó là do hội đồng thành phố, do phe Dân Chủ kiểm soát, đã bỏ phiếu thông qua quyết định dẹp bỏ tượng của một nhân vật trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ giữa thế kỷ 19, được Liên minh miền Nam tôn làm anh hùng.
Giống như James Fields, đến từ Ohio sau khi lớn lên tại Kentucky, những người thuộc phe bảo vệ chủng tộc da trắng đã đổ về thành phố này, để bảo vệ ký ức về tướng Lee, anh hùng của cuộc Nội chiến, người lãnh đạo quân đội của các tiểu bang ủng hộ chế độ nô lệ ở miền Nam.
Về phần mình, trong kỳ nghỉ cuối tuần trước, Fields chỉ là một thành phần bình thường trong “đội quân” cực hữu. Một đội quân thực sự, bởi một vài người thậm chí có đeo vũ khí trên thắt lưng. Về phần mình, thanh niên 20 tuổi này đã sử dụng một chiếc xe hơi giết một người và làm bị thương khoảng 20 người khác.
Các bức ảnh cho thấy James Fields ngày hôm ấy mang một lá chắn, đứng bên cạnh nhiều thành phần tân phát xít. Một trong các giáo viên cũ của nhân vật này đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Hitler. Bị truy tố tội giết người, gây bạo lực có chủ ý và lẩn trốn, James Fields sẽ phải ra trình diện thẩm phán hôm nay.
Phát xít mới, đảng KKK, hay ủng hộ chế độ nô lệ… Các nhóm nói trên được tổ chức theo nhiều kiểu khác nhau, và một bộ phận lớn những người ủng hộ không tham gia một cách chính thức. Tuy nhiên, các phát biểu của tổng thống Mỹ hôm qua khiến các phe nhóm này còn mạnh bạo hơn, và chắc chắn là những người cổ vũ cho cuộc tập hợp bạo động hôm thứ Bảy, mang tên “thống nhất cánh hữu”, hy vọng sẽ tạo ra một phong trào còn rộng lớn hơn nữa”. - RFI

***
Nhà Trắng đã lên tiếng bảo vệ phản ứng của Tổng thống Donald Trump trước bạo lực gây chết người tại một cuộc tập hợp của những người chủ trương thượng đẳng da trắng ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, Mỹ hôm 12/8.
Ông Trump đang phải đối mặt với chỉ trích vì ông không trực tiếp lên án những nhóm hữu khuynh cực đoan.
Nhưng một người phát ngôn Nhà Trắng nói lời phát biểu của ông Trump có ý gồm cả những nhóm theo chủ trương thượng đẳng da trắng.
19 người bị thương trong một vụ xe tông vào đám đông, và 15 người khác bị thương trong một vụ xung đột khác liên quan đến cuộc tuần hành của phe hữu khuynh cực đoan chiều thứ Bảy 12/8.
Hôm Chủ nhật 13/8, một số cuộc biểu tình nhỏ và lễ cầu nguyện ủng hộ thị trấn Charlottesville được tổ chức tại nhiều thành phố Mỹ. Ở Seattle, cảnh sát xịt hơi cay để ngăn người biểu tình đến gần một cuộc tập hợp của những người ủng hộ Trump.
Phản ứng ban đầu của ông Trump ra sao?
Chỉ vài giờ sau khi bạo lực xảy ra, ông Trump nói ông lên án "một cách mạnh mẽ nhất có thể những biểu hiện quá khích của thù hận, thành kiến và bạo lực từ nhiều phía."
"Sự thù ghét và chia cắt phải dừng lại ngay bây giờ," ông nói với báo giới ở New Jersey hôm 12/8, nơi ông đang có một kỳ nghỉ làm việc. "Chúng ta phải đoàn kết là người Mỹ với tình yêu đất nước chúng ta."
Nhưng lời phát biểu của ông không lên án trực tiếp những nhóm da trắng cực đoan đã tham gia vào cuộc tập hợp đó. Thiếu sót này bị các nghị sỹ Cộng hòa cũng như Dân chủ chỉ trích mạnh mẽ.
Nhiều nghị sĩ, như ông Marco Rubio và Ted Cruz, đồng tình với Nghị sỹ Cory Gardner bang Colorado, người viết trên Twitter: "Thưa ngài Tổng thống - chúng ta phải gọi rõ tên cái ác. Đó là những kẻ theo chủ trương thượng đẳng da trắng và đây là hành động khủng bố nội địa."
Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, ông HR McMaster, còn nói thêm: "Bất cứ khi nào bạn gây một cuộc tấn công vào người khác để reo rắc sợ hãi, việc đó có thể được định nghĩa là khủng bố."
Con gái của Tổng thống Trump cũng có vẻ đưa ra lới lên án mạnh mẽ hơn cha cô.
Thị trưởng Charlottesville, nghị sỹ Dân chủ Mike Signer, thì đưa ra mối liên hệ giữa những vụ việc xô xát này và chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump năm 2016. Ông Signer nói "những kẻ bài Do Thái, phân biệt chủng tộc, theo chủ trương thượng đẳng da trắng, theo chủ nghĩa Phát xít mới, theo giáo phái KKK" đã từ bóng tối bước ra sau khi "được giao chìa khóa và có cớ để bước ra ánh sáng".
Đáp lại những lời chỉ trích này, Nhà Trắng đưa ra một thông cáo hôm 13/8 và nói rõ lời lên án của ông Trump bao gồm cả những kẻ theo chủ trương thượng đẳng da trắng.
"Tổng thống nói rất mạnh trong phát biểu hôm qua rằng ông lên án mọi hình thức bạo lực, thành kiến và thù hận. Tất nhiên điều đó gồm cả những người theo chủ trương thượng đẳng da trắng, KKK, theo chủ nghĩa phát xít mới và tất cả các nhóm cực hữu," một người phát ngôn cho hay. - BBC

***
Tổng thống Donald Trump hôm 14/8 lên án Tân Quốc Xã và Ku Klux Klan là những kẻ tội phạm và côn đồ, trong một động thái nhượng bộ trước áp lực chính trị ngày càng tăng sau khi ông thoạt tiên quy lỗi cho nhiều bên về một cuộc tuần hành trở nên bạo động, và đưa đến chết chóc ở bang Virginia do những phần tử cực đoan da trắng tiến hành. 
Ông Trump bị cả các thành viên của Đảng Cộng Hoà lẫn Đảng Dân chủ đả kích vì đã không phản ứng quyết liệt hơn trước những hành động bạo lực ở Charlottesville hôm thứ Bảy 12/8, trong đó một phụ nữ bị giết chết khi một người đàn ông lao xe vào một nhóm người phản đối người biểu tình.
Giới chỉ trích nói Tổng thống Trump đã chờ đợi quá lâu trước khi lên tiếng về vụ đổ máu, họ kịch liệt đả kích ông Trump vì thoạt tiên, ông đã quy lỗi cho “nhiều bên” tham gia hành động bạo lực, thay vì rõ ràng và công khai lên án những thành phần cực đoan da trắng kỳ thị chủng tộc, được coi rộng rãi là những kẻ đã khởi sự cuộc xung đột dẫn tới tình trạng náo loạn.
Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Trump phát biểu trong một thông báo với các ký giả Toà Bạch Ốc:
“Kỳ thị chủng tộc là điều xấu xa và những kẻ gây bạo lực vì lý do kỳ thị đều là những kẻ tội phạm và côn đồ, kể cả KKK, Tân Quốc xã, thành phần da trắng cực đoan kỳ thị chủng tộc và các nhóm reo rắc hận thù khác, tất cả đều đáng lên án dựa trên những giá trị mà chúng ta đều trân quý trong tư cách là người Mỹ.”
Ông Trump nói nước Mỹ đã để lộ nhân cách đích thực của mình trong những thời điểm như thế, và đã mang tình yêu ra đánh bại hận thù, và lấy tình đoàn kết để chiến thắng chia rẽ.
Ông Trump nói:
“Chúng tôi lên án bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất lối thể hiện lòng hận thù, tinh thần bất khoan dung và bạo động đáng ghê tởm như vậy. Lòng hận thù đó không có chỗ đứng trong xã hội Mỹ… Bất kề màu da, chúng ta đều phải tuân thủ cùng những luật lệ. Chúng ta đều chào cùng một lá cờ và đều được tạo ra theo hình ảnh của Thượng đế toàn năng.”
Thanh niên James Alex Fields, 20 tuổi, được cho là cảm tình viên của Đức Quốc Xã thời còn trong tuổi teen, đang bị truy tố về tội cố ý lái xe xông thẳng vào đám đông biểu tình chống thành phần cực đoan da trắng, giết chết cô Heather Yeyer, và gây thương tích cho 19 người. Đương sự bị bác đơn xin tại ngoại hầu tra. - VOA

***
Một thẩm phán ở tiểu bang Virginia hôm 14/8 đã từ chối cấp qui chế tại ngoại hầu tra cho ông James Alex Fields Jr., 20 tuổi, nghi can bị buộc tội giết người mức độ hai và các cáo buộc khác, sau khi chính quyền cho biết rằng nghi can đã lái xe đâm vào đám đông chống người biểu tình gần nơi tuần hành của những người da trắng cực đoan, theo tin của đài truyền hình ABC.
Điều đó có nghĩa là ông Fields, những người mà các bản tin cho là bị ảnh hưởng bởi Đức Quốc xã, vẫn bị tạm giam ít nhất cho đến khi ông có một luật sư.
Văn phòng luật sư công của địa phương thông báo cho tòa án rằng văn phòng này không thể đại diện cho ông Fields vì lý do có xung đột lợi ích - một người trong văn phòng có một người họ hàng bị thương trong vụ bạo lực hôm 13/8 ở thành phố Charlottesville.
Một luật sư địa phương sẽ được chỉ định để đại diện cho ông Fields và có thể ra yêu cầu xin tại ngoại trước ngày xét xử kế tiếp là ngày 25/8.
Các công tố viên không tiết lộ các bằng chứng chống lại ông Fields, người thanh niên ở tiểu bang Ohio đến tiểu bang Virginia để tham dự cuộc mít tinh, theo lời mẹ ông nói với tờ Washington Post cuối tuần qua.
Ông Fields bị truy tố về tội giết người, ba tội danh vì gây thương tích nặng và một tội danh về tông xe và bỏ chạy.
Bộ Tư pháp cũng đã đưa ra một cuộc điều tra về quyền dân sự đối với vụ đâm xe ô tô và vào hôm thứ Hai 14/8, Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions nói trên các chương trình truyền hình rằng bạo lực ở thành phố Charlottesville là một vụ khủng bố trong nước.
Cùng ngày, theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án các nhóm tôn sùng người da trắng, và nói rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hay sự thù hận “không có chỗ đứng ở Mỹ”.
Người đứng đầu Nhà Trắng đã phát biểu như vậy sau khi bị cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa kêu gọi lên tiếng phản đối tình trạng bạo lực làm một phụ nữ bị chết vì bị đâm xe hôm 13/8. - VOA
|
|
12.
Đa số dân Mỹ muốn ngưng nỗ lực hủy Obamacare

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận vừa được công bố cho hay đa số dân chúng Mỹ nay muốn Tổng Thống Donald Trump và phía đảng Cộng Hòa ở Quốc Hội hãy ngưng tìm cách hủy bỏ Obamacare mà hãy làm sao cho hiệu quả hơn.
Theo kết quả cuộc thăm dò của tổ chức trung lập Kaiser Family Foundation thực hiện, được công bố hôm Thứ Sáu, cứ năm người là có bốn người muốn chính phủ Trump có hành động giúp Obamacare hoạt động hiệu quả hơn, thay vì tìm cách phá bỏ.
Tổng Thống Trump trong thời gian qua đưa ra các đề nghị như ngưng trả tiền bồi hoàn cho các công ty bảo hiểm, vốn giúp giảm bớt chi phí mua bảo hiểm cho nhiều triệu người dân Mỹ có lợi tức thấp.
Chính phủ Trump cũng thảo luận các biện pháp khác như giảm bớt chương trình khuyến khích người dân ghi danh vào chương trình bảo hiểm và không thi hành luật phạt tiền thuế đối với những người không có bảo hiểm sức khỏe.
Chỉ có 3 trong 10 người dân Mỹ muốn Tổng Thống Trump và đảng Cộng Hòa tiếp tục nỗ lực hủy bỏ và thay thế Obamcare.
Có khoảng 6 trong số 10 người Mỹ nói ông Trump và đảng Cộng Hòa có trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến y tế vì nay họ kiểm soát chính quyền.
Đây có thể là chỉ dấu không tốt cho phía Cộng Hòa khi bước vào cuộc bầu cử giữa khóa năm 2018. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

13.
Cảnh sát quốc tế lên tiếng vụ Trịnh Xuân Thanh

Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) mới trả lời VOA tiếng Việt về vụ Trịnh Xuân Thanh, nhất là chuyện cựu quan chức tỉnh Hậu Giang này không có tên trong danh sách “các nhân vật bị truy nã”.
Khi được hỏi rằng liệu cơ quan này có được yêu cầu tham gia vào việc điều tra thông tin của phía Đức, cáo buộc Việt Nam “bắt cóc” ông Thanh ở Berlin hay không, cũng như về sự nghiêm trọng của vụ này, Interpol trả lời: “Bất cứ khi nào cảnh sát của một trong 190 quốc gia thành viên chia sẻ thông tin với Ban Thư ký [của Interpol] ở Lyon [Pháp] liên quan tới điều tra hay những kẻ tội phạm, thông tin này vẫn thuộc quyền sở hữu của nước đó”.
“Vì thế, Interpol không bình luận về các trường hợp cụ thể hay các cá nhân trừ các tình huống đặc biệt và với sự chuẩn thuận của nước thành viên liên quan”, cơ quan cảnh sát toàn cầu này nói.
Interpol cũng đề xuất VOA Việt Ngữ liên hệ trực tiếp các quốc gia đang tiến hành cuộc điều tra.
Liên quan tới việc tên của ông Thanh không có trong danh sách truy nã trên trang của Interpol, cơ quan này nói: “Nếu Interpol được yêu cầu gửi “Thông báo Đỏ” liên quan tới một trát bắt, thông tin sẽ được gửi cho tất cả 190 nước thành viên, nếu không có yêu cầu thêm nào khác”.
Cơ quan cảnh sát quốc tế này cho biết tiếp: “Ngoài việc này, các nước thành viên còn có sự lựa chọn đăng tải phiên bản ngắn gọn của "Thông báo Đỏ" đăng trên trang web của Interpol. Nếu không có Thông báo Đỏ nào được đăng tải, thì có khả năng chưa có thông báo nào được phát đi đối với người đó, hoặc nước đó đề nghị không công khai”.
Sau khi Việt Nam thông báo rằng ông Thanh đã ra “đầu thú”, nhưng sau đó bị Đức phản bác, VOA tiếng Việt không thấy tên của ông trên trang web của Interpol, dù Hà Nội từng tuyên bố ráo riết truy lùng ông trên toàn thế giới.
Gần một năm trước, Bộ Công an Việt Nam phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế đối với Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam vì “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hồi đầu tháng này, Berlin cáo buộc Việt Nam “bắt cóc” ông Thanh trên đất của quốc gia Tây Âu này, và coi việc làm này là sự vi phạm "trắng trợn" luật pháp Đức cũng như quốc tế.
Ngoài Interpol, VOA Việt Ngữ cũng đặt câu hỏi với tổ chức cảnh sát châu Âu, Europol, và cơ quan này cho biết rằng “không tham gia vào việc điều tra”.
“Có một điều kiện tiên quyết dẫn tới sự tham gia của Europol vào cuộc điều tra, đó là phải có ít nhất hai quốc gia thành viên châu Âu bị ảnh hưởng. Trong vụ việc hiện nay, chỉ có sự tham gia của Đức và không có quốc gia thành viên nào khác. Thêm nữa, Europol không có thỏa thuận với Việt Nam”, ông Jan Op Gen Oorth từ phòng truyền thông của Europol nói.
Hôm 8/8, cảnh sát Cộng hòa Czech cho VOA Việt ngữ biết rằng cơ quan này đã chính thức mở cuộc điều tra vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin, Đức, rồi đưa lên một chiếc xe đăng ký biển số Cộng hòa Czech trước khi bị đưa về Việt Nam.
Sau cáo buộc của Berlin, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong một cuộc họp báo rằng bà “lấy làm tiếc”, đồng thời nhấn mạnh rằng cựu quan chức tỉnh Hậu Giang này về nước “tự thú”.
Phía Đức cho biết rằng cho tới nay Hà Nội vẫn chưa có phản ứng chính thức về chuyện cho ông Thanh trở lại quốc gia Tây Âu này để được xem xét đơn xin tị nạn, đồng thời cho hay rằng đang cân nhắc các biện pháp tiếp theo. - VOA
|
|
14.
Vụ các trạm BOT 'nhắm vào ông Đinh La Thăng'?

Một luật gia ở Hà Nội nói với BBC rằng các vụ việc trạm BOT gần đây tại Tiền Giang và các nơi khác "nhắm vào cựu bộ trưởng Đinh La Thăng".
Truyền thông Việt Nam đưa tin hôm 13/8, trạm thu phí Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang sau 14 ngày hoạt động được đã phải tạm thời "xả trạm" trong bảy giờ do ùn tắc giao thông vì "một số tài xế không chấp hành dùng tiền bỏ vào chai nhựa, dùng tiền lẻ để phản đối phí cao và vị trí đặt trạm."
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải được báo Tuổi Trẻ hôm 14/8 dẫn lời: "Phải làm sao cho hài hòa giữa việc đảm bảo thu hồi theo hợp đồng đã ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư."
"Thứ hai là phải đảm bảo lợi ích người dân, thứ ba là phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và giao thông thông suốt trên toàn tuyến."
"Chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải có hướng xử lý phù hợp với quy định chung."
Hôm 11/8, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật nói với báo Zing: "Trong hàng ngàn xe đi qua trạm Cai Lậy thì chỉ có 5, 6 người phản đối bằng cách nhét tiền lẻ vào ống nhựa. Bộ Bộ Giao thông Vận tải sẽ không di dời, giảm phí ở trạm BOT Cai Lậy".
Vụ việc diễn ra tương tự như vụ người dân hai đầu cầu Bến Thủy 1 ở Nghệ An, Hà Tĩnh ròng rã phản ứng bằng cách căng băng rôn, dùng tiền lẻ mua vé suốt bốn tháng đầu năm 2017.
Tháng 4/2017, theo VnExpress, hơn 300 người dân huyện Nghi Xuân và thành phố Vinh "ký vào đơn kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và chính quyền hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh phản ánh việc nộp phí BOT "oan" suốt thời gian dài."
Sau đó Bộ Giao thông Vận tải quyết định "giảm 100% phí cho cư dân hai đầu cầu qua trạm Bến Thủy 1."
'Không được vận hành đúng mức'
Hôm 14/8, ông Đoàn Quang Phúc, một người dân Hà Nội nói với BBC: "Theo những gì tôi biết, trạm thu phí Cai Lậy đặt trên tuyến quốc lộ không phải BOT, nên đã thu phí cả những phương tiện giao thông đường bộ không sử dụng đường BOT gây bức xúc cho doanh nghiệp vận tải và người dân phải trả mức phí quá cao."
Còn ở Tào Xuyên, tỉnh Thanh Hóa, trạm thu phí giao thông BOT dù đã hoàn tất tiền đầu tư và lợi nhuận rồi vẫn tiếp tục hoạt động thu phí. Hai ví dụ trên chỉ là điển hình trong vấn nạn BOT đường bộ ở Việt Nam gần đây thôi."
"Việc người dân phản ứng bằng cách trả tiền lẻ là hành động bất tuân dân sự hợp pháp để đấu tranh đòi quyền lợi, quyền công bằng giữa dân - doanh nghiệp - nhà nước."
"Mà ở đây, trách nhiệm của nhà nước là lớn nhất. Nếu chính quyền không giải quyết được bức xúc thì hiện tượng bất tuân dân sự sẽ lan rộng ra toàn quốc và không giới hạn ở vấn đề BOT đường bộ."
"Tiếp theo có thể là các khoản thuế, phí hay vấn nạn tồn tại trong lĩnh vực môi trường, đất đai…"
Cùng ngày, Luật gia Nguyễn Đình Hà, nói với BBC: "Về các trạm BOT thì trong hai năm trở lại đây đã có nhiều thông tin cho rằng, việc xây đường và lập trạm có nhiều tiêu cực, vấn đề từ thời ông Đinh La Thăng còn làm bộ trưởng."
"Theo nguyên lý thông thường về tài chính, mọi thứ cần sự minh bạch, rõ ràng và có thể giám sát được để tránh tiêu cực. Nhưng trên thực tế tại Việt Nam, nguyên lý đó không được vận hành đúng mức, gây thiệt hại cho người dân và nguồn vốn có thể được dùng vào phát triển kinh tế."
"Mặt khác, như trong vụ việc ở Cai Lậy cho thấy rõ sự bất cập, khi mà người dân đóng hai lần tiền cho một quãng đường quốc lộ 1A: phí bảo trì đường bộ đóng hàng năm và phí qua trạm BOT. Trong khi đó, mục đích của BOT được lập cho dự án đường tránh là chính."
"Do vậy, các trạm BOT vấp phải sự phản đối về mức thu, cách lập trạm bất hợp lý."
"Theo tôi, sự việc BOT ở Cai Lậy và ở Bến Thủy, và có thể nhiều nơi khác, có thể không nhắm vào ông Nguyễn Nhật, bởi dù gì, ông mới lên làm thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, mà có thể sẽ nhắm vào cựu bộ trưởng Đinh La Thăng, người bị mất ghế Ủy viên Bộ Chính trị hồi tháng 5/2017."
Truyền thông trong nước cuối tháng Bảy đưa tin ông Nguyễn Nhật, nguyên Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Tĩnh, là một trong số những người "có phần trách nhiệm và bị đề nghị kiểm điểm sâu sắc và rút kinh nghiệm" trong dự án Formosa gây thiệt hại lớn về môi trường.
Một nguồn muốn ẩn danh nói với BBC cũng không loại trừ khả năng các động thái hiện nay là để xem vai trò của vị thứ trưởng này trong vụ Cai Lậy. - BBC
|
|
15.
Việt Nam: Thuế đất đô thị tăng vọt, người dân ‘sốc’

Người dân ở một số quận thuộc thành phố Hồ Chí Minh nói họ “sốc” về mức thuế đất ở đô thị cao gấp 3 hoặc 4 lần so với trước, trong khi một chuyên gia trong lĩnh vực đất đai nói thuế đất sẽ còn tăng nữa.
Một bài đăng trên báo Tuổi Trẻ hôm 12/8 dẫn lời một người dân có tên Hoàng Văn Xuân ở quận Phú Nhuận cho hay rằng ông “bất ngờ” khi nhận thông báo tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của năm 2017 là gần 450.000 đồng.
Con số này cao hơn 4 lần so với mức khoảng 100.000 đồng mà ông nộp trước đây trong nhiều năm.
Vẫn theo Tuổi Trẻ, một người dân khác ở quận Bình Thạnh, ông Nguyễn Văn Búp, cho biết rằng tiền thuế ông phải nộp vừa tăng từ 105.000 đồng lên gần 390.000 đồng.
Cả hai người nộp thuế này đều phàn nàn rằng họ không được nhà chức trách thông báo, giải thích trước về việc tăng tiền thuế.
Từ phía chính quyền, hai trưởng chi cục thuế của các quận Bình Thạnh và Phú Nhuận nói tiền thuế tăng do mới có sự điều chỉnh về giá đất để tính thuế.
Theo Nghị định số 93 của chính phủ Việt Nam, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bao gồm cả đất ở đô thị, được giữ ổn định trong 5 năm. Chu kỳ 5 năm đầu tiên kể từ khi nghị định này có hiệu lực là từ 2012 đến 2016.
Trong những năm đó, giá đất ở TP. HCM đã tăng nhiều lần, được chính quyền thành phố cập nhật vào bảng giá để tính thuế, dẫn đến mức thuế cao như đã được một số người dân phản ánh.
Hai trưởng chi cục thuế nói mức tiền thuế mới được điều chỉnh sẽ áp dụng từ nay đến 2021.
Về trình tự thu thuế ở TP. HCM như mới được phản ánh trên báo chí, giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, cho rằng cách làm đó “có những điều chưa hợp lý”.
Ông Võ nói rằng nhà chức trách đáng lẽ ra cần công bố và giải thích từ sớm về các thông tin về việc đất đai được định giá lại với mức cao gấp 3, 4 lần và các hệ lụy để người dân hiểu và có sự chuẩn bị.
Tuy nhiên, với kiến thức chuyên ngành, giáo sư Võ bình luận rằng việc tăng tiền thuế đất ở TP HCM là điều cần làm:
“Tất cả những người ở đô thị thì phải trả tiền cho những hạ tầng đô thị, dịch vụ công cộng ở đô thị, chính là phải trả qua thuế, thì ở Việt Nam lại rất thấp. Thành ra việc chúng ta tăng thuế ở đô thị đối với nhà đất tôi cho rằng ở Việt Nam còn phải tăng nữa mới hợp lý, với cái lý là đô thị hiện nay không còn nguồn lực để phát triển và những người ở đô thị lại không chịu chi trả cho việc phát triển đó”.
Theo luật Việt Nam, thuế suất đối với đất phi nông nghiệp có các mức từ 0,03% được áp dụng với đa số trường hợp cho đến cao nhất là 0,15% đối với một số trường hợp. Mức này được giới chuyên môn đánh giá là rất thấp so với mức 1% đến 3% ở nhiều nước khác.
Trong khi đó, bảng định giá đất của các tỉnh và thành phố cũng thấp nhiều lần, có nơi thấp hơn khoảng 10 lần so với giá trị giao dịch trên thực tế.
Điều này được xem như là con dao hai lưỡi, một mặt làm cho chính quyền thu tiền thuế ít hơn nhiều, mặt khác gây thiệt hại lớn cho người dân khi nhà nước căn cứ vào bảng giá chính thức để đền bù trong trường hợp cần lấy đất của dân để làm các dự án phát triển.
Với việc áp dụng giá đất mới cao hơn, dường như TP. HCM đang có động thái để khắc phục sự bất hợp lý này. Giáo sư Võ đưa ra ý kiến:
“Hiện nay ở Việt Nam, trên tất cả các hợp đồng chuyển nhượng, đất rồi nhà, không ai người ta ghi giá chuyển nhượng thật cả. Chúng ta nói với nhau rằng ở trung tâm Hà Nội, TP. HCM giá đất là 1 tỷ/1m2. Thế nhưng mà nó có thể hiện ở đâu đâu. Thế thì khuyến khích người ta ghi giá thật trên hợp đồng đi. Lúc đó nó mới giải quyết được rất nhiều chuyện liên quan đến giá đất. Chúng ta phải song hành với cái giá thật trên thị trường. Mọi người phải thừa nhận nó, thì lúc đó chúng ta mới có những câu chuyện về cải cách thuế, cũng như là quá trình tính toán bồi thường, rồi tính toán giá trị cổ phần hóa, v.v… tất cả các thứ nó mới là thật”.
Các con số thống kê cho thấy Việt Nam có 17 triệu người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho gần 18 triệu thửa. Diện tích đất phi nông nghiệp ở TP HCM tính đến năm 2011 là gần 91.000 hectare, chiếm hơn 43% diện tích toàn thành phố.
Nói về mối băn khoăn của nhiều người dân rằng mức tiền thuế đất mới tăng lên và sẽ còn tăng nữa, vị cựu thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng con số vài trăm nghìn đồng một năm không phải là quá lớn cho một hộ gia đình. Ông nói thêm, nếu nhà nước thật sự xây dựng một luật thuế tiến bộ, những hộ nghèo sẽ được miễn thuế hoặc chỉ đóng thuế thấp.
Tuy nhiên theo ông Võ, nguyên nhân cản trở việc đánh thuế cao vào đất lại không hẳn đến từ những người dân bình thường. Ông nói:
“Cái ở Việt Nam hiện nay tôi cho là đáng ngại hơn không phải là chuyện người dân cự nự đâu. Mà là có thể khi ta tăng tỉ suất thuế nhà đất lên như ở Mỹ, ví dụ như 1%/năm theo giá thị trường, thì có thể lại không được thông qua. Bởi vì nhiều người có thẩm quyền đó cũng đang có rất nhiều bất động sản lớn”.
Thời gian qua, báo chí Việt Nam đã có nhiều bài báo về các biệt phủ hoặc biệt thự sang trọng trên các diện tích đất lớn của các quan chức cấp tỉnh, dẫn đến những phản ứng tiêu cực của người dân trên mạng xã hội lẫn báo chí chính thống.
Trong lúc TP. HCM đã định giá lại đất đai để thu thuế cao lên, chưa có tin tức về việc thủ đô Hà Nội có làm tương tự hay không. Hà Nội được cho là nơi nhiều quan chức và người giàu khắp cả nước đổ tiền vào đầu cơ đất đai, bất động sản.
Giáo sư Võ nói rằng TP. HCM lâu nay vẫn là nơi “năng động, tích cực hơn” trong các động thái phát triển. Ông nhận định rằng trung tâm kinh tế ở miền nam hiện không còn nhiều nguồn lực nên đã áp dụng việc tăng thu thuế từ đất đai. Trong khi đó, theo ông, Hà Nội đang theo dõi các phản ứng của người dân ở TP.HCM rồi mới cân nhắc có làm điều tương tự hay không. - VOA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9









No comments: