Nếu không kể những cuộc thanh trừng nội bộ trong quá
khứ vốn chỉ nhằm loại trừ “thành phần diễn biến hòa bình, xét lại”, cuộc thanh
trừng nội bộ lần này có thể xem là khốc liệt chưa từng có lịch sử cộng sản Việt
Nam. Mục tiêu không phải là đối tượng “chống đảng” bởi theo tinh thần dân chủ
đa nguyên, mà là “phá đảng” vì theo “tinh thần” chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa
bè phái tư túi. Nó mang dáng dấp một cuộc đấu đá phe nhóm, mà như dư luận quan
sát, là giữa Nguyễn Phú Trọng với vây cánh Nguyễn Tấn Dũng.
Tất nhiên không có chứng cứ cụ thể để khẳng định điều
đó là thật vì sân khấu chính trị Việt Nam không bao giờ đủ độ sáng để có thể
quan sát và nhận định chính xác. Khoảng tối thông tin đã nảy sinh ra tin đồn và
đến nay hầu như mọi thứ vẫn được tung ra từ môi trường tin đồn. Có điều dễ thấy
rằng những con thú to nhất đang bị vây. Dư luận đồn đoán xem con mồi tiếp theo
nào sa lưới. Nếu Trọng thật sự nhắm vào Nguyễn Tấn Dũng, con cá mập to nhất của
bầy cá mập, thì Dũng phản đòn như thế nào, trong khi Dũng đã xài cạn chiêu đánh
dưới thắt lưng đối thủ bằng thủ thuật “vạch áo cho người xem lưng”, thông qua
những trang tin “Chân dung quyền lực” hoặc “Tư Sang nham hiểm”. Dũng đã bằng mọi
giá cài cắm con cái vào hệ thống và giờ các con Dũng đang trong tình trạng như
con tin. Dũng làm gì để cứu con mình và bản thân mình, nếu Trọng thật sự giương
tên nhắm vào đầu Dũng?
Thật ra các bàn luận kiểu này chỉ là những cố gắng
giải mã các bí ẩn chính trường dày đặc màn đen, vốn có quá nhiều thứ mà người
ta muốn hiểu thực hư, từ cái chết Nguyễn Bá Thanh, Phạm Quý Ngọ đến sự "mất
tích" rồi "trở về" của Phùng Quang Thanh. Nó cho thấy người dân
luôn cần thông tin và người dân luôn muốn hiểu điều gì đang thật sự xảy ra, vì
nó liên quan đến vận mệnh quốc gia và số phận người dân. Khi không đủ thông
tin, người ta chỉ có thể đồn đoán. Trong hầu hết trường hợp, khó có thể biết khả
năng đồn đoán chính xác ở mức độ nào, chẳng hạn rằng “Dũng thân Mỹ, chống Tàu”
hoặc “Trọng thật ra mới là người chống Tàu kịch liệt”. Chẳng có bằng chứng nào
cho những đánh giá như vậy. Người dân chỉ thấy rõ một điều rằng trong hai nhiệm
kỳ của Dũng, đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam ở mức kỷ lục, thâm hụt mậu dịch Việt-Trung
ở mức kỷ lục, và chủ nghĩa bè phái bùng nổ ở mức kỷ lục.
Người dân cũng thấy rằng quan hệ Việt-Trung dưới thời
Trọng chưa bao giờ sứt mẻ. Thông cáo chung trong chuyến công du Trung Quốc của
Trọng vào tháng 1-2017, có đoạn: “Hai bên
cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị
lâu đời, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có chế độ
chính trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ tương quan, chia
sẻ vận mệnh chung; sự phát triển bền vững của mỗi nước và quan hệ hữu nghị, hợp
tác tốt đẹp giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước”. Người
dân cũng thấy rằng, dưới thời Trọng, vấn đề chủ quyền biển Đông chưa bao giờ được
làm đủ mạnh, mỗi khi xảy ra căng thẳng tranh chấp, từ vụ giàn khoan HD-981 đến
vụ Repsol mới đây.
Nói cách khác, cả Trọng lẫn Dũng hay bao nhiêu người
trong Bộ chính trị, có ai “chống Tàu” và thật sự muốn tách Việt Nam khỏi quỹ đạo
cộng sản Trung Quốc? Trong những phiên họp tuyệt mật của Bộ chính trị mỗi khi xảy
ra xung đột với Trung Quốc, ai là người vượt qua được nỗi yếm thế tự ti để nói
rõ lên rằng “tiểu” nhưng đừng “nhược”? Bộ chính trị và cá nhân Trọng có kịch bản
nào hoặc sách lược nào để thoát Trung? Chừng nào những điều này mới được minh bạch?
Sẽ không thể có câu trả lời cho câu hỏi này, ít nhất ở thời điểm này. Ngay cả
Quốc hội, nơi về lý thuyết là có quyền đòi hỏi chính phủ phải giải trình chiến
lược đối ngoại, vấn đề này cũng chưa bao giờ dám được nêu ra.
Điều đáng quan tâm hơn không chỉ là cuộc “chém giết”
ác liệt giữa các “băng nhóm” - trong bối cảnh chính trị mà yếu tố Trung Quốc gần
như luôn đóng vai trò ít nhiều ảnh hưởng, kể cả ảnh hưởng nội bộ - mà là kết quả
của nó sẽ dẫn đất nước đến đâu. Liệu đất nước sẽ sáng sủa hơn một khi toàn bộ bầy
cá mập bị “thịt”? Nếu xem đây là cuộc chiến chống tham nhũng thì việc cần làm
không chỉ là “khẩn trương làm rõ” mức độ phá hoại của đám tham nhũng mà là làm
thế nào để làm sạch một bộ máy đã bị mục rữa đến tận xương tủy bởi tham nhũng.
Mức độ tham nhũng có hệ thống đã tệ hại đến mức bất kỳ người dân nào cũng có thể
kể những câu chuyện riêng của họ về hối lộ mà họ là nạn nhân trực tiếp hoặc họ
được nghe lại, về chạy chức, chạy trường, chạy bằng cấp và thậm chí chạy cả
danh hiệu, từ “nghệ sĩ nhân dân” đến “anh hùng lao động”.
Chỉ khi hệ thống được làm sạch bằng minh bạch thì
tham nhũng mới thật sự được triệt tiêu. Tham nhũng có hệ thống đã được nuôi quá
lâu và phát triển đến mức nghiêm trọng như hiện tại thì việc thanh trừng đám cá
mập chỉ là giải pháp nhất thời. Chừng nào mà “bí ẩn” của những câu chuyện “làm
thối móng tay” để xây “biệt phủ” chưa được minh bạch thì chống tham nhũng chỉ
là những hô hào suôn và chỉ giới hạn ở cuộc chiến thanh trừng nội bộ trong hậu
trường, một hậu trường đen kịt của một hệ thống đen kịt chưa bao giờ minh bạch
trước ánh sáng niềm tin mà người dân luôn cần.
No comments:
Post a Comment