Wednesday, August 2, 2017

CHÍNH PHỦ ĐỨC ĐÒI HÀ NỘI TRẢ LẠI TRỊNH XUÂN THANH (tin tổng hợp)




VOA Tiếng Việt
02/08/2017


Chính phủ Đức hôm 2/8 ra thông cáo yêu cầu chính phủ Việt Nam cho phép Trịnh Xuân Thanh được trở lại Đức “ngay lập tức.”

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức gửi cho VOA

Thông cáo Bộ ngoại giao Đức gửi cho VOA có đoạn: “Chúng tôi yêu cầu ông Trịnh Xuân Thanh được cho phép trở lại nước Đức ngay để có thể tiến hành việc Việc Nam yêu cầu dẫn độ (ông Thanh) và yêu cầu xin tị nạn của ông (ấy) được xem xét thấu đáo.”

Chính phủ Đức cũng yêu cầu tùy viên tình báo Việt Nam phải rời khỏi nước này trong vòng 48 tiếng đồng hồ nữa sau khi bộ Ngoại giao nước này cho rằng họ tiến hành vụ bắt cóc một cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam ở Berlin.

Thông cáo của bộ Ngoại giao Đức ra hôm 2/8 cho biết chính phủ Đức “không nghi ngờ” gì rằng bộ Ngoại giao Việt Nam và mật vụ có dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hôm 23/7.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Đức Martin Schaefer nói trong thông cáo rằng vụ việc này “có khả năng ảnh hưởng nặng nề tới các mối quan hệ (giữa 2 nước).” Ông Schaefer gọi đây là “một sự bội ước lòng tin vô cùng lớn.”

Theo thông cáo này, đại sứ Việt Nam ở Đức đã bị triệu tập hôm thứ ba (1/8).

Chính phủ Việt Nam thông báo hôm 31/7 rằng ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sau hơn 1 năm chạy trốn vì bị buộc tội tham nhũng làm thất thoát tài sản nhà nước.

Bắt cóc giữa trung tâm Berlin

Ảnh chụp màn hình nhật báo Đức Taz đưa tin về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hôm 23/7

Trước khi thông cáo của Bộ ngoại giao Đức được đưa ra, một công tố viên ở Berlin hôm 2/8 cho VOA biết rằng cảnh sát Đức đang điều tra một vụ bắt cóc gần đây và khẳng định người bị bắt cóc là công dân Việt Nam.

Trước đó trong cùng ngày, nhật báo Taz của Đức có đăng bài viết về thông cáo của cảnh sát Berlin rằng họ đang điều tra một vụ bắt cóc một cựu quan chức chính phủ Việt Nam có tên Trịnh Xuân Thanh xảy ra ngày 23/7 tại một công viên ở trung tâm của thủ đô nước Đức.

Khi được VOA hỏi phản ứng của Việt Nam về việc cảnh sát và báo chí Đức đưa tin vụ bắt cóc này, bộ trưởng Công An Tô Lâm nói ông đang bận họp và “chưa thể trả lời.”

Theo tờ báo Taz, có tên đầy đủ là Die Tageszeitung, một nhân chứng người Đức đã chứng kiến vụ bắt cóc ngay tại trung tâm Berlin và xác nhận với cảnh sát. Theo lời tường thuật của nhân chứng được tờ báo này trích đăng bằng tiếng Đức, nạn nhân 51 tuổi đã bị một nhóm người có vũ trang lôi lên một chiếc xe ô tô và được đưa sang một quốc gia châu Âu láng giềng ngay sau đó.

Tờ báo này khẳng định những người đàn ông có vũ khí “thuộc mật vụ Việt Nam” và đăng kèm tấm ảnh của ông Trịnh Xuân Thanh với dòng chú thích bằng tiếng Đức cho rằng nạn nhân bị truy nã và đã bị mật vụ tóm.

Trưởng phát ngôn viên sở cảnh sát Berlin, Winfrid Wenzel, cho nhật báo Taz biết họ đang tiến hành điều tra “vì tình nghi về vụ việc bắt cóc và cưỡng ép bắt người.”

Công tố viên cao cấp Martin Steltner của Văn phòng Công tố Berlin nói với VOA rằng do “tính chất nhạy cảm” của vụ việc nên họ không thể đưa ra thêm bất kỳ thông tin gì tại thời điểm hiện tại.

Ông Steltner nói: “Tôi không thể đưa ra thêm bất kỳ chi tiết gì về nghề nghiệp của người này hay chức danh của anh ta ở Việt Nam. Vâng, đó là một người đàn ông Việt Nam nhưng tôi không thể đưa ra thêm bất kỳ thông tin gì nữa.”

VOA cũng đã liên lạc với sứ quán Việt Nam tại Đức xin bình luận về vụ việc này nhưng cho đến hết ngày 2/8 không nhận được trả lời.

"Không đủ cẩn thận"

Ông Trịnh Xuân Thanh từng xin tị nạn ở Đức trong những năm 1990. (Ảnh chụp màn hình VietNamNet)
Nhật báo Taz nói ông Trịnh Xuân Thanh đã từng xin tị nạn ở Đức vào những năm 1990, “giữa thời gian lúc tốt nghiệp đại học và bắt đầu sự nghiệp ở Việt Nam, nhưng lại tự nguyện hồi hương.”

Bài báo của Taz nhắc tới việc ông Thanh bị “thất sủng ở Hà Nội,” mất toàn bộ các chức vụ cũng như bị tước bỏ mọi tuyên dương khen thưởng và “trở thành kẻ thù của một nhân vật đầy quyền lực: thủ lĩnh đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.”

Việc ông Thanh bị “thất sủng ở Hà Nội” được nhắc đến trong bài báo của Taz. Ông Thanh mất toàn bộ các chức vụ cũng như bị tước bỏ mọi tuyên dương khen thưởng và “trở thành kẻ thù của một nhân vật đầy quyền lực: thủ lĩnh đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.”

Theo truyền thông trong nước, Chính phủ Việt Nam đưa ra lệnh truy nã đỏ đối với ông Thanh sau khi Bộ Công an khởi tố ông và ban tổng giám đốc của Tổng công ty PVC do “thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý” để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lệnh điều tra doanh nghiệp dầu khí này.

Một nguyên nhân khác, theo nhật báo của Đức, lý giải vì sao Việt Nam luôn thúc giục việc khẩn trương đưa ông Thanh về nước vì “trong nội bộ đảng Cộng sản ông là người phát ngôn cho một phe nhóm đang trở nên nguy hiểm cho người đứng đầu đảng.” Bài viết trên trang web của Taz trích lời một blogger người Việt ở Berlin nói như vậy.

Cũng theo tờ báo này, ông Thanh từng viết trên Blog rằng “ở nước ngoài ông ta muốn khai toạc và phanh phui những cơ cấu quyền lực ở những giới tối cao trong đảng và chính phủ.”
Nhưng ông Thanh đã không đủ cẩn thận, theo Taz nhận định. Từ một bức ảnh ông Thanh chụp tại một công viên vào mùa thu năm 2016, dấu vết của ông đã bị lần ra và “mật vụ chỉ cần truy tìm ở Berlin để bắt ông Thanh.”

*
LIÊN QUAN :



--------------------------------

02/08/2017

LTS: Một số tờ báo Đức, trong đó có hãng tin DPA đã đưa tin: “Vụ bắt cóc: Đức trục xuất các nhà ngoại giao Việt Nam“. Bài báo cho biết, Chính phủ Đức yêu cầu đại diện cơ quan an ninh Việt Nam tại sứ quán Berlin phải rời khỏi Đức trong vòng 48 giờ. Ông Martin Schäfer, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết lý do: vụ bắt cóc một cựu quan chức Đảng CSVN từ Berlin đến Việt Nam.

Báo Washington Post của Mỹ cũng đã đưa tin, có nội dung như sau: “Hôm thứ Tư, Chính phủ Đức cáo buộc cơ quan tình báo Việt Nam tham gia vào vụ bắt cóc cựu viên chức dầu khí Việt Nam tại Berlin và đã cho cơ quan tình báo nước này 48 giờ để rời khỏi Đức“.

Xin được giới thiệu bài báo của BBC, tổng hợp các nguồn tin từ báo Đức:
___

Bộ Ngoại giao Đức nói Trịnh Xuân Thanh ‘bị bắt cóc’
2-8-2017

Bài trên trang Focus.de về vụ bắt cóc. Nguồn: Focus.de

Bộ Ngoại giao Đức nói với BBC rằng ông Trịnh Xuân Thanh ‘bị bắt cóc’ và yêu cầu đại diện an ninh Việt Nam rời khỏi Đức trong vòng 48 giờ.
Đại diện Bộ Ngoại giao Đức, ông Martin Schäfer, cũng được AFP dẫn lời nói người đại diện an ninh Việt Nam tại Tòa Đại sứ bị yêu cầu phải ra khỏi Đức trong vòng 48 tiếng.

BBC vào đầu giờ chiều 2/8 liên hệ với Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin để lấy phản hồi, nhưng được trả lời “Chúng tôi chưa có thông tin gì về vụ này”.

Truyền thông Đức cũng đồng loạt đăng tin về vụ bắt cóc một người đàn ông Việt Nam, được cho là ông Trịnh Xuân Thanh, tại một công viên ở Berlin hôm 23/7 vừa rồi.
Đa số các báo đều bình luận rằng đây rất có thể sẽ có tác động to lớn cho nền chính trị Việt Nam.
Trang tin maz-online chạy dòng tin đầu tiên với nội dung “Vụ này sẽ là một vụ nổ lớn về chính trị”, trong lúc Báo Bưu điện Buổi sáng Berlin (Berliner Morgenpost) bình luận rằng “Sự việc nghe cứ như phim James Bond, nhưng hoá ra lại là sự thật”.
“Người ta túm một ai đó ở giữa Berlin rồi nhét vào xe ô tô đưa đi mất tăm,” Berliner Morgenpost viết.

Ông Trịnh Xuân Thanh bị đưa lên xe hơi hôm 23/7 rồi đem sang một quốc gia châu Âu láng giềng, báo Taz viết. Nguồn: Taz.de

Tuy nhiên, các báo dẫn lời đại diện cảnh sát Berlin Winfrid Wenzel nói hôm thứ Tư rằng vụ hai người bị dùng vũ lực lôi vào một xe hơi tại Tiergarten vẫn đang là ‘nghi vấn’.

Berliner Morgenpost so sánh vụ bắt cóc ở Berlin với hoạt động của điệp viên James Bond. Nguồn: morgenpost.de

Trang tin online của tạp chí Focus viết rằng người đàn ông 51 tuổi từng nói với đồng hương của mình tại Berlin rằng ông nay trở thành đối tượng nguy hiểm trong con mắt của Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng.

Ông Trịnh Xuân Thanh từng nói với một số người ở Berlin rằng ông nay trở thành đối tượng nguy hiểm trong con mắt của Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, bài trên Focus viết. Nguồn: Focus.de

Các phóng viên Đức cũng đang đặt câu hỏi về danh tính, thân thế của người phụ nữ được cho là “bị bắt cóc” cùng ông Trịnh Xuân Thanh.

Vụ việc đang được giới chức điều tra, đại diện cảnh sát Berlin nói hôm 1/8.

---------------------------------

Đăng ngày 02-08-2017

Chính quyền Đức ngày 02/08/2017 đã lên tiếng tố cáo chính quyền Hà Nội là đã bắt cóc một người Việt đang xin tị nạn tại Đức. Berlin còn bày tỏ thái độ giận dữ bằng cách triệu mời đại sứ Việt Nam tại Đức để phản đối, đồng thời trục xuất một cán bộ bị coi là tình báo Việt Nam hoạt động tại Đức.

Ông Trịnh Xuân Thanh tại một công viên ở Berlin. Ảnh được công bố ngày 02/08/2017.Ảnh : STR / dpa / AFP

Theo hãng tin Pháp AFP, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức Martin Schaefer đã tuyên bố : « Vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là một hành động vi phạm trắng trợn và chưa từng thấy nhắm vào luật pháp của Đức cũng như luật quốc tế ». Ông còn tố cáo tình báo và đại sứ quán Việt Nam can dự vào vụ bắt cóc ông Thanh.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức nói tiếp : « Hậu quả của hành động hoàn toàn không thể chấp nhận được này là chúng tôi tuyên bố không thừa nhận đại diện của cơ quan mật vụ Việt Nam tại sứ quán và cho ông ta 48 tiếng đồng hồ để rời khỏi nước Đức ».

Bộ Ngoại Giao đã triệu mời đại sứ của Việt Nam lên về vụ này để nhấn mạnh rằng « một hành động như vậy có nguy cơ phá hoại nghiêm trọng quan hệ Đức-Việt. »

Theo truyền thông Đức, ông Trịnh Xuân Thanh là một người đang xin tị nạn ở Đức. Ông đã bị những người có võ trang bắt cóc ngày 23/07 tại công viên Tiergarten ở trung tâm thủ đô Berlin – gần tòa nhà Quốc Hội Bundestag và Phủ Thủ Tướng.

Thứ Hai 31/07 vừa qua, ông Thanh xuất hiện tại Việt Nam và được báo chí Nhà Nước loan báo là đã ra đầu thú chính quyền.

Nguyên là lãnh đạo Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí, ông Thanh đã bị Hà Nội truy nã. Theo hãng tin Đức DPA, ông bị cáo buộc là đã gây thua lỗ đến 148 triệu đô la.

Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đức, hành động bắt cóc của biểu hiện một sự « bội tín »vào lúc mà đàm phán về « khả năng dẫn độ hợp pháp », đã khai mào nhân thượng đỉnh G20 tại Hamburg,

Bộ Ngoại Giao Đức yêu cầu chính quyền Việt Nam cho phép ông Trịnh Xuân Thanh « trở lại Đức không chậm trễ, để cho yêu cầu dẫn độ từ phía Việt Nam và đơn xin tị nạn của ông Thanh có thể được xem xét kỹ lưỡng ».

----------------------

RFA
2017-08-02

Đức vào ngày 2 tháng 8 lên án cơ quan tình báo và đại sứ quán Hà Nội về việc bắt cóc một cựu quan chức dầu khí Việt Nam đang xin qui chế tỵ nạn tại Đức, ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Trịnh Xuân Thanh

Đức còn nói cho một viên chức đại diện cơ quan tình báo Việt Nam 48 tiếng đồng hồ để rời khỏi nước Đức sau vụ việc vừa nêu.

Hãng tin AP loan tin phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Đức, Martin Schaefer, nói rằng chính phủ Đức không còn nghi ngờ gì việc đại sứ quán Việt Nam và cơ quan tình báo nước này có dính líu vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh vào ngày 23 tháng 7 vừa qua.

Theo phát ngôn nhân Martin Schaefer thì vụ việc có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hai  nước một cách lớn lao. Ông này cho rằng đó là việc cực kỳ làm mất lòng tin.

Hãng tin AFP thì dẫn lời của  phát ngôn nhân Martin Schaefer rằng việc bắt cóc công dân Trịnh Xuân Thanh ngay trên nước Đức là một sự vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp nước Đức chưa hề có tiền lệ và gây tai tiếng.

Vào ngày 1 tháng 8, phía Đức đã triệu đại sứ Việt Nam đến và yêu cầu phía Việt Nam phải trao trả ông Thanh về cho phía Đức để thực hiện các thủ tục về tị nạn và trục xuất đúng cách. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết giới chức hai nước đã gặp nhau bên lề Thượng đỉnh G20 hồi tháng 7 vừa qua để thảo luận đề nghị từ phía Hà Nội là muốn Đức trục xuất ông Thanh.

Trước đó, một nhật báo ở Đức có tên Taz loan tin có thể ông Trịnh Xuân Thanh đã bị công an Việt Nam bắt cóc tại thủ đô Berlin, nước Đức để đưa về Việt Nam.

Tờ này trích lời người phát ngôn Sở Cảnh sát Berlin nói họ nghi ngờ có một vụ bắt cóc xảy ra và đang tiến hành điều tra.

Nhật báo Taz nói rằng báo chí Việt ngữ ở thủ đô nước Đức đã đưa tin vừa nêu, cho rằng ông Thanh bị bắt cóc tại một vườn hoa ở thủ đô Berlin vào ngày 23 tháng 7, và có những nhân chứng mục kích vụ bắt cóc.

Ngày 31 tháng 7, báo chí trong nước nói ông Trịnh Xuân Thanh đã đến Bộ công an tại Hà nội để đầu thú.

Cùng ngày, nhà báo Lê Trung Khoa, của một tờ báo tiếng Việt tại thủ đô Berlin có nói với đài BBC Việt Ngữ rằng ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc chứ không phải tình nguyện về Việt Nam ra đầu thú như báo chí trong nước đưa tin.

Nhật báo Taz cho biết có liên lạc với Bộ Ngoại giao Đức, nhưng được cơ quan này cho biết là họ không có thông tin gì về vụ việc được hỏi.

Ông Trịnh Xuân Thanh nguyên là Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí, thuộc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam. Sau khi rời khỏi vị trí này ông trúng cử đại biểu quốc hội tỉnh Hậu Giang, đồng thời được cử làm phó chủ tịch tỉnh này.

Vào khoảng tháng bảy năm 2016, ông Thanh trốn ra nước ngoài sau khi báo chí Việt Nam đưa ra nghi vấn tham nhũng lên tới 3300 tỉ đồng có liên quan tới ông Thanh tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí.

Sau đó cơ quan chức năng Việt Nam cho biết là đã phát lệnh truy nã toàn thế giới đối với ông Thanh.

Hiện nay vẫn chưa có hình ảnh nào liên quan đến việc đầu thú của ông Thanh được cơ quan chức năng đưa ra.

-------------------------

TIN TRÊN TRANG THỜI BÁO Ở ĐỨC

 2017-08-01 19:18:27 

 2017-08-02 13:39:09 

 2017-08-02 12:43:35 

 2017-08-02 11:52:19 

 2017-08-02 06:40:28 

31.07.2017 14:24 







No comments: