Friday, August 11, 2017

BẢN TIN NGÀY 11/8/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Báo Người Việt có bài: Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, ‘ba không’ và có gì hơn không? Tác giả cho rằng, nếu Việt Nam vẫn giữ chính sách “ba không”, thì chuyện hàng không mẫu hạm của Mỹ đến VN năm tới sẽ chẳng có ý nghĩa gì, mà chỉ có tác dụng trấn an dân chúng, không giải quyết vấn đề tận gốc như giúp Việt Nam có một đối trọng đủ để kiểm chế Trung Quốc.

Về chính sách “ba không”, tác giả nhận định, “khó có khả năng Việt Nam vứt bỏ chính sách này. Hoa Kỳ cần Việt Nam và không ngần ngại bày tỏ thiện chí hợp tác nhưng hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ thì… không có lợi. Chủ quyền, quốc gia, vận mệnh dân tộc làm sao quan trọng bằng duy trì sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN“.

RFI có bài: Mỹ cho tàu sân bay ghé Việt Nam để tỏ quyết tâm can dự vào Biển Đông? RFI dẫn nguồn từ báo IBT, cho rằng “quyết định gửi một chiếc tàu sân bay tới Việt Nam, một trong những nước tiếp tục thách thức các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông, là tín hiệu mà chính quyền của tổng thống Donald Trump đưa ra để cho thấy đà tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai nước“.

Nhưng báo IBT cũng nói rằng, Mỹ đang cân nhắc việc tăng cường quan hệ quốc phòng với VN vì Mỹ cần sự giúp đỡ của Bắc Kinh để chống lại các mối đe dọa từ Bắc Hàn.

Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn có bài viết nói về sự kiện Việt Nam “xoay trục” về phía Mỹ. Tác giả nói Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội và phí nhiều thời gian, để vươn lên trở thành “cường quốc trung bình” trong khu vực. Về chuyện bảo vệ chủ quyền đất nước trong tình trạng luôn bị láng giềng hăm he, thì có được một đồng minh như Mỹ sẽ an toàn hơn là “làm bạn với tất cả các nước” nhưng không có bạn thật sự.

Tác giả viết: “Chính sách ‘đi dây’ của CSVN hy vọng chấm dứt. Biết bao lần tôi đã cảnh báo, ‘VN không đi với nước này chống nước kia’, nhưng không ai cấm VN đi tìm ‘đồng minh’ để ký kết một ‘liên minh phòng thủ’. Nhưng nếu ‘tự vệ’ thôi thì vẫn chưa đủ. Tự vệ là nhằm bảo vệ lãnh thổ không để bị ‘mất thêm’.

Video bàn tròn BBC, với sự tham gia của các chuyên gia, bình luận, phân tích nội dung, ý nghĩa và các tác động trong chuyến thăm Mỹ của tướng Ngô Xuân Lịch: 
Tướng Lịch thăm Mỹ: kết quả và phân tích
 

Reuters có bài: Tàu khu trục của Mỹ thách thức các tuyên bố chủ quyền của TQ trên Biển Đông. Bài báo cho biết, hôm qua, tàu USS John S. McCain tiến sát vào khu vực 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa, nhằm thực thi “hoạt động tự do hàng hải” trên Biển Đông, thách thức Trung Quốc.

Mời đọc thêm các bài viết về Biển Đông:  – Việt Nam ‘buộc lòng phải dùng đòn bẩy’ trước TQ (BBC). Ngoại giao nước nhỏ và bài học cho Việt Nam (NCQT). Tàu chiến Mỹ lại tiến sát Đá Vành Khăn (BBC). – Khu trục Mỹ thách thức tuyên bố chủ quyền TQ ở Biển Đông (VOA).

Ông Trần Đại Quang đang ở đâu?
Đài SBS của Úc có bài nhận định: Nghi vấn về sự vắng mặt của Trần Đại Quang, cho biết ông Trần Đại Quang vắng mặt sau khi ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt 3 ngày. Bài này cũng bàn luận chuyện nội bộ Đảng Cộng sản tranh giành quyền lực và dùng các thủ đoạn để triệt hạ lẫn nhau, kể cả dùng chất độc. Tuy nhiên, bài này cũng lưu ý: quá trình hoạt động của ông Quang chỉ làm công an và là một công an “rất, rất chuyên nghiệp“.

Trong bài, nguyên thủ quốc gia & định chế chủ tịch nước, nhà báo Huy Đức tiết lộ: “Đại tướng Trần Đại Quang đi chữa bệnh từ tối 25-7-2017. Sự vắng mặt của ông ở trong nước suốt hơn hai tuần qua đã tạo ra một khoảng trống cho các lời đồn đoán. Đây có thể chỉ là lựa chọn cá nhân“. Hiện chỉ có thông tin ông Quang đi chữa bệnh, còn ông chữa bệnh ở đâu, sức khỏe của ông hiện giờ ra sao, vẫn chưa có thông tin chính thức.

Bài trên báo Người Việt: Đến lượt ông Trần Đại Quang ‘bí mật’ sang Nhật chữa bệnh? Bài dẫn lời nhà báo Huy Đức, cũng như bình luận của các Facebooker về thông tin ông Trần Đại Quang. Facebooker Công Nguyễn viết: “Hơn 700 tờ báo và hàng chục ngàn nhà báo chính thống đi đâu sao để một Facebooker khai thông nhãn giới của độc giả mạng như thế này”.

Báo Sputnik của đồng chí “lái súng” Putin có bài: Vì sao ông Trần Đại Quang ít xuất hiện trên báo chí thời gian gần đây? Bài báo nói rằng, những câu hỏi sau đây của công luận ‘đã không còn quan trọng và chỉ là những luận điệu xuyên tạc của những kẻ muốn chống phá Việt Nam’ như:
Vì sao trên các phương tiện truyền thông gần đây không có ảnh thực sự của Chủ tịch nước? Chuyện gì đã xảy ra với ông Trần Đại Quang? Hay tại sao một scandal chính trị lớn như vụ “bắt cóc” hay ‘ra đầu thú’ của ông Trịnh Xuân Thanh người đứng đầu Nhà nước lại không có bất cứ bình luận gì?”

CTN Trần Đại Quang. Nguồn: báo Sputnik

Báo Dân Việt có bài: “Hậu trường” chuyện chăm sóc sức khỏe cho các yếu nhân. Bài báo dẫn lời GSTS Phạm Gia Khải, từng là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe cán bộ T.Ư, cho rằng: “Về quan điểm cá nhân, tôi thấy cái gì cần giữ bí mật thì nên giữ, còn cái gì có thể công khai được thì cũng nên công khai để nhân dân nắm được“.

Đại tướng Trần Đại Quang trình diện đây rồi! Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi điện mừng 57 năm Quốc khánh nước Cộng hoà Tchad. Bài trên trang Chính phủ, vỏn vẹn 61 từ, dẫn nguồn Bộ Ngoại giao, không có được một bức ảnh.

Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh
Dịch giả Phan Ba có bài dịch từ báo Spiegel: Ông T. và người đàn ông Việt bị bắt cóc. Ông Ho Ngoc T. nói trong bài này, chính là ông Hồ Ngọc Thắng, nhân viên Sở Liên bang về Nhập cư và Người Tỵ nạn (Bamf) của Đức, phụ trách phỏng vấn những người nộp đơn xin tị nạn, nhưng ông ta lại là “cánh tay nối dài” của đảng!

Bài báo viết: “Người được phỏng vấn Ho Ngoc T. theo các bài viết trên trang Facebook của ông cũng cộng tác cho báo đảng của đảng Cộng sản và đã được khen thưởng vì việc này. Theo thông tin của chính ông, ông học đại học về luật ở Đại học Friedrich Schiller tại Jena và theo thông tin từ giới cơ quan nhà nước thì đã làm việc lâu nay cho Bamf, ví dụ như là người phỏng vấn những người xin tỵ nạn“.

Như vậy là thêm một đồng chí ‘nằm vùng’ đã bị lộ! Ông Hồ Ngọc Thắng, một cây bút quá quen thuộc với giới tranh đấu, vì ông có nhiều bài viết đăng trên báo Nhân Dân, tấn công các nhà hoạt động, phê phán các giá trị dân chủ, nhân quyền phương Tây, dù ông đang sống và làm việc ở Đức suốt 26 năm qua! Ôi, đảng ta “lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối”, có mặt khắp nơi trên thế giới, nơi nào cũng có “tai, mắt” của đảng.

Một bài dịch khác của blogger Phan Ba từ báo Spiegel: Vụ bắt cóc một người Việt: Viện Công tố Liên bang tiếp nhận nhiệm vụ điều tra. Bài viết cho biết, hiện ông Hồ Ngọc Thắng đã bị cho nghỉ việc và cảnh sát liên bang đang vào cuộc điều tra vụ này.

RFA có bài: Hoạt động an ninh trong các cơ quan ngoại giao Việt Nam. Bài viết dẫn lời ông Đặng Xương Hùng, một cựu viên chức ngoại giao VN, nói: “Thông thường thì các sứ quán Việt Nam tại nước ngoài bao giờ cũng có một nhân viên an ninh của Bộ Công an chuyển sang, núp dưới danh nghĩa có hàm ngoại giao, thường giữ chức Bí thư thứ nhất, thường làm nhiệm vụ báo chí, cũng như là làm cái nhiệm vụ quản lý cộng đồng người Việt, tức là cái gọi là ‘người Việt yêu nước’, hay là những tổ chức mà Việt Nam gọi là phản động chống lại chính quyền”.

Theo tin từ báo Dân Việt, có một số vấn đề chưa rõ trong việc ông Trịnh Xuân Thanh được cấp bằng Đại học chính quy tại Đại học Kiến trúc Hà Nội. Trả lời về việc này, ông Đỗ Việt Phương – Phó trưởng Phòng Tổng hợp kiêm Thư ký Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: “thông tin về bằng đại học của ông Trịnh Xuân Thanh hiện vẫn chưa tìm thấy“. Ông Phương cho biết, vẫn đang tìm lại tư liệu về bằng đại học của ông Trịnh Xuân Thanh ở… “Trung tâm Lưu trữ Quốc gia“.

Trên trang blog của TS Nguyễn Xuân Diện có bài viết của tác giả Quốc Phong: Thấy gì từ công tác cán bộ qua lá đơn đầu thú của Trịnh Xuân Thanh? Theo tác giả, từ những lỗi chính tả trong lá đơn “đầu thú” của ông Trịnh Xuân Thanh, “nó càng minh chứng cho một điều, Trịnh Xuân Thanh leo cao trong sự nghiệp chính trị cũng chỉ do quan hệ, do chạy chức và chạy bằng cấp“.

Và “dù thua lỗ ngập đầu nhưng ông Vũ Huy Hoàng, người lúc đó là Bí thư ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng bộ Công Thương còn khéo léo ‘nhồi’ bằng được cho Thanh luân chuyển địa phương để ‘quy hoạch thứ trưởng bộ’ trong tương lai sau một kịch bản đầy lớp lang ngoạn mục“.


Quân đội làm kinh tế
Nhà văn Phạm Đình Trọng có bài viết riêng cho Tiếng Dân hôm 9/8: Quân đội làm kinh tế: lợi ít, hại nhiều, phúc nhỏ, họa lớn. Bài viết rất hay và rất dài, gần 9.200 từ, phân tích những mối nguy khi để cho quân đội làm kinh tế. Tác giả kết luận: “Quân đội làm kinh tế đã phá hỏng cả hai yếu tố về tổ chức bắt buộc phải có của quân đội là tập trung và chuyên nghiệp. Quân đội làm kinh tế thì đội quân đó chỉ là những lao binh chuyện nghiệp và những chiến binh nghiệp dư“.

Chống tham nhũng: Quét cầu thang ngược
Liên quan đến “hội chứng nhóm lò”, báo VOV có bài phỏng vấn ông Nguyễn Đình Hương, cựu Phó Ban Tổ chức Trung ương: Người cầm cờ phải là người đốt bó đuốc chống tham nhũng. Ông Hương nói: “Nếu sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng và Bộ Chính trị có quyết tâm cao, tiếp tục đốt lò lửa này lên thì tôi rất tin tưởng sẽ thành công. Bất kỳ họ là ai, họ giữ chức vụ gì, họ đương chức hay về hưu đều phải chịu án trước vấn đề quần chúng lên án”.

Ông Hương khẳng định: “Về kiểm soát quyền lực thì trước tiên phải kiểm soát được quyền lực của cơ quan cao nhất. Nếu không kiểm soát được cơ quan cao nhất thì sẽ không kiểm soát được cơ quan thấp nhất“. Làm sao để người dân kiểm soát quyền lực ở nơi được đánh giá là tham nhũng nhất, khi vẫn còn “bức tường lửa” điều 4 Hiến pháp ngăn cách người dân?

Mời độc giả xem ảnh biếm họa chống tham nhũng “người cầm bó đuốc” của họa sĩ Kỳ Văn Cục, trên Facebook Vũ Tuân:

Tranh: Vũ Tuân – Kỳ Văn Cục

Quốc hội hay băng đảng?
Tiếp tục thông tin về việc Quốc hội sẽ lựa chọn báo nào để mời dự đưa tin họp Thường vụ Quốc hội. Facebooker Mai Quốc Ấn có bài: “Làm phúc” cho dân. Ông Ấn cho biết: “Nói nghiêm túc là nếu tôi làm Đại biểu Quốc hội, chí ít tôi không ngủ tại phòng họp Quốc hội. Tôi cũng sẽ không bấm nút đồng ý thông qua những điều bất lợi cho nhân dân. Và như bình thường, ít ra tôi không có những phát biểu để nhân dân đánh giá là… tâm thần!

Còn nhà báo Ngô Nguyệt Hữu thì hỏi: Thưa ông Nguyễn Hạnh Phúc, cuối cùng thì ông muốn gì? Theo ông Hữu, “Quốc hội đã hạn chế quyền thông tin, quyền giám sát của báo giới. Đặc biệt, Quốc hội đã tước quyền khai thác thông tin nghị trường tuỳ theo khả năng, nghiệp vụ của từng cơ quan truyền thông dựa trên diễn tiến tại phóng họp“.

Nhà báo này cho rằng: “Cuối cùng, bằng tất cả sự tôn trọng, tôi muốn hỏi ông Nguyễn Hạnh Phúc ông đang phục vụ lợi ích cho ai, nhân dân hay nhóm lợi ích, nhóm thế lực nào đó, thưa ông? Đến Quốc hội còn muốn bí mật với nhân dân, thì nhân dân hy vọng vào đâu, ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời giúp tôi với!

Thượng bất chính thì hạ tắc loạn” thôi! Báo Dân Trí đưa tin, có thể “Kết luận thanh tra tài sản Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái: Báo chí không được dự?

Nhiệt điện Vĩnh Tân
Theo báo Pháp luật TP, sau khi có đề xuất: Không nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát xuống biển, Bộ TN&MT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã nhận được lời cảm ơn của ngư dân Bình Thuận. Dẫn lời một ngư dân Bình Thuận, cho biết, khi “nghe họ sẽ đổ bùn, cát xuống biển, gia đình tôi đứng ngồi không yên vì miếng cơm manh áo cả nhà cùng tiền học hành các con đều nhờ đến biển”.

Còn báo Dân Trí đưa tin, vụ Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xả bùn thải: Bộ Công Thương cách chức một cán bộ. Bài báo đưa tin, Bộ Công thương quyết định kỷ luật ông Hà Quốc Quân bằng hình thức cách chức vì đã có hành vi “thành lập doanh nghiệp tư nhân; tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp tư nhân“.

Nhà báo đểu
Theo đài VTV, Công an TP.HCM vừa tiếp nhận hàng chục đơn thư tố cáo một người giả nhà báo lừa đảo tiền tỷ từ Bắc vào Nam. Nhà báo này tên là Nguyễn Trung Hiếu, biệt danh ‘Hiếu mập’ “tự nhận mình là nhà báo, có quan hệ với các sở ngành“. Ông này thậm chí còn lừa đảo cả một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi!

Do có rất nhiều người bị lừa đảo, nên ngày 18/7, “các nạn nhân đã tìm bắt được nghi phạm, giao nộp cho công an quận Phú Nhuận, sau đó chuyển qua Công an quận 10, TP.HCM“.

Về chuyện nhà báo Nguyễn Thế Thắng bị bắt hôm 7/8, theo báo Nhà Quản Lý, “nhà báo Nguyễn Thế Thắng – phóng viên cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) khu vực Tây Nguyên đã dùng đoạn 4 clip ghi lại cảnh đánh bạc để ra giá với hai cảnh sát là 100 triệu đồng“.

Về vụ nhà báo Phạm Lê Hoàng Uyển, thuộc tạp chí Hướng Nghiệp và Hòa Nhập nhận 280 triệu đồng của một doanh nghiệp, báo Pháp luật TP cho biết, Công an TP Cần Thơ tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ có hay không các đồng phạm liên quan.

Tượng đài sụp đổ
Theo tin từ báo Tầm Nhìn, vào khoảng 20h ngày 9/8 tại sân Quảng trường TP. Bắc Kạn, một trong 2 cụm tượng đài chiến thắng đã bất ngờ bị đổ sập. Rất may không có thiệt hại về người, chỉ có một em bé bị thương khi đang chơi đùa tại đây.

Nguyên nhân tượng đài sập, ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở VH – TT – DL tỉnh Bắc Kạn cho biết, tượng đài tiền tỷ bị trượt đổ là do cháu bé đu bám. Ông Trường nói cũng cho biết thêm: “Nếu chia giá trị mỹ thuật, riêng cụm tượng đài bị hư hỏng chỉ có giá trị hơn 2 tỷ đồng và thiệt hại vào tối hôm qua chỉ khoảng 7 triệu đồng thôi“.

Trên báo Lao Động, nhà báo Đào Tuấn có bài: Khi bức tượng đài đổ xuống. Ông Tuấn viết, “làm sao có thể kiềm chế được khi cơ quan chức năng không nhìn những gãy đổ, lún sụt và nứt vỡ ấy như những bằng chứng cho việc bị rút ruột, để mở các cuộc điều tra, không nhìn chúng như những minh chứng cho điều mà nguyên Phó Chủ tịch Nước từng phát biểu trước QH ‘Người ta ăn của dân không từ thứ gì’!”

Vụ tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/CP
Báo Pháp luật TP dẫn lời ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh này buộc thay vỏ tàu thép cho ngư dân Bình Định. Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: “Tỉnh không chấp nhận đề nghị của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) về việc không thay thế toàn bộ vỏ tàu thép Trung Quốc kém chất lượng…” mà “phải tháo bỏ, đóng lại bằng thép đúng quy chuẩn, chất lượng”.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng cho biết thêm: “Công ty Đại Nguyên Dương đã nhận tiền của ngư dân để đóng tàu bằng thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Tuy nhiên, công ty này lại sử dụng thép Trung Quốc kém chất lượng, giờ lại xin sửa chữa kiểu chắp vá là không thể chấp nhận“.

Bất cập trạm thu phí BOT
Báo VOV có bài: Vì sao hàng ngàn phương tiện “né” trạm thu phí Cai Lậy? Bài viết cho cho biết, “mỗi ngày có hàng nghìn phương tiện, nhất là xe khách dưới 15 chỗ, xe tải… không mua vé qua trạm thu phí của Tuyến tránh Cai Lậy“. Lý do được giới lái xe cho rằng, “mức giá từ 35.000 – 180.000 đồng/ lượt qua trạm thu phí là quá cao so với các trạm thu phí đường bộ khác trong khu vực“.

Còn theo báo Tuổi Trẻ, nguyên nhân làm cho giới tài xế nổi giận, trả phí bằng tiền lẻ là do “những thắc mắc của họ không được giải đáp thỏa đáng,… người ta làm vậy để thu thêm tiền của người dân“.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, cho biết: ‘Không thể di dời trạm thu phí Cai Lậy’ và “việc dời trạm là không thể xảy ra, Bộ GTVT và Bộ Tài chính chỉ xem xét mức giá“.

Hợp lý trong sự phi lý
Báo Pháp luật TP có bài phỏng vấn ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng về vấn nạn “giấy phép con”. Ông Cung nói rằng, Thủ tướng hoàn toàn có thể lập tổ đặc nhiệm để dẹp giấy phép con.

Ông Cung cho biết: “Ba năm nay chúng ta hô hào bỏ ĐKKD nhưng kết quả chưa như mong đợi. Đã đến lúc phải chặt đứt những gì vô lý”. Như vậy là, chưa biết liệu có “chặt đứt” nổi vấn nạn “giấy phép con” hay không, nhưng có thể sẽ mọc thêm một “tổ đặc nhiệm” rồi.

Đồng lương chết đói
Báo Lao Động có bài: Mức lương tối thiểu hay mức chịu đựng tối đa? Bài viết cho biết: “Đã qua nhiều phiên họp với nhiều tranh cãi về tăng lương tối thiểu, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung…“.

Và điều mà người lao động quan tâm là mức lương tối thiểu phải “đủ sống, không giật gấu vá vai, không ‘vay nợ lắm khi tràn nước mắt’, không phải nhịn thuốc thang khi lâm bệnh tật“. Thực tế, cuộc sống của đa số người lao động có thể định nghĩa, mức lương tối thiểu mà họ nhận hiện nay chính là “mức chịu đựng nghèo khổ tối đa. Họ đang chịu đựng để sống hơn là sống ở mức bình thường của một con người“.

Bao giờ chấm dứt chuyện “xét lý lịch”?

Theo báo trí Thức Trẻ, một học sinh tại xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội đến xin xác nhận sơ yếu lý lịch thì cán bộ tiếp dân ở đây đã phê vào lý lịch của em là, “bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương“. Lý do được cán bộ xã đưa ra là “nhà chưa đóng tiền xây dựng nông thôn mới, gồm tiền làm đường 300.000 đồng/khẩu, tiền điện chiếu sáng 130.000 đồng/khẩu… “.

Về sự việc này, Facebooker Nguyễn Anh Tuấn, hỏi: “Dựa trên lý lẽ nào mà chính quyền dám đưa ra nhận xét về công dân và gửi nhận xét đó tới những nơi khác khi người đó không và chưa từng là tội phạm?” Ông Tuấn cũng nói thêm, “đó là thói quen muốn phán xét, muốn kiểm soát toàn diện, muốn đóng vai quan toà đạo đức. Ai cho họ cái quyền đó?

Chiến dịch dẹp vỉa hè TP. HCM
Báo Tiếp Thị Thế Giới có bài: Bộ mặt Sài Gòn ‘rỗ’ từ bờ ra sông. Bài báo nói rằng, ông Đoàn Ngọc Hải đề xuất với UBND thành phố cho ông được toàn quyền xử lý vi phạm vỉa hè “làm nhiều người cảm thấy lo cho cái cách quản lý của TP.HCM“. Điển hình tại Quận 1, “được cho là cái ‘nôi’ quyết đòi lại vỉa hè hồi đầu năm với hàng ngàn bài báo ca ngợi, vậy mà giờ, nạn chiếm dụng vỉa hè cứ thế trêu ngươi người dân sở tại”.

Trong khi đó, chính quyền Thành phố đang lên kế hoạch “xử điểm” vụ lấn sông Sài Gòn ở phường Thảo Điền, Quận 2, một chuyên gia trong lĩnh vực đô thị chia sẻ: “giờ mới ra tay ‘vớt’ sông, rạch là quá chậm, giống như chuyện đã rồi, vì sông Sài Gòn hay có nhiều kênh, rạch ở TP.HCM đã bị biến dạng do cách quản lý lỏng lẻo lâu rồi“.

Mời xem clip: Chiến dịch đòi lại vỉa hè của ông Hải liệu có thành công?

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn
VOA có bài: Bắc Hàn doạ giữa tháng 8 sẽ có kế hoạch tấn công Guam. Tướng Kim Rak Gyom của Bắc Hàn nói với đài KCNA của nước này rằng, quân đội Bắc sẽ bắn 4 tên lửa tầm trung Hwasong-12 tới đảo Guam vào giữa tháng 8, nơi có các căn cứ lớn của Hải quân và Không quân Mỹ.

BBC đưa tin: Bắc Hàn dọa tấn công đảo Guam ‘những ngày tới’. Hãng tin KCNA của Bắc Hàn cho biết, “các tên lửa Hwasong-12 sẽ bay qua Nhật và đáp xuống biển cách đảo Guam khoảng 30km, một khi kế hoạch này được Kim Jong-un phê duyệt“.

Nhà báo Ngô Nhân Dụng đặt câu hỏi: Ai sợ bom nguyên tử của Bắc Hàn? Tác giả viết, “dân Mỹ không mấy người để ý đến ông Kim Jong Un, vì còn lo chăm sóc 78 triệu con chó và 86 triệu con mèo của họ!

Hàng chục ngàn người dân Bắc Hàn xuống đường biểu tình ủng hộ Kim Chủ tịch đánh Mỹ. Những người biểu tình ăn mặc đẹp đẽ, đi ngay hàng, thẳng lối, khi giơ tay hô khẩu hiệu thì tất cả cùng giơ, trông rất đẹp. Chẳng có nơi nào trên thế giới, người dân xuống đường biểu tình có trật tự như ở Bắc Hàn:


Trump – Nga
Sáng nay, tại CLB golf của Trump, phát biểu trước báo chí Mỹ, Trump cảm ơn Putin đã đuổi các nhân viên ngoại giao Mỹ vì Mỹ không phải tốn tiền trả lương cho họ.

VOA có bài: Putin ‘đuổi’ nhân viên ngoại giao Mỹ, Trump cảm ơn. Trump nói: “Tôi muốn cảm ơn ông ấy vì chúng tôi đang cố gắng cắt giảm biên chế của chúng tôi và tôi cảm thấy rất biết ơn vì ông ấy cho nghỉ việc một số lượng lớn. Không có lý do thực sự để họ quay trở lại“.

Ông Nicholas Burns, một cựu quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ, hiện là giáo sư của Trường Chính trị John F. Kennedy, Đại học Harvard, nói rằng, phát biểu của Trump là “kinh khủng”.

Ông Burns nói: “Nếu ông ta nói đùa, ông ta lẽ ra phải biết hành xử đúng mực hơn. Nếu ông ta không nói đùa thì phát biểu này là chưa từng có tiền lệ. Một vị Tổng thống không bao giờ bênh vực chuyện các nhà ngoại giao của chúng ta bị trục xuất“.

Vẫn là Trump
Trong hai ngày qua, Trump liên tục công kích lãnh đạo Thượng viện về Obamacare trên Twitter. Nạn nhân của Tổng thống Mỹ lần này là Thượng Nghị sĩ Mitch McConnell, đảng Cộng hòa, Lãnh đạo Khối Đa số khối Thượng viện.

Trump viết hôm qua: “Thượng nghị sĩ Mitch McConnell nói tôi có ‘kỳ vọng thái quá’, nhưng tôi không nghĩ vậy. Sau 7 năm nghe mãi chuyện Bãi bỏ & Thay thế, vậy sao không làm?” Hôm nay, Trump viết tiếp: “Các bạn có tin là Mitch McConnell, người cứ kêu gào Bãi bỏ & Thay thế suốt 7 năm qua, đã không thể làm được điều đó. Phải Bãi bỏ & Thay thế ObamaCare!

Cũng chuyện Tổng thống Mỹ: Năm quân nhân chuyển giới Mỹ kiện Trump. Hôm 26/7, Trump thông báo trên Twitter, rằng sẽ không cho phép các cá nhân chuyển giới phục vụ ở bất cứ cương vị nào trong quân đội Mỹ. Hôm qua, 5 quân nhân trong quân đội Mỹ, gồm có các cựu binh từng tham chiến ở Iraq và Afghanistan đã kiện Trump. “Các nguyên đơn trong vụ kiện đề nghị tòa án tuyên bố chỉ thị của ông Trump là vi hiến và ra lệnh dừng chỉ thị ấy“.

Mỹ – Cuba: Các nhà ngoại giao Mỹ bị tấn công bằng vũ khí âm thanh
Báo Independent đưa tin: Các nhà ngoại giao Mỹ ở Cuba bị điếc một cách bí ẩn và Cuba bị buộc tội bí mật sử dụng vũ khí âm thanh. Quan hệ Mỹ – Cuba đang gặp rắc rối, khi các viên chức Mỹ nói rằng, có năm nhà ngoại giao và vài người là vợ chồng họ, đã bị mất thính giác mà không rõ lý do, khiến họ phải bỏ về nước trước khi nhiệm kỳ kết thúc. FBI và cơ quan An ninh Ngoại giao đang điều tra vụ việc này.

Phía Mỹ trục xuất hai nhà ngoại giao Cuba vì triệu chứng kỳ lạ này. Có nghi vấn cho rằng, “tình trạng mất thính lực có thể là do một số thiết bị âm thanh được đặt bên ngoài nhà của các nhà ngoại giao Mỹ phát sóng âm gây điếc“, nhưng Bộ Ngoại giao Cuba phủ nhận có liên quan: “Cuba chưa bao giờ và cũng không bao giờ, cho phép xảy ra trên lãnh thổ Cuba bất kỳ hành động nhắm vào các nhà ngoại giao và thân nhân của họ“.

Bài trên báo Người Việt: Cuba bị nghi dùng võ khí âm thanh khiến giới chức Mỹ ở Havana mất thính giác. “Sau nhiều tháng trời điều tra, giới chức Mỹ cho hay các nhà ngoại giao này bị tấn công bằng loại võ khí âm thanh tối tân, với tần số bên ngoài tầm nghe của tai người“.

Không riêng các nhà ngại giao Mỹ bị chứng kỳ lạ này, mà Canada cũng nói rằng, có ít nhất một nhà ngoại giao Canada ở Cuba cũng bị như vậy, theo báo Washington Post.

Nô lệ hiện đại và buôn người ở Anh
BBC có bài: Anh quốc: Nô lệ hiện đại và buôn người ‘nhan nhản’. Bài báo đưa tin, đa số các nạn nhân này đến từ Việt Nam, Albania, Nigeria, Romania và Ba Lan, nhưng cũng có một số nạn nhân ở tại nước Anh.

Những nô lệ này là ai? “Không có một nạn nhân điển hình. Họ có thể là đàn ông, phụ nữ hay trẻ em ở các độ tuổi nhưng phổ biến nhất là những người từ các nhóm người thiểu số và dễ bị tổn thương nhất. Nhiều người cho rằng các nạn nhân chạy trốn nghèo đói, những cơ hội có hạn ở quê nhà, thiếu giáo dục hay những hoàn cảnh chính trị xã hội bất ổn hoặc chiến tranh. Nhưng những chủ nô lệ thường chỉ tìm kiếm lợi nhuận kinh tế“.

Chuyện ở Thái: cụ già hiếu học
VOA đưa tin: Cụ bà 91 tuổi tốt nghiệp đại học. Sau 10 năm ‘dùi mài kinh sử’, cụ bà Kimlan Jinakul, 91 tuổi, đã tốt nghiệp cử nhân ngành phát triển nhân loại và gia đình, tại đại học công Sukhothai Thammathirat, Thái Lan, hôm 9/8. Cụ bà đã được đích thân Vua Thái Lan trao bằng tốt nghiệp.

Cụ bà Kimlan Jinakul nhận bằng cử nhân trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: AP

*
*
Bài Mới Nhất







No comments: