Thursday, December 10, 2009

THƠ PHẢI ĐẾN TỪ SỰ TỰ DO MÀ CHÚNG TA ĐANG TÌM KIẾM

Lý Đợi trả lời phỏng vấn của talawas:
Thơ phải đến từ sự tự do mà chúng ta đang tìm kiếm
Phạm Thị Hoài thực hiện
10/12/2009 10:00 sáng
8 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=14942

talawas - Loạt bài phỏng vấn nhan đề “
Thơ đến từ đâu” do tác giả Nguyễn Đức Tùng thực hiện với nhiều nhà thơ Việt Nam trong và ngoài nước, đăng trên talawas từ tháng 6/2006 đến tháng 1/2008 vừa được xuất bản tại Việt Nam. Ngày 1/12/2009, Nhà xuất bản Lao Động đã tổ chức buổi ra sách và gặp gỡ nhóm thực hiện cuốn sách này. Cuộc thảo luận xung quanh việc xuất bản cuốn sách này đang tiếp tục, với nhiều ý kiến phản hồi về những bài đã đăng của Trung Trung Đỉnh và Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Tôn Hiệt, Đà Linh, Hoàng Ngọc-Tuấn, Bùi Văn Phú, Bắc Phong, Trần Thị Trường, Nguyễn Quốc Chánh, Quang Toản, Đỗ Kh.. Nhà thơ Lý Đợi, tác giả “Thơ đến từ đâu” duy nhất không có mặt trong tập sách nói trên, vừa có cuộc trò chuyện với talawas về việc này.
_________________

talawas: Thưa anh Lý Đợi, anh là người duy nhất nổi bật với sự vắng mặt của mình trong tập Thơ đến từ đâu. Anh không tham gia vào công trình xuất bản này, hay bị loại ngoài ý muốn?
Lý Đợi: Bây giờ ngồi nhớ lại, chắc cũng có nhiều chi tiết không được chính xác, vì tôi cũng quên vụ này lâu rồi. Trình tự căn bản thì thế này: Nguyễn Đức Tùng gởi email phỏng vấn tôi khá sớm và tôi cũng trả lời khá sớm trong loạt bài này (dù
đăng trên talawas chậm hơn một chút); trong quá trình trả lời, tôi còn giúp cung cấp hoặc giới thiệu cho người phỏng vấn một số địa chỉ email của các nhà thơ khác. Kết quả thì có một vài người tham gia trả lời, một số khác thì không. Riêng về cuốn sách, khi nó sắp thành hình, tôi có nhận được một email từ Nguyễn Đức Tùng (là thư khá vu vơ và là thư chung – nghĩa là gởi cho tất cả mọi người có liên quan trực tiếp đến sách) nói rằng sẽ có một hai đoạn, một hai tác giả bị biên tập, bị cắt… nhưng không nói cụ thể là tôi có bị cắt hay bị bỏ ra khỏi cuốn sách hay không?
talawas: Sau đó anh có được đề nghị xem xét những sửa đổi của biên tập không?
Lý Đợi: Tôi không có được cái may mắn này, hoặc do từ đầu Nguyễn Đức Tùng chủ động bỏ tôi ra mà không báo cho biết; hoặc bên biên tập muốn bỏ mà Nguyễn Đức Tùng thấy không tiện nói với tôi.
talawas: Có nghĩa là sau khi sách ra, anh mới được biết là mình không có mặt?
Lý Đợi: Về mặt thủ tục thì đúng như thế; về luật chơi, tôi đã không được tôn trọng. Cũng xin mở rộng một chút, khi cần phỏng vấn và cần trợ giúp, Nguyễn Đức Tùng đã rất sốt sắng, riêng khi cần bỏ tôi thì xem như không. Tuy nhiên, chỉ cần một chút tưởng tượng, không cần đoán tôi cũng biết là mình sẽ không có tên trong cuốn sách ngay từ trước khi nó in ra.
talawas: Vì sao?
Lý Đợi: Dù trong bài trả lời phỏng vấn này tôi chỉ đi vào các dự án khá cụ thể (lúc bấy giờ), nhưng tôi nói thẳng thắn, điều này có thể làm những người làm cuốn sách này ngại, hoặc nhà kiểm duyệt Việt Nam không thích.
talawas: Nhưng làm-thế-nào-để-lọt-lưới-kiểm-duyệt là nghệ thuật hàng đầu của các nghệ sĩ sống trong các quốc gia có chế độ kiểm duyệt khắt khe. Anh không có tham vọng đạt thành tựu lớn trong nghệ thuật đó sao?
Lý Đợi: Không! Hoặc là nó phải thay đổi để tiến bộ; hoặc là tôi chơi cách khác – thời nay có nhiều cách chơi mà.
Ví như, khi đã xác định và chủ động cho đăng bài phỏng vấn trên talawas, nghĩa là mình đã tôn trọng luật chơi của talawas, chứ không phải luật chơi của sách in tại Việt Nam. Nếu talawas không có luật chơi khác với kiểu kiểm duyệt chính thống giáo thì nó không cần hình thành và phát triển để làm gì. Chính vì thế, khi đã đăng bài trả lời Nguyễn Đức Tùng ở talawas, với tôi như vậy là đủ rồi, không có lý do gì phải chịu sự biên tập, cắt xén… Sự cắt xén, kiểm duyệt chẳng lẽ sẽ giúp cho “nhân thân” được “tốt và an toàn hơn” chăng; hay chỉ cho thấy người trả lời đã chọn hai thái độ: ngoài luồng nói khác, trong luồng nói khác. Tôi không thích cách đó.
talawas: Công trình xuất bản này được những người thực hiện coi là một nỗ lực giao lưu và hội nhập văn học trong và ngoài nước, ghi nhận “những đóng góp của đội ngũ trí thức, nhà văn, nghệ sĩ Việt kiều sống xa đất nước nhưng luôn dành những tình cảm chân thực cũng như vốn tri thức quý giá của mình góp phần xây dựng quê hương, thúc đẩy chủ trương hòa hợp và khối đại đoàn kết dân tộc”
[1]. Cuốn sách lại ra ngay sau Hội nghị Việt kiều cuối tháng 11 vừa qua…
Lý Đợi: Thời Bắc thuộc, đa phần trí thức, nhà thơ có thể đọc chữ Nho và viết chữ Nho, dù nghe nói có thể không được, nghĩa là có giao lưu một nửa. Thời Pháp thuộc, đa phần trí thức, nhà thơ dùng tốt tiếng Pháp, có nền tảng chữ Nho… nên giao lưu khá tốt, có bài bản và bản sắc (dù các nhà thơ chủ yếu giao lưu với chủ nghĩa lãng mạn và tượng trưng Pháp để sinh ra Thơ Mới). Thời nay, đa phần văn, nhà nhà thơ (khoảng trên 97%, trong đó có tôi) không đọc viết hoặc nghe nói thông thạo bất kỳ một thứ tiếng, một ngôn ngữ nào, dù phương tiện và con người để giúp giao lưu thì khá nhiều. Nếu so với thời lệ thuộc, thời “tự do” này có vẻ ít giao lưu nhất; mà một nền thơ mà không có giao lưu thì khác gì tự thủ tiêu hoặc tự sướng với chính mình. Cho nên, giả dụ có đến 90 triệu người Việt trên toàn thế giới làm thơ viết văn, nay hội nhập thành một khối, thì đó cũng chỉ là một khối bảo thủ, khối chậm phát triển, hay cực đoan hơn, chỉ là khối ngu mà thôi. Văn chương vốn là chuyện cá nhân, chuyện đơn lẻ… cần gì phải “hòa hợp và khối đại đoàn kết dân tộc”. Các vấn đề biển đảo, bauxite Tây Nguyên, giáo dục, sự tự cường của dân tộc… đang cần cái khối này hơn.
Đó là chưa nói, phần lớn các nhà văn, nhà thơ Việt đang viết tiếng Việt (dù trình độ ngôn ngữ khá chênh nhau), nhưng do tiếng Việt quá chậm phát triển, nên ở đâu cũng đọc được, tụ tập lại một khối để mà làm gì.
talawas: Và tác giả bị loại khỏi cuốn sách không phải là một nhà thơ Việt kiều mà là anh, một nhà thơ sống trong nước?
Lý Đợi: Nếu bạn ở hải ngoại mà có trang web, cần thiết thì đặt tường lửa tại Việt Nam, hạn chế tối đa người truy cập (ví dụ như talawas). Nếu bạn ở hải ngoại mà có sách thì siết chặt hải quan không cho mang vào lãnh thổ, nên số lượng lưu hành trong nước chẳng đáng là bao, chỉ trong giới làm nghề biết với nhau, vậy xem như yên ổn. Cần thiết nữa là từ chối cấp thị thực, trục xuất khỏi Việt Nam… nói chung khá an toàn bởi những biện pháp thô bạo. Còn với một người ở trong nước, có cộng đồng bao bọc ở xung quanh, như thế được cho là… nguy hiểm tiềm tàng, nên họ phải cố gắng quản lý “trọn gói”, cái gì họ cũng muốn kiểm soát và kiểm duyệt đến tận chân răng. Nên việc tôi bị kiểm duyệt và từ chối không cho xuất hiện trong cuốn sách là hết sức bình thường với não trạng kiểm duyệt hiện nay. Nếu tôi được chấp thuận xuất hiện, thì bài trả lời phỏng vấn đó (dù tầm thường thôi) cũng không còn là của tôi nữa, mà đã bị bóp méo, xuyên tạc; còn nếu in nguyên văn, thì có điều gì đó bất thường sắp diễn ra ở đây.
Cũng cần nhắc lại, ngay từ đầu, khi chấp nhận trả lời phỏng vấn của Nguyễn Đức Tùng, tôi đã không có ý nghĩ đến việc in trong cuốn sách, nên chẳng cần phải uốn nắn làm gì.
talawas: Còn ở trong nước, tác giả Lý Đợi và Nhóm Mở Miệng được dòng văn học chính thống ghi nhận như thế nào?
Lý Đợi: Chính thống giáo cũng có năm bảy đường, mà trong các đường ấy làm gì không có đường cho mình đi, nếu muốn đi và biết cách luồn lách. Riêng bản thân tôi, khi cần thiết, ví dụ như sau khi đi tham dự Documenta 12 ở Đức về, cũng đã có trả lời phỏng vấn trên báo của Việt Nam. Hay như một vài nhà phê bình văn học tại Việt Nam cũng đã có những bài viết khá dài và chi tiết về Mở Miệng và tôi trên báo hay tạp chí chính thống. Tuy vậy, chủ trương của bản thân tôi và Mở Miệng từ khi thành lập đến nay là không có ý định làm văn học vì những thứ đó. Còn nếu có một nhà xuất bản hay tờ báo nào muốn mua tác phẩm (có điều kiện phù hợp và hợp đồng kèm theo) thì tôi vẫn có thể bán, vì suy cho cùng, tác phẩm văn học cũng chỉ là hàng hóa mà thôi. Vấn đề là mỗi người đều có quyền chọn lựa cách bán cho mình, tôi thì không thích bán những tác phẩm văn học cho những tổ chức “thiến”.
talawas: Theo anh cuộc tranh luận hiện nay về việc xuất bản tập Thơ đến từ đâu cho thấy điều gì?
Lý Đợi: Có ý kiến cho rằng trong thời gian gần đây chẳng có gì để tranh luận? Hoặc vì nhiều người không dám tranh luận khi loạt bài còn ở trên talawas, nay thì “hợp thức hóa” rồi, tranh luận cho bõ tức? Hoặc cũng vì các kiểu PR rùm beng để bán sách? Hoặc vì các kèo cá độ có cái cớ để ra tỷ lệ cá cược? Có người còn cho rằng việc Nguyễn Đức Tùng “cố gắng” in sách chỉ để mượn các cây cột đường để móc cái tên mình lên, vì sách này toàn phỏng vấn những người nổi tiếng (?!). Riêng tôi chỉ thấy một điều thú vị là nơi sinh của cuốn sách ở talawas, nay “đâm chém” nhau (có thể chỉ qua comment và bằng nickname) cũng ở talawas (trong khi sách thì được in ở NXB Lao Động, Hà Nội) – điều này chứng tỏ cái gì cũng có gốc tích và talawas thì vui hơn. Mà niềm vui, sự hạnh phúc… thường bắt nguồn từ sự tự do.
Cũng nói thêm, có chị bạn làm sếp biên tập cho một tờ báo sau khi đi họp giao ban hôm 7.12 về điện thoại cho biết không được đưa tin Thơ đến từ đâu dưới mọi hình thức, ngay cả chê. Vậy là có thể loại được lý do PR để bán sách rồi.
talawas: Như vậy một lần nữa chúng ta chứng kiến tình thế kẹt điển hình trong câu chuyện Việt Nam: Một mặt, những người làm cuốn Thơ đến từ đâu đã tìm cách đi hết và thậm chí có thể đã đi khá xa quá vạch cho phép, khiến cuốn sách trở thành “có vấn đề” và hiện không được phép nhắc đến trên truyền thông chính thống. Mặt khác, để được xuất bản trong một môi trường văn hóa tư tưởng như tại Việt Nam, họ phải thực hiện một mức độ kiểm duyệt nhất định, trong đó có việc loại bỏ bài phỏng vấn anh, khiến bản thân việc xuất bản cuốn sách này cũng trở thành “có vấn đề”. Theo anh, làm thế nào để thoát khỏi tình thế kẹt ấy?
Lý Đợi: Đã có rất nhiều hội thảo về kiểm duyệt và chống kiểm duyệt diễn ra công khai trên thế giới, âm thầm tại Việt Nam nhưng phần lớn chỉ mới nêu ra hiện tượng, các vướng mắc… mà chưa biết phải giải quyết thế nào. Kinh nghiệm tại Việt Nam cho thấy “luật” kiểm duyệt rất ít được thay đổi trong các thập kỷ gần đây; trong khi sự đấu tranh kêu đòi của giới cầm bút thì quá lẻ loi, yếu ớt… nên cũng không có tác động gì đáng kể. Cách hợp lý nhất để thoát khỏi tình trạng này là người cầm bút phải xác định thái độ rõ ràng và xoá nhoà ranh giới giữa các hình thức xuất bản. Phần nhiều bị vướng mắc ở suy nghĩ chỉ có sách in qua hệ thống kiểm duyệt tại Việt Nam thì mới chính thống, còn in web, in photocopy, blog hay trong email là không chính thống… Suy nghĩ này không chỉ đến với những người ở trong nước, mà đến với cả người Việt ở nước ngoài, nên dẫn đến “hành động” sai. Mà khi người viết đã có suy nghĩ và hành động sai thì đừng mong hệ thống kiểm duyệt sẽ thay đổi, vì mọi hệ thống đều mong sự ổn định để dễ điều hành và dể duy trì sự hiện diện.
talawas: Anh không cho rằng, với tất cả những thỏa hiệp của nó trước chế độ kiểm duyệt, việc một cuốn sách như Thơ đến từ đâu xuất hiện được ở Việt Nam vẫn có tác động tích cực ngay cả trong việc chống kiểm duyệt hơn là ngược lại?
Lý Đợi: Việt Nam có hệ thống kiểm duyệt toàn diện ít khi sai sót, nếu lần này Đà Linh – Quang Thuỵ (hai người phụ trách biên tập), Lê Huy Hoà (chịu trách nhiệm xuất bản của NXB Lao Động) và có lẽ một vài người quan trọng nhưng khuất tên phía sau, mà sai thì “kỳ tích” kiểu nhà NXB Đà Nẵng sẽ tái diễn – rút phép và xử phạt là điều khó tránh. Còn nếu họ đúng, thì cuốn sách đã quá “sạch sẽ” sau khi bị thiến, “vào cung” làm thái giám là đương nhiên, chơi với bời, chống với phá gì nữa.
Nên vấn đề tôi nói ở đây không phải là chuyện một cuốn sách cụ thể, mà là cả một hệ thống kiểm duyệt, nó đang rất không bình thường, thậm chí đi ngược lại Hiến pháp Việt Nam.
talawas: Trả lời câu hỏi “Thơ đến từ đâu” trong bài phỏng vấn, anh nói: thơ đa phần không đến từ hội viên – hay chuẩn bị là hội viên – của các hội văn học, từ trung ương xuống địa phương; thơ cũng không đến từ các tập thơ được xuất bản chính quy trong 60 năm qua; thơ chắc chắn cũng không đến từ hơn 10 triệu gồm công an, quân đội, công chức, người ăn lương nhà nước và không đến từ hơn 24 triệu người Việt Nam đang cắp sách đến trường. Anh đoán rằng thơ có lẽ đến từ hơn 5 triệu người bị tàn tật vì có vẻ như họ có đủ thời gian để suy nghĩ, và tìm cảm hứng hay có lẽ đến từ một vài người điên bị xã hội, bị định chế, bị pháp chế… cho lạc rơ…
Lý Đợi: Có lẽ thơ đến từ một vài người bị cho là điên, hoặc bị xã hội, bị định chế, bị pháp chế… cho lạc rơ – tôi vẫn giữ ý kiến này.
talawas: Và bản thân anh từng tuyên ngôn chung cho Nhóm Mở Miệng:
Chúng tôi không làm thơ
Lý Đợi: Đúng vậy. Và điều này cũng giúp tôi khỏi bị chiếu bí trong câu hỏi mà cả một cộng đồng chìm mê hiện nay đang không muốn trả lời: Thơ đến từ đâu? Từ lịch sử thơ Việt, có vài người đã trả lời thay tôi rằng trong một thời kỳ dài, thơ Việt từng đến từ sự áp bức; ngày nay, chắc thơ phải đến từ sự tự do mà chúng ta đang tìm kiếm.
Tuy “không làm thơ”, nhưng tôi vẫn cố gắng đi tìm xem thơ đến từ đâu. Và biết đâu, khi tìm được câu trả lời rồi thì trong lần tái bản sách, tôi không phải là người duy nhất bị loại.
talawas: Cảm ơn anh Lý Đợi về cuộc trò chuyện này.

© 2009 Lý Đợi
© 2009 talawas blog

[1] Xem bản tin “Gặp gỡ nhóm thực hiện cuốn sách Thơ đến từ đâu” trên website của tạp chí Sông Hương ngày 01/12/2009



No comments: