Lê Phan
June 2, 2019
Tuần
này Thủ Tướng Angela Merkel của Đức đến Hoa Kỳ. Bà được Đại Học Harvard mời đọc
bài diễn văn tốt nghiệp. Nhưng bà không có ý định ghé thăm Tổng Thống Donald
Trump ở Tòa Bạch Ốc.
Thủ Tướng Đức
Angela Merkel đọc bài diễn văn tốt nghiệp tại Đại Học Harvard ở Cambridge,
Massachusetts, hôm 30 Tháng Năm, 2019. (Hình: Allison Dinner/AFP/Getty Images)
Đối với bà Angela Merkel, tiếng chuông báo động đến
vào lúc nửa đêm. Thủ tướng Đức đang ngủ trên chiếc phi cơ của chính phủ bà ở
đâu đó trên bầu trời Đại Tây Dương vào Tháng Sáu năm ngoái khi Tổng Thống
Donald Trump phá hủy một thỏa thuận mong manh mà bà đã xây dựng với các lãnh tụ
Khối G7 ở Canada.
Trước khi đi ngủ, bà đã lạc quan vì những nhượng bộ
bà đã đạt được từ tổng thống Hoa Kỳ cho một tuyên bố chung về mậu dịch. Khi ông
thất hứa, bà sửng sốt.
Cũng phải nói bà Merkel đã chịu đựng một loạt những
cuộc tấn công kể từ khi ông Trump nhậm chức -về xe hơi hạng sang của Đức, công
chi về quốc phòng, Iran, khí đốt từ Nga, và làm ăn với Huawei Technologies Co.
Nhưng sự đổ vỡ ở cuộc họp thượng đỉnh G7 hồi Tháng Sáu năm ngoái đã khiến bà đi
đến quyết định: Tổng Thống
Trump không phải là một partner mà nước Đức có thể trông cậy được.
Gần 12 tháng sau, tình hình ngày càng tệ hơn. Đã có
một sự pha trộn đau lòng và bực mình ở Berlin và các viên chức đã tự hỏi liệu
liên hệ giữa hai đồng minh có phải đã vượt điểm không còn trở lại được như xưa
nữa chăng.
Ngay cả nếu ông Trump thất cử năm 2020, họ nói là niềm
tin vốn là nền tảng của tình thân hữu xuyên Đại Tây Dương từ bảy thập niên nay
có thể đã biến mất không còn tìm lại được nữa. Đức đã bắt đầu xây dựng những
liên minh mới mà rồi sẽ bảo vệ quyền lợi của họ trong một thế giới mà Hoa Kỳ
không muốn tham gia. Và một số còn có thể không làm Hoa Kỳ hài lòng.
Hôm Thứ Sáu tuần trước, 24 Tháng Năm, trong một cuộc
mít tinh ở Munich, bà Merkel đã bảo với nhân dân Đức: “Chúng ta phải nắm lấy định mệnh của chúng
ta trong tay mình trong tương lai nếu chúng ta muốn mạnh hơn.”
Thành ra khi thủ tướng đến Hoa Kỳ vào ngày Thứ Năm vừa
qua để đọc bài diễn văn tốt nghiệp tại Đại Học Harvard, bà đã không tính đến
chuyện viếng thăm Tòa Bạch Ốc như bà đã làm trong hai năm qua. Các viên chức
Hoa Kỳ cả quyết là Tổng Thống Trump tôn trọng Thủ Tướng Merkel. Nhưng họ cũng
cho thấy sự hiểu lầm vốn đã xảy ra trong liên hệ giữa hai vị lãnh tụ.
Một viên chức của chính phủ Hoa Kỳ giải thích với
thông tấn xã Bloomberg vấn đề chính của Tổng Thống Trump với Thủ Tướng Merkel
là thặng dư mậu dịch của Đức với Hoa Kỳ. Nhưng chính phủ Trump tỏ ra mất kiên
nhẫn khi Đức, như tất cả các thành viên Liên Hiệp Âu Châu khác, đã trao quyền
điều đình mậu dịch cho Brussels. Tổng Thống Trump không chịu hiểu điều đó hay
là, với bản tính bắt nạt, ông lý luận là Đức phải dùng cái quyền là nền kinh tế
lớn nhất Âu Châu để đẩy các cuộc thảo luận theo chiều hướng Đức muốn.
Trong những cuộc gặp gỡ riêng, tổng thống đã năn nỉ
bà Merkel hãy đích thân tham gia vào điều đình mậu dịch, viên chức này giải
thích. Nhưng thủ tướng cả quyết là ông phải nói chuyện với Ủy Hội Âu Châu tức
chính phủ của Liên Hiệp. Viên chức này nói không có sự thù hận nhưng không có
tình thân hữu.
Điều ông Trump không hiểu và có lẽ cũng
không có khả năng để muốn hiểu là bà không thể nào hủy bỏ công trình xây dựng mấy
chục thập niên nay để tạo dựng nên một Âu Châu hòa bình, tương đối thống nhất
và không có chiến tranh.
Muốn hiểu bà Angela Merkel, thủ tướng Đức, thì chúng
ta phải nhớ bà sinh ra ở Tây Đức nhưng lớn lên là một người Đông Đức, con gái một
mục sư và là một nhà khoa học. Hơn nữa, bà là con của một mục sư đã được đưa
sang chủ trì một ngôi nhà thờ ở Đông Đức. Bà lớn lên khi bức tường Berlin được
dựng lên để ngăn cách Âu Châu làm hai.
Ở Harvard, bà thú nhận với các sinh viên tốt nghiệp
là bức tường Berlin đã cắt đứt mọi hy vọng và cơ hội cho bà, nhưng bà nói với họ: “Bức tường Berlin đã giới hạn cơ hội cho
tôi. Nó thực sự đã đứng cản đường tôi. Tuy nhiên, có một điều bức tường đó
không làm gì nổi trong những năm tháng đó: nó không áp đặt được giới hạn cho những
gì tôi nghĩ trong thâm tâm tôi. Cá tính con người tôi, trí tưởng tượng của tôi,
ước mơ và thèm muốn, cấm kỵ và ép buộc không giới hạn được bất cứ điều gì bên
trong tôi cả.”
Là con của một mục sư bà đặt những giá trị cao cho đạo
đức và lòng nhân ái. Bà đã cương quyết mở cửa cho dân tị nạn vì bà bảo là những
người may mắn hơn có trách nhiệm cưu mang cho những người ít may mắn hơn. Là một
nhà khoa học bà suy nghĩ và hành động theo lý trí. Là một người Âu Châu đã là nạn
nhân của phân chia, độc tài và đàn áp, và chính vì vậy mà bà đã coi lý tưởng của
một Âu Châu thống nhất và hòa bình quan trọng hơn tất cả.
Chính vì thế bà khó có thể hòa hợp với Tổng Thống
Trump, ở mọi khía cạnh hoàn toàn đối nghịch với bà. Một cách ngoại giao bà trả
lời đài CNN “Tổng thống có lập trường của ông, và tôi có lập trường của tôi.
Thường chúng tôi cũng tìm thấy chỗ đứng chung. Nếu không thì chúng tôi sẽ tiếp
tục thảo luận và điều đình.”
Thật là khác xa với hai cựu Tổng Thống Barack Obama
và George W. Bush. Bà đã tìm được người đồng điệu ở ông Obama trí thức, nhưng
bà vui vẻ đến thăm hai ông bà Bush ở Texas và tìm thấy đức tin và sự chân thành
của ông bà Bush đáng mến.
Không phải là ông Trump và bà Merkel không cố gắng tạo
một mối liên lạc. Lần thứ nhì bà viếng thăm Tòa Bạch Ốc vào Tháng Tư, 2018, tổng
thống mời bà đi thăm dinh thự, kể cả phòng ngủ của cố Tổng Thống Lincoln, khi
ông tìm cách lấy lòng bà. Nhưng ông hành động như là thái độ tử tế của ông có
thể có ảnh hưởng tốt ngay khi ông đang tấn công các vấn đề chính sách của Đức.
Đối với bà Merkel mọi sự đều dẫn đến kết luận ông là một tổng thống bà không
tin cậy nổi.
Vài tuần sau cuộc viếng thăm ở Tòa Bạch Ốc, ông nói
– hoàn toàn vô căn cứ – là tội ác ở Đức là “tăng vọt” vì chính sách di dân của
bà Merkel. Một tháng sau ông gọi bà là “lệ thuộc vào Nga” vì dự định một đường
dẫn khí đốt mới. Hồi Tháng Mười Hai, các viên chức Hoa Kỳ đe dọa không cho Đức
tham gia hệ thống chia sẻ tình báo nếu Huawei được phép cung cấp dụng cụ cho hệ
thống truyền tin thế hệ thứ 5.
Tất cả là một phần của một cuộc tấn công rộng lớn
hơn vào trật tự thế giới đa phương vốn đã giữ cho Đức an toàn và làm cho Đức
giàu có. Ông Trump càng tấn công thì những khuyến cáo của bà Merkel lại càng bi
quan.
Sau chuyến viếng thăm Tòa Bạch Ốc lần cuối, thủ
tương bắt đầu nhắc đến Cuộc Chiến 30 Năm vốn đã tàn phá Âu Châu hồi thế kỷ thứ
17. Lúc đó, cũng như bây giờ, Âu Châu đã mới được hưởng 70 năm hòa bình ổn định.
Và lúc đó, cũng như bây giờ, các lãnh tụ bắt đầu lờ đi những giới hạn vốn đã là
nền tảng của hòa bình đó.
“Trong chỉ một đòn giáng xuống, toàn thể trật tự trở thành cát bụi,” bà nói trong một hội nghị tôn giáo vài ngày sau khi từ Washington trở
về.
Và đó là lập trường mà các lãnh tụ của nước Đức ngày
càng có về liên hệ xuyên Đại Tây Dương. Ngay cả những khi họ có thể thông qua
được những khu vực có thể hợp tác, những vấn đề khó khăn ngày càng khó khăn
hơn.
Chính sách “áp lực tối đa” của ông Trump về Iran đã
làm các viên chức Đức khó khăn duy trì thỏa thuận vốn giới hạn khả năng của chế
độ ở Iran sản xuất uranium có thể làm vũ khí sau khi Hoa Kỳ rút lui. Các viên
chức Đức ngơ ngác trước điều mà họ thấy là thiếu chiều hướng chiến lược. Với
doanh nghiệp Đức tức giận vì phải đầu hàng trước đe dọa của Tòa Bạch Ốc, một
viên chức nói Iran có thể là vấn đề tạo nên một chia rẽ rộng lớn hơn giữa Hoa Kỳ
và Đức.
Khi ông Trump siết chặt áp lực, ông đang đẩy Đức vào
cánh tay của những cường quốc đối thủ như Trung Cộng và Nga, một hành động tự
nó lại làm cho Washington thêm bực tức. Có lẽ thí dụ nổi bật nhất là vụ đường ống
dẫn Nord Stream 2 vốn sẽ bơm 55 tỷ mét khối khí đốt một năm dưới biển Baltic từ
Nga sang Đức. Các viên chức của phủ thủ tướng Đức sửng sốt hồi Tháng Hai trước
cố gắng phối hợp ngoại giao của Hoa Kỳ để hủy bỏ dự án và nay Hoa Kỳ đang đe dọa
cấm vận những công ty liên hệ.
Thứ Trưởng Ngoại Giao Niels Annen của Đức nói với một
hội nghị ở Berlin hôm tháng rồi: “Chúng
ta luôn có cường quốc đòi thay đổi luật chơi. Điều mới là một quốc gia thực sự
đã tạo nên những luật chơi này nay lại đặt vấn đề về chúng.”
Tình hình còn tệ hơn vì ông đại sứ. Tâm điểm của
chính sách ngoại giao của tổng thống ở Đức là ông Richard Grenell, một người
tín cẩn và một cựu phân tích cho Fox News, và là một người có tài gây sự nhưng
lại được tổng thống tín nhiệm. Khi ông đại sứ công khai nhục mạ nước chủ nhà
thì thật khó có ai có cảm tình với quốc gia mà ông đại diện.
Và vì thế bà Merkel cảm thấy ngày càng đi dần tới một
thế giới trong đó Đức không còn có thể trông cậy vào Hoa Kỳ nữa. Tháng Mười Một
năm ngoái, bà đề nghị một quân đội cho Âu Châu, mà trước đây, qua sự chống đối
của Anh đại diện cho Hoa Kỳ, đã không thành hình nổi. Bà đã bất chấp những đe dọa
mà hầu hết chỉ là xuông của tổng thống về Huawei, từ chối cấm công ty khỏi hệ
thống của Đức. Và đường ống dẫn khí đốt từ Nga đã khởi công.
Đó không phải là một thế giới bà muốn và cũng không
phải là một thế giới bà chào đón. Khi bà ý thức được trách nhiệm của bà là xây
dựng thế giới đó trên chuyến bay từ Quebec về, bà bị cú “shock.” Bà tránh phóng
viên trên phi cơ cho đến khi hạ cánh ở Berlin. Rồi bà leo lên xe đi thẳng.
Nhưng với bản chất của bà, bà sẽ cố gắng xây dựng thế giới đó với hết khả năng
của mình vì tương lai của nước Đức và vì tương lai của Âu Châu. (Lê
Phan)
No comments:
Post a Comment