26/06/2019
Nếu mọi người luôn nói dối bạn, hậu quả
không phải vì bạn tin vào những lời nói dối mà vì không ai còn tin
vào điều gì nữa……. Một dân tộc mất niềm tin, không thể tự quyết. Họ
không những chỉ mất khả năng hành động mà còn mất cả khả năng suy
nghĩ và phán đoán. Và đối với những dân tộc như vậy, bạn có thể
đối xử như thế nào cũng được.
If everybody always lies to you, the consequence is
not that you believe the lies, but rather that nobody believes anything any
longer…….And a people that no longer can believe anything cannot make up its
mind. It is deprived not only of its capacity to act but also of its capacity
to think and to judge. And with such a people you can then do what you please (Hannah Arendt)
Tính đến ngày 7 tháng Sáu 2019, trong 869 ngày
nắm chức vụ tổng thống, Donald Trump đã dối trá hay tuyên bố sai lệch
sự thật 10796 lần, theo The Fact Checker’s database, Washington Post. Như
vậy, trung bình mỗi ngày Trump dối trá hay tuyên bố sai lệch 12 lần.
Một kỷ lục không một tổng thống hay chính khách nào trong lịch sử
nước Mỹ trước đây có thể vượt qua. Tuy thế, ông vẫn được rất nhiều
người ủng hộ. Đây là điều đáng ngạc nhiên vì nó xảy ra trong một
quốc gia dân chủ, nơi người dân có quyền tự do truy tìm và đánh giá
mức độ khả tín của thông tin. Câu hỏi được đặt ra là tại sao người
ta vẫn hài lòng sống với dối trá, đồng hóa nó với sự thật, cổ võ
sự sai lệch và tiếp tục ưa chuộng vị tổng thống dối trá hàng loạt
này.
Mặc dù những lời dối trá, cường điệu, nhảm
nhí hay ăn nói trơ trẽn, không biết xấu hổ đã có từ lâu trong nhân
gian và ngoại trừ ở những quốc gia độc tài, hiếm khi người ta tìm
thấy quá nhiều tin tức giả, tuyên bố sai lệch và dối trá chính trị
với mục đích mị dân trên chính trường hay nơi công cộng như Donald Trump
đã làm trong thời gian vận động bầu cử và cả sau khi thắng cử. Ở
đây, sự kiện khách quan không quan trọng bằng việc khích động cảm
xúc, lôi kéo cử tri.
Giao tiếp chính trị cần sự cân bằng giữa cảm
xúc và sự thật. Không cảm xúc mạnh, không dấn thân. Nhưng nếu sự
thật bị gạt sang một bên như Donald Trump thực hiện bằng cách liên tục
tung ra những dòng thông tin sai lệch vô tận của mình, đến một lúc,
người dân có thể trở nên đần độn hay thờ ơ, chán nản, không còn
thiết tha để tâm tìm hiểu hay phản kháng. Lịch sử các quốc gia độc
tài toàn trị cộng sản hay quốc xã đã chứng minh việc này. Khi một
dân tộc bị ngụp lặn trong dối trá, cuối cùng sẽ mất khả năng suy
xét phải trái, không còn tin vào điều gì nữa rồi trở nên thụ động
hoặc cuồng tín chủ thuyết và lãnh tụ. Tình trạng này thường xuyên
xảy trong sinh hoạt chính trị.
Rất khó có thể nhận diện được sự dối trá
khi nó đánh đúng vào tâm lý hay phù hợp với quan điểm đã có của
chúng ta về thế giới chung quanh. Nguyên nhân có thể giải thích bằng
sinh học. Não bộ luôn ngăn cản chúng ta thay đổi quan điểm một khi
chúng ta đã quyết định cái gì là phải trái hay đúng sai từ trước,
theo Drew Western, giáo sư tâm lý học và tâm thần học tại Emory
University, Atlanta. Vì vậy, “ Một phần của vấn đề là sự kiện, cho
dù với số lượng lớn, không cấu thành thực tế . Thực tế, như nó
xuất hiện trước chúng ta, là những gì còn lại sau khi chúng ta đã
thanh lọc, sắp đặt các sự kiện theo thứ tự ưu tiên và sau đó tẩm
ướp chúng theo các tiêu chuẩn giá trị và truyền thống của chúng ta.
Thực tế là cá nhân”(Brooke Glastone, book The Trouble With Reality).
Do đó, thông tin về sự thật tự nó một mình
không đủ sức thuyết phục người được truyền đạt bởi lẽ chúng tùy
thuộc vào kiến thức, kinh nghiệm sống, giá trị và vị trí trong xã
hội của họ. Trump hiểu rõ và tận lực khai thác yếu tố này. Trump
biết dối trá đúng lúc sẽ đạt được hiệu quả lớn.
Trump không những dối trá mà còn nhảm nhí.
Ngoài việc dối trá có chủ ý để được ủng hộ, Trump không cần biết
đến đúng sai hay thật giả. Mọi thứ đều như nhau. Chỉ cần tuyên bố
một câu sai lệch, bất cần đúng sai sự thật rồi vênh mặt nhún vai.
Thậm chí không buồn bảo vệ lời nói dối của mình nếu bị chất vấn.
Mục đích không phải để đưa ra một sự thật nào mà chỉ để kích hoạt
sự đồng tình hoặc ác cảm hay chỉ để tự đánh bóng mình.
Hoàn cảnh lịch sử, kinh tế và chính trị đã
tạo ra một nước Mỹ phân hóa. Ngoài ra, công nghệ truyền thông mới đã
cách mạng hóa cách thức các chính trị gia và phần còn lại trong
chúng ta nói chuyện với nhau. Sự dối trá nhờ đó được phổ biến sâu
rộng và củng cố. Nó đánh đúng vào tâm lý của những đối tượng không
hài lòng với sự phát triển nhân khẩu học hay thua thiệt kinh tế.
Người Mỹ sống trong một xã hội đa sắc tộc đầy mâu thuẫn, nơi các
hình thức giao tiếp mới làm tăng thêm sự nghi kỵ chia rẽ.
Cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 cho thấy hình
ảnh sự chia rẽ vùng miền, sự khác biệt về nhận thức chính trị và
xã hội giữa các thế hệ, giữa các thành phố cấp tiến và vùng quê
bảo thủ, giới trẻ khuynh tả tự do và người già thủ cựu, trình độ
học vấn, người da trắng đa số và các sắc dân thiểu số đang gia tăng.
Cuộc tranh cử vạch trần trận chiến văn hóa, sự kỳ thị chủng tộc và
chênh lệch kinh tế. Kể từ sau cuộc nội chiến, nước Mỹ chưa từng bao
giờ phân cực như bây giờ và chính trị trong nước rối loạn liên tục.
Đó là hậu quả do việc người Mỹ đã bầu lên một tổng thống chuyên xử
dụng dối trá để làm bước tiến cho sự nghiệp chính trị của mình.
Hoàng
Thủy Ngữ
No comments:
Post a Comment