Mai Vân-
RFI
Đăng ngày 22-06-2019
Nhóm
điều tra quốc tế do Hà Lan dẫn đầu ngày 19/06/2019 đã thông báo kết quả cuộc điều
tra kéo dài trong 5 năm về vụ chiếc Boeing trên tuyến bay MH17 của hãng hàng
không Malaysia Airlines, bị bắn rơi trên bầu trời miền đông Ukraina vào năm
2014, làm 298 người thiệt mạng. Các nhà điều tra đã nêu đích danh 4 nghị phạm,
3 người Nga, (Igor Girkin, Sergey Dubinski, Oleg Pulatov) và một người Ukraina
(Leonid Kharchenko). Những người này sẽ bị xét xử về tội sát nhân trước một tòa
án Hà Lan vào tháng 3/2020.
Ngày 19/06/2019, tại Hà Lan, nhóm điều tra quốc tế
công bố danh tính 4 nghi phạm trong vụ bắn hạ chiếc máy bay của Malaysia
Airlines MH17, trên bầu trời Ukraina các đây gần 5 năm.REUTERS/Eva Plevier
Nhóm điều tra quốc tế khẳng định là đã hội đủ tất cả
các bằng chứng để nhận dạng và truy tố các nghi phạm nói trên, bị tình nghi là
đã dùng một tên lửa BUK của Nga để bắn hạ chiệc máy bay MH17, ngày 17/07/2014.
Về những người này, chưởng lý Hà Lan Fred Westerbeke
khẳng định : « Họ đã có vai trò chủ chốt tại Đông Ukraina. Chính họ đã
yêu cầu và làm mọi cách để chuyển dàn phóng tên lửa BUK đến vùng mà họ chịu
trách nhiệm và chính từ vùng này mà chiếc máy bay MH17 đã bị tên lửa bắn rơi. Họ
chịu trách nhiệm về toàn bộ vụ việc ».
Trên nguyên tắc, những người này sẽ bị đưa ra xét xử
vào ngày 09/03/2020 trước một tòa án Hà Lan, và có khả năng bị án tù chung
thân.
Tuy nhiên theo các nhà điều tra, ít có khả năng họ
xuất hiện trước tòa án, Hiến Pháp Nga và Ukraina không cho dẫn độ công dân của
mình, trong lúc Mátxcơva luôn luôn bác bỏ các kết luận có dính líu đến Nga và
quân đội Nga ở Đông Ukraina. Mặt khác, trong số các nghi phạm, còn có những
nhân vật rất "nặng ký".
Những nghi phạm thật ra là ai ?
Gương
mặt nổi bật được chú ý nhất là Igor Girkin, có bí danh
là « xạ thủ - Strelkov », cựu bộ trưởng quốc phòng của nước Cộng
Hòa tự phong Donetsk, ở miền Đông Ukraina. Girkin từng được truyền hình Nga ca
ngợi như là một anh hùng.
Là một cựu đại tá cơ quan FSB Nga (KGB cũ), ông
Girkin đã thành lập các đơn vị dân quân vũ trang thân Nga đầu tiên, ngay từ lúc
phe ly khai bắt đầu nổi dậy ở đông Ukraina vào mùa xuân 2014. Vài tuần sau khi
chiếc MH17 bị bắn hạ, Girkin đã bị cách chức trong điều kiện khá mờ ám vào
tháng 8/2014, và kín đáo quay về Matxcơva.
Nhân
vật Nga thứ 2 bị tình nghi, Sergueï Dubinski, 56 tuổi, là
một cựu chiến binh trong cuộc chiến ở Afghanistan và đã quen biết với Girkin
trong cuộc chiến Tchetchenia lần thứ nhất. Chính quyền Kiev nghi là Dubinski
làm việc cho cơ quan tình báo quân đội Nga GRU. Theo trang mạng Bellingcat,
chuyên về điều tra, thì chính Dubinski đã yêu cầu Nga cho chuyển đến Donetsk hệ
thống hỏa tiễn phòng không BUK.
Nghi
phạm thứ 3, Oleg Poulatov, 52 tuổi, một cựu sĩ quan
quân đội Nga, là một trong những phụ tá của ông Dubinski.
Cuối
cùng là nghi phạm Ukraina, Leonid Khartchenko, 47 tuổi, có bí danh là « Chuột chũi ». Nhân vật này cũng họat động
cho cơ quan tình báo của phe ly khai tại Đông Ukraina. Các nhà điều tra nghi là
chính nhân vật này giúp chuyển đến cũng như cho mang đi hệ thống bắn tên lửa
BUK.
Ba nghi phạm đầu tiên hiện vẫn ở Nga, còn về Leonid
Khartchenko, thì an ninh Ukraina khẳng định không có tin tức gì của nhân vật
này, không biết ở đâu, còn sống hay đã chết.
Kết luận của nhóm điều tra nhằm trấn an dư luận ?
Như nói trên, Matxcơva đã bác bỏ kết luận của nhóm
điều tra quốc tế. Bộ Ngoại Giao xem đấy là kết luận thiên vị, không cơ sở, chỉ
nhằm mục tiêu hạ uy tín của Nga. Ông Girkin cũng lên tiếng phủ nhận mọi trách
nhiệm. Trả lời hãng tin Interfax ông tuyên bố : « Tôi chỉ có thể nói là
chiếc Boeing không phải do phe ly khai bắn hạ ».
Theo giới quan sát, việc công bố kết quả điều tra
cho phép trấn an gia đình và người thân của các nạn nhân chuyến bay MH17. Họ cảm
thấy phần nào được an ủi, như cảm nhận của một bà mẹ đã bị mất đứa con trai 23
tuổi và cô con dâu trong chuyến bay này.
Trả lời thông tín viên RFI, bà cho biết là đã chờ đợi
ngày này từ 5 năm qua, bây giờ có được thông tin rõ rệt, một ngày rõ rệt, bà sẽ
chờ đợi và tập trung vào ngày 09/03/2020.
Vấn đề là chưa chắc Nga hợp tác với Hà Lan để cho
phiên tòa diễn ra suôn sẻ cho dù Mỹ và Châu Âu đang gây sức ép. Các nghi phạm
cũng không chắc sẽ ra hầu tòa.
No comments:
Post a Comment