RFA
2019-06-28
2019-06-28
Trước khi Michael Phương Minh Nguyễn, công dân Mỹ gốc
Việt, phải ra tòa tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 24/6 với cáo buộc “hoạt động
nhằm lật đổ chính quyền”, gia đình ông ở California và những người quan tâm,
trong đó có những dân biểu Mỹ, đã hy vọng rằng ông sẽ được trục xuất về Mỹ để
đoàn tụ với gia đình ngay sau phiên tòa. Nhưng mọi hy vọng đã bị dập tắt ngay
sau phiên tòa khi Michael Phương Minh Nguyễn bị tòa tuyên 12 năm tù và chỉ bị
trục xuất sau khi đã thi hành án.
Công dân Mỹ gốc Việt
Michael Phương Minh Nguyễn tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm
24/6/2019. AFP
Ngay sau phiên tòa, Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam đã
lên tiếng bày tỏ sự thất vọng và cho biết Đại sứ quán sẽ tiếp tục đấu tranh cho
trường hợp của Michael Phương Minh Nguyễn.
Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal, người đã nhiều lần lên
tiếng cùng với những dân biểu khác, đòi trả tự do cho Michael Phương Minh Nguyễn,
ra thông cáo báo chí lên án Việt Nam. Thông cáo của dân biểu có đoạn viết: “Sự
thật trong vụ việc này rất đơn giản: một công dân Hoa Kỳ, ông Michael Phương
Minh Nguyễn, bị chính quyền Cộng sản Việt Nam kết án nặng nề chỉ vì họ mong muốn
răn đe những người Mỹ gốc Việt khác đừng về thăm Việt Nam và đừng truyền đạt đến
người dân Việt Nam những tư tưởng mà Cộng sản Việt Nam cho là ‘cực đoan’ như
Dân Chủ, Tự Do, Nhân Quyền.”
Thử phản ứng của Hoa Kỳ
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, Việt Nam liên tục
tuyên những bản án tù nhiều năm cho các nhà hoạt động nhân quyền trong nước và
thậm chí cả những công dân Mỹ, điều không thấy trước đây.
Trước Michael Phương Minh Nguyễn, vào tháng 8 năm
2018, tòa án ở Việt Nam cũng tuyên án hai công dân Mỹ gốc Việt khác mỗi người
14 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, và phải bị trục xuất về Mỹ
sau khi thi hành án.
Ông Nguyen James
Han, công dân Mỹ gốc Việt tại phiên tòa ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 22/8/2018.
Ông bị kết án 14 năm tù về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền". AFP
Ông Brad Adams, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á của
tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch, nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Chính phủ Việt Nam luôn tìm cách thử giới hạn.
Cách họ làm là họ sẽ thử xem phản ứng thế nào. Nếu phản ứng không đủ mạnh thì họ
sẽ làm mạnh hơn…. Trong vòng hai năm trở lại đây, chúng ta thấy họ liên tục
tuyên các án tù nhiều năm, thậm chí 12 năm, 20 năm chứ không phải 4 hay 5 năm
như trước kia. Họ muốn xem họ có mất gì không trong quan hệ với Mỹ và Châu Âu
hay Úc. Nhưng họ chỉ thấy những phản ứng không nhất quán. Đôi khi họ thấy những
lên tiếng mạnh mẽ từ Đại sứ quán Mỹ, đôi khi là từ Quốc Hội. Nhưng cuối cùng họ
muốn xem là Nhà Trắng làm gì. Và Nhà Trắng đã không làm gì.”
Sau khi Michael Phương Minh Nguyễn bị bắt vào tháng
7 năm ngoái trong chuyến về thăm người thân ở Việt Nam, gia đình ông đã vận động
các dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ gây sức ép lên Bộ Ngoại giao Mỹ và chính quyền
Việt Nam, đòi phía Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho ông.
Vợ của Michael Phương Minh Nguyễn, bà Helen Nguyễn,
thậm chí đã được Dân biểu Katie Porter mời đến dự buổi Thông điệp Liên bang của
Tổng thống Donald Trump ở Quốc hội vào ngày 5/2. Vào lúc đó gia đình Michael
Nguyễn đã hy vọng, với sức ép của Quốc hội, Tổng thống Donald Trump sẽ nêu vấn
đề của Michael Nguyen trong chuyến thăm Việt Nam vào cuối tháng 2 nhân Thượng Đỉnh
Mỹ và Bắc Hàn ở Hà Nội. Bà Helen Nguyen lúc đó đã nói với Đài Á Châu Tự Do về
hy vọng này:
“Tại buổi Thông điệp Liên bang, tôi đã được gặp
Chủ tịch Hạ Viện, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại. Họ sẽ chuyển thông điệp của tôi đến
Tổng thống vì Tổng thống sẽ đến Việt Nam vào cuối tháng 2 này. Tôi hy vọng là với
việc tôi ở đây và gặp bên Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban đối ngoại thì
trường hợp của anh ấy sẽ gây chú ý và giúp anh ấy sớm được trả tự do.”
Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội khoảng vài tuần sau đó, hai bên đã chứng kiến lễ ký
các hợp đồng thương mại trị giá hơn 20 tỷ đô la. Tuy nhiên vấn đề nhân quyền,
và tất nhiên bao gồm cả chuyện của Michael Phương Minh Nguyễn đã không được nói
tới.
Nhân quyền có còn là trụ cột trong quan hệ Việt Mỹ?
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, quan
hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã phát triển nhanh chóng. Kim ngạch thương mại hai chiều
đã tăng từ khoảng 200 triệu đô la trong những 1990s lên xấp xỉ 60 tỷ đô la vào
năm 2018. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Tổng thống Mỹ
Donald Trump và Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng chứng kiến lễ ký các hợp đồng thương
mại giữa các công ty hai nước ở Hà Nội hôm 27/2/2019. AFP
Năm 2013, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng quan hệ hai nước
thành Đối Tác Toàn Diện với 9 trụ cột bao gồm nhiều lĩnh vực từ an ninh quốc
phòng, kinh tế thương mại đến môi trường, văn hóa, giáo dục. Trong số này nhân
quyền cũng được coi là một trụ cột.
Tuy nhiên, theo ông Brad Adams, nhân quyền chưa bao
giờ thực sự được coi là trụ cột trong cái nhìn của Việt Nam, mà chỉ là sự trao
đổi để Việt Nam đạt được những thỏa thuận khác với Hoa Kỳ.
“Vấn đề nhân quyền là một trụ cột trong quan hệ
Việt Mỹ nhưng chỉ có Mỹ coi đây là trụ cột còn Việt Nam thì không. Họ không bao
giờ nghĩ như vậy. Họ chỉ ký kết các văn bản để có được các trụ cột khác. Thách
thức về phía Hoa Kỳ là duy trì đòi hỏi về vấn đề nhân quyền như điều kiện cho
các thỏa thuận khác.”
Dưới sức ép của quốc tế trong đó có Hoa Kỳ, và để hội
nhập quốc tế, Việt Nam đã có giai đoạn được nhìn nhận là có tiến bộ nhất định
trong vấn đề nhân quyền, nhất là vào giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập Tổ
chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2007. Kết quả là vào năm 2006, Hoa Kỳ bỏ
Việt Nam khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo, và
vào năm 2007, Việt Nam được chính thức gia nhập WTO.
Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền tại Việt Nam trong 2
năm gần đây đã bị cho là xấu đi với hàng loạt các án tù nhiều năm dành cho các
nhà bất đồng chính kiến. Theo Ân Xá Quốc Tế, hiện Việt Nam vẫn còn giam giữ ít
nhất 128 tù nhân lương tâm, tăng hơn 30 người so với năm trước đó.
Ông Brad Adams nhìn nhận vấn đề nhân quyền ở Việt
Nam luôn là một thách thức đối với Hoa Kỳ và giờ đây còn là thách thức lớn hơn
nữa:
“Nhân quyền luôn là một thách thức đối với Hoa Kỳ,
ngay cả đối với những chính quyền trước đây vốn gây sức ép nhiều về vấn đề nhân
quyền. Và nó thực sự là một thách thức lớn khi mà bạn không quan tâm và chúng
tôi không thấy Nhà Trắng có mấy quan tâm đến vấn đề này.”
Tổng thống Donald Trump trong lần thăm Việt Nam nhân
hội nghị APEC hồi tháng 11/2017 cũng đã bị chỉ trích vì không nêu vấn đề nhân
quyền với Việt Nam. Thượng Nghị sĩ John McCain lúc đó đã viết về điều này ngay
trên Twitter của mình.
Thương mại và Trung Quốc
Theo ông Brad Adams, điều mà chính phủ của Tổng thống
Trump quan tâm nhiều nhất trong quan hệ với Việt Nam là thương mại và an ninh
khu vực, mà cụ thể là quan hệ với Trung Quốc.
“Chính phủ của Tổng thống Trump cũng quan tâm đến
vấn đề quan hệ với Trung Quốc. Họ muốn Việt Nam đứng về phía Mỹ để đối trọng với
Trung Quốc. Nhưng điều này không thực tế vì Việt Nam sẽ luôn giữ thế cân bằng
trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam sẽ không nghiêng hẳn về Mỹ hay Trung
Quốc.”
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thời gian gần đây
đã trở nên căng thẳng do những tranh chấp trong vấn đề thương mại và an ninh
khu vực mà cụ thể là việc Trung Quốc lấn lướt vai trò của Mỹ ở Biển Đông và Hoa
Đông.
Chiến lược An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống
Trump xác định Biển Đông là khu vực cạnh tranh tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chiến lược này cũng xác định Việt Nam là một đối tác an ninh đang lên của Mỹ
trong khu vực.
Tổng thống Trump cũng nhiều lần lên tiếng phàn nàn về
vấn đề thâm hụt cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ hiện đang ở mức khoảng
35 tỷ đô la, theo con số thống kê của Tổng cục Hải quan.
Trong các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp
cao hai nước thời gian qua, Việt Nam đã ký nhiều hợp đồng thương mại lên đến
hàng chục tỷ đô la với Mỹ.
TNS Tim Kaine ở
Trung tâm giao lưu văn hóa người Mỹ gốc Triều Tiên ở VA hôm 29/4/2019 . Photo: RFA
Trong khi, Nhà Trắng bị chỉ trích là coi nhẹ vấn đề
nhân quyền của Việt Nam vì đặt ưu tiên cho vấn đề an ninh và thương mại, Quốc hội
Hoa Kỳ hiện được coi là nơi gây sức ép mạnh nhất về vấn đề này đối với cả Bộ
Ngoại giao Mỹ và chính phủ Việt Nam.
Phát biểu sau chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 4 vừa
qua, Thượng Nghị sĩ Tim Kaine nói, Hoa Kỳ cần phải tiếp tục duy trì vấn đề nhân
quyền là trụ cột trong mối quan hệ hai nước:
“Chúng ta (Hoa Kỳ) phải đưa vấn đề nhân quyền và
cải thiện nhân quyền là một cột trụ trong quan hệ hai nước. Tôi rất mừng khi thấy
quan hệ hai nước đã có những điểm mạnh. Hoa Kỳ đang cố gắng để giải quyết các vấn
đề về di sản của chiến tranh. Chúng ta đã làm đúng và chúng ta có quyền đòi hỏi
chiều ngược lại và điều mà chúng ta đòi hỏi đổi lại đó là nhân quyền”
Dân biểu Alan Lowenthal, trong thông cáo báo chí mới
đây đã yêu cầu Việt Nam phải bỏ mọi phán quyết và trả tự do ngay lập tức cho
Michael Phương Minh Nguyễn. Ông nói việc Việt Nam tiếp tục giam giữ công dân Mỹ
“sẽ làm suy giảm quan hệ Mỹ - Việt và khiến Việt Nam bị xa cách với cộng đồng
quốc tế”.
No comments:
Post a Comment