Phạm Đỗ Chí
Viết
từ Washington DC, 28/6/2019
30/06/2019
Tin tức cho hay sẽ có cuộc họp Thượng đỉnh Trump-Tập
lần nữa bên lề cuộc họp G-20 ở Osaka, Nhật Bản vào ngày 29/6 do các dàn xếp giờ
chót của 2 bên, để hai nguyên thủ nối lại vòng đàm phán thương mại.
Cần nhắc lại là cuộc thương nghị này đã rơi vào bế tắc
từ cuối tháng 3/19 khi Tổng thống Trump quyết định tăng thuế biểu 25% lên trên
200 tỷ đô hàng nhập từ Trung Quốc, do Trung Quốc rút lại giờ chót các nhường nhịn
đã thỏa thuận ở cấp Phó Thủ tướng Trung Quốc (Lưu Hạc) và các bộ trưởng tài
chính và thương mại Hoa kỳ.
Nhưng các câu hỏi lớn vẫn còn đặt ra chung quanh diễn
biến sắp tới ngày 29/6 này, che mờ phần nào nội dung cuộc họp của 20 nguyên thủ
quốc gia trong vài ngày tới.
Tại sao Chủ Tịch Tập quyết định tham dự G-20 và gặp Tổng
thống Trump?
Cách đây vài tuần, khi nghe tin ông Tập có thể tránh
cuộc họp G-20, Tổng thống Trump và sau đó Phó Tổng thống Pence nhắc lại, đã lên
tiếng đe dọa là Mỹ sẽ đơn phương nâng thuế 25% lên trên 300 tỷ hàng nhập Trung
Quốc còn lại nếu ông Tập tránh cuộc họp. Đe dọa này đã thành một đòn bất ngờ của
Trump tăng cường thêm áp lực của thế Cờ Vây của Mỹ đang có sẵn và có vẻ dồn
Trung Quốc vào chân tường.
Nếu ông Tập không đi dự G-20, có thể Tổng thống
Trump sẽ tăng áp thuế biểu thật, áp lực sẽ vô cùng lớn lên kinh tế Trung Quốc,
ông Tập sẽ chịu chỉ trích nặng nề trong chính trị nội bộ.
Ngược lại, nếu ông Tập sẽ đi như đã quyết định, đe dọa
của Mỹ như đã có tác dụng thật sự và cho quốc tế thấy thế yếu của Trung Quốc:
tình trạng “no-win” của họ và bị dồn vào thế bí!
Liệu họp Thượng đỉnh Mỹ-Trung Quốc có đạt được kết quả
mong chờ?
Tuy ông Bộ trưởng Tài chính Mỹ lại xác nhận hôm qua
26/9 là các đàm phán đã đạt được 90% kết quả, nhưng giới quan sát viên quốc tế
nhận định đây là tuyên bố lạc quan để mang lại chờ đợi hào hứng cho kết quả tốt.
Thực tế như nhiều người đã rõ, lập trường hai bên đã
quá khác nhau, và đòi hỏi của Mỹ vượt quá mức sơ khởi là Trung Quốc phải nhập
hàng Mỹ nhiều hơn để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Tin tức về “tài liệu 150 trang” của ký kết sơ khởi
giữa 2 bên (đã bị gác lại do Trung Quốc đổi ý giờ chót vào cuối tháng 3) cho thấy
Mỹ đòi hỏi những tái cấu trúc căn bản của nền kinh tế và luật lệ thương mại của
Trung Quốc, bao gồm các nhượng bộ quan trọng về tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ,
ngăn ngừa chuyện ăn cắp thông tin công nghệ Mỹ, và các lệnh trừng phạt đơn
phương của Mỹ nếu Trung Quốc vi phạm các thỏa thuận đã đồng ý.
Nếu ông Tập đã
không đồng ý với các nhượng bộ quan trọng này vào cuối tháng 3, khó có lý do
nào để ông đổi ý bây giờ, dù nền kinh tế Trung Quốc đã đi vào những khó khăn rõ
nét hơn. Nhất là vì cấp chuyên viên cao hai bên đã ngưng hẳn cuộc đàm phán giằng
co từ 3 tháng nay, không thể có ngay một bản thỏa thuận chi tiết sẵn sàng khác
để hai nhà lãnh đạo ký ngay trong kỳ họp G20 này vào cuối tháng 6/2019?!
Điều gì dễ xảy ra nhất: một tuyên bố chung để xoa dịu
tình trạng căng thẳng giữa hai bên và không tiếp tục tăng thêm thuế biểu nhập cảng
(tariffs) như đã dọa nhau nữa, trong một thời gian ngắn làm mát dịu “short
cooling-off period” độ 3-6 tháng để thay đổi bản nháp thỏa ước lần chót.
Hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang ở đâu và sẽ ra sao
nếu không có thỏa thuận tương lai gần?
Nhận xét đầu tiên là có rất ít phân tích xác đáng và
khả tín về ảnh hưởng trên nền kinh tế Mỹ do cuộc thương chiến gây ra. Phe Dân
chủ và các nhà trí thức phe tả trong xã hội Mỹ, chuyên tài về chỉ trích bất cứ
chính sách nào của Trump, cũng chỉ tuyên bố rời rạc như kinh tế Mỹ sẽ suy yếu
đi nhiều, lạm phát Mỹ tăng nhanh vì áp lực thuế quan cao trên hàng nhập Trung
Quốc, nông dân bất mãn vì hàng nông sản Mỹ không bán được, v.v… Nhưng gần một
năm qua từ lúc thuế quan tăng được áp đặt, các chuyện này đã không xảy ra như họ
“mong muốn” để làm yếu đi thế đứng của ứng viên Trump trong kỳ tuyên bố tranh cử
Tổng thống Mỹ, đã bắt đầu từ tháng 6 năm nay cho tới cuối hè năm tới trước bầu
cử tháng 11/2020.
Nếu áp thuế 25% xảy ra trên 300 tỷ hàng Trung Quốc
còn lại vì thương chiến tiếp tục, ảnh hưởng đáng kể nhất là tăng trưởng Mỹ sẽ
chậm lại độ 0,3-0,5% trong năm 2019 và 0,5-1,0% trong năm 2020, nhưng ngay điều
này cũng chưa chắc chắn vì Ngân hàng Trung ương FED của Mỹ đang sửa soạn hạ lãi
suất 1-2 lần trong năm nay! Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn vững mạnh là nhà tiên
tri khả tín cho điều đó!
Còn về phía Trung Quốc, các tin tức cho thấy tác động
lớn hơn nhiều. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ còn độ 6%, chúng khoán sụp
đổ và tiền được tháo chạy mãnh liệt với các hãng Trung Quốc và hãng đầu tư ngoại
quốc rời khỏi xứ sang các nước lân cận (như Ấn Độ, Mã Lai, Việt Nam…) và dân
thường chuyển tiền ồ ạt ra nước ngoài. Tỷ giá tiền yuan xuống thấp là 6,9
yuan/1 USD. Nếu tỷ giá này nhích thêm xuống mức báo động 7 yuan, sẽ là mức
“panic” được dự báo để gây cuộc hỗn loạn tiền tệ đáng kể cho Trung Quốc.
Hai vấn đề nghiêm trọng nhất đang xảy ra ở Trung Quốc:
nạn thất nghiệp thành thị (do các hãng đóng cửa hay rời xứ) gây cho dân chúng
ào ạt kéo về nông thôn tìm việc và vấn đề lạm phát cho giá cả lương thực, cả
hai đều gây áp lực chính trị đáng kể cho cá nhân ông Tập.
Cùng lúc, vòng vây xiết chặt công nghệ qua hãng
Huawei và cả trăm hãng khác đang và sẽ làm tê liệt nền công nghệ và sản xuất
Trung Quốc.
Các tác dụng trên đến nền kinh tế Trung Quốc sẽ có
tác động như của cả trăm “sư đoàn” giả tưởng của Mỹ được gửi đến Trung Quốc,
như nhận xét của một số nhà phân tích kinh tế. Nhưng trong thực tế, Mỹ
cũng đã điều động hải quân thật sự, phối hợp với liên minh hải quân các nước
khác trong vùng, để tạo lập vòng vây ở Biển Đông và eo biển Đài loan, như là
các biện pháp quân sự tương lai lúc cần thiết.
Trung Quốc không thể không thấy những điều này của Mỹ
và liên minh Tây phương, Ấn Độ, Úc và Nhật, để ngăn chặn giấc mơ bành trướng của
họ trong tương lai, qua “Nhất đới, Nhất lộ’, hay “Giấc mơ Trung Hoa năm 2025
hay 2035”. Chính sách khôn ngoan “Nằm yên, chờ thời” của Đặng Tiểu Bình đã bị bỏ
qua, thay vào đó móng vuốt của Rồng dữ Trung Quốc đã làm cả thế giới e ngại và
Mỹ đang ra tay ngăn chặn đầu tiên.
Liên hệ nào đến Việt Nam?
Tất nhiên không thể không bàn đến Việt Nam khi phân
tích tình hình thương chiến Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Trong một biến cố bất chợt, Hoa Kỳ có vẻ sửa soạn
chúi cả mũi dùi thương chiến sang Việt nam ở cấp cao nhất có thể. Trả lời phỏng
vấn với Fox Business Network phát hôm 26/6/19, Tổng thống
Trump nói: “Nhiều công ty đang chuyển sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng
chúng tôi còn tệ hơn Trung Quốc”.
Tuyên bố này hàm ý cả việc nhiều hàng Trung Quốc tuồn
sang mang mác Việt Nam để tránh thuế, như báo Wall Street Journal (27/9/2019)
đã điều tra báo cáo cả tỷ đô la hàng Trung Quốc đã tiếp tục sang Mỹ bằng cửa
này.
Việt Nam cũng không phải là quốc gia châu Á duy nhất
ngoài Trung Quốc đang bị ông Trump công kích. Mới đây nhất, Tổng thống Hoa Kỳ
đã gọi biểu thuế quan mới mà Ấn Độ áp lên 28 sản phẩm của Mỹ là “không thể chấp
nhận” và đòi New Delhi phải rút lại. Biểu thuế quan mới được đưa ra vào đầu
tháng 6/19 là nhằm trả đũa việc Mỹ tuyên bố chấm dứt ưu đãi thương mại đối với
Ấn Độ.
Nhưng tuyên bố này không phải là câu nói vô tình của
Tổng thống Mỹ, mặc dù ông nổi tiếng với nhiều câu nói ngẫu hứng. Cũng hôm đó, Tổng
thống Trump không loại trừ khả năng sẽ đánh thuế lên hàng Việt Nam: “Chúng tôi
đang thảo luận với Việt Nam. Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc nhiều, nhưng họ gần
như là kẻ lợi dụng tệ nhất”. (Nguyên văn: “It’s almost the single worst abuser
of everybody”.)
Nhiều người có thể thắc mắc sao Tổng thống Trump lại
nói mạnh như thế đến Việt Nam, ngay lúc sắp đi phó hội quan trọng với Trung Quốc
về thương mại? Tin bên lề từ Hoa Thịnh Đốn cho là ông được báo cáo đầy đủ vụ tuồn
hàng Trung Quốc sang Mỹ qua mác Việt Nam để tránh thuế, như tin tức từ hãng
Asanzo và vài hãng thép, và thêm vào đó là tin xuất cảng Việt Nam đã tăng tới
38% trong 5 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ.
Theo người viết, Việt Nam nên chú ý cảnh cáo này là
nghiêm trọng và cần nhìn vào bức tranh toàn cảnh liên hệ Mỹ-Trung Quốc-Việt
Nam, và nên tuyên bố ngay là sẽ có chương trình cụ thể nhập cảng thêm một số
hàng hoá của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, cũng như chặn ngay vụ tuồn
hàng Trung Quốc sang Mỹ, là hai mối quan tâm trong tuyên bố của ông Trump.
Tuy nhiên, ông Trump khen Việt Nam đã mua nhiều than
từ bang West Virginia, khiến “tôi vui”. Từ đó, vài thí dụ cụ thể mua thêm hàng
Mỹ có thể nêu ra dễ làm ông Trump “còn vui hơn”:
Về hàng không, như nhập máy bay Boeing cho các hãng
mới thành lập, nhất là nhấn mạnh cho việc sửa soạn lập đường bay thẳng sang Mỹ
(SGN-SFO-SGN hay SGN-LAX-SGN).
Cũng cần cho mua thêm xe hơi Mỹ và giảm thuế nhập cảng,
vốn là nhu cầu lớn sẵn có trong dân chúng. Hiện các nông sản đang ứ đọng của Mỹ
như đậu tương, thịt bò, gà, nhất là thịt heo đang thiếu hụt bên nhà vì cơn dịch
tả châu Phi,... nếu Việt Nam mua sẽ gây nhiều thiện cảm trong dân Mỹ.
Việt Nam cũng cần chú ý nhập cả các dụng cụ y tế
cao cấp của Mỹ trong nhu cầu cấp thiết để nâng cao dịch vụ săn sóc y tế ở nhà.
Ngoài ra,Việt Nam cần chặn đứng ngay việc một số
hãng xuất hàng sản xuất từ Trung Quốc nhưng dán mác Việt Nam như Asanzo,
thép... Cần truy tố và phạt nặng các vi phạm này để làm gương cho các hãng khác
và gây uy tín với Mỹ.
Để tránh bị ‘dán nhãn’ như Trung Quốc, Việt Nam
cũng cần nâng cao việc kiểm soát và tôn trọng sở hữu trí tuệ với Mỹ.
Tuy thế, xung khắc Mỹ - Trung tạo ra cơ hội cho
Việt Nam, Việt Nam cần khuyến khích sinh viên sang du học và nghiên cứu sau đại
học ở Mỹ, thay vào “lỗ hổng” của sinh viên Trung Quốc mà Mỹ đang chặn lại.
Nhưng nhìn xa hơn, việc làm thật sự để tránh một cuộc
thương chiến mới do Mỹ đặt ra, là cải tổ nền kinh tế thị trường ở Việt Nam một
cách thật sự và sâu rộng, thí dụ nâng cao khu vực tư nhân, khuyến khích khởi
nghiệp với công nghệ cao từ Mỹ, cải tổ hệ thống thương mại và cho nới rộng hoạt
động của các hãng bảo hiểm cùng ngân hàng tư nhân...
Hơn nữa, cần duyệt lại chính sách đầu tư FDI một
cách chọn lọc hơn, khuyến khích các hãng Mỹ có móc nối (“linkages”) với việc
phát triển công nghệ Việt Nam.
Sau cùng và quan trọng nhất là chú trọng đến việc
thiết lập chính sách đối tác chiến lược và toàn diện với Mỹ, là mục tiêu chính
yếu của cuộc thăm viếng Mỹ đang chờ đợi của lãnh đạo Việt Nam trong vài tháng
tới.
Nhìn toàn cục, Việt Nam thực ra đang ở vào thế vô
cùng thuận lợi với Mỹ trong kế hoạch lưu thông hàng hải tự do ở Biển Đông, mà
Hoa Kỳ và các đồng minh trong khối Ấn Độ-Thái Bình Dương đang muốn tăng cường
thiết lập và bảo vệ. Việc này sẽ bảo vệ an ninh quân sự và chính trị của Việt
Nam, mục tiêu mong mỏi bất chiến tự nhiên thành!
Việt Nam cần coi đây là mục tiêu tối hậu, đừng để mức
thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là chuyện nhỏ nhưng có thể gây ảnh hưởng
xấu đến chiến lược đối tác dài hạn với Hoa Kỳ.
Tựu chung, có hai điều căn bản mà Việt Nam phải làm:
1. Trong chiến lược thương mại toàn cầu, mua thêm
hàng Mỹ đơn giản sẽ là cách “thoát Trung dần dần”, giảm lệ thuộc vào kinh tế
Trung Quốc, mà lại giúp bớt đi xuất siêu sang Mỹ hầu tránh áp lực chính trị Mỹ
đang tăng dần qua lời tuyên bố mạnh mẽ, hơi bất chợt của Tổng thống Trump, trước
thềm cuộc viếng thăm Hoa Kỳ chính thức của một lãnh đạo Việt Nam.
2. Một điểm khác là để phản ứng lại chỉ trích của Tổng
thống Trump, Việt Nam cần sẵn sàng soạn 1 cuốn sách trắng về xuất cảng, “A
White Book on Vietnam’s exports to the US in the last five years 2014-2018”. Giải
thích rõ tính cách gia công trong các hàng Việt Nam xuất cảng điện tử chẳng hạn,
thí dụ rõ nhất là điện thoại Samsung, trong đó giá trị gia tăng (“value-added”)
của Việt Nam chỉ là 5-10%. Vì vậy con số xuất cảng sang Mỹ thực, “true Việt Nam
exports to the US” thấp hơn con số thống kê xuất bản nhiều (hàng xuất từ Việt
Nam nhưng 90% số thu thực sự lại đi về các nước khác). Điểm này được rất ít
chuyên viên bên Mỹ biết đến, đừng nói gì là nhà chính trị như Tổng thống Trump.
Việt Nam nên sẵn sàng với các tài liệu này khi trần
tình hay đàm phán chính thức với Mỹ, trong cuộc viếng thăm nêu trên, về các biện
pháp làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam./.
P.Đ.C.
TS PGM chuyển BVN
No comments:
Post a Comment