Lê Phan
June 29, 2019
Tổng Thống Donald Trump đã xông vào lại thế giới của
ngoại giao quốc tế hôm Thứ Sáu vừa qua với sự khiêu khích điển hình, tạo mất
thăng bằng cho những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, kể cả nước chủ nhà,
trong khi ông tìm cách đạt ưu thế trong một loạt những tranh chấp về kinh tế và
an ninh vốn sẽ có những hậu quả khôn lường.
Suốt ngày Thứ Sáu, tổng thống đã mở ra một loạt những
cuộc họp mà cái giá sẽ rất cao với các lãnh tụ đến dự Hội Nghị Thượng Ðỉnh G-20
ở Osaka, Nhật Bản, sau khi đặt câu hỏi về nền tảng của liên hệ của Hoa Kỳ với
hai nước bạn quan trọng nhất, Nhật Bản và Đức, đã tấn công vào một “đối tác” thứ
ba, Ấn Độ.
Thủ tướng Nhật Bản, chủ trì cuộc họp thượng đỉnh, vẫn
còn chới với sáng hôm Thứ Sáu trước cuộc tấn công của tổng thống về hiệp ước
phòng thủ hỗ tương vốn đã là nền tảng của liên hệ giữa Washington và Tokyo từ gần
bảy thập niên nay.
Còn lãnh tụ Đức đã ngày càng quen thuộc và đã nhún
vai trước những tấn công của tổng thống Trump về điều mà ông bảo là Đức lợi dụng
ô dù an ninh của Hoa Kỳ trong khi Ấn Độ thì đang cố gắng tìm cách giải quyết lời
than phiền của tổng thống về chính sách mậu dịch của mình mà không khiêu khích
ông đi vào một cuộc chiến leo thang thuế quan như ông đang làm với Trung Cộng.
Sự lựa chọn mục tiêu có vẻ dính trực tiếp với các cuộc
họp của tổng thống dự trù cho ngày Thứ Sáu.
Ông đã ngồi xuống nói chuyện với Thủ Tướng Shinzo
Abe của Nhật Bản, nước chủ nhà cho hội nghị thượng đỉnh G-20 năm nay, rồi gặp
chung Thủ Tướng Abe với Thủ Tướng Narendra Modi của Ấn Độ. Rồi gặp riêng ông
Modi. Sau đó ông ngồi xuống với Thủ Tướng Angela Merkel của Đức.
Ngược lại, tổng thống có vẻ không có gì để chỉ trích
trước khi đến Osaka vị lãnh tụ thứ tư trong những cuộc gặp gỡ vào ngày Thứ Sáu,
Tổng Thống Vladimir V. Putin của Nga, người mà chính phủ đã tổ chức một chiến dịch
có hệ thống để can thiệp vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2016 và đang bắt hai công
dân Hoa Kỳ trong một điều bị coi như là cáo buộc ngụy tạo. Ông Trump đã có một
cuộc họp vui vẻ với ông Putin, còn đùa nói với ông Putin “Làm ơn đừng can thiệp
vào cuộc bầu cử năm 2020.”
Ông cũng không có điều gì tiêu cực để nói về người
ăn sáng với ông vào ngày Thứ Bảy, Thái Tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia,
vốn mới bị Liên Hiệp Quốc cáo buộc là kẻ chắc đã điều khiển vụ giết và phân
thây một nhà báo Saudi đang là thường trú nhân ở Hoa Kỳ.
Trong việc dành chỉ trích cho các quốc gia bạn của
Hoa Kỳ, tổng thống đã lập lại cách hành xử mà ông đã dùng ở Anh hôm đầu Tháng
Sáu. Khi một nhà báo nhắc đến những chỉ trích trước đây của ông về Quận Chúa
Sussex, ông Trump bảo ông không biết là “cô ấy xấu,” rồi chối ngay là ông đã từng
nói như vậy, mặc dầu tờ báo đã phỏng vấn tổng thống đưa ra đoạn thu băng ông
nói đúng điều đó.
Ông cũng gọi đô trưởng Sadiq Khan của thành phố mà
ông viếng thăm là “stone cold loser” và chê ông Khan là một trong những đô trưởng
tệ hại nhất của London.
Riêng với nước chủ nhà Nhật Bản, ông đã tấn công vào
thỏa thuận quốc phòng hỗ tương giữa Nhật và Hoa Kỳ, vốn đã là nền tảng cho liên
hệ giữa hai quốc gia từ những năm đầu tiên sau Thế Chiến Thứ Hai. Sau khi Thông
Tấn Xã Bloomberg tường thuật là ông đã bàn thảo riêng với các phụ tá về việc
rút lui khỏi thỏa thuận này, không cần được hỏi, ông đã nêu lên vấn đề này
trong cuộc phỏng vấn với Fox Business Network, hôm Thứ Tư.
Ông nói: “Chúng ta có một hiệp ước với Nhật Bản. Nếu
Nhật Bản bị tấn công, chúng ta sẽ đánh Thế Chiến Thư Ba. Chúng ta sẽ vào và
chúng ta sẽ bảo vệ họ và chúng ta sẽ chiến đấu với mạng sống của chúng ta và
gia tài của chúng ta. Chúng ta sẽ đánh bất kể chi phí, đúng không? Nhưng nếu
chúng ta bị tấn công, Nhật Bản không phải làm gì giúp chúng ta cả. Họ có thể ngồi
xem trên truyền hình Sony về cuộc tấn công.”
Giáo Sư Gary J. Bates, giáo sư chính trị và bang
giao quốc tế của Viện Ðại Học Princeton và là một chuyên gia về Đông Á, trong một
bài đóng góp trên tờ New York Times, viết:
“Lời nhận xét của ông Trump chứng tỏ một sự thiếu hiểu biết chiến thuật
và lịch sử mà sẽ khiến một người như vậy không được một chỗ nhỏ ở Bộ Ngoại
Giao. Tuy tổng thống ngầm ý nói hiệp ước này có ưu tiên cho Nhật Bản, nó thực sự
là do chính Hoa Kỳ áp đặt. Sau khi Đế Quốc Nhật đầu hàng Đồng Minh vào Tháng
Tám năm 1945, chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến, đất nước Nhật bị đặt dưới sự chiếm
đóng của Hoa Kỳ bởi Tướng Douglas MacArthur vô cùng độc đoán. Để bảo đảm là Nhật
Bản không là một đe dọa trong tương lai, Hoa Kỳ đã viết một hiến pháp chủ hòa
trong đó Nhật Bản không được quyền có quân đội. Khi cuộc chiếm đóng chấm dứt
vào Tháng Tư năm 1952, Nhật Bản đã từ bỏ chủ nghĩa quân phiệt và nhiệt thành
theo đuổi chủ nghĩa chủ hòa và một chế độ dân chủ. Trong Điều 9 của bản Hiến
Pháp mà được soạn nguy thủy bằng tiếng Anh ở tổng hành dinh của Tướng MacArthur,
Nhật Bản từ bỏ chiến tranh và hứa không bao giờ duy trì các lực lượng bộ binh,
thủy quân và không quân.”
“Trong hiệp ước an ninh năm 1951 mà tổng thống có vẻ chê bai, Hoa Kỳ,
trong một vị thế chế ngự đối với Nhật Bản, đã muốn gì được nấy. Nhật Bản cho
phép Hoa Kỳ đặc quyền đặt quân đội trên đất Nhật, biển Nhật và không phận của
Nhật Bản, mà Hoa Kỳ có thể sử dụng để đối phó với Liên Xô. Trong hiệp ước sửa đổi
năm 1960, Hoa Kỳ hứa sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu họ bị tấn công. Trong suốt Chiến
Tranh Lạnh, Nhật Bản dân chủ đã trở thành liên minh cột trụ của Hoa Kỳ ở Á
Châu, một tiền đồn chống lại Cộng Sản ở Trung Quốc và Liên Xô.”
Một nhà bình luận trong vùng đã đặt câu hỏi là nếu
điều đình lại hiệp ước phòng thủ hỗ tương, liệu Hoa Kỳ có đồng ý cho Nhật Bản
đóng quân trên đất mình để “bảo vệ” Hoa Kỳ khi bị tấn công hay không bởi đó
chính là điều kiện của Hoa Kỳ đối với Nhật Bản để Nhật được bảo vệ.
Giáo Sư Bates viết tiếp: “Hơn thế, ông Trump đã sỉ nhục nước chủ nhà qua việc bỏ qua những gì Nhật
Bản đã làm sau khi Hoa Kỳ bị tấn công vào ngày 11 Tháng Chín năm 2001. Nhân dân
Nhật công khai chia sẻ mối đau đớn của đồng minh Hoa Kỳ sau cuộc tấn công khủng
bố, mà trong đó một số công dân Nhật cũng thiệt mạng. Thủ tướng bảo thủ và rất ủng
hộ Hoa Kỳ Junichiro Koizumi, đã nhân vụ thảm sát này như là một cơ hội để sửa lại
Điều 9 của Hiến Pháp và khuyến khích đất nước mình hãy gánh trách nhiệm quốc tế.
Chinh phủ ông thúc đẩy qua quốc hội một đạo luật chống khủng bố vốn cho phép Lực
lượng Phòng Vệ Nhật Bản cung cấp hỗ trợ cho chiến dịch của Hoa Kỳ ở
Afghanistan, tuy rằng – vì Hiến Pháp chủ hòa – không chiến đấu hay trực tiếp
lâm chiến.”
“Khi Tổng Thống George W. Bush tấn công Iraq năm 2003, ông Koizumi là người
ủng hộ ông mạnh mẽ nhất trong các lãnh tụ quốc tế. Tuy Hiến Pháp Nhật cấm tham
gia cuộc chiến hay đóng góp quân sự, chính phủ Koizumi thông qua một đạo luật đặc
biệt cho phép Lực lượng Phòng Vệ giúp đỡ trong các sứ vụ hỗ trợ cho Iraq hậu
chiến. Nhiều trăm binh sĩ bộ binh Nhật Bản đã cung cấp nước uống và dịch vụ y tế,
sửa đường và xây nhà. Người ta có thể trách ông Koizumi, như nhiều người Nhật
đã nói, đã ủng hộ cho cuộc chiến tốn kém và vô ích của ông Bush –nhưng thật khó
mà bảo là Nhật Bản, như Tổng thống Trump mới tuyên bố, đã không sát cánh với
Hoa Kỳ.”
Điều còn đau đớn hơn nữa cho Thủ Tướng Shinzo Abe, một
người vốn đã bỏ nhiều công sức để tạo một liên hệ với Tổng thống Trump và đang
cố giúp tìm một giải pháp cho vấn đề Iran, là vì ông ngoại của ông Abe, Thủ Tướng
Nobusuke Kishi, đã là người bị ép ký bản hiệp ước phòng thủ hỗ tương năm 1960.
Hẳn ông Abe đã có lúc nghĩ thầm là ước gì ông ngoại đừng ký thỏa thuận đó.
Giáo Bates kết luận “Không hiểu tổng thống muốn hy vọng đạt được gì với thái độ thù nghịch
đó với một đồng minh quan trọng mà ông cần ở Á Châu? Ông có lẽ sẽ không xé hiệp
ước phòng thủ hỗ tương. Nhưng khi đặt câu hỏi về liên minh với Nhật Bản, ông đã
khuyến khích Bắc Hàn và một Trung Quốc đang lên, thử thách mối liên hệ đó. Lời
nói của ông đã làm suy yếu liên minh cần thiết này một cách vô lý và đồng thời
làm suy yếu sự ổn định trong vùng.”
Điều còn mỉa mai hơn nữa, như một nhà ngoại giao
Đông Á đã chỉ ra, “Tổng thống đã quên mất
là nếu Hoa Kỳ có lâm chiến ở các nơi khác trên thế giới thì Nhật Bản có thể chỉ
tìm cách trợ giúp nhưng khi Hoa Kỳ lâm chiến ở Á Châu thì muốn hay không muốn
Nhật Bản sẽ là quốc gia đứng mũi chịu sào chứ nào phải là Hoa Kỳ.” (Lê
Phan)
No comments:
Post a Comment