Thứ Ba, 06/25/2019 - 08:55 — VietTuSaiGon
Việt Nam là một đất nước nghịch lý. Sự nghịch lý này
này ăn dằm trong lịch sử, từ thời phong kiến cho đến bây giờ. Thời phong kiến,
nhà Tây Sơn và nhiều nhà trước đó nổi dậy nhân danh nông dân nhưng chính họ là
những kẻ bóc lột nông dân nặng nề nhất. Sự nghịch lý nằm trong cả người sống và
người đã chết. Người chết cũng không được chết theo đúng di nguyện mà phải sống
mãi trong sự nghiệp kiếm cơm của người sống bằng hóa chất. Trong kinh tế, mặc
dù nền kinh tế thị trường đã diễn ra gần 40 năm, nhưng những cái hợp tác xã vẫn
tồn tại nguyên vẹn và thay hình đổi dạng nhưng vẫn giữ nguyên tính chất lừa bịp
và bóc lột của nó với cái tên Ban Quản Trị Nông Nghiệp và Giám Đốc Nông Nghiệp.
Giám đốc nông nghiệp là gì?
Xin thưa, đó là chức danh Chủ nhiệm Hợp tác xã nông
nghiệp, loại hình này đã chết gần 40 năm, nó chính thức giải thể từ năm 1986 –
kinh tế chuyển sang thị trường theo định hướng XHCN. Những tưởng mô hình này đã
chết từ đó, nhưng không! Vì lẽ, bộ sậu Ban chủ nhiệm là những đảng viên, người
có công với đảng. Nếu giải thể hoàn toàn, họ lấy gì để sống? Bởi từ 1975 đến
1986, họ quen ăn trên ngồi trốc, ngồi chơi xơi nước và chỉ tay năm ngón cho
nông dân, lao công làm những gì họ muốn, họ thích. Ngay cả khẩu phần ăn và khẩu
phần thóc của nông dân cũng do họ quyết, họ cho đói thì đói, cho no thì no.
Đùng một cái bắt họ về làm nông dân thì họ là những người chống đảng đầu tiên,
sẽ có loạn đảng.
Chính vì vậy, mặc dù trên danh nghĩa là không giữ hợp
tác xã lại và đã giải thể các ban bệ của nó. Nhưng trên thực tế, nó vẫn hoạt động
dưới danh nghĩa khác. Nó trở thành công ty, một loại công ty không cần vốn pháp
định, cũng không cần bất kì thành viên nào góp vốn điều lệ. Mọi thứ vốn đã có sẵn
từ nguồn cũ – ngân sách hợp tác xã – do người dân đóng góp con trâu, con bò,
cái cày, vài chỉ vàng, vài chục ngàn đồng (tương đương vài chỉ vàng) trước đây.
Mọi thứ còn lại đều được bán, được qui ra tiền, sau đó mua lúa giống bán cho
người nông dân (bắt buộc mua, nếu không mua thì cắt thủy lợi), bán nước nông
nghiệp, bán điện cho nông dân. Nghĩa là nếu như hợp tác xã chính thức giải thể,
nông dân được trả vốn và được tự do cày cấy, sẽ có được ba khoản lợi (tiền điện
không bị hợp tác xã ăn chặn thêm một giá, tiền nước không bị tính cõng đủ các
chi phí của ban bệ và tiền lúa giống không nặng nề, ra công ty giống mua trực
tiếp thay vì hợp tác xã mua của công ty giống mang về bán lại cho dân kiếm
lãi).
Và mô hình hợp tác xã đổi tên thành công ty cung cấp
dịch vụ nông nghiệp kể từ năm 1986. Một loại công ty hoạt động sinh lãi cho một
nhóm người trong đó có ăn nhất là Giám đốc Nông nghiệp, sau đó lai hai phó giám
đốc nông nghiệp và kế toán, ban theo dõi, điều hành… Tổng cộng chừng 20 người.
Và, xin nhắc lại, vớ bẫm nhất vẫn là Giám đốc Nông nghiệp. Bởi Giám đốc có quyền
lên danh sách người tham gia, tham dự đại hội xã viên, giám đốc đề cử ban điều
hành và ban giám sát. Nói cho cùng, mọi thứ trong các ban bệ do Giám đốc Nông
nghiệp tung hứng. Hệ quả của việc vừa tung vừa hứng cho các Giám đốc Nông nghiệp
này là hàng loạt các dự án nông nghiệp ma ra đời như chăn nuôi bò sữa, chăn
nuôi dê với vốn vài trăm triệu đồng đến tiền tỉ, sau đó vốn tự bay vào quán nhậu,
bàn nhậu của ban bệ, không thấy lãi, không thấy vốn… Dân cũng không biết hỏi
ai, mà ai dám hỏi!
Cho đến hôm nay, cái chức danh Giám đốc Nông nghiệp
vẫn là chỗ ngồi nóng và béo bở của các vùng quê Việt Nam, nơi nào từng có mô
hình hợp tác xã nông nghiệp thì ngày nay vẫn tiếp tục có công ty cung ứng nôn
nghiệp với đầy đủ ban bệ của nó. Nó lừa bịp người dân từ chỗ những năm đầu thập
niên 1990, mỗi gia đình muốn kéo điện về nhà thì phải đóng tiền cược 50,000 đồng,
giá trị một chỉ vàng lúc đó dao động từ 170,000 đồng đến 230,000 đồng. Nghĩa là
tương đương 1 triệu đồng ngày nay. Tiền cọc đó đóng từ đó đến giờ không thấy trả
cho dân và dân cũng không biết hỏi ai để lấy. Hiện tại, nó vẫn tiếp tục hoạt động
bằng các loại dịch vụ cung ứng cho nông dân, mắc hơn thị trường tự do nhưng
nông dân bắt buộc mua vì nếu không mua của công ty này sẽ rất khó khăn về sau.
Xác chết không được chôn?
Ngay từ đầu, tôi đã đề cập đến cái sự nghịch lý của
đất nước này, chết không được chết mà sống cũng không ra sống. Bởi chết thì
không được chôn cất tử tế mà phải sống, sống mãi trong sự nghiệp của một ai đó.
Hợp tác xã và chức danh Giám đốc hợp tác xã cũng là một kiểu chết mà không được
chôn, bởi chôn thì nguy cơ nội loạn. Nhưng vấn đề là nó kéo dài cuộc ướp xác
quá lâu, cho đến bây giờ, việc giải thể nó quá đơn giản, không còn là câu chuyện
chính trị nhạy cảm của chế độ như trước đây 33 năm. Nhưng hình như, người ta đã
“kháng thuốc” với chuyện này, người ta không còn quan tâm đến một con ma trấn ở
đầu làng nữa. Bởi những gì cần cúng đã cúng, mà cúng rồi thì làm sao lấy lại
nguyên như cũ được, thôi thì tin rằng nó đừng phá phách, nó ban cho cái lộc mà
làm ăn mặc dù cái lộc là cái chi người ta cũng không rõ mà nếu có làm ăn được
thì người ta cũng không biết có phải lộc do con ma đó cho hay không. Nhưng người
ta xem như đó là chuyện đã rồi!
Nghịch lý nằm ở chỗ mặc dù hằng ngày phải tương tác,
hằng ngày mở mắt là gặp và mất tiền, mất của vì nó nhưng người ta lại thấy đó
là chuyện bình thường. Bởi lẽ, so với thời bao cấp, nó đỡ hơn, người dân bớt lầm
than hơn, so với thời bao cấp, nó ít hầm hố, hò hét và hung hãn hơn, so với thời
bao cấp, số tiền bỏ ra cho nó bây giờ chả thấm là bao, không kinh khủng như thời
đó… Có lẽ vì vậy mà nó nghiễm nhiên tồn tại với ban bệ đầy đủ, với chức danh
Giám Đốc Nông Nghiệp, một thứ chức danh ma không ra ma, người không ra người và
người nông dân thì thây kệ nó! Lạ, đất nước này nghịch lý từ trứng nước, từ chỗ
khổ nhất trên cuộc đời.
Nói cho cùng thì việc tồn tại của Giám đốc Nông nghiệp
chẳng khác nào bóng ma đầu làng. Và người dân có lẽ đã quá quen với kiểu sống
chung với ma nên ma vẫn cứ rạng rỡ sáng ngời, soi đường cho người! Lạ! Và lạ
hơn nữa là cho đến bây giờ, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn không biết chuyện này, bởi
nếu biết thì ông phải lên tiếng, giải thể nó từ lâu, bởi nó tồn tại trái với Hiến
định và nó tồn tại là một gánh nặng quá lớn cho đất nước, dân tộc!
No comments:
Post a Comment