Wednesday, June 26, 2019

HAI TIN VUI BUỒN CHO ÔNG TẬP CẬN BÌNH (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
June 25, 2019

Tập Cận Bình sẽ gặp Donald Trump cuối tuần này nhân hội nghị G-20 của 20 nước kinh tế mạnh nhất. Trước khi Tập gặp Trump, có một tin vui và một tin buồn. Tin vui là công ty Huawei vẫn mua được “chip” của các hãng Mỹ dù chính phủ Trump đã có lệnh cấm từ Tháng Năm, 2019. Tin buồn là dân tiêu thụ trong nước Tàu giảm chi tiêu. Tập sẽ nhớ đến cả hai tin vui buồn này khi nói chuyện với Trump ở Osaka.

Từ đầu Tháng Sáu, Huawei lại mua được các bộ phận của Mỹ nhờ các luật sư đã mách cho các công ty Mỹ biết rằng các chi nhánh của họ vẫn được phép bán hàng cho Huawei, nếu tất cả được chế tạo ở ngoại quốc. Trong hình, gian hàng Huawei tại triển lãm Ces Asia 2019 ở Thượng Hải hôm 11 Tháng Sáu, 2019. (Hình: Hector Retamal/AFP/Getty Images)

Không ai hy vọng cuộc hội kiến sẽ đưa tới kết quả ngoạn mục nào, vì mối bất đồng quá lớn. Cộng Sản Trung Quốc muốn Mỹ ngưng đánh thuế quan và ngưng cấm vận các món kỹ thuật cao để các công ty như Huawei vẫn sống mạnh. Thứ Bảy vừa qua, báo Nhân Dân ở Bắc Kinh còn đặt điều kiện chỉ tiếp tục nói chuyện thương mại nếu Mỹ bỏ hết không đánh thuế trên hàng nhập cảng từ nước Tàu nữa.

Ngược lại, Mỹ đòi Trung Cộng mở cửa rộng hơn cho doanh nghiệp nước ngoài, tôn trọng bản quyền sáng chế các món kỹ thuật tiên tiến và ngưng trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước để cạnh tranh bất cân xứng với các xí nghiệp Mỹ. Đòi điều kiện sau cùng này chẳng khác nào yêu cầu Trung Cộng thôi không còn là Cộng Sản nữa.

Ngoài đề tài chiến tranh mậu dịch, Trump và Tập sẽ nói chuyện Iran (Trung Cộng đã khuyên Mỹ tự kiềm chế), Đài Loan (Mỹ đánh tiếng sắp bán máy bay F-16 và thiết giáp M1 Abrams cho Đài Bắc) và Bắc Hàn. Tập Cận Bình mới đến thăm Kim Jong Un và được tiếp đón huy hoàng trong hai ngày, cuộc thăm viếng chính thức của một nhà lãnh đạo Trung Cộng sau 14 năm. Trước đó, báo đài Trung Cộng đã kể công cứu viện thời chiến tranh Cao Ly và nhắc lại khẩu hiệu “Kháng Mỹ Viện Triều.” Nhưng ông Trump sẽ từ Osaka bay qua Seoul, có thể thu xếp gặp ông Kim Jong Un tại khu phi quân sự DMZ giữa hai miền Nam Bắc Hàn để qua mặt Bắc Kinh.

Nhưng trước khi lên đường đi Osaka, Tập Cận Bình đã có một tin vui, biết rằng công ty Huawei chưa đến nỗi khốn đốn; và các xí nghiệp kỹ thuật cao của Trung Quốc cũng hy vọng. Vì nhiều công ty Mỹ vẫn cung cấp các nguyên liệu cho công nhân của họ làm việc.

Chính phủ Mỹ đã ra lệnh cấm nhắm vào Huawei vào Tháng Năm. Đáp lại, Bắc Kinh đã triệu tập đại diện các công ty Mỹ như Microsoft, Dell và Apple để cảnh cáo sẽ trừng phạt nếu họ ngưng cung cấp nguyên liệu và phụ tùng cho các công ty kỹ thuật cao của nước Tàu.

Mỗi năm Huawei trả $11 tỷ để mua các món đồ và dịch vụ do Mỹ cung cấp. Bộ Thương Mại Mỹ đã cấm các hãng tiếp tục bán cho Huawei, từ 15 Tháng Tám này. Thiếu những cái “chip” mua của Mỹ thì Huawei sẽ không làm được các “điện thoại cao cấp” (smartphone) và các máy computer chủ (server).

Nhưng các luật sư đã mách cho các công ty Mỹ biết rằng các chi nhánh của họ vẫn được phép bán hàng cho Huawei, nếu tất cả được chế tạo ở ngoại quốc. Từ đầu Tháng Sáu, Huawei lại mua được các bộ phận của Mỹ.

Công ty Micron đã ngưng bán nhưng lại bắt đầu việc cung cấp chip cho Huawei để làm smartphone từ hai tuần nay. Micron, đặt trụ sở tại tiểu bang Idaho, không muốn bị mất mối hàng lớn này cho hai công ty Nam Hàn Samsung và SK Hynix. Những công ty Mỹ như Micron, Intel đặt cơ xưởng khắp thế giới, số sản xất hiện cao hon ở Mỹ; cho nên họ không lo có các chi nhánh ở ngoài nước Mỹ chở hàng bán cho các công ty Trung Cộng.

Tuy nhiên, nếu sau khi bán chip làm ở nước khác mà rồi một khách hàng như Huawei phải kêu cứu nhờ chỉ dẫn về kỹ thuật sử dụng, thì các chuyên viên tại trụ sở chính ở Mỹ không được phép làm cố vấn! Chính phủ Mỹ cấm bán cả các dịch vụ cho Huawei nữa!

Nếu cuộc chiến tranh mậu dịch còn tiếp tục thì nhiều công ty kỹ thuật cao của Mỹ sẽ phải tính kế hoạch di chuyển! Họ sẽ đưa nhiều bộ phận ra làm việc ở nước khác, các việc nghiên cứu, cố vấn kỹ thuật, việc sản xuất các thứ chip cao cấp sẽ được đưa ra làm ở ngoài nước Mỹ để tránh lệnh cấm vận. Trừ khi chính phủ Trump sẽ phải mở lệnh cấm vận rộng hơn nếu Tập Cận Bình găng quá.

Tất nhiên cả hai ông Trump và Tập đều mong cuộc chiến tranh chấm dứt. Họ chỉ không thể nhượng bộ đến nỗi mất mặt sau khi đã nói rất găng suốt cả năm qua. Trong cuộc đấu kinh tế này, rõ ràng bên nào chịu đòn giỏi, chịu đựng được lâu, sẽ chiếm ưu thế.

Ông Trump tin rằng Tàu bán hàng qua Mỹ nhiều, Mỹ bán lại ít hơn, cứ tiếp tục chạy đua đánh thuế quan thì số hàng của Tàu bị đòn cao gấp ba lần hàng Mỹ, Bắc Kinh sẽ không chịu đựng nổi. Ông Tập thì tin rằng với dân số hơn một tỷ, 400 triệu người đã thuộc giới trung lưu, nước Tàu có thể chuyển hàng xuất cảng về cho dân tiêu thụ trong lục địa mua, khỏi lo bán cho Mỹ; Tập Cận Bình đã nói như vậy với các nhà báo Nga. Tân Hoa Xã bình luận rằng, “Trung Quốc sẽ cho cả thế giới thấy sức chịu đựng dẻo dai của mình.”

Và đây là một tin buồn cho Tập Cận Bình: Người tiêu thụ trong lục địa đang bớt mua sắm!
Trong bốn tháng đầu năm 2019, số xe hơi bán đã tụt giảm trung bình 10% mỗi tháng. Tháng Năm vừa rồi, tụt mất 15%. Ở Mỹ, người ta đo lường số xe hơi bán để bắt mạch nền kinh tế, chắc bên Tàu cũng không khác.

Một thước đo quan trọng nữa là số bán nhà mới. Trong bốn tháng đầu năm nay số nhà bán tăng 11%; Trong Tháng Năm số bán đã giảm xuống thay vì tăng lên. Mua nhà mới là một động lực cho người ta mua sắm rất nhiều thứ để đặt vào trong căn nhà. Số nhà bán giảm là một chỉ dâu báo động cho kinh tế nước Tàu, cũng như nước Mỹ.

Điều đáng lo là nhiều thứ hàng hóa ở bên Tàu đang xuống giá, chứ không lên khiến người tiêu thụ nản lòng. Chỉ có giá thịt heo là lên cao vì bệnh dịch, và giá trái cây cũng tăng. Nhưng các món hàng tiêu thụ như điện thoại cầm tay, máy móc dùng trong nhà đã xuống giá.

Đúng là người Tàu trong lục địa tiêu thụ ít hơn. Cho nên, trong năm 2018, số hàng Trung Quốc nhập cảng tăng hơn 10%, trước mối lo thuế quan sẽ lên, nhưng vào Tháng Năm năm nay số nhập cảng tụt bớt 8.5%. Hiện giá trị đồng nguyên của nước Tàu đang xuống so với đô la Mỹ. Ông Trump sẽ than phiền với ông Tập về tình trạng này vì hàng nhập cảng vào nước Tàu sẽ tăng giá khi đồng nguyên đi xuống.

Nhưng thử hỏi, nếu quý vị là người dân Trung Hoa bây giờ thì quý vị tính toán thế nào? Hăng hái mua hàng theo lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình? Hay là lo tiết kiệm, để dành tiền vì sợ công ăn việc làm ngày càng khó khăn khi cuộc chiến mậu dịch không biết bao giờ kết thúc?

Trước viễn tượng nền kinh tế không thể trông cậy vào người tiêu thụ, Cộng Sản Trung Quốc lại đem bài bản cũ ra dùng: Xây cất. Xây cầu, làm đường, mở rộng nhà máy, đi ngược lại chủ trương mà đảng Cộng Sản muốn thi hành để cải tổ cơ cấu. Mặc dù số nợ chồng chất đang lo giải quyết, chính quyền các địa phương lại mới được lệnh cứ xây cất thêm, tạm quên mối lo nợ nần. Tuy nhiên, số chi tiêu cho hạ tầng cơ sở lên cao trong bốn tháng đầu năm đã giảm xuống trong Tháng Năm.

Đó là một mối lo tâm phúc của ông Tập Cận Bình trước khi gặp ông Donald Trump ở Osaka.
Không ai hy vọng các nhà lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đạt được kết quả cụ thể nào trong thời gian hội nghị G-20 năm nay. Xung đột thương mại giữa hai nước có rất nhiều chỗ khúc mắc, các mâu thuẫn chằng chịt với nhau cần các chuyên viên cả hai bên bàn cãi, mặc cả qua nhiều tháng chưa chắc đã xong.

Nhưng chỉ cần hai ông Trump và Tập bắt tay chụp hình cũng đủ giúp cho các thị trường chứng khoán thở phào nhẹ nhõm! Mỗi bên sẽ nhượng bộ bên kia một điều nho nhỏ để làm quà mang về nhà. Khi cuộc chiến mậu dịch không leo thang thì cả hai ông đều có thể tuyên bố mình đang thắng! (Ngô Nhân Dụng)






No comments: