Ngô Nhân Dụng
June 28, 2019
Có
bao nhiêu công dân Mỹ theo dõi các phán quyết của Tối Cao Pháp Viện? Chắc không
nhiều lắm, mặc dù những quyết định của Tòa Án Tối Cao ảnh hưởng trên đời sống tất
cả mọi người!
Trụ sở Tối Cao Pháp
Viện Mỹ ở Washington, D.C. (Hình: AP Photo/Patrick Semansky)
Trong tuần
qua, các quan Tòa Tối Cao mới bác bỏ hai bản án của tòa dưới, về vấn đề phân
chia địa giới các đơn vị bầu cử một cách bất bình thường, gọi là
“gerrymandering,” theo tên của ông thống đốc tiểu bang Massachusetts
vào cuối thế kỷ 18, đầu 19, là người đầu tiên dùng sáng kiến này. Đây là một đề
tài quan trọng mà mọi người Mỹ đều nên hiểu, khi muốn bảo vê quyền công dân của
mình trong các cuộc bầu cử.
Trước
hết, “gerrymander” là gì?
Ông Elbridge Gerry (1744-1814), một người ký bản
Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ, đã vẽ bản đồ các đơn vị bầu cử trong
Massachusetts để làm lợi cho đảng mình bằng cách phân chia địa giới các đơn vị
bỏ phiếu.
Thí dụ, nếu có hai đơn vị bầu cử mà đảng đối thủ đều
thắng với 51% số phiếu, thì cắt một khu dân chúng ủng hộ đảng đó ra khỏi một
đơn vị, ghép vào đơn vị kia. Như vậy, trong kỳ bỏ phiếu sau, đảng đối thủ có thể
chiếm được 60% số phiếu ở đơn vị thứ nhì nhưng thua ở đơn vị thứ nhất khác vì
chỉ còn dưới 50% ủng hộ! Công việc rất dễ, vì mỗi lần kiểm phiếu người ta biết
đa số dân ở một khu phố hay một xóm thích bầu cho đảng nào.
Có nhiều trường hợp phức tạp hơn, nhưng vẫn làm được.
Thí dụ, ghép rất nhiều vùng ủng hộ đảng đối lập vào chung một đơn vị, cho đảng
đó thắng gần 100% số phiếu; nhưng họ sẽ bị mất phiếu ở nhiều đơn vị khác sau
khi bị cắt bớt! Phân chia ranh giới như vậy thì địa giới các đơn vị bỏ phiếu
không còn vuông vức, ngay ngắn nữa, có khi không ra hình thù nào cả. Một tờ báo
ở Boston, năm 1812, đã dùng tên “Gerry-mander” gọi đơn vị bầu cử Essex South do
Thống Đốc Gerry cắt xén và ghép thành, vẽ bản đồ đơn vị đó như một con quái vật
có mỏ, có cánh, nhại tên quái vật “salamander” trong thần thoại.
Một thí dụ gần đây là đảng Dân Chủ nắm quyền ở
Illinois đã chia lại các đơn vị bầu cử để chiếm thêm ghế nơi cử tri mà trước đó
bàu cho đảng Cộng Hòa. Dân ở thành phố Chicago trong tiểu bang này thường ủng hộ
đảng Dân Chủ; trong khi vùng thôn quê chung quanh đa số thích đảng Cộng Hòa.
Nghị viện tiểu bang, do Dân Chủ kiểm soát, đã phân chia lại các đơn vị bỏ phiếu.
Họ cắt Chicago ra thành nhiều mảnh, giống như cắt bánh “pizza” thành nhiều miếng
theo đường kính, rồi ghép các miếng vào với vùng thôn quê kế cận bên ngoài, để
tăng số người ủng hộ trong các đơn vị mới được phân chia lại.
Tại tiểu bang Wisconsin, sau cuộc kiểm tra dân số
năm 2010, Cộng Hòa kiểm soát nghị viện đã vẽ lại bản đồ bầu cử. Kết quả là
trong năm 2012, Cộng Hòa chiếm 66 ghế trong số 99 đại biểu được dân bầu, trong
khi đếm số phiếu bầu thì họ chỉ chiếm được 48.6% số phiếu của cử tri toàn tiểu
bang!
Phán quyết mới của Tối Cao Pháp Viện là trường hợp
hai tiểu bang, Maryland và North Carolina. Ở Maryland, nghị viện tiểu bang phe
Dân Chủ đã phân chia ranh giới các đơn vị để cho đảng mình được lợi thế, còn tại
North Carolina thì ngược lại, đảng Cộng Hòa làm chủ nghị viện vẽ lại bản đồ bỏ
phiếu theo ý mình. Hai tòa án cấp dưới đã yêu cầu hai tiểu bang này vẽ lại bản
đồ bầu cử, vì họ cố ý làm cho kết quả bầu cử thiên lệch. Nhưng Tối Cao Pháp Viện
đã bác bỏ phán quyết của cả hai tòa dưới với tỷ số 5-4.
Chánh Án John Roberts đại diện cho phe đa số lý luận
rằng, theo hiến pháp, việc vẽ bản đồ bầu cử là trách nhiệm của các tiểu bang.
Đây là một vấn đề chính trị. Ngành tư pháp không nên can dự vào lãnh vực chính
trị, cho nên không thể phê phán hành động nào là công bằng hay không công bằng.
Thay mặt phe thiểu số, Thẩm Phán Elena Kagan nghĩ
khác. Bà cho rằng Tối Cao Pháp Viện đã từ bỏ nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp khi chấp
nhận những cách chia đơn vị bầu cử thiên vị, trái với tinh thần dân chủ.
Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện sẽ ảnh hưởng đến cuộc
bỏ phiếu năm 2020. Hiện nay có nhiều nghị viện tiểu bang do đảng Cộng Hòa kiểm
soát, và ít nhất năm tiểu bang vẽ các ranh giới đơn vị bỏ phiếu có lợi cho Cộng
Hòa, trong khi phía Dân Chủ chỉ làm được tại hai tiểu bang.
Nhưng hậu quả lâu dài đáng kể hơn. Sang năm nước Mỹ
lại kiểm tra dân số, theo lịch 10 năm một lần. Sau đó, các tiểu bang đều có quyền
vẽ lại các đơn vị bầu cử. Sau
khi Tối Cao Pháp Viện từ chối không dính vào chuyện này, các nhà chính trị sẽ
tha hồ làm “gerrymandering” mà không còn sợ bị kiện nữa!
Mỗi đảng chính trị đều tìm cách chiếm lợi thế khi họ
kiểm soát được nghị viện tiểu bang. Như vậy họ sẽ tìm cách kéo dài lợi thế của
mình nhờ “gerrymandering!” Cứ như thế, một đảng có thể chiếm lãnh một tiểu bang
trong nhiều chục năm.
Kết quả là người dân sẽ chán chính trị, khi thấy quyền
bỏ phiếu của họ không còn giá trị nữa!
Làm cách nào nền dân chủ nước Mỹ có thể thoát khỏi
“tai nạn” này? Có hai đường, tư pháp và chính trị.
Một điều may mắn là các tòa án cấp tiểu bang có thể
buộc các nhà chính trị phải thay đổi, mà không cần theo án lệ của Tối Cao Pháp
Viện liên bang. Tại Pennsylvania, năm ngoái Tòa Tối Cao của tiểu bang đã bác bỏ
bản đồ bầu cử của nghị viện vì cố ý thiên lệch, phán quyết hoàn toàn dựa trên
hiến pháp của tiểu bang. Nhiều nhóm công dân ở North Carolina đang chuẩn bị
thưa vụ này tại tòa án tiểu bang, với hy vọng kết quả tương tự.
Tiểu bang Florida đã tu chính bản hiến pháp để thêm
một điều bảo vệ tính chất công bằng trong việc vẽ bản đồ đơn vị bàu cử. Một số
tiểu bang như Colorado, Michigan, Missouri và Utah đã thay đổi luật, trao quyền
vẽ ranh giới các đơn vị bàu cử cho các ủy ban độc lập, phi đảng phái.
Khi Tối Cao Pháp Viện từ chối “không dính đến chính
trị” thì các công dân và các nhà chính trị phải gánh lấy trách nhiệm. Dân chúng
các tiểu bang có thể bàu cho những ứng cử viên nào nói rõ ràng họ không chấp nhận
“gerrymandering.” Dân cũng có quyền yêu cầu chính quyền tổ chức trưng cầu dân ý
về vấn đề này, bắt nghị viện tiểu bang bắt chước, Florida hay Colorado,
Michigan, Missouri.
Sau cùng chính Quốc Hội liên bang có thể gánh lấy
trách nhiệm, làm một đạo luật ngăn chặn hành động thiên lệch kiểu
“gerrymandering.” Cuối cùng, tương lai nền dân chủ Mỹ tùy thuộc vào chính người
dân, khi họ bỏ phiếu bàu đại biểu! (Ngô Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment