Mai
Vân – RFI / ĐIỂM BÁO
Đăng ngày 29-06-2019
Donald
Trump và Tập Cận Bình đã tranh thủ Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 tại Nhật Bản để nối
lại cuộc đối thoại sau nhiều tháng chiến tranh thương mại giữa hai bên. Đối với
tuần báo Pháp Courrier International, cuộc thương chiến Mỹ-Trung là một « Trận
đấu thế kỷ », tựa lớn trang bìa, đang de dọa kinh tế thế giới. Bên dưới hàng tựa
là một bức biếm họa vẽ hai con gà chọi với đầu có hình dạng của hai ông Trump
và Tập đang gờm nhau.
Theo nhận định của
Courrier International, hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã rõ : «
Ngay cả khi căng thẳng giảm xuống, tiến trình tách rời khỏi nhau của hai nền
kinh tế hùng mạnh nhất thế giới đã khởi động, và trong bối cảnh mới đó, một điều
không thể tưởng tượng được trước đây, các nước khác có nguy cơ bị buộc phải chọn
phe của mình ».
Trích dịch một bài phân
tích trên tờ báo Hồng Kông South China Morning Post, Courrier International trước
hết ghi nhận rằng trong trận đấu này « sẽ không có kẻ thắng người thua ». Lý do
là vì hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã gắn chặt vào nhau đến mức mà hai nước
không thể không cần đến nhau. Vấn đề là không một nước nào muốn bị mất mặt,
theo như giải thích của tờ báo Hồng Kông.
Tại sao không lãnh đạo nào muốn
nhượng bộ ?
Đối với tờ South China
Morning Post thì ông Donald Trump không thể tỏ ra mềm yếu trước Bắc Kinh vì sự
thù ghét Trung Quốc chưa bao giờ mạnh như thế tại Mỹ và càng gần đến cuộc bầu cử
tổng thống sắp tới, cảm nhận này càng tăng lên.
Ngoại trưởng Mỹ Mike
Pompeo đã cho thấy cảm nhận này nhân kỷ niêm lần thứ 30 vụ đàn áp Thiên An Môn,
đầu tháng 6, khi ông nói : Hy vọng của Mỹ theo đó Trung Quốc sẽ biến thành một
xã hội cởi mở hơn, khoan dung hơn, đã vỡ tung. »
Ông Pompeo ghi nhận thất
bại của chính sách đối với Trung Quốc từ thời Nixon và nêu thất vọng của
Washington.
Còn ông Tập Cận Bình thì
cũng không thể tỏ ra mềm yếu hơn những người tiền nhiệm đối với Mỹ. Vả lại
chính sách và chủ thuyết của ông đều dựa trên tính dân tộc chủ nghĩa và một ý
thức hệ chính thống từ khi lên cầm quyền từ năm 2012 đến nay.
Cho dù không phải lo ngại
về vấn đề bầu cử như đồng nhiệm Mỹ, nhưng có lẽ ông Tập vẫn phải cẩn thận vì những
người đối nghịch trong đảng sẵn sàng lợi dụng những bước sai lầm của ông để chống
lại ông.
Wall Street Journal : «
Ly dị Mỹ-Trung không thể tránh khỏi ? »
Theo ghi nhận của South
China Morning Post, cho đến nay, sự trù phú của Trung Quốc vẫn dựa trên việc
tăng cường quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ. Nhưng với cuộc chiến tranh thương mại
bùng lên, mối quan hệ này đã dãn hẳn ra. Trong một bài phân tích được Courrier
International trích dịch, nhật báo Mỹ Wall Street Journal tại New Yrok đã đặt
câu hỏi « Phải chăng cuộc ly dị Mỹ-Trung là điều không thể tránh khỏi ? ».
Theo Wall Street Journal,
trước đây hai nền kinh tế gắn quyện với nhau, bây giờ thì hai cường quốc kinh tế
nhất nhì thế giới này bắt đầu co cụm lại. Đầu tự giảm sụt, các công ty, xí nghiệp
xem xét lại chiến lược…
Vào tháng 5 vừa qua, chuyển
biến xấu hẳn đi một cách đột ngột của cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã cho
thấy khả năng quan hệ bị cắt đứt, điều mà cho đến giờ khó có thể tưởng tượng ra
giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Đối với nhật báo tài chánh Mỹ,
cho dù hai bên có đạt được một thỏa thuận, thì sự đan xen vào nhau giữa hai nền
kinh tế, được thực hiện từ hàng thập niên qua, có lẽ sẽ phải bị tháo gỡ.
Nhiều dấu hiệu cho thấy
chiều hướng đó : các nhà sản xuất giầy, máy ảnh và iPhone tìm cách sản xuất ở
nơi khác hơn là Trung Quốc, chính quyền Mỹ thì buộc các nhà đầu tư Trung Quốc
bán lại cổ phiếu mà họ nắm trong các công ty khởi nghiệp (start up) Mỹ, còn các
nhà khoa học Trung Quốc muốn sang Mỹ thì gặp nhiều chậm trễ trong việc có được
visa nhập cảnh.
Quy mô của việc tách rời
giữa hai nền kinh tế sẽ tùy thuộc vào loại thỏa thuận đạt được trong các cuộc
đàm phán, với điều kiện là rốt cuộc hai bên đạt được một thỏa thuận nào đó !
Tuy nhiên báo Wall Street
Journal cho rằng sẽ không có một cuộc chiến tranh lạnh mới : Trung Quốc có trọng
lượng quá lớn và quá gắn chặt với phần còn lại của thế giới. Thế nhưng các nhà
đầu tư và nghiên cứu của Mỹ và Trung Quốc có thể lâm vào tình cảnh mỗi bên làm
việc riêng rẽ trong những thế giới cách biệt với nhau.
Châu Âu giữa hai làn đạn
Tình hình căng thẳng Mỹ-Trung
Quốc dĩ nhiên có ảnh hưởng Liên Hiệp Châu Âu, vốn có quan hệ kinh tế, thương mại
chặt chẽ với cả Washington lẫn Bắc Kinh. Tạp chí Mỹ The Atlantic đã ghi nhận một
tình thế rất tế nhị của châu Âu trong bài « Châu Âu giữa hai làn đạn ».
Theo tờ báo, từ hai năm
nay, quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đã trở nên căng thẳng trên một số hồ sơ như
thương mại, hạt nhân Iran, ngân sách quốc phòng v.v… Người ta từng nghĩ rằng
trong bối cảnh đó, có một chủ đề có thể giúp Mỹ và Châu Âu xích lại gần nhau :
Đó là Trung Quốc. Thế nhưng thực tế không phải là như vậy.
Theo tờ báo Mỹ, ai cũng
nói là thách thức địa chính trị lớn nhất của thế kỷ XXI là đối phó với sự vươn
lên của một Trung Quốc chuyên chế. Nhưng theo một lãnh đạo Châu Âu, Hoa Kỳ có «
một thái độ quá hung hăng, tốn nhiều năng lực, mà kết quả không được gì ». Và
khi khởi động một cuộc chiến tranh lạnh về thương mại dài lâu với Bắc Kinh, ông
Donald Trump có nguy cơ dẫn nước Mỹ đi « vào một con đường mà ngay những người
Châu Âu có đường lối cứng rắn nhất cũng khó mà đi theo ».
Tuy nhiên, theo The
Atlantic, các kênh liên lạc giữa châu Âu và Mỹ không hề bị cắt đứt hẳn, và tờ
báo không ngần ngại phác họa ra điều có thể gọi là một chương trình hành động
chung giữa hai bên bờ Đại Tây Dương.
Về công nghệ 5G chẳng hạn,
châu Âu và Mỹ có thể thành lập một tập đoàn quy tụ những công ty Mỹ và châu Âu
hiện là đối thủ cạnh tranh của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi. Còn về mặt thương mại,
Mỹ và châu Âu có thể liên kết với Nhật Bản, Canada và Úc chẳng hạn, để đối phó
với cung cách làm ăn không ngay thẳng của Trung Quốc.
Theo The Atlantic, những
ai ở châu Âu mà nghĩ rằng mọi sự sẽ dễ dàng hơn nếu năm 2020, nước Mỹ có một tổng
thống Dân Chủ, thì sẽ lầm to. Giọng điệu của vị tổng thống đó có thể nhẹ nhàng,
lịch sự hơn, và chỉ thế thôi.
Dù chủ nhân nhà Trắng có
là ai chăng nữa, các nước Châu Âu phải chuẩn bị tư tưởng để chấp nhận việc sẽ bị
Mỹ nhìn qua lăng kính của quan hệ với Trung Quốc – cũng giống như thời chiến
tranh lạnh, lăng kính Liên Xô đã bóp méo cái nhìn của Mỹ về Châu Âu.
Và nếu bấy giờ hai bên vẫn
không có đề án chung, thì quan hệ Mỹ-Âu vẫn sẽ chao đảo hơn nữa dù với ông
Trump hay không.
The Economist : Mỹ - Iran «
nên đối thoại hơn là đối đầu »
Tương tự như đồng nghiệp
Pháp Courrier International, tuần báo Anh The Economist cũng chú ý đến Mỹ,
nhưng trong quan hệ với Iran, với hàng tựa lớn trang bìa « Ngăn chặn Iran cách
nào ».
Trong bối cảnh Mỹ và Iran
đang gần kề chiến tranh, The Economist cho rằng đối thoại, chứ không phải là đối
đầu, mới là cách ngăn chặn không cho nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran sở hữu bom
nguyên tử.
Theo The Economist, trong
gần 4 năm qua, con đường tiến đến vũ khí hạt nhân của Iran đã bị ngăn chặn. Thỏa
thuận hạt nhân ký năm 2015, với cả Mỹ, đã giới hạn chương trình hạt nhân Iran,
chỉ để sử dụng trong lãnh vực dân sự, như điện lực, và đặt dưới sự kiểm tra
nghiêm ngặt. Các chuyên gia từng công nhận rằng Iran đã chấp hành thỏa thuận và
hoạt động hạt nhân của nước này đã bị kìm lại.
Nhưng tổng thống Mỹ
Donald Trump đã phá hoại thỏa thuận và Iran đã bắt đầu lưu trữ uranium được làm
giàu và dọa bỏ một số cam kết.
Cũng may là Iran chưa thể
trở thành cường quốc hạt nhân, nhưng một lần nữa nước này đã sử dụng chương
trình hạt nhân để gây thêm sức ép lên Mỹ. Điều này rất nguy hiểm trong bối cảnh
tình hình trong vùng không ổn định, với những vụ tấn công tàu ở eo biển Ormuz,
vào tháng 5 mà Mỹ quy trách nhiêm cho Iran, kế đến là việc Iran bắn hạ drone của
Mỹ, ngày 20/06, khiến ông Trump ra lệnh đáp trả. Chỉ 10 phút trước khi bắn vào
các mục tiêu ở Iran thì chiến đấu cơ Mỹ được lệnh bãi bỏ chiến dịch, và ông
Trump đã tự an ủi bằng một cuộc tấn công tin học thay vào chỗ chiến dịch không
kích.
Theo The Economist, thì cả
ông Trump, lẫn các đồng minh của Mỹ và cả Iran, không ai muốn một cuộc chiến lớn
khác ở Trung Đông. Nhưng do chiến lược « sức ép tối đa » của ông Trump lên Iran
và vì mỗi bên đều đưa ra những lời đe dọa ngày càng hung hăng hơn, điều đó có
thể dẫn đến nhận định sai lầm về đường ranh đỏ của đối phương. Phạm vi hoạt động
của tổng thống Trump trở nên eo hẹp hơn. Iran trở nên hung hăng hơn, những lời
kêu gọi hành động sẽ gia tăng, ít ra là trong đảng của tổng thống Mỹ.
Tóm lại, trước khi tình
hình leo thang và không còn kiểm soát được, hai bên cần bắt đầu đối thoại. Điều
này không phải là không thực hiện được như người ta tưởng.
Nicolas Sarkozy : Ngày trở lại
Không hẹn mà gặp, hai tuần
báo Pháp L’Obs và Le Point đều dành trang bìa cho cựu tổng thống Pháp Nicolas
Sarkozy, nhân dịp quyển ký sự mới của ông mang tựa đề « Passions » - tạm dịch
là « Những đam mê » ra mắt độc giả Pháp.
Dưới tựa đề « Nicolas
Sarkozy : "Giữa Pháp và tôi, câu chuyện sẽ không bao giờ kết thúc
..." », Le Point đã giới thiệu nhiều trích đoạn của quyển sách được nhà xuất
bản L’Observatoire phát hành, và đặc biệt là bài phỏng vấn độc quyền mà cựu tổng
thống Pháp đã dành cho tờ báo. Tựa đề trang nhất chính là nguyên văn câu nói của
ông Sarkozy khi đề cập đến quan hệ giữa ông và nước Pháp.
Đối với Le Point, «
Passions » là một dạng biên niên sử sôi nổi về những năm tham gia chính trường
của Nicolas Sarkozy thời thanh niên, về cuộc mít tinh chính trị đầu tiên của
ông ở thành phố Nice vào năm 1975 cho đến khi ông được bầu làm tổng thống Pháp.
Vị cưu nguyên thủ quốc
gia kể lại cuộc sống cá nhân cũng như cuộc đấu tranh vì quyền lực chính trị của
ông, mà không hề tách biệt cái này với cái kia. Đối với Le Point, quyển ký sự
phải chăng là một bức tranh tự họa của một con người muốn cho thấy sự nhất quán
của các cam kết dấn thân của mình, một bản di chúc chính trị, hay là một bàn đạp,
biết đâu chừng, sẽ giúp ông tiến bước thêm nữa ? Chính độc giả sẽ rút ra kết luận
của mình.
Dẫu sao thì quyển sách đã
được in với 200.000 bản trong đó có 175.000 bản đã được các nhà bán sách đặt
hàng trước.
Liên minh bí mật giữa Sarkozy
và Macron
Cũng nói về quyển sách mới
mà cựu tổng thống Pháp Sarkozy cho xuất bản, nhưng tuần báo L’Obs lại chú ý đến
điều được tờ báo chậy thành tựa lớn trang bìa : « Sarkozy/Macron – Liên minh bí
mật ».
Theo L’Obs, giữa hai tổng
thống cũ và mới, một thỏa thuận ngầm đã được ký kết.
Nhân dịp quyển sách mới của
ông Sarkozy được xuất bản, tạp chí Pháp muốn cung cấp cho độc giả một số yếu tố
then chốt để hiểu điều có thể gọi là tình trạng « hòa bình có vũ trang » giữa
hai người.
Đối với tạp chí Pháp, vào
lúc mà ai cũng tưởng là ông sẽ bị hạ gục khi trở thành tổng thống đầu tiên
trong lịch sử Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp bị đưa ra tòa, Nicolas Sarkozy đã quyết định
cho ra mắt quyển « Passions », một loại ký sự trong đó ông tiết lộ một số bí mật
về quá trình vươn lên về mặt chính trị của ông cho đến khi ông lên nắm quyền tổng
thống vào năm 2007.
Theo L’Obs, không còn
nghi ngờ gì nữa, ông Sarkozy có lẽ đã cho thấy rõ tham vọng muốn trở lại chính
trường, và tại sao không, một ngày nào đó, truất ngôi « người bạn thân mến » của
ông là Emmanuel Macron.
Đối với L’Obs, gọi Macron
và Sarkozy là hai người « bạn thân mến » không sai, vì giữa họ, một kiểu tuần
trăng mật đã được thiết lập từ năm 2017. Cả hai đều đã xem xét kỹ lưỡng những
hành động nhỏ nhất, quá trình vươn lên, sự khác biệt của nhau. Hai người không
ngần ngại cho thấy thái độ lịch sự, tôn trọng lẫn nhau, sự đồng tình ăn ý với
nhau, thậm chí là sự say mê lẫn nhau.
Điểm chung giữa hai người,
theo tạp chí Pháp, là tính chất táo bạo, dám phá cách để vươn lên về mặt chính
trị, sẵn sàng tỏ ra tàn bạo khi cần. Ngay vào tháng Sáu năm 2017, ông Sarkozy
đã không ngần ngại nói rằng « Macron chính là tôi, nhưng tốt hơn ».
No comments:
Post a Comment