Friday, April 26, 2019

THỦ ĐOẠN ĐẦY MÌNH (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
Friday, 26/04/2019

Hai vị Dân Biểu Jerrold Nadler, Chủ Tịch Tiểu Ban Pháp Luật, và Adam B. Schiff, Chủ Tịch Tiểu Ban Tình Báo, nói với phóng viên truyền thông là Công Tố Viên Robert Mueller viết trong bản tường trình của ông 'Quốc Hội có thể áp dụng luật 'cấm đắp mô' (obstruction laws) đối với việc tổng thống lạm dụng quyền hạn, và áp dụng hệ thống kiểm soát, cùng với nguyên tắc không người nào ngồi cao hơn pháp luật để truy tố tổng thống,' nhưng ông Mueller không truy tố, vì truy tố tổng thống là đặc quyền của quốc hội.

Nhưng Mueller còn nói gì nữa?

Thái độ của hai vị dân biểu chủ tịch hai tiểu ban quan trọng trong việc hạ viện quyết định truất phế hay không truất phế tổng thống, nhắc mọi người việc bộ tư pháp chưa trao bản chính -không bôi bỏ- cho Quốc Hội.

Nếu trong bản tường trình đã kiểm duyệt, mà hai ông dân biểu Nadler và Schiff còn tìm được những tội lỗi đáng bị truất phế, thì với nguyên bản, chưa bôi xóa, họ còn đưa tổng thống tới đâu nữa?

Cũng chỉ truất phế là cùng.

Ông Mueller viết là ông không có đủ bằng cớ để kết luận là ứng cử viên Donald Trump thông đồng với người Nga để thắng cuộc bầu cử 2016, nhưng ông cũng nêu lên những giới hạn pháp lý và khó khăn thực tế trói buộc việc làm của ông; cuối cùng ông để lại cho Quốc Hội cứu xét và quyết định.

Các chính khách Dân Chủ trong Quốc Hội diễn dịch ý định của ông Mueller là ông chỉ nêu lên những sự kiện, và nhường phần quyết định -truất phế hay không truất phế- cho Quốc Hội; các chính khách Cộng Hòa không đồng ý như vậy. Họ đồng ý với Bộ Trưởng Tư Pháp là tổng thống vô tội.

Cho đến giờ này, dư luận tin là phe Dân Chủ sẽ tìm cách truất phế tổng thống; và dấu hỏi chưa có giải đáp là 'truất phế bằng cách nào?'

Bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và một số dân biểu không chủ trương truất phế tổng thống vì hai lý do: MỘT LÀ họ quan niệm, cho đến giờ này chưa nhân vật nào qua mặt được ông Trump trong thành tích phá hoại uy tín của đảng Cộng Hòa; để ông ngồi đó, có lợi hơn là đem ông xuống, và HAI LÀ họ không muốn tái diễn cảnh truất phế bất thành của Quốc Hội cộng hòa đối với Tổng Thống Bill Clinton.

Dĩ nhiên không thể so sánh cái tội làm bẩn váy đầm của cô Monica Lewinsky với cái tội xách Airforce One bay qua Helsinky họp mật, và họp tay đôi với lãnh tụ Nga Putin của hai vị tổng thống Mỹ.

Nhưng bà Pelosi vẫn thấy là việc thất bại trong nỗ lực hạ bệ Tổng Thống Clinton, làm uy tín của đảng Cộng Hòa yếu đi.

Tuy nhiên, phe chủ trương truất phế tổng thống tin tưởng là nhu cầu của Tổng Thống Trump -bôi bỏ 5 dòng chữ ngay trên trang đầu của bản tường trình Mueller, chứng minh việc ông Trump có nhiều điều khuất tất cần giấu giếm.

Phe chủ trương không truất phế cho là nếu điều dự đoán đó mà đúng, thì bà Pelosi đúng, vì nếu thật sự ông Trump đắc cử là nhờ kỹ thuật tuyên truyền xám của Nga, thì ông càng ngồi lâu trong Bạch Cung, đảng Cộng Hòa càng bị chỉ trích nhiều hơn.

Giả thuyết ngược lại là đảng Dân Chủ có thể bị buộc tội đồng lõa, dung dưỡng tình trạng thân Nga của tổng thống.

Để dung hòa, ngày 23 tháng Tư, 2019 bà Pelosi phải phổ biến một lá thư trình bày với Hạ Viện bà đồng ý với mọi người việc ông Trump có nhiều hành vi bất xứng với tư cách của một vị tổng thống Mỹ, tuy nhiên truất phế ông là việc chưa nên làm.

Nhóm dân biểu trẻ vừa được bầu trong nhiệm kỳ mới rồi, cho là việc không truất phế ông Trump có thể khiến ông ta nghĩ là hành vi lộng quyền của ông ta chưa có gì quá đáng, nên chưa truất phế được.

Hai Dân Biểu Suzanne Bonamici đại diện Oregon và Steve Cohen đại diện Tennessee đưa ra đề nghị dung hòa: Hạ Viện biểu quyết khiển trách tổng thống; nhưng bà Pelosi vẫn kêu gọi mọi người thận trọng. Bà nói, "Vấn để không phải là uy tín của đảng Dân Chủ hay của đảng Cộng Hòa, mà vấn đề là uy tín của nền dân chủ Hoa Kỳ."

Bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi

Trong buổi họp kéo dài 87 phút, bà Pelosi kêu gọi các bạn đồng viện hãy làm những gì cần làm để vinh danh hiến pháp Hoa Kỳ.

Lối thoát đang được nhắc tới là số phận của Tổng Thống Richard Nixon: ngày mùng 6 tháng Hai, 1974 hạ viện thông qua nghị quyết H.Res. 803 ủy quyền cho Tiểu Ban Tư Pháp Hạ Viện nghiên cứu xem có đủ yếu tố để truất phế tổng thống qua hành động nghe lén tại trụ sở đảng Dân Chủ trong tòa nhà Watergate hay không. Việc đó xảy ra từ năm 1972, nhưng ông Nixon vẫn lấn lướt cãi cho qua.

Tiểu Ban Tư Pháp Hạ Viện gửi trát đòi Bạch Cung những cuộn băng video ghi âm những cuộc nghe lén, Bạch Cung gửi một số băng sang Hạ Viện; Tiểu Ban Tư Pháp Hạ Viện không hài lòng với 'một số băng', họ đòi toàn bộ băng ghi âm và cả những cuộn băng ghi nhận phần thảo luận trong nội bộ Bạch Cung.

Ngày 24 tháng Bảy, 1974 Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết bắt Bạch Cung nộp toàn bộ băng cho Hạ Viện. Ngày 27, 29, và 30 tháng Bảy, 1974, Tiểu Ban Tư Pháp thông qua quyết định truất phế Nixon về ba tội: cản trở tư pháp, lộng quyền, và khinh nhờn Quốc Hội. Quyết định được chuyển cho Hạ Viện để thảo luận chung quyết.

Hạ Viện chưa kịp biểu quyết truất phế tổng thống, thì ông Nixon đã xin từ chức, để vị Phó Tổng Thống Gerald Ford lên thay thế, và dùng quyền ân xá của tổng thống để tha tội cho ông.

Điều khác biệt nho nhỏ giữa hai trường hợp truất phế là Tối Cao Pháp Viện; ông Trump đã chuẩn bị trước một thành phần chánh thẩm Tối Cao Pháp Viện thân hữu, qua việc vị chánh thẩm mới nhất do ông bổ nhiệm -chánh thẩm Brett Kavanaugh.

Do đó, Trump tuyên bố là nếu Hạ Viện 'đụng' đến ông là lập tức ông gọi Tối Cao Pháp Viện.
Nếu biện pháp lo xa đó giúp ông tránh khỏi đại nạn truất phế, thì ông chỉ còn thua hai vị quốc trưởng trên toàn thế giới: MỘT LÀ ông Putin -đương kim tổng thống Nga trong nhiệm kỳ thứ ba, và HAI LÀ chủ tịch Tập Cận Bình -vị lãnh tụ mãn đời của Trung Quốc.

Câu hỏi gai góc của đảng Dân Chủ là 'truất phế hay không truất phế?' Và câu trả lời là 'truất hay không truất thì cũng dzậy thôi.' Ổng thích ngồi trong Bạch Cung bao lâu là do ổng quyết định. Giống như hai ông kia dzậy đó -thủ đoạn đầy mình.





No comments: