Saturday, April 27, 2019

CỘNG ĐỒNG ...MONG MANH? (Vũ Kim Hạnh)





Trưa ngồi ăn cơm thấy tin trên VTV là “Các trung tâm cai nghiện đang quá tải. Bộ Lao Đông TBXH khuyến cáo, giờ phải xem giải pháp chính yếu là đưa về cai nghiện tại cộng đồng”. Rùng mình. Hơn 2 tấn ma túy đá vào thành phố mấy tuần trước giờ đang ở đâu, chứng nào đưa ra tiêu hủy dưới sự kiểm soát của cộng đồng?

Hôm qua đi grab-bike, anh tài xế nói, “Chà, mấy tấn ma túy đó đem bán lại cho giang hồ bên Miến hay Lào cũng đủ trả nợ cho nhà nước, rồi còn đủ bù lỗ cho ông điện, chứ hổm rày mấy ổng làm ăn lung tung thua lỗ, đang “thua me gỡ bài cào” ngán thiệt”. Nghe “nhà chiến lược” grab-bike vạch kế hoạch, nghĩ, dân nghèo cũng đang nhìn ngắm, nghĩ ngợi nhiều, chứ có… khù khờ cả đâu?

“Cộng đồng” hổm rày bị trời quá nóng, hành đến muốn điên, còn bị ngành điện nhân thể tăng giá nên “cộng đồng” kêu rầm trời. Trưa, đọc thấy đoạn viết ngắn của cô bạn Nhật, Ino Mayu (luôn tự khẳng định mình là chuyên gia phát triển cộng đồng) như sau: “Anh em khuyến nông BT nói ‘Mayu đừng bỏ BT’. Xin cảm ơn dành tình cảm cho mình. Chưa bỏ đâu ạ“. Mayu viết. Vâng, mình biết, khó khăn chỉ “trui rèn” thêm ý chí… phát triển cộng đồng Việt của Mayu thôi.

Mấy hôm nay, ngồi ở NGÔI NHÀ GIA VỊ trong hội chợ HVNCLC, nghe mọi người bàn về một hướng phát triển sáng lạn là sáng tạo dược phẩm từ gia vị có dược tính. Có bạn nhắc, ông trùm phát triển dược phẩm kiểu này là ông Trần Văn Ơn. Không, ông ấy nói, tôi góp sức Phát triển nội lực miền núi, phát triển cộng đồng thôi.

Hồi năm 2016, mình tổ chức “Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao ngành Thực phẩm và Nông sản sạch” tại Hà Nội, có gian hàng “Sản phẩm khởi nghiệp đồng bào dân tộc thiểu số”, có nhiều doanh nhân lạ: những người phụ nữ Dao đỏ, trong chiếc váy truyền thống, bày bán tinh dầu, dầu tắm chiết xuất từ nhiều bài thuốc dân gian. Họ là cổ đông của CT Sapanapro, một startup tại xã Tả Phìn, huyện Sapa, Lào Cai. Ông Trần văn Ơn là người bạn chí cốt của bà con dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Cạn…) đã đeo đuổi việc tư vấn phát triển cộng đồng tại 22 hợp tác xã, 7 công ty sản xuất dược liệu ở vùng cao (bây giờ, con số này chắc tăng rồi).

Xã hội còn đứng vững được là nhờ họ. Và cũng nhờ vô số tấm lòng nhân ái, cũng chẳng tự nhận là Phát triển cộng đồng mà vẫn đang dành hết tình yêu, tâm sức cho cộng đồng. Mình đọc mà chảy nước mắt chuyện của Tịnh thất Sơn Lâm, 2 ông sư trẻ cất tịnh thất sâu trong núi để tu, không ngờ lại được bà con chung quanh tín nhiệm (vì thấy là… tu thật) nên đem giao cho 2 thầy nuôi giùm 12 đứa trẻ là con cháu của họ, những đứa trẻ vừa nghèo vừa mồ côi (cha hay mẹ).

Nhưng xem ra những công khó của mọi người cùng lo phát triển cộng đồng không đủ cho mấy ông ngoại… tàn hại cộng đồng đủ kiểu. Nhiều khi thấy cực kỳ vô lý. Cộng đồng mong manh quá? Như kiểu cộng đồng những người yếu thế làm nước mắm, cái nghề truyền thống ngàn năm trước, đang bị săn cùng đuổi tận mà chính sách bảo vệ họ thì cứ xa xôi tận đâu và đủng đỉnh kiểu… vô cảm.

Ảnh: Thầy Ơn trong vườn thuốc

Bà con dân tộc Dao hái thuốc

Trẻ mồ côi được 2 sư thầy nuôi tại tinh thất Sơn Lâm, tỉnh Đồng Nai.







No comments: