Wednesday, April 24, 2019

CHUYỆN ĐẶC CÔNG (Nguyễn Thông)




Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

Một ông bạn tôi cười bảo mày không đi lính, càng không phải đặc công, biết đếch gì về đặc công mà kể lắm thế. Tôi chỉ còn nước cười trừ, thôi thì mình sống vào cái thời ấy, cũng chỉ do may mắn mà không bị xếp vào diện “hoặc xanh cỏ, hoặc đỏ ngực” nhưng chứng kiến nhiều, nghe nhiều, giờ tua cuộn băng ký ức lại mà biên ra, kẻo quên mất. Vả lại cũng lẩn thẩn nghĩ, bây giờ có biết bao nhiêu ông bà chẳng hề biết mặt mũi cụ Hồ mà vẫn đi thi “Học tập và làm theo” kể vanh vách bác như thế này, bác như thế nọ đó sao.

Lại nhớ hồi còn bé, tầm học lớp 6 lớp 7 gì đấy (khoảng năm 68 - 69) đội chiếu phim lưu động của huyện về sân hợp tác chiếu bộ phim “Biển lửa”. Loa oang oang thông báo “A lô, a lô, tối nay đội chiếu bóng số 2 sẽ phục vụ bà con bộ phim đặc sắc về chiến công bộ đội ta đánh sân bay Cát Bi, đốt cháy mấy chục máy bay của thực dân Pháp, mời bà con tới mua vé xem phim, a lô, a lô”. Vé giá 1 hào, ai tới sớm thì được ngồi gần màn ảnh, bệt xuống sân gạch. Không may cho đội chiếu, sẩm tối thì mưa to, đành phải hoãn sang tối hôm sau, chiếu tháo khoán, ai cũng vào được. Tôi còn nhớ, ông anh tôi và anh Tân con bác Ỷ thấy đội chiếu bóng bị hoãn thì khoái lắm, hai ông còn làm thơ tức cảnh, ông này đọc một câu trước, ông kia lại đọc tiếp một câu. Thơ rằng “Trời làm một trận mưa rào/Mấy thằng chiếu bóng xô vào dọn phim/Mưa trôi cả cây gỗ lim/Mấy thằng chiếu bóng dọn phim về chuồng”, đọc xong cười ha hả. Các ông ngâm đi ngâm lại mãi nên tôi cũng thuộc, thuộc tới bây giờ. Buồn cười nhất là câu thứ 3 của ông Tân. Thày tôi bảo thơ vớ thơ vẩn, mưa nào trôi được cả cây gỗ lim, gỗ lim ở đâu ra mà trôi. Anh Tân sau đi bộ đội, vào lính cao xạ, bị sức ép bom, về nhà một thời gian thì mất.

Lại nói về phim. Phim “Biển lửa” dựng trận đánh sân bay Cát Bi. Giờ đây hàng triệu người đến và đi ở sân bay này, chắc không mấy ai nghĩ rằng cái cảng hàng không quốc tế hoành tráng ấy từng là chiến trường dữ dội. Những người lính tinh nhuệ (thời chống Pháp chưa gọi là đặc công) đã đánh một trận ra trò, đốt máy bay Pháp cháy sáng rực trời. Trong phim có cả những hình ảnh quen thuộc như cầu Rào, mấy cái lô cốt trên đường 14 (con đường chạy từ nội thành đi Đồ Sơn hồi ấy là quốc lộ số 14), coi tới cảnh đó, tụi trẻ con reo vang trời. A, chúng mày ơi, Hải Phòng quê mình được lên phim.

Tôi cũng được nghe kể bộ đội "đặc công" đánh 2 sân bay Bạch Mai và Gia Lâm ở Hà Nội. Mãi sau mới biết, một trong những người chỉ huy trận đánh Bạch Mai và Gia Lâm lừng lẫy ấy là ông Hoàng Minh Chính. Kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông Chính không theo đường binh nghiệp mà chuyển qua nghiên cứu. Ông học triết học ở Liên Xô, bị “dính” vào cái gọi là chủ nghĩa xét lại. Ông từng làm Viện trưởng Viện Triết học, là người cương trực và bản lĩnh. Ông quyết liệt phản đối đường lối và chính sách cai trị độc tài của cái đảng mà ông từng phục vụ. Tù tây tù ta đủ cả. Chính quyền “ta” bắt ông mấy lần, giam cầm hết năm này năm khác cũng không khuất phục được ông. Nhớ hồi năm 73 - 74, đám sinh viên chúng tôi xì xào, hết sức ngưỡng mộ hai ông Tạ Đình Đề và Hoàng Minh Chính. Họ mở tòa xử ông Đề, khi ông được trắng án, dân hoan hô rầm trời, kín đặc góc phố Lý Thường Kiệt. Nhưng với ông Chính, họ coi là nguy hiểm hơn, xử kín và giam ông trong Hỏa Lò, sau đày tuốt tận cổng trời Đồng Văn (Hà Giang), nơi từng giam các ông Nguyễn Hữu Đang, Vũ Đình Huỳnh, Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn. Tất nhiên, với một người từng bản lĩnh đặc công như ông Chính, nhà cầm quyền đã thất bại hoàn toàn.

Gần hai chục năm nay, tôi là hàng xóm của một ông đặc công. Ông là lính đoàn 10 đặc công rừng Sác. Chuyện ông kể về những ngày đánh giặc, lặn lội trong rừng, chống chọi với cá sấu, với rắn độc, với chất hóa học do máy bay Mỹ phun xuống, với những cuộc càn quét của quân Mỹ và quân Việt Nam cộng hòa bằng hobo (ca nô cao tốc)… nghe còn hay hơn đọc sử chiến tranh do nhà nước soạn. Ông buồn bã bảo, em ạ, anh còn sống mà ngồi đây thế này là cao số đấy. Cả đoàn 10 chết gần hết, cứ bổ sung một thời gian rồi lại ngót gần sạch, hy sinh có khi tới cả nghìn, tinh những người tài giỏi. Nhiều đồng đội không tìm thấy xác, bị vùi chìm ở khúc sông, con rạch nào, cũng chẳng biết nữa. Cứ nghĩ tới anh em lại ứa nước mắt.

Năm 1992, cả nước ồn ào vụ việc xảy ra ở làng Lạc Nhuế, tỉnh Hà Nam (Nam Hà cũ), khi người dân dưới sự dẫn dắt của một cựu binh đặc công là Trịnh Văn Khải đứng lên chống lại bộ máy cầm quyền tham nhũng bóc lột ở địa phương. Vừa mới có vài vụ phản đối ở tỉnh Thái Bình năm 1991, đảng phải loay hoay mãi mới dẹp được lửa Thái Bình nên nhà cai trị rất sợ cục than hồng Lạc Nhuế cháy lan ra cả nước. Tuy nhiên Hà Nam bị dẹp nhưng Thái Bình vài năm sau lại lan rộng ra mấy huyện, đích thân ông "bí thư thứ 2" Phạm Thế Duyệt phải về tận nơi phủ dụ, trấn an (điều này đã được Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học kể lại rất chi tiết trong báo cáo trình Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Ở Lạc Nhuế, họ huy động cả tiểu đoàn quân đội, công an, cảnh sát cơ động vào trấn áp, vu cho ông Khải nhiều tội tày trời, vội vàng lôi ông ra xử, khép án tử hình, bắn ông. Một lính đặc công vào sinh ra tử không chết bởi tay kẻ thù mà bởi chính những viên đạn của người trước kia được anh ta đổ máu bảo vệ. Điều rất đáng tiếc là ông nhà văn Nguyễn Quang Thiều xớn xa xớn xác vội dựa vào nguồn tư liệu của... công an viết ra cái kịch bản phim "Chuyện làng Nhô" chiếu trên tivi, dù cũng nổi đình đám một thời nhưng bóp méo sự thật, chỉ làm cái loa cho nhà cầm quyền.

Những năm chiến tranh, ở miền Nam, nhất là đô thị, phe quân giải phóng có một lực lượng tinh nhuệ nhưng không gọi là đặc công mà là biệt động. Chuyện về biệt động, sau này để lịch sử phán xét. Suốt mấy chục năm sau 1975, báo chí, truyền thông, văn học, điện ảnh, sân khấu tung hô ca ngợi biệt động, nào đánh tòa đại sứ Mỹ, đánh nhà hàng Mỹ Cảnh, các khách sạn Caraven, Brink, Victory, rạp chiếu phim, khiến quân Mỹ thất điên bát đảo, thiệt hại chết không biết bao nhiêu mà kể. Về sau, nhất là những năm gần đây, dường như thấy có gì ngài ngại, “ca nhau thì lại bằng mười phụ nhau”, việc ca ngợi biệt động dần lắng xuống. Cũng phải thôi, quả mìn hay trái bom đánh vào khách sạn, nhà hàng, rạp chiếu phim… đâu phải nó có mắt chỉ tìm “quân xâm lược Mỹ” mà chừa dân thường, người vô tội ra. Thôi, tôi ngại, chả biên nữa, sắp tới “kỷ niệm 30 tháng 4” rồi.

Nguyễn Thông

*
1 nhận xét:

Chư Thông kể chuyện xem chiếu bóng ở miền Bắc thời đó, thấy tội nghiệp cho tuổi thơ của dân ngoài đó: Trong trường học thì bị tra tấn về chính trị, ngoài xạ hội thì thiếu thốn đủ mọi thứ... dể hy sinh cho tham vọng của một lũ điên! Trong miền nam thì tuổi thơ thật là hồn nhiên, rạp cinema đầy đủ có mấy điều hoà, có rạp chiếu permanent 2 phim...., hãy xem nhứng đoạn phim về miền nam trước 1975 để thấy được sự tự do của người dân chứ không phải bị kềm kẹp bởi "Mỹ Nguỵ" đâu nhé!

------------------------------

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

Những năm chiến tranh, bộ đội đặc công được huấn luyện ở miền Bắc nhưng lại chủ yếu chiến đấu ở miền Nam. Chiến trường miền Bắc chỉ dành cho lính phòng không (cao xạ, tên lửa) và hải quân. Cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt kéo dài ngốn biết bao nhiêu sinh mạng. Lính bộ binh bình thường, được huấn luyện vài tháng ở vùng núi Yên Tử (Quảng Ninh) hoặc Bắc Giang (Hà Bắc)... là được lệnh hành quân vào Nam. Ông anh ruột tôi cũng vậy, tháng 10.1969 nhập ngũ, sau tết ta Kỷ Dậu đã đánh thư nhắn về báo rằng sắp lên đường ra trận. Cả nhà non chục người đèo nhau xe đạp vượt gần 7 chục cây số từ Hải Phòng lên Yên Tử, gặp gỡ trò chuyện được chưa đầy tiếng đồng hồ lại lếch thếch đèo nhau về để anh tôi vào nghỉ ngơi, sáng mai hành quân sớm. Một ông anh họ, ông Ngô Duy Điệng hành quân vào Nam sau 3 tháng tập tành, mới tới Hà Tĩnh đã bị đánh bom và hy sinh. Nhưng đặc công thì khác, luyện tập, rèn giũa, thử thách rất kinh. Thạo sử dụng các loại vũ khí, súng đạn, dao găm, mìn, kìm cắt dây thép gai, hóa trang, bơi lặn, và đặc biệt võ nghệ cao cường. Ấy là tôi được nghe chú Xích cắt tóc kể vậy. Chú vào bộ đội đặc công được mấy năm nhưng bị yếu sức thế nào nên bị trả về. Hình như để có một chiến binh đặc công ra trò, thời gian huấn luyện và sự công phu chỉ kém đào tạo phi công lái Mig 17, Mig 21.

Thời thập niên 60 – 70, những bản tin chiến thắng thỉnh thoảng nhắc đến các trận đánh vào cứ điểm, kho tàng, trại lính của quân đội Mỹ hoặc Sài Gòn, chủ yếu là bằng đánh kiểu đặc công. Kể từ trận đánh căn cứ Núi Thành của quân đội Mỹ năm 1965, danh tiếng bộ đội đặc công ngày càng vang dội. Báo Nhân Dân, rồi đài Tiếng nói Việt Nam nhắc đi nhắc lại trận Núi Thành. Tôi còn nhớ có bài thơ, “Những dũng sĩ đâm lê Núi Thành”, hình như của ông Phạm Hổ (anh trai nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ), được đưa vào sách Trích giảng văn học lớp 10, viết ca ngợi ghê lắm, đại loại “Những dũng sĩ đâm lê Núi Thành/Mắt tìm thù sao bay rực rỡ/Rượt đuổi thù chân như chiến mã/Đâm chết thù sức núi dồn tay”… Thời ấy, thơ văn sắt máu như vậy được tuyên giáo của ông Tố Hữu xếp vào hạng 1, bởi ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tôi đọc nó từ năm 1970, nhớ mãi tới bây giờ. Cũng kinh. Thì còn cái gì cho mình đọc nữa đâu. Rặt một món, ngán cũng phải nuốt.

Để giấu hành tung của đặc công, các bản tin chỉ nói đó là do bộ đội địa phương đánh, mãi về sau, khi không cần giấu nữa thì người ta công khai bộ đội đặc công. Quân Mỹ trận Núi Thành ấy khá đau, chết hơn trăm lính, tinh bị đâm bằng dao găm, lưỡi lê. Quân Bắc Việt không thấy nói thiệt hại bao nhiêu. Mà có thiệt có chết cũng chả thể biết bởi đài báo nhà nước chỉ có nhiệm vụ loan truyền tin chiến thắng. Khẩu hiệu “trăm trận trăm thắng”, “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” dán đầy trên tường thì làm gì có thua. Những trận thua bị giấu biệt. Sau này, bạch hóa lịch sử chiến tranh, nhất là những trận đánh lớn, và khi tiến hành tìm hài cốt liệt sĩ, người ta mới biết quân cách mạng cũng thua quá nhiều. Chỉ riêng đồi A1 thời trận Điện Biên Phủ, bộ đội mất hơn vạn người. Mặt trận Quảng Trị mùa hè 1972, quân giải phóng (chủ yếu là bộ đội Bắc Việt, đông nhất là lính trẻ sinh viên, học sinh lớp 10) hy sinh gần chục ngàn. Chỉ đánh một ngọn đồi Chư Tan Kra ở Tây Nguyên, trung đoàn mũ sắt toàn lính Hà Nội mất hơn 200 người, trận đánh cứ điểm K’Nak cũng ở Tây Nguyên, quân ta hy sinh hơn 400, v.v.. Chiến tranh thật kinh khủng.

Sau đà trận Núi Thành, ở miền Bắc còn được nghe nhiều về những trận đặc công đánh kho xăng Nhà Bè, kho xăng dầu Thành Tuy Hạ, tổng kho Long Thành, cảng Cửa Việt, sân bay Biên Hòa, cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn… Đều lừng lẫy, hiển hách, đài chiến thắng lót bằng máu xương, sự hy sinh của bộ đội đặc công.

Có một dạo, làng Trà Phương (H.Kiến Thụy, Hải Phòng) quê tôi là nơi đóng quân của một đơn vị cực kỳ danh tiếng: Lữ đoàn đặc công nước 126. Lữ đoàn này 2 lần được phong anh hùng, bản thân vị lữ trưởng là ông Mai Năng cũng anh hùng. Ông Năng người cùng huyện tôi, ông ở xã Ngũ Phúc (tôi không nhớ cụ thể thôn nào, Mai Dương, Nghi Dương hay Xuân Dương), nơi có đền Mõ nổi tiếng linh thiêng thờ bà công chúa Quỳnh Trân thời nhà Trần. Đơn vị ông Năng tiếp thu cái trận địa tên lửa Mả Đò, tuy đóng ở đó nhưng bộ đội của ông thường giao lưu với dân làng tôi. Nhiều “bác” đặc công nước đã thành rể làng. Ông Năng còn chỉ đạo đơn vị xây cho xã hẳn một ngôi trường mầm non khang trang bề thế, về sau dân làng quen gọi là trường 126, hoặc trường ông Năng. Các chàng rể làng đôi hồi kể rằng chính họ đã cùng thủ trưởng Năng chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi lặn ngụp đánh tàu ở Cửa Việt (Quảng Trị), nửa đêm bơi tàu đi giải phóng hầu hết các đảo ở Trường Sa để khỏi bị rơi vào tay Trung Quốc. Ở được vài năm, lữ 126 rút về căn cứ địa của họ bên Quảng Ninh, trận địa Mả Đò giờ đây hoang vắng tiêu điều, chỉ còn lại ngôi trường cho trẻ thơ, dấu ấn kỷ niệm của lính ông Năng. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

--------------------------------


Thứ Ba, 16 tháng 4, 2019

Lời ngỏ: Hơn 1 tuần qua, chả biết thế lực hắc ám nào chặn ngang chặn dọc, chặn đường truyền, chặn cả trang blog cá nhân, nên nhà cháu chịu chết, đành cứ đứng ngoài ngõ nhà mình mà không thể vào được.
Hôm nay sực nhớ, sao mình hiền thế, không thử vượt tường lửa coi có vô được không. Và kết quả là đang gõ mấy dòng này.
Thôi thì "giặc phá ta cứ đi", các bậc tiền bối cách mạng từng có nhời như vậy.

Chuyện đặc công

Vừa rồi xảy ra chuyện khá bi hài kịch. Một công ty chuyên đi đòi nợ (công ty Hưng Thịnh này có giấy phép hẳn hoi) cử 5 “chiến sĩ” trông rất đầu gấu từ Sài Gòn mò ra tít tận Đông Triều, Quảng Ninh đòi nợ theo hợp đồng với khách hàng chủ nợ. 5 chàng lực lưỡng to khỏe, có cả chàng “vô tình” xắn cả tay áo lên lộ rõ những hình xăm trông rất đe dọa, hùng hổ tiến vào nhà con nợ. Thằng con chủ nhà bị túm cổ kêu oai oái, bố ơi cứu con. Dũng sĩ đòi nợ liền táng cho nó một nhát nổ đom đóm mắt, cứu này, cứu này. Ông bố tuổi gần 50 nghe tiếng con la thảm thiết liền trong nhà bước ra. Chỉ nháy mắt, 3 dũng sĩ to khỏe nằm đo ván không ngóc dậy được, lạy như tế sao, còn hai dũng sĩ đứng canh cửa vội co ba chân bốn cẳng chạy bán sống bán chết. Nghe tin có vụ đánh người, công an sở tại tới bắt tạm giam “hung thủ” để điều tra. Vụ này, nếu báo chí cứ chịu khó đeo bám, chắc còn nhiều điều hay.

Khoan hãy nói tới các “nạn nhân” hùng hổ, dữ dằn, mà nếu phân đội này vào nhà người khác, có lẽ chủ nhà phải quỳ lạy chúng hoặc khóc hết nước mắt. Sau vụ này, có thể công ty đòi nợ kia sẽ sa thải chiến sĩ của mình bởi ê mặt quá. Điều không may là công ty và đám đi đòi nợ đã gặp phải… em chị Dậu, người phụ nữ nổi tiếng từng tuyên bố “mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem”. Ông em hậu duệ ở vùng than này tên là Đỗ Đức Lân. Chả có gì đáng nói ngoài chuyện ông Lân vốn là cựu đặc công. Chính vì vậy, các tờ báo mừng rú khi biết chi tiết này. Các nhựt trình cả giấy lẫn điện tử đều hớn hở rút tít “Người đo ván nhân viên đòi nợ là cựu đặc công”, “Bắt khẩn cấp cựu đặc công đánh 3 người đòi nợ”, “Cựu đặc công ra tay, 3 người chuyên đòi nợ bị bầm dập”, v.v.. Chẳng phải khen, cũng chẳng ra chê, nhưng cũng như một dạng tuyên dương anh hùng, hì hì.

Phải vậy thôi. Đụng vào đặc công, chỉ từ chết tới bị thương, nói như ông cụ, “điều ấy cũng không có gì lạ”.

Hồi tôi còn bé, thuở đi học trường làng (tất nhiên là miền Bắc, những năm 60), đám trẻ ranh mắt toét thò lò mũi xanh chúng tôi học thì dốt, chỉ đánh dậm là giỏi, đứa nào cũng ao ước nhớn lên được đi bộ đội. Đứa thì mơ làm phi công như chú Trần Hanh, chú Phạm Ngọc Lan, chú Nguyễn Văn Bảy, bay vút trên trời, và thích nhất là được ăn ngon. Thấy bảo các chú ngày nào cũng xơi thịt gà, ăn nhiều chán quá nên cấp dưỡng phải ép ra thành nước cốt gà cho các chú uống. Chẹp chẹp. Đứa mơ làm bộ đội biên phòng, được cỡi ngựa tuần tra biên giới. Đứa ao ước thành bộ đội hải quân mũ có hai cái tua trông đẹp lắm. Chả đứa nào mơ làm bộ đội đặc công bởi không nghe ai nói tới binh chủng này. Mãi sau, cận thập niên 70 mới biết về lực lượng bộ đội mà chú Lân đánh quân đòi nợ từng tham gia.

Thời sinh viên, tôi được đọc một cuốn sách của nhà báo Thành Tín (tức Bùi Tín) viết về lực lượng biệt động Sài Gòn - một nhánh của đặc công, có tên “Dưới bóng tòa đại sứ Mỹ”, hình như trong đó bác Bùi Tín nhắc chuyện cụ Hồ giải thích nghĩa của hai chữ “đặc công”, rằng “đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt...”, đại loại vậy. Thời chiến tranh, do để đảm bảo yếu tố bí mật nên báo chí, đài phát thanh, sách vở của nhà nước ít nói, ít đề cập tới đặc công, chỉ mãi sau 1975 thì đặc công mới trở thành phổ cập trong cả đời sống lẫn văn chương. (còn tiếp)

Nguyễn Thông





No comments: