26/04/2019
Hơn 10 ngày sau khi
có tin ông Nguyễn Phú Trọng nhập viện, chủ tịch Quốc hội Việt Nam và cả người
phát ngôn Bộ Ngoại giao đều xác nhận điều mà mạng xã hội đã nói ngay trong ngày
ông Trọng ngã bệnh hôm 14/4, cũng là ngày ông tròn 75 tuổi.
Báo Thanh Niên loan tin về tình
hình sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng. Photo Báo Thanh Niên
Có điều bất thường
là ngay cả các blogger vốn đã từng viết về sức khoẻ của các lãnh đạo cao cấp
khác, chẳng hạn như bệnh tình cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cũng không cảm
thấy họ cần viết gì về thể trạng của ông Trọng trong hơn một tuần qua. Nếu
không có phong trào dân làm báo trên mạng xã hội, Việt Nam hẳn giống đất nước của
‘thiên bồng nguyên soái’ Bắc Triều Tiên mà ông Trọng đón tiếp rất trọng thị mới
đây trong 10 ngày đầu sau khi ông Trọng ốm.
Bà Nguyễn Thị Kim
Ngân, Chủ tịch Quốc hội hôm 25/4 đã khẳng
định sức khoẻ của ông Trọng “có bị ảnh hưởng” do lịch làm việc dày đặc
trong điều kiện khi thì đi ngoài trời nóng 38 độ lúc lại vào cơ sở đông lạnh.
Nhưng cả bà Ngân và người phát ngôn Bộ Ngoại giao đều không nói cụ thể ông Trọng
ốm thế nào dù nói ông sẽ sớm trở lại làm việc.
Trước đó cũng có thuyết
âm mưu rằng ông Trọng chỉ giả ốm và đây là một phần của kế sách chính trị của
ông lão đốt lò. Tuy nhiên điều này nay đã được chứng minh là vô lý. Ngay kể cả
không có những khẳng định ông Trọng ốm từ các quan chức chính phủ, người ta
cũng có thể phán đoán không có chuyện ông vờ ốm. Nếu thực sự ông giả vờ để bẫy
đối thủ chính trị, hệ thống truyền thông của đảng sẽ được sử dụng cho mục đích
này và họ không bị cấm đưa tin như trong mười ngày đầu. Thời điểm này cũng
không phải là lúc để tổng bí thư kiêm chủ tịch nước giả ốm. Người ta trông đợi
ông có chuyến đi tới Trung Quốc để tham gia hội nghị ‘Vành đai và Con đường’ tại
Bắc Kinh mà cuối cùng Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thay.
Ông Trọng cũng ngã
bệnh vào lúc củi lửa tham nhũng đang cháy to với việc ông Phạm Nhật Vũ, em trai
người giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng, bị cho vào lò vì cáo buộc đưa hối lộ.
Người ta còn đồn đoán rằng đích nhắm tới của ông Trọng là con gái cựu Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng, bà Nguyễn Thanh Phượng.
Câu hỏi đặt ra là
liệu chiếc lò của ông Trọng sẽ ra sao nếu ông không còn có khả năng trông coi
nó như thời gian vừa qua. Liệu một số lớn đảng viên đã bán chính thức tham gia
‘đảng ăn’ khi họ ‘ăn của dân không từ thứ gì’ có tiếp tục bị thanh trừng khi
người chủ trì chống tham nhũng rời chính trường? Đây là câu hỏi mà có lẽ chính
ông Trọng cũng không có câu trả lời. Và việc ông Trọng đổ bệnh vô hình chung đã
là phát súng mở đầu cho cuộc đua vào vị trí tổng bí thư khi Đảng Cộng sản mở đại
hội lần tới trong hai năm.
Chuyện ông Phúc, một
trong những ứng viên mạnh cho vị trí đứng đầu đảng, đi Trung Quốc từ 25-27 và gặp
gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình tạo cho ứng viên này thêm lợi thế bên cạnh những lợi
thế sẵn có. Thâm niên của ông Phúc trong Bộ Chính trị vượt trội hơn các đối thủ
khác và kinh nghiệm điều hành bộ máy hành chính cũng giúp ông trong cuộc đua.
Nhưng nếu kinh nghiệm của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho thấy bất cứ điều gì
thì đó là trở thành người miền nam đầu tiên giữ chức tổng bí thư sẽ không dễ. Một
điều không dễ nữa là ông Phúc cũng sẽ bằng tuổi ông Nguyễn Tấn Dũng vào thời điểm
ông Dũng muốn ở lại làm tổng bí thư, 66 tuổi, vào thời gian diễn ra đại hội tới
vào năm 2021.
Ứng viên nhẹ ký
hơn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong khi đó vừa có cuộc tiếp
xúc cử tri tại Ninh Kiều, Cần Thơ, nơi bà đã có tuyên bố chung chung về chuyện
ông Trọng không được khoẻ. Dù bà là ứng viên không hẳn nổi bật nhưng trong một
cuộc đua mà các ứng viên nặng ký bất phân thắng bại, họ sẽ thà tìm người thoả
hiệp thay vì ủng hộ đối thủ của mình và bà Ngân có thể là một nhân vật như vậy.
Hai ứng viên khác từ
bên đảng và có nhiều khả năng họ sẽ trung thành với công cuộc đốt lò chống tham
nhũng của ông Trọng hơn nếu họ thành công trong cuộc chạy đua.
Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư và cựu Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương là cánh tay
phải của ông Trọng trong việc thanh trừng tham nhũng hiện nay. Nhưng cây bình
luận Nguyễn
Khắc Giang nhận định trong bài viết trên trang The Diplomat rằng ông
Vượng có những điểm bất lợi. Ông chưa từng giữ bất kỳ vị trí quản lý nhân sự
đáng kể nào, dù là bí thư hay chủ tịch tỉnh. Ông Vượng cũng sẽ vượt giới hạn tuổi
65 dành cho những người có thể ở lại bộ chính trị vào năm 2021 mà không cần được
đặc cách như đã từng xảy ra với ông Trọng.
Ứng viên trẻ nhất
trong nhóm bốn người có tiềm năng thay ông Trọng là Trưởng Ban Tổ chức Trung
ương Phạm Minh Chính, một cựu tướng công an. Ông Chính sẽ ở tuổi 62 khi
đại hội 13 diễn ra. Nhân vật này cũng có một số điểm yếu, vẫn theo chuyên gia
phân tích Nguyễn Khắc Giang - đó là ông hiện mới đang có nhiệm kỳ đầu tiên
trong Bộ Chính trị dù có kinh nghiệm cải cách hành chính và đổi mới kinh tế khi
là Bí thư Quảng Ninh, một trong năm địa phương giàu nhất cả nước. Nhưng trong lịch
sử Đảng Cộng sản chưa từng có chuyện một người làm tổ chức đảng và nắm hồ sơ của
mọi đảng viên cao cấp lại lên làm tổng bí thư, ông Giang nhận định.
Cho đến khi cuộc
đua vào vị trí tổng bí thư ngã ngũ, người ta khó có thể khẳng định công cuộc đốt
lò hiện nay sẽ đi về đâu. Cũng không loại trừ chuyện ông Trọng sẽ hồi phục và lại
tiếp tục ở lại thêm nhiệm kỳ nữa. Người ta nói “một tuần đã là quá dài trong
chính trường” nên thật khó đoán những gì sẽ xảy ra trong cả 100 tuần nữa.
No comments:
Post a Comment