Sunday, April 28, 2019

NƯỚC MỸ THÁNG TƯ (Mẹ Nấm - Danlambao)





Tháng Tư, chưa và sẽ không bao giờ là những ngày vui trên đất Mỹ.

Bởi dù muốn hay không người ta cũng phải thừa nhận rằng đến tận hôm nay, vẫn còn rất nhiều người tìm cách chạy thoát khỏi quê hương mình. 

Và đó sẽ luôn là một câu chuyện buồn của Việt Nam.

Đây là một trong những tác phẩm nghệ thuật luôn khiến tôi suy nghĩ mỗi lần có dịp đi ngang tại nước Mỹ.


Bức tượng này được đặt trong khuôn viên một khu chợ Việt Nam.

Tôi không biết người khác nghĩ gì khi mỗi ngày nhìn thấy nó.

Nhưng với tôi, đó là sự đau buồn, sự nghèo khó và cả sự đùm bọc có thể được nhìn thấy qua hình ảnh của một dân tộc.

Người chia sẻ ý nghĩa bức tượng này với tôi là một cựu binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam. Và có lẽ vì tôi đứng loay hoay chụp hình ở nhiều góc độ giữa trời nắng nên ông tiến đến nói chuyện.

Tôi vẫn nhớ ông nói:

- Thực sự rất xin lỗi, chúng tôi rất muốn thay đổi và chúng tôi đã làm hết sức. Thật sự xin lỗi bạn!

Câu chuyện của tháng Tư năm 1975 và hệ luỵ của nó vẫn kéo dài đến tận bây giờ. Nên những người như ông Bob khi nghe câu chuyện Việt Nam hiện tại, về sự bắt bớ, giam cầm những người yêu tự do đã nói lời xin lỗi vì một việc ngoài sức của họ.

Tôi còn nhớ phiên toà sơ thẩm và nụ cười đầy khinh miệt của thẩm phán Trần Hữu Viên khi nhắc đến các bài viết về miền Nam Việt Nam trước năm 1975 của tôi trên Facebook. Đó là một trong những bằng chứng kết tội tôi "tuyên truyền chống nhà nước". Sự căm ghét, sự hận thù, hằn học trong từng câu nói, từng cử chỉ của những người Cộng sản cầm quyền.

Tôi không sống trong thời Việt Nam Cộng Hoà, nhưng cha mẹ và nhiều người lớn tuổi xung quanh tôi gắn bó với nó. Nền tảng xã hội và giáo dục ảnh hưởng qua từng con người mà tôi gặp. Và điều ngạc nhiên nhất đối với tôi là những người trưởng thành, chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất từ chế độ VNCH lại là những người thâm trầm, văn minh và nhân bản hơn rất nhiều người nhận mình “yêu VNCH”.

Ấn tượng về một chế độ đã mất thể hiện qua từng cá nhân, và tôi không loại trừ việc có những người cố tính “nhân danh” để gieo tai tiếng cho lịch sử.

Tôi không biết có bao nhiêu người có cùng chung cảm giác chua xót như tôi khi ngắm nhìn bức tượng mô tả cuộc di tản sau chiến tranh năm 1975 của người dân miền Nam Việt Nam. Nhưng tôi biết, có nhiều người sinh sau năm 1975 như tôi, trăn trở về sự chia cắt, về vai trò công dân của mình.

Tháng Tư, chưa và sẽ không bao giờ là những ngày vui trên đất Mỹ.

Bởi dù muốn hay không người ta cũng phải thừa nhận rằng đến tận hôm nay, vẫn còn rất nhiều người tìm cách chạy thoát khỏi quê hương mình. 

Và đó sẽ luôn là một câu chuyện buồn của Việt Nam.

27.04.2019


---------------------------------

CÙNG CHỦ ĐỀ

.
.







No comments: