David Koh
Mon, 11/21/2011 - 10:37
Trong năm năm qua, Việt Nam đã ve vãn tất cả những trung tâm kinh tế và chính trị lớn trên thế giới, bao gồm những thành viên vĩnh viễn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Vào giữa tháng trước, họ lại có hàng loạt những hoạt động ngoại giao, khi ba nhà lãnh đạo chính trị tối cao đã đến thăm hoặc tiếp đón những vị khách quan trọng. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến thăm Hà Nội, trong khi Chủ tịch Nhà nước Trương Tấn Sang sang thăm viếng Ấn Độ. Những chuyến thăm này tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Úc Julia Gillard vào tháng Ba. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đến thăm Nhật vào tháng này.
Tuy nhiên, chuyến đi được trông đợi nhất là của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sang thăm viếng Trung Quốc vào giữa tháng Mười. Nhưng chuyến đi này cho thấy mọi việc không tốt đẹp mấy giữa hai quốc gia.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng là lần xuất ngoại thứ hai sau khi ông trở thành nhà chính trị tối cao của quốc gia. Vào tháng Năm, những chiếc tàu Hải giám của Trung Quốc đã cắt đứt dây cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam khi nó đang tiến hàng công tác thăm dò dầu mỏ.
Trong chuyến đi của mình, ông Trọng đã gặp gỡ tất cả những nhà chính trị cao cấp Trung Quốc. Điểm sáng của chuyến đi này là một thoả thuận mà hai bên đạt được về việc giải quyết những tranh chấp song phương trên biển Nam Hải.
Cả hai phía đều đã có một số nhượng bộ. Ví dụ đoạn văn đầu trong bản tuyên bố chung đã lặp lại quan điểm của Trung Quốc rằng cả hai bên cần quan tâm đến “bức tranh lớn” – toàn bộ quan hệ song phương, tình hình trong khu vực và truyền thống hữu nghị của hai nước – khi thương lượng về những vấn đề biển Nam Hải.
Về phía mình, Việt Nam cũng đã buộc Trung Quốc viết rõ ràng trên giấy mực việc thảo luận tranh chấp biển song phương với Việt Nam, bao gồm khu vực Vịnh Bắc bộ, dựa theo Luật về Biển 1982, những tuyên bố chủ quyền trong lịch sử, cũng như bản Tuyên bố Hành xử của các bên trong vùng biển Nam Hải. Tuy nhiên, văn bản trên đã không nói rõ liệu những tranh chấp liên quan đến nước thứ ba có cần đến việc thương lượng đa phương hay không (Việt Nam đồng ý việc này trong khi Trung Quốc không đồng ý).
Cả hai nước cũng đã đồng ý tiến hành những hội nghị bán niên cấp cao để thảo luận những vấn đề song phương nóng. Một đường dây nóng sẽ được thiết lập để đối phó với những tình huống khẩn cấp về biển.
Thoả thuận này không có nghĩa là những căng thẳng Việt – Trung sẽ biến mất. Và bản thoả thuận này vẫn cần được thẩm định bằng hành xử thiết thực.
Có lẽ đây cũng là quan điểm của Việt Nam vì Việt Nam đang sốt sắng mời chào những cường quốc lớn, bao gồm những nước có quân bài để chống lại Trung Quốc.
Chuyến đi thăm Ấn Độ của Chủ tịch Sang là một tuyên bố về tầm quan trọng của Ấn Độ đối với những tính toán chiến lược của Việt Nam. Ấn Độ là một cường quốc quan trọng trong khu vực hàng hải phía Tây của Việt Nam và có thể là một đối trọng cho ảnh hưởng của những cường quốc quan trọng khác.
Thành quả quan trọng nhất của chuyến đi là thoả thuận chung nhằm mời Ấn Độ khai thác dầu ở thềm lục địa Việt Nam. Việc này đã gây một cú sốc đối với những nhà bình luận Trung Quốc, họ đã đòi hỏi Ấn Độ phải rút lui ngay lập tức.
Sự thật là những chủ định của Việt Nam và Ấn Độ đã được các quan chức Trung Quốc nhận biết từ bốn năm trước. Trên danh nghĩa, Trung Quốc đã cảnh cáo Ấn Độ rằng việc khoan dầu là bất hợp pháp, nhưng Ấn Độ đã không đếm xỉa đến, với quan điểm là khu vực được khai thác nằm “trong lãnh thổ Việt Nam”. Ấn Độ đã một mỏ khai thác dầu trên vùng biển Nam Hải từ những năm đầu 1990.
Chuyến thăm trọng đại của Thủ tướng Đức đến Hà Nội đã củng cố tình hữu nghị lịch sử giữa hai quốc gia, và cùng lúc cũng đã đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Đức đã nhận hàng trăm nghìn sinh viên và công nhân Việt Nam trong bốn thập niên qua, và hiện nay có 4 nghìn sinh viên Việt Nam đang học tập tại Đức. Ngoài ra còn có hơn 100 nghìn dân Việt nhập cư tại Đức, bao gồm một người Việt thuộc thế hệ thứ hai đã trở thành một bộ trưởng chính phủ. Thương mại song phương với Đức đã đạt đến 6 tỉ Mỹ kim vào năm ngoái – ít hơn so với Hoa Kỳ và Trung Quốc nhưng nhiều hơn so với Ấn Độ.
Điều quan trọng hơn là việc ký kết Hiệp ước Đối tác Chiến lược Việt – Đức sẽ tăng cường mạnh mẽ những giúp đỡ của Đức về học bổng, đào tạo y tá, và những khả năng bảo vệi môi trường và khí hậu của Việt Nam. Đức đã dùng cơ hội này để thông báo rằng sẽ cung cấp quỹ trợ giúp phát triển nước ngoài trị giá 400 triệu Mỹ kim cho Việt Nam vào năm tới.
Thủ tướng Dung, người đón tiếp Tiến sĩ Merkel, đã nói rằng “Hiệp ước đối tác chiến lược sẽ đóng góp vào hoà bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới”. Tuyên bố này có vẻ là một thông điệp ngầm, báo hiệu mong muốn của Việt Nam về việc Đức mở rộng vai trò của mình tại Đông nam Á.
Cuối cùng, chiến lược của Việt Nam bao gồm ba lớp. Phần cốt lõi là quan hệ của nó với những cường quốc quan trọng và cũng là láng giềng của mình. Các quốc gia ASEAN là lớp vỏ thứ hai bao trùm chủ nghĩa khu vực và cộng đồng. Lớp vỏ ngoài cùng là sự tiếp xúc với những cường quốc lớn giúp khoả lấp những khoảng trống của hai lớp kia.
Chiến lược này đã được nghiên cứu cặn kẽ và khác với chiến lực cường quốc lớn mà Việt Nam từng sử dụng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nó là việc thừa nhận vị thế ưu việt có sẵn của Trung Quốc trong khu vực, nhưng nó cũng có đủ biện pháp để bảo đảm rằng sự tôn trọng của Hà Nội đối với Trung Quốc phải được đáp trả.
.
.
.
No comments:
Post a Comment