PBD dịch
Tổng Thống Thein Sein của Miến Điện và Tổng Thống Barack Obama của Hoa Kỳ trong Cuộc Họp Thượng Đỉnh Đông Á tại Nusa Dua, Bali, 19 Tháng Mười Một, 2011. Hình: Reuters/Jason Reed
NUSA DUA, Indonesia (Reuters) – Hôm Thứ Bảy, Miến Điện cam đoan sẽ giải quyết các mối quan tâm được Tổng Thống Hoa Kỳ là Barack Obama nêu ra và đã sơ lược các kế hoạch sâu rộng để tái lập hòa bình với phiến quân sắc tộc, dần dần thả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và nới lỏng các biện pháp kiểm soát tự do ngôn luận.
Nhưng chính phủ nước này, vì sợ một cuộc cách mạng mùa xuân kiểu Mùa Xuân Ả Rập nếu họ thay đổi quá nhanh, đã nhấn mạnh là các biện pháp cải tổ phải được áp dụng từ từ sau gần một nửa thế kỷ bị cô lập và dưới quyền cai trị độc tài vốn vừa chấm dứt hồi Tháng Ba khi quân đội trao quyền cho một quốc hội dân sự đầy dẫy các cựu tướng lãnh trong đó.
Không còn là một nước bơ vơ tại Đông Nam Á nữa, Miến Điện đã được tán thành mạnh mẽ hôm Thứ Sáu khi ông Obama loan báo là Ngoại Trưởng Hillary Clinton sẽ đến thăm quốc gia giàu tài nguyên này nằm cạnh Trung Cộng, và bà Clinton là nhân vật cao cấp nhất của Hoa Kỳ đến thăm nước này kể từ khi có cuộc đảo chính của quân đội vào năm 1962. Obama gọi là “lóe lên vài tia sáng tiến bộ.”
Tin này được đưa ra một ngày sau khi các lãnh tụ Đông Nam Á chấp thuận cho Miến Điện giữ chức chủ tịch khối ASEAN trong vùng vào năm 2014, mở đường cho một vai trò có nhiều ảnh hưởng hơn.
“Chúng tôi đang cố gắng hết sức để chuyển tiếp hiệu quả sang dân chủ”, Ko Ko Hlaing, cố vấn chính trị cho Tổng Thống Thein Sein, cho hãng thông tấn Reuters biết trong một cuộc phỏng vấn kéo dài một tiếng về nhiều vấn đề bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á tại Bali, Indonesia.
Việc ông này trả lời cuộc phỏng vấn là một sự kiện đáng kể. Các phái đoàn của Miến Điện vẫn thường cố ý tránh né giới truyền thông báo chí tại các diễn đàn trong vùng, lặng lẽ ra vào bằng các cửa hậu thính đường. Năm nay, các viên chức dừng lại ở các hành lang để trả lời câu hỏi, đôi khi nở nhanh một nụ cười, xem có vẻ hứng thú về giây phút đó của mình.
Đối với nhiều người Miến Điện như Ko Ko Hlaing thì họ đã chờ đợi giây phút này đã quá lâu rồi.
Viên cựu sĩ quan 55 tuổi này đã từng cầm đầu một toán nghiên cứu của chính quyền. Họ đã nghiên cứu các vấn đề quốc tế, và theo dõi các thay đổi trên thế giới, trước hết là Internet và sau đó đã chứng kiến nền dân chủ bén rễ ở Phi Luật Tân và Indonesia, mà chính nước này là một nước độc tài toàn trị cho đến cuối thập niên 1990.
Sau đó, ông ta đã làm việc trong ngành truyền thanh và truyền hình trước khi đảm nhận vai trò hiện nay là cố vấn trưởng của tổng thống, và ông tự gọi mình là “nhà cải tổ có ý thức” muốn “đem lại các thay đổi mạnh mẽ nhưng có hệ thống và ổn định.”
Tuy nhiên, một số người bảo thủ, muốn Miến Điện thay đổi chậm hơn và một thiểu số rất nhỏ hoàn toàn không muốn thay đổi. Ông nói: “Thật khó thay đổi lối suy nghĩ, nhưng hầu hết mọi người đều chấp nhận là cần phải thay đổi. Con tàu đang rời bến.”
Ông nói rằng các thay đổi sắp tới sẽ trực tiếp giải quyết các mối quan tâm của ông Obama, kể cả việc cải thiện cách đối xử với các dân tộc thiểu số và phóng thích số tù nhân chính trị còn lại.
Các nhà ngoại giao nói rằng phải đáp ứng các điều kiện đó để Hoa Kỳ và Liên Minh Âu Châu (EU) chấm dứt các biện pháp trừng phạt đã cô lập Myanmar và đưa nước này đến gần Trung Cộng hơn. Miến Điện đã bị áp đặt các biện pháp trừng phạt vì vi phạm nhân quyền, gồm cả việc giết hại hàng ngàn người ủng hộ dân chủ.
“CÁC CUỘC BẦU CỬ THỰC SỰ”
Bà Clinton nói với hãng thông tấn FOX News là bà muốn nhìn thấy “một tiến trình chính trị thực sự và các cuộc bầu cử thực sự.” Viên chức Miến Điện này nói rằng sẽ có những chuyện đó. Ông ta cho biết là họ sẽ có thêm tù nhân chính trị được trả tự do sau khi chính quyền xác định số 230 người được trả tự do ngày 12 Tháng Mười đã hội nhập lại vào xã hội và sinh hoạt chính trị êm thắm.
Ông nói: “Nếu mọi việc suôn sẻ thì cho loạt thứ nhì sẽ được trả tự do ngay.”
Thử thách này có thể sắp xảy ra khi Liên Đoàn Quốc Gia Dân Chủ, đảng của bà Aung San Suu Kyi, Người Đoạt Giải Nobel Hòa Bình, ra tranh cử trong các cuộc bầu cử điền khuyết theo dự liệu sẽ được tổ chức vào cuối Tháng Mười Hai. Đảng này đã chấm dứt quyết định tẩy chay hệ thống chính trị của Miến Điện hôm Thứ Sáu bằng cách loan báo họ sẽ ghi danh tham gia các cuộc bầu cử.
Đảng của bà đã thắng cử lớn vào năm 1990 nhưng bị giới quân sự hủy bỏ kết quả bầu cử. Nay thì việc đảng của bà tham gia sẽ đem lại cho các cuộc bầu cử một mức độ đáng tin nào đó và có thể dọn đường để phóng thích thêm tù nhân nếu cuộc bầu cử diễn ra êm thắm.
Suu Kyi, mà chính bà đã không còn bị quản thúc tại gia nữa vào năm 2010, nói rằng còn khoảng 400 người hoạt động vẫn bị cầm tù.
Ông Ko Ko Hlaing nói: “Không có lý do cụ thể nào để phải trì hoãn việc phóng thích các tù nhân chính trị.”
Nhưng ông ta nói rằng các cuộc nổi dậy đòi dân chủ tại các nước Ả Rập đã khiến Miến Điện phải thận trọng mà không thay đổi quá nhanh.
“Như mọi người có thể nhìn thấy tại các nước Ả Rập và cả Syria, tình hình trở nên hỗn loạn phần nào. Ngày cả ở Ai Cập. Có những đám người hỗn tạp. Do đó, giới lãnh đạo của chúng tôi muốn có một tiến trình chuyển tiếp sang dân chủ ổn định và êm thắm,” ông nói tiếp, “Một số tù nhân đã có những hành động khủng bố. Chúng tôi lo ngại về việc này, là họ có thể gây rối.”
Các nhà ngoại giao nói rằng chính quyền có thể sợ các cựu sĩ quan bị bắt vào năm 2004 khi cựu tư lệnh tình báo và thủ tướng Khin Nyunt bị cáo giác tham nhũng và bị thanh trừng, nhưng Ko Ko Hlaing bác bỏ lo ngại này.
Ông nói “ông ta sẽ được đối xử bình đẳng như các tù nhân khác.”
TIẾN TRÌNH HÒA BÌNH VỚI DÂN TỘC THIỂU SỐ
Bà Clinton cho biết một ưu tiên khác của Hoa Kỳ là chấm dứt “các cuộc xung đột kinh khủng với các dân tộc thiểu số.”
Ko Ko Hlaing nói rằng việc đó cũng đang được tiến hành.
Ông này nói rằng chính quyền đang thảo luận với các nhóm thiểu số, kể cả nhóm dân tộc thiểu số Kachin ly khai giao tranh với quân đội trong năm nay sau khi đổ vỡ các cuộc thương thuyết nhằm chấm dứt cuộc chiến đã có từ hồi thập niên 1960 dọc theo biên giới Trung Cộng.
“Tiến trình hòa bình với nhóm Kachin hiện rất chậm. Nhưng chúng tôi đang cố phá vỡ bế tắc và chúng tôi đang tìm những cách khác để đạt được tiến bộ trong tiến trình hòa bình,” và ông nói thêm là chính quyền đang mời những bậc trưởng thượng của nhóm thiểu số Karin tham gia nhưng không muốn quốc tế đứng ra hòa giải.
Một thỏa thuận ngưng bắn vào năm 1994 đã bị đổ vỡ hồi năm ngoái khi chính quyền cố ép tất cả các lực lượng dân tộc thiểu số phải sát nhập vào Lực Lượng Biên Phòng dưới quyền chỉ huy của quân đội.
Quân du kích của Đoàn Quân Độc Lập Kachin nói rằng họ sợ việc sát nhập sẽ làm giảm dần quyền tự trị của họ. Họ có một lực lượng ít nhất là 10.000 quân kinh nghiệm có vũ trang hùng hậu.
Chính quyền cũng bất hòa với Liên Đoàn Dân Tộc Karen (Karen National Union (KNU)) và cánh vũ trang của liên đoàn này là Đoàn Quân Giải Phóng Dân Tộc Karen, vốn đã chống lại chính quyền từ năm 1949 để đòi hỏi thêm quyền tự trị.
KNU, một thời là nhóm thiểu số vũ trang lớn nhất, nay chỉ còn là chiếc bóng mờ của họ trước đây vì đầy dẫy những vụ đào ngũ và chia rẽ. Nhóm này bị một thất bại lớn vào cuối năm 1994 khi một phe Phật Giáo tự xưng là Đoàn Quân Phật Giáo Karen Dân Chủ (Democratic Karen Buddhist Army (DKBA)) nổi dậy chống nhóm đa số theo Công Giáo, tách ra và bỏ sang phía chính quyền. Một phe khác trong đoàn quân DKBA đã chống trả việc bị cưỡng ép sát nhập vào Lực Lượng Biên Phòng.
Ko Ko Hlaing nói rằng chính quyền muốn bình định nhóm Karen và các nhóm dân tộc thiểu số khác bằng các động lực kinh tế chứ không phải bằng bạo lực. Ông nói: “Nếu không có hòa bình và an ninh thì chúng tôi không thể thực hiện được bất cứ dự án phát triển nào trong các khu vực đó. Và nếu các khu vực đó không được phát triển thì cuộc nổi dậy sẽ còn kéo dài. Đây là tình trạng như chuyện gà và trứng và chúng tôi phải đập trứng.”
Ông cho biết là chính quyền đã đạt được tiến bộ với các nhóm thiểu số khác. “Chúng tôi đang thương thuyết với nhóm Wa tại tiểu bang Shan ở miền nam và một số nhóm liên kết với họ, và các cuộc thương thuyết này đang tiến hành.”
Ông nói luật mới về truyền thông báo chí hiện cũng đang được soạn thảo sau nhiều thập niên mà mỗi bài hát, sách, tranh biếm họa và tranh ảnh nghệ thuật nào cũng bị kiểm duyệt hầu loại trừ ý nghĩa chính trị trong đó.
Ông cho biết là “Luật mới về truyền thông báo chí của chúng tôi sẽ phản ảnh quyền tự do ngôn luận được bảo đảm, do đó không bị kiểm duyệt. Nhưng sẽ có các hệ thống theo dõi nào đó. Đây chỉ là kiểm duyệt về văn hóa và tôn giáo còn thì họ có thể tự do bày tỏ quan điểm.”
Hồi Tháng Chín, Miến Điện đã bãi bỏ lệnh cấm các website nổi bật về tin tức, kể cả một số website của những người chỉ trích chính quyền vốn đã bị ngăn chặn khi quân đội đàn áp dữ dội các cuộc phản đối do sư sãi lãnh đạo vào năm 2007. Hồi Tháng Tám, các tờ báo của nhà nước đã dẹp bỏ các tựa đề công kích Tây Phương ở trang sau.
Ông nói: “Chúng tôi phải thay đổi lối suy nghĩ và thái độ của mọi người trong xã hội.”
(Editing by Neil Fullick)
Source: realclearworld
---------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment