Friday, November 25, 2011

VỀ LỜI KÊU GỌI BIỂU TÌNH NGÀY 27-11-2011 TẠI HỒ GƯƠM (V. Trọng Tín)



V. Trọng Tín
Thứ sáu, 25 Tháng 11 2011 12:41

Blog của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện ngày 24/11/2011 đã đăng lời kêu gọi mọi người đi biểu tình vào 09h ngày Chủ nhật 27/11/2011 tại khu vực Hồ Gươm để “ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất và Quốc hội ban hành Luật Biểu tình”.

Theo tinh thần trọng pháp (hiến pháp hiện hành) và quyền tự do thể hiện của công dân trong một xã hội văn minh thì lời kêu gọi biểu tình như trên là một việc hợp pháp và bình thường. Nhưng mục đích của cuộc biểu tình (dự kiến) vào ngày 27/11/2011 tới đây theo như lời kêu gọi lại thể hiện một sự không bình thường so với 11 cuộc biểu tình đã xảy ra mà Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện đã thể hiện một vai trò tích cực trong việc tham gia và tập hợp (điều này không còn là điều bí mật với bất cứ ai quan tâm nữa).

Sự không bình thường này thể hiện ở hai điểm:

Thứ nhất, trong tình hình Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng các hành vi gây hấn đối với ngư dân và lãnh thổ của Việt Nam mà mục đích của cuộc biểu tình sắp tới lại thay đổi từ chống (sự bành trướng của) Trung Quốc sang việc ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ vì đã có đề xuất phải có luật biểu tình (bằng cách giao cho Bộ Công an soạn thảo). Vậy câu hỏi đặt ra rằng hành động đó của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có xứng đáng được biểu dương, khen ngợi hay chỉ là ủng hộ không? Dưới góc độ pháp luật hiện nay thì người dân vẫn hoàn toàn có quyền biểu tình bất cứ khi nào người dân muốn vì Điều 69 của Hiến pháp 1992 đã qui định rõ rằng: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật”. Như vậy, nói về nhu cầu thì chính các cơ quan quản lý của nhà nước (cụ thể là Chính phủ, Thủ tướng, các cơ quan, nhân viên hành pháp) mới là người cần luật biểu tình để công việc quản lý của họ được dễ dàng, hiệu quả mà lại không phạm vào Hiến pháp. Vì vậy việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Công an soạn thảo luật biểu tình chỉ là một hành động bình thường, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu quản lý của Thủ tướng và các cơ quan trực thuộc quyền lãnh đạo Thủ tướng. Do đó hành động đề xuất Luật biểu tình của Thủ tướng không có gì đáng phải biểu dương hay khen ngợi. Chưa kể cho đến nay chưa ai có thể biết chắc nội dung của luật biểu tình do Thủ tướng đề xuất đó sẽ theo hướng khuyến khích hay ngăn chặn quyền biểu tình của người dân (như Hiến pháp đã qui định), nếu không muốn nói là nhiều khả năng luật biểu tình đó sẽ là thủ đoạn nhằm hợp pháp hóa các hành động ngăn cản, trấn áp người biểu tình, thì việc ủng hộ sẽ là một việc hết sức rủi ro và quá vội vã dưới góc độ lợi ích của dân chúng.

Thứ hai, việc chuyển đổi mục đích của biểu tình nếu giả thiết đó là vấn đề chiến thuật để tránh đàn áp của chính quyền thì người tổ chức đã đi một bước thụt lùi lớn về chính trị. Sự thụt lùi này rất nguy hiểm bởi cuộc biểu tình với khẩu hiệu như thế vô hình chung sẽ trở thành một cuộc biểu tình ủng hộ Thủ tướng và Chính phủ, và hệ quả là sẽ không chỉ hoàn toàn không tạo ra được áp lực đòi hỏi tiến bộ, cải cách mà còn tạo ra những nhiễu loạn trong việc đánh giá một thủ tướng, một chính phủ đang xuống dốc về nhân cách (mở đường cho con cái, gia đình, thân hữu lên nắm quyền,…) và yếu kém về khả năng điều hành như hiện nay (đời sống của đại bộ phận dân chúng đang rất khó khăn vì giá lương thực thực phẩm đã tăng gấp đôi trong vòng một năm qua và nhiều vụ việc về thất thoát tài chính của các doanh nghiệp nhà nước đang lộ diện ngày càng lớn,…).

Thiết nghĩ trong giai đoạn hiện nay nhiều hoạt động vì tiến bộ xã hội vẫn còn ở dạng tập dượt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chưa thể hoàn hảo ngay được và khó phân định rõ ràng mọi thứ ngay một lúc. Hoạt động biểu tình cũng thế, nhưng nếu chúng ta không thận trọng thì sẽ rất dễ trở thành vô hiệu quả hoặc nguy hiểm hơn là bị lạc vào hướng ngược lại.

Với những lo lắng trên đây, người viết bài này mong những người khởi xướng lời kêu gọi biểu tình ngày 27/11 tới đây nên xem xét lại (có nên tiếp tục hay cần phải thay đổi mục đích) để tránh lãng phí sức lực, tinh thần của công chúng và tổn hại tới những thành quả (còn khiêm tốn) mà quí vị và nhiều người khác đã cùng xây dựng lên trong thời gian qua.

V.Trọng Tín
Ngày 25/11/2011
----------------------------------------



.
.
.

No comments: