Saturday, November 19, 2011

VẤN ĐỀ CHAMPA TRỞ LẠI TRÊN BÀN HỘI NGHỊ QUỐC TẾ (BBT Champaka)



BBT Champaka
Ngày 19/11/2011
http://www.champaka.org/cgi-bin/viewitem.pl?541&tintuckhoahoc

Ngày 9 và 10 tháng 11 năm 2011 đánh dấu sự ra đời của Hội Thảo Quốc Tế Về Bia Ký Ðông Nam Á do Viện Viễn Ðông Pháp và Hội Khảo Cổ Học Mã Lai tổ chức tại Kuala Lumpur. Hội thảo này tập trung 18 nhà nghiên cứu khoa học chuyên về bia ký của những quốc gia đã chịu ảnh hưởng Ấn Giáo trong đó có vương quốc Champa.

Hai chủ đề liên quan đến Champa mà các đại biểu của hội thảo đã đưa ra bàn luận, đó là:

1). Champa không theo Hồi Giáo vào thế kỷ thứ 11
Dựa vào bản dập của hai tấm bia Á Rập viết vào năm 1039 do Ðô Ðốc người Pháp gởi sang Paris, ông P. Ravaisse viết bài nghiên cứu vào năm 1922 cho rằng hai tấm bia Hồi Giáo này phát xuất từ miền nam Champa mặc dù ông ta không biết tấm bia này hiện nằm tại đâu. Kể từ đó ông ta đưa ra kết luận Champa là vương quốc đã theo đạo Hồi kể từ thế kỷ thứ XI.

Năm 1979, Ts. P. Y. Manguin đưa ra một giả thuyết mới nhằm phản đối quan điểm của P. Ravaisse và cho rằng hai bia Á Rập này không xuất phát từ vương quốc Champa, mà xuất phát từ một quốc gia nào đó mà thôi.

Sau 30 năm im lặng, vấn đề nguồn gốc của hai tấm bia Á Rập lại tái diễn trên bàn hội nghị quốc tế về bia ký Ðông Nam Á được tổ chức tại Kuala Lumpur vào ngày 9 và 10-11-2011. Dựa vào nội dung và phong văn của tấm bia, Gs. Ludvik Kalus (Ðại Học Sorbonne, Paris) khẳng định rằng hai tấm bia Á Rập vừa nêu ra không xuất phát từ vương quốc Champa mà từ thị trấn Kairouan của Tunisia, một quốc gia nằm ở Trung Ðông. Kể từ đó, đa số đại biểu của hội thảo đưa ra kết luận rằng thế kỷ thứ XI không còn là yếu tố nhằm đánh dấu cho sự hiện diện của đạo Hồi tại vương quốc Champa nữa.

Hội Thảo Bia Ký. Pgs. Ts. Po Dharma, hình đầu bên phải

Cũng theo Gs. Ludvik Kalus, nếu người Á Rập đã có mặt tại Champa vào thế kỷ thứ XI đi nữa, thì đây không phải là biến cố đáng ngạc nhiên cho lắm. Vì một số tư liệu lịch sử đã nhắc đến sự hiện hữu của Hồi Giáo tại miền nam Trung Hoa kể từ thế kỷ thứ VIII. Champa là vương quốc nằm trên bờ biển Nam Hải. Chính vì thế, thương thuyền Á Rập không thể nào di chuyển từ Ấn Ðộ Dương đến miền nam Trung Hoa mà không ghé bến Champa để tiếp tế lương thực và nước uống. Sự hiện diện của người Á Rập trên bờ biển Champa vì vấn đề thương mại không thể cấu thành yếu tố để đưa ra kết luận rằng vương quốc Champa đã theo Hồi Giáo vào thế kỷ thứ 11, trong khi đó nhiều tư liệu lịch sử đã chứng minh sự du nhập Hồi Giáo vào Champa và khu vực Ðông Nam Á chỉ xảy ra sau thế kỷ thứ 16 mà thôi.

2). Vấn đề bảo tồn di sản bia ký Champa
Vấn đề bảo tồn di sản bia ký Champa cũng là đề tài được đưa ra bàn thảo trong hai ngày hội nghị tại Kuala Lumpur. Nhân dịp này, Gs. Arlo Griffiths (Viện Viễn Ðông Pháp) đã đứng ra trình bày dự án bảo tồn bia ký Champa nằm ở miền trung Việt Nam. Mục tiêu của dự án là tái thiết lại danh sách những bia ký Champa đã tìm thấy từ thời Pháp thuộc cho đến hôm nay và tóm tắt nội dung của tấm bia này một cách chi tiết và khoa học. Ðây là công trình nghiên cứu đồ sộ và hữu ích nhằm bảo quản di sản lịch sử vô giá của vương quốc này.

Bia ký Champa là tư liệu viết bằng chữ Chăm cổ, có nguồn gốc phát xuất từ nét chữ Devanagari của Ấn Ðộ, chứ không phải là bia ký viết bằng chữ Phạn như người ta thường hiểu lầm. Chính vì thế, người Ấn không thể đọc được bia đá Champa.

Bia ký Champa chia làm hai loại.
Loại thứ nhất gọi là bia Phạn ngữ, tức là tấm bia dùng chữ viết Chăm cổ để diễn đạt ngôn ngữ Phạn. Chẳng hạn một đoạn trên bia Phạn ngữ của đền Mỹ Sơn như dưới đây:
Etavata yena varanujena Campapo dipayad eva srstya trailokyam indur gguruneva dhamna laksmyapa sa Sri yuvaraja
Vì là Phạn ngữ, nên người Chăm hôm nay không hiểu một cụm từ nào trong thí dụ vừa nêu.

Loại thứ hai là bia Chăm cổ, tức là tấm bia dùng chữ viết Chăm cổ để diễn đạt ngôn ngữ Chăm mà dân tộc Chăm đang sử dụng hôm nay. Ðây là bia Chăm ngữ của tháp Po Kloang Garai (Pharang) liên quan đến cuộc vùng dậy của người Chăm Parang chống lại triều đình Champa vào năm 872 lịch Saka, tức là 950 dương lịch:

navvan urang nagara Panrang nei kintu du nhuv dusta papakarmma nirvviveka sadakala adhama di ya dom pu po tana raya ya na raja di nagara Campa lumik n[ei] marai na vai ka tal raja yang po ku Paramesvaravarmadeva
Tạm dịch: Bởi vì người xứ Parang này hư hỏng, hung ác, điên rồ luôn luôn nổi loạn chống đối với bao nhiêu nhà lãnh đạo của vương quốc Champa này. [Cuộc nổi loạn này cũng] xảy ra dưới thời vua Paramesvaravarmadeva

Gs. Arlo Griffiths là chuyên gia về Phạn ngữ, đặc trách đề tài bia ký tại Indonesia, nhưng không phải là người chuyên về ngôn ngữ và chữ viết Chăm. Chính vì thế, ông ta phải mời bà Ts. Amandine Lepoutre và Pgs. Ts. Thành Phần tham gia trong chương trình để đọc và dịch những bia ký Chăm cổ.

Dựa vào lời tường trình này, đa số đại biểu trong hội thảo đưa ra câu nghi vấn có chăng chương trình của Gs. Arlo Griffiths chỉ là dự án mang tính cách lý thuyết chứ không phải là công trình khoa học nghiêm túc. Vì rằng bà Ts. Amandine Lepoutre là sinh viên Pháp vừa mới ra trường, không biết nói tiếng Chăm và cũng chưa biết đọc chữ Chăm trong khi đó Pgs. Ts. Thành Phần là chuyên gia nghiên cứu về Akhar Thah chứ không phải chữ Chăm cổ viết trên bia đá, thế thì làm sao hai người này có thể giúp ông Gs. Arlo Griffiths để dịch bia ký Champa viết bằng tiếng Chăm cổ. Ðây là một câu điển hình viết trong bia Chăm cổ:
“rumang jumvuv patruh tal rilvai ka siam”
Gs. Arlo Griffiths cho rằng câu này có nghĩa “từ Jumvuv cho đến phần cuối”.

Một người Chăm dù thông thạo tiếng Chăm đi nữa cũng không hiểu câu này nói gì, thế thì làm sao mà Ts. Amandine Lepoutre và Pgs. Ts. Thành Phần hiểu nổi. Chính đó là vấn đề mà hội thảo đã chất vấn Gs. Arlo Griffiths về phong cách làm việc thiếu khoa học của ông ta.

Ðể trả lời cho những thắc mắc này, Pgs. Ts. Po Dharma nhấn mạnh rằng Ts. Thành Phần là nhà nghiên cứu Chăm rất nghiêm túc, không bao giờ đứng ra dịch bia đá Champa mà ông không phải là người chuyên môn. Có chăng Gs. Arlo Griffiths không hiểu tiếng Chăm cổ để rồi đổ tội cho Ts. Thành Phần!



Các tin khác:

.
.
.

No comments: