Thụy My
mercredi 9 novembre 2011
Các quốc gia láng giềng của Trung Quốc rất lo sợ trước thái độ của Bắc Kinh. Một số nước như Việt Nam đã tiến gần về phía Hoa Kỳ… Và thế là Trung Quốc phải đối mặt trước bấy nhiêu quốc gia cùng đồng lòng chống lại mình. Đó là cơn ác mộng tệ hại nhất của nước này. Bắc Kinh đã quá tự phụ !
(LND : Xin phép được giới thiệu bài phỏng vấn giáo sư Christopher R.Hughes bằng tiếng Pháp mang tựa đề « Về một sự chuyển hướng mới tại Đông Á » được đăng trên số chuyên đề « Một thế kỷ Trung Hoa » do báo Le Monde vừa phát hành. Giáo sư Christopher R.Hughes đang giảng dạy tại London School of Economics and Political Science, đã từng điều hành Trung tâm Nghiên cứu châu Á của trường từ 2002 đến 2005. Đây là trường đại học danh tiếng ở Anh, trong số các cựu sinh viên và giáo sư của trường đã có đến 16 người đoạt giải Nobel, 35 người trở thành nguyên thủ quốc gia).
Le Monde : Liệu Trung Quốc có một « chiến lược tầm cỡ » đối với phần còn lại của thế giới hay không ?
Christopher R. Hughes : Nhiều người cho rằng Trung Quốc không có « chiến lược tầm cỡ » nào, và tôi luôn ngạc nhiên vì họ lại nghĩ thế. Chắc chắn là Trung Quốc có tầm nhìn dài hạn, và đảng Cộng sản nước này luôn có tư duy chiến lược. Các nhà lãnh đạo trình bày tư duy chiến lược của họ vào mỗi dịp đại hội đảng. Hồ Cẩm Đào đã làm như thế trước đại hội đảng lần thứ 17, vào năm 2007.
Có ba mục tiêu được nêu rõ. Trước hết là vấn đề phát triển kinh tế Trung Quốc, vốn được quan tâm nhiều nhất. Thứ hai là vấn đề thống nhất quốc gia, có liên quan đến Đài Loan. Thứ ba là chống lại bá quyền, từ chối một thế giới đơn cực – trước kia là sự bành trướng của Liên Xô, còn bây giờ là Hoa Kỳ. Cũng là điều thú vị khi các mục tiêu này không hề thay đổi từ nhiều năm qua, trong khi vẫn thích ứng với những biến đổi trên thế giới.
Trong thập niên 80, Trung Quốc còn rất nghèo, nên khuyến khích đầu tư nội địa. Ngày nay thì ngược lại. Kể từ thập niên 90 và với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh cho đến nỗi chưa bao giờ mối quan hệ với thế giới bên ngoài lại chặt chẽ đến thế. Các liên hệ này làm nảy sinh ra các vấn đề khác về chính sách ngoại giao : chính sách cung ứng nguyên vật liệu, chính sách đối với châu Phi, các vấn đề an ninh…
Le Monde : Việc gia nhập WTO vào năm 2001 có nằm trong chiến lược này không ?
Christopher R. Hughes : Đây là một giai đoạn hết sức quan trọng, đánh dấu quá trình toàn cầu hóa của Trung Quốc. Từ khi trở thành thành viên WTO, Trung Quốc đã chuyển đổi từ một nền kinh tế công nghiệp nhẹ thành một nền kinh tế công nghiệp nặng. Đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào, và Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới. Tiêu thụ năng lượng ngay lập tức tăng cao, và ngay từ năm 2003, Bắc Kinh bắt đầu gặp vấn đề về nguồn cung năng lượng. Cũng trong giai đoạn này mà các công ty quốc doanh trong lãnh vực năng lượng đạt được quyền lực về chính trị.
Cộng đồng kinh doanh quốc tế thực sự tỉnh thức vào lúc này, vì trước đó họ chưa nhìn ra được các cơ hội làm ăn ở Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã thảo ra chiến lược « lối ra của Trung Quốc » ngay trước khi gia nhập WTO. Họ biết rằng tiền bạc sẽ tràn ngập, sẽ phải xuất khẩu rất nhiều và đầu tư ra nước ngoài.
Le Monde : Theo lý thuyết của nhà chính trị học Mỹ John Mearsheimer, thì quốc gia mạnh nhất trong khu vực trước hết phải tìm cách thống trị khu vực, rồi mới tìm cách thống trị toàn bộ hệ thống quốc tế. Đây có phải là điều mà Trung Quốc đang làm ?
Christopher R. Hughes : Đối với Mearsheimer, các Nhà nước không thực sự có chọn lựa, hệ thống quốc tế thúc đẩy họ phải làm như thế. Càng hùng cường hơn thì thì người ta càng phải bảo đảm lợi ích và vòng xoáy ảnh hưởng, dẫn đến những cuộc xung đột không thể tránh khỏi với các cường quốc khác.
Điều này khá đúng, vì nhà cầm quyền Trung Quốc không muốn xung đột, nhất là đối với Hoa Kỳ. Đặng Tiểu Bình đã hoàn chỉnh chiến lược « tranh thủ thời gian và che giấu năng lực », vẫn đang được áp dụng.
Nhưng, như Mearsheimer đã nói, không phải lúc nào bạn cũng là người quyết định dấn thân vào xung đột. Trung Quốc cảm thấy yếu thế về nguồn cung năng lượng, do vấn đề eo biển Malacca, nên phải củng cố quốc phòng ở đây. Thế nhưng việc bảo vệ một nước này có thể cấu thành mối hăm dọa đối với một nước khác. Khi Mỹ, Nhật hay các nước ASEAN thấy Trung Quốc tăng cường năng lực quốc phòng, họ cảm thấy bị đe dọa. Vì thế dẫn đến tình trạng « tiến thoái lưỡng nan về an ninh » cổ điển, mỗi nước đều lo củng cố sức mạnh quốc phòng của mình.
Le Monde : Có thể định ra một mốc thời gian cho sự chuyển biến này không ?
Christopher R. Hughes : Cho đến năm 2008, Trung Quốc vẫn theo một chính sách ngoại giao « mềm » mà không tạo ra kẻ thù, và họ đã xoay sở rất giỏi. Nhưng năm 2008 đã làm thay đổi tất cả. Một sự xoay chiều về tâm lý đã diễn ra ở Bắc Kinh, và rất khó duy trì chính sách thực dụng, không đối kháng trên đây. Tại sao lại là năm 2008 ? Có một loạt các sự kiện đã xảy ra.
Vào tháng Ba diễn ra cuộc bầu cử tại Đài Loan, rồi đến cuộc nổi dậy ở Tây Tạng, tiếp theo là sự căng thẳng xung quanh Thế vận hội Bắc Kinh, hành trình rước đuốc Olympic (đã bị phản đối dữ dội tại nhiều nước), làm xuất hiện một thế hệ thanh niên Trung Quốc phẫn nộ. Các thanh niên này chưa hề biết đến vụ thảm sát Thiên An Môn. Họ thấy đất nước họ đang cất cánh, người ta làm cho họ mơ một giấc mơ đại cường, Thế vận hội Bắc Kinh sẽ khiến Trung Quốc trở thành trung tâm của thế giới…Rồi bỗng nhiên lại bùng nổ phong trào chống đối Thế vận này tại nhiều nước. Lần đầu tiên, dọc theo lộ trình ngọn lửa Olympic, người ta thấy các thanh niên Trung Quốc sống ở nước ngoài đấu tranh ủng hộ Bắc Kinh. Bên cạnh đó là trận động đất ở Tứ Xuyên và các phát hiện về những trường học xây dựng ẩu, rồi vụ sữa nhiễm melamine khiến nạn tham nhũng bị lôi ra ánh sáng. Tất cả được lan rộng trên internet - và đây lại là một nhân tố khác.
Các sự kiện của năm 2008, được tô đậm thêm bằng cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, dẫn đến một tình hình khác thường. Các lãnh đạo Trung Quốc vốn được xem là đại diện của quốc gia, bảo vệ quyền lợi dân tộc, bỗng bị mất thể diện khi tỏ ra bất lực trong việc bảo vệ trẻ em, trước một thế hệ đang rất cao vọng và tự hào.
Vì vậy mà những tiếng nói của giới quân sự và những người theo chủ nghĩa dân tộc bèn nổi lên : tại sao phải chịu nhục ? Tại sao lại đem tiền đi cho người Mỹ, thay vì đi mua 200 chiếc hàng không mẫu hạm ? Tại sao không thay đổi lãnh đạo ?
Bỗng chốc, do đảng chưa bao giờ dùng đến con đường chuyển đổi theo hướng dân chủ, nên cách duy nhất là lắng tai nghe các tiếng nói cứng rắn ấy. Đây có thể là cách giải thích cho thái độ kiên quyết đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trước Tokyo, hay tại Biển Đông.
Le Monde : Từ lúc đó, Trung Quốc khẳng định mình nhiều hơn trên trường quốc tế ?
Christopher R. Hughes : Với cuộc khủng hoảng tài chính, Trung Quốc đã nhập cuộc nhiều hơn trong các hồ sơ quan trọng về tài chính và tiền tệ. Chẳng hạn như việc thay đổi tỉ lệ đồng đô ra trong rổ ngoại hối dự trữ, đưa ra nhiều yêu sách hơn trong hệ thống kinh tế quốc tế, hội nhập vào nhóm các nền kinh tế mới nổi BRIC. Rồi đến cuộc đối đầu trong thương lượng về môi trường ở Copenhague vào tháng 12/2009, thái độ khinh thường ông Obama…Tất cả nhằm gởi đi một thông điệp : « Đừng có đánh giá thấp chúng tôi ! ».
Le Monde : Thông điệp này liệu đã được tăng cường thêm bằng việc sử dụng đến quyền lực mềm ?
Christopher R. Hughes : Mục tiêu của việc thành lập các Viện Khổng tử và trải rộng mạng lưới truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài, là nhằm cải thiện hình ảnh của Bắc Kinh, phá vỡ sự độc quyền phương Tây về truyền thông đại chúng. Người Trung Quốc rất sốc trước việc thể hiện vấn đề Tây Tạng ; xử lý vấn đề nhân quyền của báo chí phương Tây, và muốn đưa ra phiên bản của mình.
Bắc Kinh không muốn bị xem như một mối đe dọa, muốn thay đổi cách nhìn của người ngoại quốc đối với Trung Quốc. Nay thì trong các hội nghị quốc tế về nhân quyền, ở những nơi mà chúng tôi có bốn đại biểu, thì Trung Quốc gởi đến những ba chục người, và họ được đào tạo chu đáo.
Le Monde : Trọng lượng của phe dân tộc chủ nghĩa trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc như thế nào ?
Christopher R. Hughes : Đây là một nhân tố quan trọng, tuy người ta thường có xu hướng coi nhẹ. Trong số ba mục tiêu của đảng đã nêu ở trên, có một mục tiêu là về kinh tế, hai mục tiêu còn lại đều mang tính dân tộc chủ nghĩa. Vấn đề này chạm đến trái tim của người dân Trung Quốc, được khuyến khích bởi lịch sử và cung cách giáo dục về lịch sử như thế này : « Bổn phận thiêng liêng của chúng ta là thống nhất đất nước, và chúng ta có quan hệ đối kháng với bá quyền phương Tây ». Đảng lợi dụng điều này để củng cố tính chính đáng của mình, bên cạnh công cuộc phát triển kinh tế.
Năm 1989, sau phong trào phản kháng Thiên An Môn vốn diễn ra trên cái nền cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề ở Trung Quốc, đảng đã theo định hướng nặng tính dân tộc chủ nghĩa. Người ta đã dựng dậy Khổng Tử, tái thúc đẩy việc giáo dục lòng ái quốc. Các thành công về kinh tế hiện nay sẽ tăng cường hay làm giảm bớt chủ nghĩa dân tộc? Theo tôi, thì sẽ tăng cường, vì các thành tựu to lớn mà người Trung Quốc đạt được, khiến họ đặc biệt là giới trẻ, xem nước mình là một đại cường.
Le Monde : Trung Quốc được coi như một cường quốc chủ trương giữ nguyên trạng, hơn là muốn thay đổi thế giới. Ông nghĩ sao ?
Christopher R. Hughes : Việc đòi lấy lại quần đảo Senkaku từ tay Nhật Bản phải chăng là nguyên trạng ? Ý định thống nhất với Đài Loan cũng là nguyên trạng chăng ? Còn việc muốn kiểm soát Biển Đông thì sao ?
Nếu Bắc Kinh muốn duy trì nguyên trạng trên cơ sở một sự cân bằng quyền lực, nghĩa là một dạng địa chính trị hồi thế kỷ 19, thì chắc là sẽ có, và khuynh hướng hiện nay là đang có một sự chuyển hướng mới ở Đông Á. Hoặc liệu Bắc Kinh có chịu chấp nhận thực tế là thế giới từ Đệ nhị Thế chiến đến nay đã thay đổi, rằng có những phương cách để chia sẻ vấn đề chủ quyền lãnh thổ, rằng có những mối quan ngại chính đáng về nhân quyền, về các quy tắc quốc tế và vấn đề an ninh ? Trung Quốc phải đuổi kịp với thế giới như nó đang hiện hữu, chứ không phải là cái thế giới của thế kỷ 19.
Le Monde : Thế nào là sự chuyển hướng mới ở Đông Á?
Christopher R. Hughes : Từ năm 2008, Trung Quốc đã quấy nhiễu các nước láng giềng rất nhiều, qua các hành động gây áp lực lên Nhật Bản, Việt Nam, và cũng vì chính sách đối với Bắc Triều Tiên nữa. Kết quả là liên minh Nhật – Mỹ đang yếu đi, bỗng được củng cố. Ngay cả Nhật Bản và Hàn Quốc vốn ghét nhau, nay cũng đề cập đến việc tập trận quân sự chung. Việt Nam thì tiến gần về phía Hoa Kỳ và khuyến khích Mỹ nên tích cực hơn tại Biển Đông. Ấn Độ và các nước ASEAN cũng rất lo sợ trước thái độ của Bắc Kinh.
Một lần nữa, Hoa Kỳ lại được mời gọi tại một khu vực mà ông George W. Bush do quá bận rộn ở Trung Đông, đã bỏ rơi, mở ra cánh cửa cho Trung Quốc bước vào. Cùng với ông Obama, bà Hillary Clinton đã coi việc quay lại vùng Viễn Đông trên lãnh vực ngoại giao và quân sự, là một trong những ưu tiên của Mỹ. Và thế là Trung Quốc phải đối mặt trước bấy nhiêu quốc gia cùng đồng lòng chống lại mình. Đó là cơn ác mộng tệ hại nhất của nước này. Bắc Kinh đã quá tự phụ !
Le Monde : Quan hệ Mỹ - Trung liệu có thể kế tục quan hệ Mỹ - Liên Xô trước đây, như là trụ cột của hệ thống quốc tế ?
Christopher R. Hughes : Liên Xô ít linh hoạt hơn nhiều, nặng về ý thức hệ hơn Trung Quốc nhiều. Tôi không nghĩ là sẽ có một cuộc chiến tranh lạnh trực diện giữa hai cường quốc quân sự là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Có các tình thế bị quan hệ kinh tế làm ảnh hưởng, và đã từng xảy ra qua cuộc khủng hoảng tài chính do mất cân bằng thương mại giữa hai nước. Nhưng Washington và Bắc Kinh đã thiết lập một cơ chế đối thoại.
Câu hỏi đúng ra là : phần còn lại của thế giới sẽ xoay sở thế nào ? Ngay cả Liên hiệp châu Âu cũng chưa có ý kiến gì, mà châu Âu vốn là người phải trả giá đắt cho việc mất thăng bằng cán cân thương mại Trung – Mỹ, vì đô la xuống giá và đồng euro lên giá. Liên hiệp châu Âu cần phải đi những nước cờ năng động hơn, nhưng đương nhiên, vì châu Âu là châu Âu, nên đã không làm thế.
Như vậy chúng ta đã có một thế giới lưỡng cực, nhưng tôi không cho là lưỡng cực này lại trải rộng ra địa hạt quân sự. Nhất là vì Trung Quốc có rất ít bạn hữu, ngoài Bắc Triều Tiên ra, trong khi Liên Xô cũ có rất nhiều đồng minh trên khắp thế giới. Vì vậy mà Bắc Kinh phải sử dụng quyền lực mềm. Các quốc gia đang ve vãn sức mạnh kinh tế khổng lồ của Trung Quốc vẫn hướng về Hoa Kỳ để được bảo đảm trong vấn đề an ninh.
.
.
.
No comments:
Post a Comment