Friday, November 11, 2011

ĐỐI TÁC KINH TẾ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA)



Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2011-11-09

Hơn hai năm qua, chín quốc gia Thái bình dương đã có chín phiên họp để xây dựng một hệ thống đối tác chiến lược về kinh tế xuyên qua biển Thái bình.

Bảng minh họa 21 nước thành viên APEC trước Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo hàng năm ở Hawaii vào hai ngày 12-13 tháng 11 năm 2011.   AFP

Kỳ họp sau cùng là cuối Tháng 10 vừa qua, tại thành phố Lima của Peru tại Nam Mỹ châu, với tiêu chí là đạt thỏa thuận cơ bản trước Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương vào hai ngày 12-13 Tháng 11. Đây là nỗ lực ráo riết và to tát để lập ra một vòng cung chiến lược gọi là "Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương" Trans-Pacific Partnerhip nối liền các nước như Hoa Kỳ với Chile, Peru, New Zealand, và Singapore với Việt Nam. Chúng tôi có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, tư vấn của đài Á châu Tự do về hồ sơ này.

Sức nặng Hoa Kỳ

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Bên cạnh Thượng đỉnh APEC của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái bình dương sẽ họp cuối tuần này tại Hawaii dưới sự chủ tọa của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, người ta chú ý đến dự án thành hình một hệ thống đối tác chiến lược về kinh tế, gọi là "Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương". Thưa ông, hệ thống đối tác ấy là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đó là "Trans-Pacific Strategic Economic Partnership", viết tắt là TPP, một dự án hội nhập kinh tế gần như toàn diện giữa một số quốc gia trên vành cung Thái bình dương, từ Đông Á qua Mỹ châu. Việt Nam và Hoa Kỳ nằm trong số các quốc gia này.
Khởi đầu, đó là sáng kiến từ năm 2002 của ba nước Chile, New Zealand và Singapore, được xứ Brunei lập tức hưởng ứng. Sau nhiều năm thương thảo thì năm 2006 họ lập ra một khối mậu dịch với việc xoá bỏ 90% hàng rào quan thuế trong luồng giao dịch với nhau và giao hẹn là đến năm 2015 thì có chế độ thương mại không còn rào cản về trao đổi giữa các nước. Mục đích là qua buôn bán tự do sẽ phát triển kinh tế quốc dân cho cả khối. Khi ấy, bốn nước sáng lập này, gọi là nhóm P-4, cũng dự trù mở cửa đón nhận các quốc gia khác.
Rồi đầu năm 2008, Hoa Kỳ ngỏ ý muốn tham dự và lập tức tiến hành thương thuyết. Cuối năm đó, bốn nước là Australia hay Úc, Việt Nam và Peru rồi Malaysia cũng xin tham dự và nhiều xứ khác đã gửi quan sát viên tìm hiểu với ý muốn sẽ nhập cuộc, đó là Canada, Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn, Philippines.... Danh xưng "Đối tác Chiến lược về Kinh tế" xuất hiện từ đó.

Vũ Hoàng: Tức là Mỹ nhập cuộc về sau chứ không là quốc gia xướng xuất?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Vâng, sau khi nhậm chức Tổng thống vào đầu năm 2009, và ngược với nỗi lo của các nước về xu hướng bảo hộ mậu dịch trong đảng Dân Chủ, ông Obama vẫn muốn đẩy mạnh việc hợp tác. Tại Thượng đỉnh của diễn đàn APEC năm ngoái ở bên Nhật, ông đề nghị nhiều bước đột phá để sẽ thúc đẩy và mở rộng sáng kiến tại Thượng đỉnh năm nay. Cho đến nay, chín nước kể trên là Chile, New Zealand, Singapore, Brunei, Mỹ, Úc, Việt Nam, Peru và Malaysia đã có chín kỳ họp luân phiên về kỹ thuật của hồ sơ này tại nhiều nơi, kể cả tại Việt Nam vào Tháng Sáu vừa qua.

Vũ Hoàng: Thưa ông, với trọng lượng kinh tế và một thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, khi gia nhập vào một vòng đàm phán đa phương như vậy, tất nhiên Hoa Kỳ đã có ảnh hưởng sâu xa và mở rộng hơn sáng kiến ban đầu. Có phải như vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng như thế, vì sức nặng của mình, Hoa Kỳ tham dự vào chuyện gì thì chuyện đó trở thành chiến lược!
Về chiều sâu, Hoa Kỳ đưa ra nhiều đề nghị và tiêu chuẩn tự do hoá luồng trao đổi, hai thí dụ nổi bật là mở rộng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hạn chế vai trò doanh nghiệp nhà nước, vốn là hiện tượng khá đặc thù của một số nền kinh tế như Việt Nam. Về chiều rộng, là phạm vi áp dụng trong khu vực Á châu Thái bình dương, Hoa Kỳ cũng kêu gọi nhiều nước khác tham gia, kể cả Nhật Bản và Nam Hàn là hai nền kinh tế lớn ở Đông Á. Về thể thức, qua vòng đàm phán kỹ thuật, các "thực thể liên hệ" như doanh nghiệp hay chính quyền địa phương được mời góp ý, quan sát, và kết quả được lần lượt thông báo ra ngoài để những ai có quyền lợi liên hệ được biết rõ về hậu quả hay sự lợi hại từ bản hiệp định sẽ ký kết sau này.

Trường hợp Trung Quốc

Vũ Hoàng: Chúng ta không quên rằng Hoa Kỳ buôn bán nhiều nhất với hai quốc gia láng giềng là Canada và Mexico, đều là những nước Thái bình dương. Nếu kết hợp thêm Nhật và Nam Hàn thì nhóm đối tác kinh tế chiến lược này sẽ có trọng lượng thực tế rất cao và mở ra nhiều cơ hội giao thương cho các nước.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy, Hoa Kỳ đã sẵn có những hiệp định tự do mậu dịch với một số quốc gia, gần đây nhất là Nam Hàn, nên việc đàm phán rất có triển vọng thành hình. Tuy nhiên, người ta cũng chú ý đến một vài trường hợp khá đặc biệt.
Trước hết là Canada, đối tác thương mại số một của Hoa Kỳ. Xứ này chỉ là quan sát viên và chưa tỏ ý sẽ gia nhập mà nếu gia nhập có thể gặp trở ngại từ New Zealand vì chính sách bảo hộ nông sản, chủ yếu là sản phẩm gốc sữa của Canada. Một số dư luận cho là Canada gạt ra ngoài và mất cơ hội giao thương có lợi và đang vận động chính phủ Canada phải tranh đấu để tham gia vành cung Xuyên Thái bình dương. Trường hợp kia là Nhật, một quan sát viên khác.
Hồi Tháng Chín, Thủ tướng vừa nhậm chức là ông Yoshihiko Noda tỏ ý gia nhập và thực tế được Hoa Kỳ vận động từ năm ngoái để bước vào vòng cung này. Nhưng Nhật bị một mâu thuẫn trầm trọng là dù các doanh nghiệp, giới trẻ và khu vực sản xuất tiên tiến muốn mở rộng phạm vi giao thương với bên ngoài thì khu vực nông nghiệp, người già và cả thế lực kinh tế chính trị của họ vẫn đòi duy trì chế độ bảo hộ. Dù có muốn, và được Hoa Kỳ khuyến khích, Chính quyền Noda chưa chắc đã vượt qua rào cản bên trong, nhất là sau những tai họa về động đất và sóng thần vào Tháng Ba vừa qua. Ta nên chú ý đến sự chọn lựa đó của Nhật Bản.
Vì vào hoàn cảnh đó, quốc gia láng giềng của Nhật là Nam Hàn lại có lợi thế là vừa hoàn tất Hiệp định Thương mại Song phương với Mỹ sau bốn năm bị ngâm tôm và phải tu chính. Trong khi Nhật Bản còn do dự thì Nam Hàn dễ đưa trọng lượng kinh tế của mình vào vùng thịnh vượng chung. Bên cạnh đó còn có Australia là nước Úc, và Peru cùng nhiều xứ khác như Phillipines....

Vũ Hoàng: Còn Trung Quốc thì sao, không thấy ông nhắc đến nền kinh tế quan trọng này? Trung Quốc có muốn hoặc có được mời vào cuộc hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Về bối cảnh, Trung Quốc được Hoa Kỳ mở cửa cho gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO từ 10 năm trước. Từ đó xứ này đạt tăng trưởng cao với ảnh hưởng mở rộng, thậm chí còn thách đố Hoa Kỳ trên nhiều lĩnh vực khác, chưa nói gì đến các nước khác.
Tại Đông Á, Trung Quốc muốn chi phối Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á ASEAN và xây dựng thế liên hết giữa các nước Á châu với nhau để nước Mỹ vì bận rộn với cuộc chiến chống khủng bố và hai chiến trường Afghanistan và Iraq nên phải đứng bên ngoài. Với quyết định gọi là "Trở lại Đông Á" và nỗ lực xây dựng hệ thống đối tác kinh tế có tầm chiến lược xuyên qua Thái bình dương, Hoa Kỳ có thể nhắm vào mục tiêu thương mại mà hiển nhiên cũng để bảo vệ quyền lợi và các đồng minh trong khu vực.
Cho đến nay, Hoa Kỳ chính thức ngỏ ý là sau khi hoàn thành hiệp định Xuyên Thái bình dương thì sẽ mời Trung Quốc gia nhập. Thực tế thì Bắc Kinh đang theo dõi, tỏ ý chê bai tiêu chí của Thượng đỉnh APEC là có tham vọng quá cao, như Trợ lý Ngoại trưởng của họ vừa phát biểu hôm Chủ Nhật mùng sáu. Nhưng họ e là sẽ đứng ở vòng ngoài. Lý do là Hoa Kỳ đề xướng việc minh bạch hóa luồng giao dịch, đẩy mạnh trao đổi các sản phẩm và dịch vụ liên hệ đến môi trường sinh sống và nhất là đặt ra tiêu chuẩn hạn chế các doanh nghiệp nhà nước, là khu vực kinh tế chủ lực của Trung Quốc. Nhìn từ Bắc Kinh thì nếu vành cung đối tác chiến lược này thành hình với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Australia và hàng loạt quốc gia Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, thì Trung Quốc sẽ gặp bất lợi!

Vũ Hoàng: Ông vừa nhắc đến Việt Nam, quyền lợi xứ này nằm ở đâu trong hồ sơ quốc tế đó?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Việt Nam xin gia nhập hệ thống đối tác này đúng ba năm trước mà đến nay chưa công khai hóa chủ trương và quan điểm cụ thể trong các vòng đàm phán cho công chúng cùng biết về lẽ lợi hại. Đây là điều không nên vì sẽ khiến dân chúng thiếu chuẩn bị như đã xảy ra với việc gia nhập Tổ chức WTO.
Thuần về quyền lợi thì tự do thương mại là có lợi cho kinh tế quốc dân nếu có chuẩn bị, cũng tương tự như ta xây dựng hạ tầng sản xuất về vật chất và pháp lý vậy. Về cụ thể, qua vòng đàm phán, Hoa Kỳ đề nghị nhiều điều khoản như minh bạch hoá thủ tục tiếp vận, bảo vệ môi sinh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi lao động, yểm trợ các cơ sở tiểu doanh thương để tạo ra việc làm, v.v... là những điều sẽ có lợi lâu dài cho người Việt Nam. Cũng vậy, việc hạn chế đặc quyền và đặc lợi của các doanh nghiệp nhà nước trong luồng giao dịch không chỉ có lợi cho việc xuất khẩu của Mỹ mà cũng tạo ra một sân chơi bình đẳng và lành mạnh hơn cho tư doanh Việt Nam.

Tạo sân chơi bình đẳng

Vũ Hoàng: Nhưng hình như là chuyện doanh nghiệp nhà nước là đề tài nhạy cảm với lãnh đạo Việt Nam.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đúng thế, và đấy là hòn đá thử vàng!
Giới chức Mỹ biết rằng, y như Trung Quốc, Việt Nam chưa có nền kinh tế thị trường đích thực và muốn tạo điều kiện cho Việt Nam tiến tới hình thái đó với chủ trương giới hạn dần vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Việt Nam có thoát được cửa ải này để như "cá vượt Vũ môn" trở thành một nền kinh tế và một xã hội văn minh hay không là do quyết định đó vì ai ai ở trong nước cũng biết đến sự bất toàn và tốn kém của doanh nghiệp nhà nước. Các quốc gia trong vòng đối tác chiến lược này cũng thấy như vậy. Cho nên, tiến trình đàm phán thương thảo sẽ phản ảnh một lúc hai vấn đề. Thứ nhất là quyết tâm cải cách của Việt Nam để trở thành một đối tác đáng tin. Thứ hai là xuyên qua kinh nghiệm với Việt Nam mà các nước sẽ xử trí với Trung Quốc, vốn dĩ cũng vẫn muốn bảo vệ khu vực kinh tế nhà nước để bảo vệ quyền lợi của một thiểu số trong khi vẫn kỳ thị và hạn chế khu vực sinh hoạt của tư doanh làm các tiểu doanh thương bị điêu đứng.

Vũ Hoàng: Nếu chúng tôi hiểu không lầm thì trong hồ sơ Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái bình dương, người ta có hai vế kinh tế và chiến lược. Về kinh tế thì có cái lẽ lợi hay hại cho quốc dân và về chiến lược thì có sự an toàn của quốc gia trước ảnh hưởng rất đáng lo về Trung Quốc. Trong hồ sơ này, có phải là Việt Nam đang đứng trước sự chọn lựa đó hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa ông, đúng là một câu hỏi cơ bản về kinh tế là quyết định này có lợi cho ai mà hại cho ai, và làm sao cân nhắc được nếu không công khai hóa?
Về an ninh, Việt Nam chẳng cần phải khẳng định rằng mình đứng ở phe nào, là đồng minh của Trung Quốc hay đối tác của các nước Thái bình dương kia, vì về kinh tế chỉ cần thấy ra tương lai lâu dài của xứ sở và dân tộc nằm ở đâu. Khi gia nhập hệ thống đối tác kinh tế này, Việt Nam có sự chọn lựa và lý do chính đáng là vì quyền lợi của đa số người dân, cái giá phải trả là thiểu số ở trên sẽ mất một số đặc quyền và đặc lợi. Nếu suy ngẫm cho sâu thì ta có thể thấy ra mối liên hệ của thiểu số này với lập trường hữu nghị với Trung Quốc, là điều chưa chắc đã có lợi cho Việt Nam khi kinh tế Việt Nam đã quá lệ thuộc vào Trung Quốc.

Vũ Hoàng: Theo như ông lý luận thì Việt Nam nên khắc phục khó khăn đẻ tham gia vào hệ thống đối tác này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là điều này có lợi vì sẽ tăng cường quan hệ kinh tế với thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ như Việt Nam đã có thể thấy trong 15 năm qua. Xuyên qua đó, Việt Nam còn có nhiều lợi thế song phương với siêu cường kinh tế này. Nhưng vấn đề không chỉ có vậy vì hệ thống đối tác TPP bao gồm nhiều nền kinh tế khác trong khu vực và là cơ hội cho Việt Nam hội nhập vào một khối kinh tế có tính chất chiến lược cho cả an ninh xứ sở.
Vì vậy, tôi cho rằng Việt Nam nên công khai hóa tiến trình thương thảo cho quốc dân được biết về sự chọn lựa trước mặt để mọi người cùng tự chuẩn bị cho một cuộc chơi khác. Đấy cũng là tín hiệu cần thiết cho các thị trường và giới đầu tư quốc tế để họ quyết định về việc giao thương sau này với Việt Nam. Tín hiệu kinh tế đó không hàm ý chống Trung Quốc hoặc tranh luận về chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa nhưng vẫn gây lợi thế cho Việt Nam.
Còn lại, ta nên theo dõi lập trường các nước tại Thượng đỉnh APEC vào tuần này ở Honolulu và vào hai ngày 18-19 tại Thượng đỉnh Đông Á ở Bali của Indonesia, để xem họ xử trí ra sao với hai cường quốc ở hai bờ Thái bình dương là Trung Quốc và Hoa Kỳ, lần đầu tiên tham dự một Thượng đỉnh của 18 nước Đông Á.

Vũ Hoàng: Thay mặt cho thính giả đài Á châu Tự do, xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: