Wednesday, November 2, 2011

TRUNG QUỐC CÓ PHẢI LÀ MỐI ĐE DOẠ QUÂN SỰ? (Gergely Varga)



Gergely Varga
Posted by basamnews on 03/11/2011

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu Tham khảo đặc biệt
Thứ ba, ngày 1/11/2011
TTXVN (Angiê 26/10)

Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ có ý nghĩa về phương diện quân sự trong những năm gần đây. Nhiều câu hỏi được giới quan sát đặt ra liên quan đến vấn đề này: Liệu Trung Quốc có muốn kình địch với các cường quốc trong lĩnh vực này, như Mỹ, không? Liệu Trung Quốc có nhắm tới một số yếu tố khác, chẳng hạn như tình hình căng thẳng ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông-TTXVN), không? Một ngày nào đó Trung Quốc liệu có thể trở thành một siêu cường quân sự không? Chuyên gia Gergely Varga, nhà nghiên cứu thuộc Viện quốc phòng và chiến lược Hunggari, đưa ra một số lập luận trên tạp chí “Phát thanh” để lý giải những ý đồ quân sự thực sự của Trung Quốc.

Sự ổn định giúp trấn an
Trụ cột chính trong chiến lược của Trung Quốc đã được Đặng Tiểu Bình đưa ra trong chiến lược nổi tiếng của ông với 24 chữ như sau: “Lặng lẽ quan sát; giữ vững trận địa; bình tĩnh đối phó; giấu mình chờ thời; giỏi về phòng thủ, quyết không đi đầu”.
Dựa trên chiến lược đó, Trung Quốc chỉ muốn bảo đảm an toàn cho lợi ích của mình trong một thế giới đa cực. Phát triển quân đội chỉ là một phần trong chiến lược đó, nhưng là một trong những phần rõ nét nhất.
Sức mạnh phụ thuộc một phần vào cách nhìn nhận kẻ thù. Trong khi chúng ta vẫn luôn ở trong hệ thống hai cực nên chúng ta phải đặt câu hỏi Mỹ nghĩ như thế nào về Trung Quốc. Đối với Mỹ, liệu Trung Quốc đã đạt được đến trình độ của Liên Xô trước đây chưa?
Theo chuyên gia Gergely Varga, tuy dường như Trung Quốc dĩ nhiên đã ngang bằng với Mỹ về phương diện kinh tế và ảnh hưởng chính trị ở mức độ toàn cầu, song về phương diện quân sự lại không như vậy, Trung Quốc vẫn chậm hơn Mỹ một chút. Bắc KInh chỉ mới bắt đầu hiện đại hoá chương trình quân sự của mình trong những năm 1990. Trước đó, Trung Quốc chỉ tập trung vào lực lượng bộ binh, một phàn là do các vụ đụng độ biên giới với Liên Xô trước đây. Trong khi đó Mỹ rất cảnh giác trước sự phát triển của Trung Quốc vì Mỹ muốn duy trì bá quyền toàn cầu và không muốn có một nước có thể trở thành cường quốc thống trị ở Nam Á. Cả Trung Quốc và Mỹ đều tìm cách duy trì một mạng lưới các đồng minh cho phép trì sự ổn định giúp trấn an.

Răn đe hạt nhân
Trung Quốc, cũng như Nga và Mỹ, không chỉ tin vào sức mạnh răn đe quân sự của vũ khí hạt nhân mà còn tin cả vào tác động của vũ khí hạt nhân đối với nền ngoại giao giữa các cường quốc. Chắc chắn đó là nguyên nhân khiến Trung Quốc không tiêu huỷ số tên lửa DF-5 cũ của mình có khả năng bắn tới Mỹ và Nga. Nếu không có số tên lửa đó, Trung Quốc có thể sẽ dễ bị đánh quỵ bởi một số cuộc tấn công hạt nhân vì Trung Quốc sẽ không có khả năng để phản công. Tuy nhiên, từ nay đến lúc xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân phải mất hàng năm ánh sáng.
Cho đến nay, mới chỉ xảy ra một vài vụ đụng độ ngoại giao nhỏ trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Chẳng hạn như vụ bán vũ khí cho Đài Loan hay vụ lực lượng NATO không kích nhầm Đại sứ quán Trung Quốc tại Bêôgrát trong cuộc chiến tranh ở Nam Tư cũ. Đó chỉ là các vụ đụng độ nhỏ và dễ kiểm soát.
Trung Quốc và Mỹ phụ thuộc lẫn nhau. Trung Quốc nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ, còn Mỹ vẫn là nước tiêu thụ nhiều hàng Trung Quốc nhất.

Thống trị trong vùng
Mục tiêu chiến lược chính của Trung Quốc là phòng ngừa các kẻ thù trong vùng, như Nhật Bản hay Ấn Độ. Đó là lý do giải thích tại sao mới đây Trung Quốc phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Theo ông Gergely Varga, Trung Quốc đã phô trương công nghệ đạn đạo của mình. Trung Quốc mới đây cũng cho thấy họ có khả năng phá huỷ vệ tinh, cụ thể là vệ tinh của họ. Việc phát triển công nghệ đó cũng như khả năng phá huỷ vệ tinh, cụ thể là vệ tinh của họ. Việc phát triển công nghệ đó cũng như khả năng của Trung Quốc trong việc phát động các cuộc tấn công mạng khiến Mỹ lo ngại.
Trung Quốc có ý thức trong việc tránh các cuộc xung đột công khai vì lợi ích chính của họ là gìn giữ mối quan hệ quốc tế tốt đẹp cũng như trong việc duy trì thị trường thế giới ổn định bởi đó là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế ở trong nước.

Đưa vào sử dụng tàu sân bay đầu tiên vào cuối thập niên này chăng?
Theo ông Gergely Varga, chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, được mua lại từ Ucraina, có thể được đưa vào sử dụng từ nay đến cuối thập kỷ. Trước hết, Trung Quốc phải phát triển một hệ thống vũ khí tương thích và học cách sử dụng hệ thống vũ khí đó. Tuy Trung Quốc đã xây dựng một chiếc tàu giống hệt với kích thước tương tự để luyện tập, song cũng phải có thời gian để đội thuỷ thủ hoàn toàn làm chủ được hoạt động của con tàu.
Bán kính hoạt động của chiếc tàu sân bay này cũng có giới hạn so với các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ. Chiếc tàu của Trung Quốc quả thực là được trang bị hệ thống đẩy tuốcbin hơi nước nên dường như chỉ có thể được sử dụng vào mục đích phòng thủ trong lãnh hải của nước này.

Phát triển công nghệ máy bay tàng hình
Hiện nay, sự phát triển vũ khí đáng kể nhất của Trung Quốc chắc chắn là việc mua chiếc tàu sân bay nói trên, nhưng dự án J-20 dường như đưa Trung Quốc tiến nhanh hơn. Tuy nhiên, hệ thống đẩy và vũ khí chưa được hoàn chỉnh và chắc chắn phải mất 5-10 năm nữa mới có thể đưa loại máy bay đó vào hoạt động. Hơn nữa, cần lưu ý rằng quân đội Trung Quốc về số lượng có số quân đông và cần phải chế tạo một số lượng lớn loại máy bay này.
Vả lại, Trung Quốc có một đội tàu ngầm, trong đó có một số chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng số tàu đó về nguyên tắc chỉ chạy trong vùng lãnh hải của Trung Quốc bởi lẽ hệ thống tên lửa đạn đạo của các tàu này chưa ở vào trạng thái tác chiến trong tình huống có chiến tranh.

Bản đồ địa chính trị các lực lượng hiện đại
Bắc Kinh hiện nay cũng ưu tiên hợp tác quân sự với mạng lưới các nước đồng minh ở Nam Á và trong Ấn Độ Dương. Các đồng minh chính của Trung Quốc hiện nay là Mianma và Pakixtan. Các nước này trong tương lai có thể được dùng làm căn cứ hải quân cho Trung Quốc.
Địch thủ chính của Trung Quốc trên các phương diện quân sự, lịch sử và kinh tế, nếu không kể Mỹ, rõ ràng là Ấn Độ.

Trung Quốc – siêu cường tương lai chăng?
Chuyên gia Gergely Varga cho rằng Trung Quốc sẽ không thành công trong việc ngay lập tức áp đặt mình như một siêu cường như Mỹ đã từng làm trước đây, sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai. Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc và việc phát triển các loại vũ khí khác hiện nay chỉ là uy tín bề ngoài. Trung Quốc thực sự không tiến được những bước tiến dài.
Trung Quốc sẽ còn bị hình bóng của Mỹ che lấp ít nhất trong hai thập kỷ nữa. Hiện đã có thể thấy hiện tượng này trong ngân sách quốc phòng của hai nước: Trung Quốc chi vào đó xấp xỉ 100-150 tỷ USD/năm, trong khi của Mỹ là 550 tỷ USD.
Mặc dù định chạy đuổi theo nhịp độ của Mỹ, song còn lâu Trung Quốc mới là một siêu cường về phương diện quân sự. Nhưng theo học thuyết của Đặng Tiểu Bình, liệu đó có phải là mục tiêu của Trung Quốc không?
.
.
.

No comments: