Richard M. Ebeling*, 09/1990
11/11/2011
Tháng 5 năm 1988, tờ báo Sự Thật (Pravda) cho đăng một bài viết tóm tắt tình trạng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa Sô-viết: “Không một lĩnh vực nào trong 170 lĩnh vực chủ đạo một lần hoàn thành được mục tiêu Kế hoạch đã đề ra trong vòng 20 năm qua… điều này đã mang lại phản ứng dây chuyền là sự gian khổ và thiếu cân bằng, dẫn đến tình trạng ‘hỗn loạn có kế hoạch’… sự mất thăng bằng này đã ảnh hưởng đến từng lỗ chân lông của nền kinh tế, và đã trở thành một huyền thoại.”
Từ ngữ được sử dụng trong bài báo – “sự hỗn loạn có kế hoạch” – đã nắm bắt được thực chất của chủ nghĩa xã hội. Nhưng nó cũng vang lên như minh chứng [sự đúng đắn] của một trong những chỉ trích xác đáng nhất về chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ 20: nhà kinh tế học người Áo, Ludwig von Mises. 17 năm về trước, năm 1920, kinh nghiệm của Sô-viết chỉ mới 3 năm tuổi đời. Nhưng ngay từ thời điểm đó, dưới tên “Chiến tranh Chủ nghĩa Cộng sản,” những người Bôn-sê-vích theo Lê-nin đã quốc hữu hóa công nghiệp, xóa bỏ giá cả và giá lương thị trường, tuyên bố kết thúc nền kinh tế đồng tiền và thiết lập kế hoạch dưới dạng kinh tế chỉ đạo được kiểm soát từ trung ương.
Cũng trong năm đó, 1920, Ludwig von Mises xuất bản một trong những bài luận quan trọng nhất trong lịch sử kinh tế: “Tính toán Kinh tế trong Khối cộng đồng Xã hội chủ nghĩa” (Economic Calculation in the Socialist Commonwealth). Trong chưa đầy 50 trang, Mises đã chứng minh rõ ràng và không thể bác bỏ được, rằng chủ nghĩa xã hội tất sẽ thất bại. Ông đã kết hợp lý luận của bài này vào luận án Chủ nghĩa xã hội, một Phân tích Kinh tế và Xã hội học năm 1922. Trong đó, các nguyên lý kinh tế của hệ thống xã hội chủ nghĩa được phân tích trong bối cảnh rộng lớn hơn cùng với những chứng bệnh xã hội, kinh tế và văn hóa của chế độ tập thể chủ nghĩa.
Không phải ngẫu nhiên mà mọi thử nghiệm với chủ nghĩa xã hội đã tạo ra cái mà Sự Thật gọi là “sự hỗn loạn được kế hoạch,” hoặc, như Mises đã đặt tên cho một trong những cuốn sách của ông những năm 1940, Những Hỗn mang được Kế Hoạch. Ngay cả khi chúng ta bỏ qua chuyện lãnh đạo các nước chủ nghĩa xã hội đã rất ít quan tâm đến an sinh của công dân của họ; ngay cả khi chúng ta không đặt nặng sự thiếu vắng động lực cá nhân trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa; và ngay cả khi chúng ta không để ý sự thiếu quan tâm hoàn toàn về người tiêu dùng trong chủ nghĩa xã hội; vấn đề cơ bản vẫn còn nguyên: những nhà hoạch định kế hoạch xã hội chủ nghĩa, dù có ý tốt đi chăng nữa, cũng không biết phải làm gì.
Tâm điểm trong lập luận của Mises về chủ nghĩa xã hội là kế hoạch tập trung của chính phủ phá hủy phương tiện cơ bản nhất – giá cả thị trường thiết lập qua cạnh tranh – qua đó con người trong xã hội đưa ra những quyết định kinh tế một cách có lý trí.
Một nền kinh tế hiện đại với hệ thống phân công lao động tiên tiến, với kỹ thuật tinh vi và nguồn vốn đa dạng phong phú là quá phức tạp để có thể tổ chức và quản lý bởi các nhà hoạch định. Quá nhiều kiến thức (và quá nhiều loại kiến thức) phân tán ở quá nhiều người. Nhà hoạch định không thể tập trung tất cả các thông tin xác đáng và thay đổi không ngừng của một xã hội phức tạp. Anh ta không thể dàn xếp mọi thứ trong một nền kinh tế theo đúng cách để “cho nó chạy đúng bài bản.”
Mises giải thích, trong nền kinh tế thị trường tự do (không có sự can thiệp của chính phủ), không tồn tại vấn đề mà nhà hoạch định xã hội chủ nghĩa phải đối mặt. Yếu tố then chốt là tài sản tư nhân và tự do cá nhân. Trong hệ thống phân chia lao động, trong đó mọi giao dịch đòi hỏi sự thoả thuận của người mua và người bán, tư lợi được chuyển hóa thành lợi ích chung (như Adam Smith đã lập luận từ lâu). Không ai có thể lấy được những gì người khác sở hữu, trừ phi, để đổi lại, anh ta mời chào cái gì mà người kia sẵn lòng hoán đổi. Như vậy, một cá nhân, để cải thiện điều kiện của anh ta, bắt buộc phải lưu tâm đến nhu cầu và mong muốn của những người đồng bào khác.
Nhưng trong một hệ thống phân công lao động bao la, bao trọn cả thế giới, trong đó những đối tác giao thương bị chia cắt bởi không gian và thời gian, làm thể nào để phát hiện ra những gì người ta cần sản xuất để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của những người khác? Và làm thế nào để sản xuất với hiệu năng cao, tức là với ít lãng phí kinh tế nhất?
Mises giải thích, chế định tài sản tư nhân sẽ biến tất cả những điều đó thành có thể. Sở hữu và tự nguyện trao đổi tạo ra những cơ hội sinh lời từ buôn bán. Trả giá cạnh tranh và mời chào hàng hóa và dịch vụ đa dạng sinh ra giá cả thị trường – mức giá mà ở đó những giao dịch được thỏa thuận và hoàn tất. Tất cả những giá cả đó chuyển tải thông tin hữu ích cho tất cả mọi người trong thị trường về những hàng hóa đang có nhu cầu ở những nơi khác trên thế giới.
Cùng lúc đó, sở hữu tư nhân các phương tiện sản xuất cho phép thu mua và thuê các nguồn tài nguyên và lao động để sản xuất những mặt hàng người tiêu dùng có thể muốn mua. Việc trả giá cạnh tranh bởi các doanh nhân để mua được những phương tiện sản xuất đó làm nên giá cả thị trường cho các tài nguyên cần thiết. Các giá cả này tạo điều kiện cho doanh nhân đánh giá giá trị tương đối và tính sinh lời của việc sử dụng các phương tiện sản xuất theo những cách khác nhau. Về mặt kinh tế, chúng cung cấp phương tiện để xác định hàng hóa nào nên sản xuất ít tốn kém nhất.
Ngoài ra, vì tiền là phương tiện trung gian để hoàn tất các mối giao dịch, đồng thời cũng là giá trị thị trường của mọi hàng hóa, dịch vụ và mọi phương tiện sản xuất đều được chung quy lại theo mẫu số chung để tiện cho việc so sánh và đánh giá – giá trị tính bằng tiền trên thị trường.
Theo Mises, đó chính là điều biến “tính toán kinh tế” trong nền kinh tế thị trường thành điều có thể. Mọi người đều có tự do trong việc lựa chọn. Giá thị trường xuất phát từ những lựa chọn đó, cho phép mỗi cá nhân mua và chia sẻ thông tin về nhu cầu của những người khác trong thị trường. Thị trường cung cấp phương thức qua đó người ta có thể ra quyết định tự do và kinh tế nhất. Cả quá trình này mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Vấn đề với chủ nghĩa xã hội, Mises nhấn mạnh, là nó rút ngắn quá trình “tính toán kinh tế.” Và nó làm như vậy bằng cách bãi bỏ sở hữu các phương tiện sản xuất tư nhân, và loại trừ các mối trao đổi một cách hòa bình và tự nguyện. Vì thiếu quyền tư hữu luật định, nó sẽ không có khả năng lẫn động lực để mua bán; không có gì để mua bán, sẽ không có trả giá và mời chào hàng hóa và tài nguyên; không có trả giá và chào hàng, sẽ không có trao đổi được thực hiện; không có giao dịch được thực hiện, sẽ không có giá cả thị trường; và vì không có giá thị trường thể hiện các giá trị tương đối của hàng hóa và tài nguyên, sẽ không có phương cách duy lý để biết hàng hóa và tài nguyên có giá trị như thế nào đối với con người; do đó, doanh nhân không thể biết làm thế nào để hàng hóa và tài nguyên có thể được sử dụng một cách hiệu quả và năng suất để thỏa mãn nhu cầu và mong ước của công chúng tiêu dùng.
Nhà hoạch định xã hội chủ nghĩa, như vậy, chỉ đạo nền kinh tế chủ nghĩa tập thể một cách mù quáng. Anh ta không thể biết hàng hóa nào cần sản xuất, số lượng tương đối là bao nhiêu, và cách thức kinh tế thích hợp nhất là gì để sản xuất với tài nguyên và lao động mà anh ta có dưới quyền lãnh đạo tập trung. Điều đó dẫn đến “sự hỗn độn được kế hoạch,” như Mises đã gọi, hoặc “trạng thái hỗn loạn được kế hoạch” mà báo Sự thật đã nhắc đến.
Ludwig von Mises sinh ngày 29 tháng 9 năm 1881. Tháng 9 năm 1990 này đánh dấu sinh nhật lần thứ 109 của ông. (Ông qua đời ngày 10 tháng 10 năm 1973, 92 tuổi). Tác phẩm xuất sắc nhất của ông, Hành động của Con người, Một Luận án Kinh tế, được xuất bản ngày 10 tháng 9 năm 1949, tức 41 năm trước [khi tác giả viết bài này]. Trong cả cuộc đời, ông là một trong những nhà bảo vệ cương quyết sự tự do của con người và nền kinh tế thị trường tự do. Và ông cũng là một trong những nhà phê bình quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ 20.
Nhưng trong cuộc đời, ông đã từng bị phỉ báng và hờn ghét bởi một phần lớn cộng đồng trí thức, trong đó có nhiều người trong ngành kinh tế, ở khắp nơi trên thế giới. “Tội ác” của ông là gì? Trong một kỷ nguyên nơi ý thức hệ chủ nghĩa tập thể lên ngôi, dưới dạng này hay dạng khác, trong đó Nhà nước được thờ phụng như chúa trời, và trong đó sự phục tùng Nhà nước trước sau như một được đề ra, Ludwig von Mises cương quyết bảo vệ cá nhân và sự tự do cá nhân chống lại các chính phủ quyền lực vô hạn.
Nhưng ông đã làm nhiều hơn thế. Ông đã xé vụn ảo tưởng xã hội chủ nghĩa vốn từng tuyên bố thịnh vượng có thể đến từ nền kinh tế kế hoạch tập trung. Ông không chỉ chứng tỏ rằng thịnh vượng chỉ có thể đến qua sợ tự do và thị trường tự do. Chủ nghĩa xã hội như một phương thức cải thiện điều kiện sống của con người là điều không thể.
Chủ nghĩa xã hội đang suy thoái trên toàn thế giới. Những người đã từng sống dưới chủ nghĩa xã hội đang tìm cách khám phá lại những quy tắc và định chế của nền kinh tế thị trường. Ludwig von Mises đã cống hiến cuộc đời ông để chỉ ra tại sao chủ nghĩa xã hội phải tàn lụi và tại sao kinh tế tự do là không thể thay thế. Sự can đảm và tận tụy của ông đối với những nguyên tắc của tự do là hình mẫu và lý tưởng cho tất cả chúng ta noi gương trong các thế hệ tương lai.
_____
* Giáo sư Ebeling là Giáo sư kinh tế danh hiệu Ludwig von Mises tại Đại học Hillsdale và cũng là Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề học thuật của Quỹ Tương Lai Tự Do.
****
TCPT50 – Marx – Những gì còn lại…
Download TCPT50 – Bản in (15MB)
Download TCPT50 – Bản thường (6.5MB)
Download TCPT50 – Bản mini (4MB)
Download TCPT50 – Bản in (15MB)
Download TCPT50 – Bản thường (6.5MB)
Download TCPT50 – Bản mini (4MB)
.
.
.
No comments:
Post a Comment