11/26/2011
Bản văn sau đây do nhà hoạt động Phạm Bá Hải, một trong những người sáng lập Bạch Đằng Giang Foundation, gửi đi.
THỈNH NGUYỆN THƯ
Vềviệc: CỨU XÉT NHÂN ĐẠO CHO TÁI ĐỊNH CƯ NHỮNG THUYỀN NHÂN HỒI HƯƠNG CÒN Ở VIETNAM.
Tp.HồChí Minh, ngày 24 tháng11 năm 2011.
Kính gửi:
-Bà Hillary Clinton, Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ,
-Ông Antonio Guterres, Cao ủy trưởng Cao ủy tỵ nạn Liên hiệp quốc - UNHCR,
Đồng kính gửi:
- Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ James Webb.
- Dân biểu liên bang Christopher Smith.
- Dân biểu liên bang Lorreta Sancher.
- Giám đốc Boat People SOS, Ts. Nguyễn Đình Thắng.
Tôi ký tên dưới đây là Phạm Bá Hải, tên gọi khác là Trang Thiên Long, sinh 1968, quốc tịch Việt Nam. Tôn giáo Phật giáo.
Địa chỉ: 11/4B, đường Phạm Văn Sáng, ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hốc Môn, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Là một thuyền nhân Việt Nam trong số 839 200 người Việt tỵ nạn đã sống sót đến được bờ các nước tạm dung; là một thuyền nhân trong số 115 600 đã trãi qua tiến trình sàn lọc theo chương trình CPA (the Comprehension Plan of Action); là một thuyền nhân Việt Nam trong số 14 000 đã bị cưỡng bách trở về theo chương trình ORP (the Orderly Return Program). Tôi cũng là một thuyền nhân trong số những thuyền nhân bị nhà cầm quyền Hà Nội quy chụp, kết tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Kính thưa Bà Hillary Clinon và Ông Antonio Gutteres.
Cộng đồng người Việt tỵ nạn trên khắp thế giới vô cùng biết ơn các nước đã cho định cư trên 800 000 người đi lánh nạn, trong đó hơn một nữa là định cư tại Hoa Kỳ.Những năm gần đây, Người Việt ở các nước đều lập đài tri ân quốc gia định cư và tưởng niệm gần nữa triệu thuyền nhân mất tích. Sự thành công của cộng đồng người Việt, chứng tỏ đã hòa nhập và đang góp phần xứng đáng cho quốc gia định cư. Lịch sử đang khắc một viễn cảnh chung sống hòa bình, đa văn hóa, đa sắc tộc.
Tuy nhiên, cách đây 23 năm, CPA ra đời, thiết lập một chương trình hành động liên thông, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước cho tạm dung, các nước cho tái định cưvà chính quyền Việt Nam nhằm giải quyết dứt điểm làn sóng tỵ nạn. Có hai nhiệm vụ của nó đã trở thành bi kịch thảm khốc cho thuyền nhân, một là tiến trình thanh lọc mà đối với người tỵ nạn lắng nghe kết quả thanh lọc như một cuộc xổ số,và hai là chương trình cưỡng bách trả về. Ngày 12/12/1989 khi còn đang trong giấc ngủ chập chờn, hơn một trăm cảnh sát Hồng Kong đã bắt 51 thuyền nhân gồm đàn ông, đàn bà và trẻ con ở trại Kai Tak trả về Việt Nam. Nó khởi đầu cho một loạt các cuộc cưỡng bách đầy máu và nước mắt lần lượt ở các nước Đông Nam Á. Khi tính nhân đạo không còn tồn tại thì tính thực dụng chính trị lại lên ngôi.
Nhằm hổ trợ tái hòa nhập, UNHCR và EU đã chi tiêu hàng trăm triệu đô la cho phát triển kinh tế xã hội gồm các dự án nhỏ cho cộng đồng các địa phương. CPA được kết luận thành công với các con số: 240-360 đô la mỗi người, cho học nghề (trị giá 60 đô la), cho vay vốn nhỏ, và không có trường hợp nào bị truy tố vì hành động vượt biên. Đáng lý ra, các nhà hoạch định CPA nên lưu tâm thêm rằng sự đầu tư không ít đó chỉ có giá trị khiêm tốn ban đầu đối với thuyền nhân hồi hương. Nhân tố cốt lõi không chỉ cho giai đoạn tái hòa nhập ban đầu, mà còn là sự bền vững cho suốt phần đời còn lại của họ và tương lai con cái họ, chính là nhân tố chính quyền -họ không thể hòa nhập trong một môi trường không thân thiện như chế độ độc tài độcđảng. Vượt qua bao gian nguy hiểm nghèo, đã là thuyền nhân thì tự trong tâm tưcủa họ, thuyền nhân mưu tìm một cuộc sống an lành trong một xã hội công bằng, tựdo, không kỳ thị, không bạo quyền, không chuyên chế. Họ, những thuyền nhân phải lựa chọn, hoặc phục dịch cho tư tưởng cộng sản và cho một chế độ độc đảng độc tài, hoặc chịu cảnh tù đày hay rời bỏ đất mẹ đi tìm tự do.
Cuối năm 2005, trong lúc vừa là nghiên cứu sinh luận án tiến sĩ tại Gokhale Institute of Politics and Economics, vừa đồng thời làm việc cho công ty Mayur Uniquoters ở Ấn Độ, tôi thành lập Bạch Đằng Giang Foundation (BDGF) nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài cho thuyền nhân qua các hoạt động giúp học bổng, học nghề cho con em thuyền nhân hồi hương, cùng các hoạt động cho dân chủ nhân quyền tại Việt Nam. BDGF đã chủ quản website www.bachdang.org . Tháng 7/2006 khi về Việt Nam lập văn phòng đại diện cho công ty Mayur để chuẩn bị đầu tư trực tiếp nước ngoài, và đồng thời để xúc tiến thêm các hoạt động cho BDGF, tôi cùng các thuyền nhân trong ban lãnh đạo bị bắt. Tổng cộng mười năm giam cầm và sáu năm quản chế cho cả ba thuyền nhân. Ông thẩm phán phiên tòa Nguyễn Đức Sáu, tại phiên tòa sơ thẩm, phán quyết rằng “Thiểu số phải hy sinh cho đa số!”. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 08/08/2008, thẩm phán Trương Vĩnh Thủy tiếp tục phán quyết rằng “Riêng phần đối tượng cứu trợ của BDGF là đã có vấn đề với pháp luật Việt Nam”. Phát biểu lời cuối trước khi tòa vào nghị án, tôi đã khẳng định: “Tội của Bạch Đằng Giang Foundation là góp công sức và tiền bạc của mình hoạt động nhân đạo, thực thi công bằng xã hội. Tội của chúng tôi là chỉ ra sự thua kém, lạc hậu so với các nước lân bang và sự thấp kém của giá trị quyền làm người Việt Nam trong cộng đồng văn minh nhân loại. Tội đó là tội yêu nước thương nòi!”.
Mặc dù chính quyền Việt nam đã ký kết thừa nhận tuyên ngôn nhân quyền quốc tế, nhưng họ vẫn ngang nhiên bắt bớ giam cầm những người vận động ôn hòa cho các quyền căn bản của con người. Họ bất chấp tiếng nói của các tổ chức nhân quyền và các nước phương tây. Với tình hình ấy, và với định kiến thiên lệch về những ai liên quan đến chế độ cũ hay với người Việt tự do hải ngoại, tầng lớp thuyền nhân hồi hương trở thành đối tượng dễ bị tổn thương, sách nhiễu, kìm kẹp, giam cầm.
Khi con đường tìm tự do bít lối, khi cuộc sống tự do thanh bình không có, họ phải trực diện đấu tranh đòi quyền con người, như BDGF gồm Phạm Bá Hải (5 năm), Nguyễn Ngọc Quang (3 năm), Vũ Hoàng Hải (2 năm), với “tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” - Điều 88; hoặc bị khép “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”- Điều 258, như Nguyễn Văn Ngọc (án 4 năm, ở 3 năm 6 tháng, bắt 2007), Trịnh Quốc Thảo (2 năm, bắt 2007). Người ta chưa thể thống kê số các thuyền nhân đơn phương phản kháng hay kết hợp nhóm đã bị chính quyền bắt giam hay kềm tỏa. Vài trường hợp đã lựa chọn phương tiện phản kháng bằng vũ trang nên đã bị kết án nặng nề.
Ngay sau khi bị bắt, từ trong buồng giam u tối với diện tích không tới bốn mét vuông, lo ngại sự vây bắt hàng loạt các thuyền nhân liên quan đến BDGF, tôi đã viết một lá đơn gửi Bộ công an xin cư xử nhân đạo với các thuyền nhân. Trong láđơn tôi trình bày sự khác biệt chính yếu về tư tưởng chính trị khiến cho thuyền nhân không thể im lặng tuân thủ các chủ trương, đường lối, chính sách của đảng Cộng sản - vì theo họ nó là căn nguồn dẫn đến nghèo nàn, lạc hậu và quyền làm người thấp kém.
Hình ảnh đúc kết bi kịch của CPA là hồi hương 109 000 thuyền nhân, trong đó 14 000 bị cưỡng bách trong tình trạng đầy máu và nước mắt - tuyệt thực dài hạn, mổ bụng tập thể trước tiếng khóc gào của vợ con, phụ nữ cởi quần áo để cảnh sát không đụng vào.
Kể từ 1975, có gần một triệu người lánh nạn sống sót đến được các nước tạm dung, còn một nữa số như vậy đã mất tích trên biển do chìm tàu, hải tặc tấn công, chết trong rừng. Và thêm nữa, vài người đã chết một cách oan nghiệt, gần năm trăm thuyền nhân ở Thái mang vết thương mổ bụng trong khi bị cưỡng bách. Trên tất cả, có ở trong tất cả, ăn sâu vào tất cả là những tác động tâm lý từ những dấu ấn kinh hoàng luôn hiện diện, của những gian nguy trên đường vượt biển, của nhữngđau khổ trong các trại tỵ nạn, của những cam chịu trong chế độ độc tài, của những giằn co, ám ảnh, mất phẩm giá con người.
Hệ lụy của CPA không những là một thách thức đối với tính nhân đạo của quyền được lánh nạn và quyền không bị cưỡng bách trả về, mà còn là một sự ngầm thừa nhận chính sách kìm kẹp, đàn áp những người bất đồng chính kiến, xâm phạm nghiêm trọng quyền con người của chính quyền Việt Nam.
Đầu năm 1996 Hoa Kỳ công bố chương trình Cơ Hội Tái Định Cư cho Người Hồi Hương Việt Nam (ROVR). Đây là một chương trình nhân đạo nhằm tạo điều kiện cho người tỵ nạn có thêm một cơ hội nữa được xét duyệt với chín tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, qua đó khuyến khích nhiều người hồi hương tự nguyện trước ngày kết thúc CPA 30/6/1996. Về các tiêu chuẩn của ROVR, thuyền nhân lo ngại một sự tương tự cũng khắc khe không khác mấy tiêu chuẩn thanh lọc của CPA, đặc biệt họ lo ngại vì đã trãi qua hai lần thanh lọc đầy cảm xúc về hiện trạng của họ nhưng nhân viên thẩm vấn hoặc không hề tin hoặc chỉ xét duyệt cho những trường hợp nặng, như có một lý lịch nổi trội trước 1975; cho nên đến hết thời hạn 30/6/1996 chỉ có 9 000 người đăng ký.
Tháng 1/1997 các cuộc thương thảo về ROVR giữa Hoa Kỳ với chính quyền Việt Nam mới xong. Sự lo ngại của thuyền nhân đã không xảy ra. Mà hơn thế, chương trình hoàn toàn nhân đạo cho định cư 18 000 người. Tuy nhiên, việc quy định chỉ cho cơ hội những ai tự nguyện hồi hương tính từ ngày 1/10/1995 đến ngày 30/6/1996 đã để lại một khoảng trống nhân đạo đè lên đời sống của số người tỵ nạn hồi hương còn lại.
Năm 2005, cũng từ chủ trương nhân đạo, Hoa Kỳ đã mở rộng ROVR, cung cấp tái định cư cho 1500 cựu thuyền nhân ở Philippines mà mười năm trước chính phủ Philippines, vì lòng nhân đạo, đã không cưỡng bách họ.
Kính thưa Bà Hillary Clinton và Ông Antonio Guterres.
Hiện tại, tuy còn đang chịu hai năm quản chế (7/9/2011 - 7/9/2013) với những răn đe, tôi vẫn tiếp tục vận động cho quyền làm người. Cùng thỉnh nguyện thư trong tù mà tôi đã gửi đến Bộ Công an Việt Nam, tôi viết Thỉnh Nguyện Thư này:
Kính mong Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cứu xét cấp tỵ nạn nhân đạo cho các thuyền nhân hồi hương, đặc biệt là những thuyền nhân bị cưỡng bách (ORP), hiện đang cam chịu một cuộc sống nhọc nhằn vô phẩm giá trong phần đời còn lại của họ và cả con thơ của họ.
Kính mong UNHCR cứu xét cấp tỵ nạn nhân đạo cho các cựu thuyền nhân, hiện đang một lần nữa thoát chạy khỏi sự đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội vì mối liên hệ của họ với BDGF và các hoạt động phản kháng đòi nhân quyền khác. Họ chủ yếu đang tỵ nạn ởThái Lan.
Riêng bản thân, tôi rất cảm kích trước sự quan tâm của các tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng như Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp. HCM trong việc tạo điều kiện để tôi được lánh nạn ở một nước tự do. Vì mục tiêu vận động cho quyền làm người mà bản thân tôi đã dấn thân vào con đường hy sinh này, tôi xin được chọn đi tiếp trên con đường ấy, và ở lại quê nhà.
Xin chân thành cảm tạ và trân trọng kính chào.
Người tù nhân quyền,
Phạm Bá Hải.
.
.
.
No comments:
Post a Comment