Saturday, November 26, 2011

TẠI SAO TÔI SẼ BỎ PHIẾU CHO OBAMA NĂM 2012 ? (Đoàn Hưng Quốc)




Chính phủ Obama đã thay đổi đường lối ngoại giao từ 40 năm nay của Hoa Kỳ cho phù hợp với tình hình và nhu cầu an ninh mới ở Đông Á cũng như tại Việt Nam.

Bắt đầu với công tác bí mật của Tiến Sĩ Henry Kissinger và sau đó là chuyến công du của Tổng Thống Richard Nixon sang Bắc Kinh vào năm 1972 Hoa Kỳ đã chọn lựa bắt tay với Trung Quốc để rút lui khỏi vùng Đông Nam Á trong gần nửa thế kỷ. Nhìn trên chiến lược toàn cầu quyết định này đã giúp Mỹ tập trung vào Âu Châu, Trung Đông và chiến trường Trung Á (Afghanistan 1980) góp phần cho sự tan rã của khối Đông Âu để Chiến Tranh Lạnh kết thúc. Đây là những thành quả vô cùng lớn lao, nhưng tình hình quốc tế nay đã thay đổi, Hoa Lục hiện trở thành lớn mạnh đủ tranh đua với Hoa Kỳ về mọi mặt kèm theo nguy cơ làm xáo trộn trật tự của một vùng kinh tế tăng trưởng hàng đầu ở Thái Bình Dương. Cho nên quyết định trở lại Á Châu của chính quyền Obama được toàn thể các nước trong khu vực – ngoại trừ Hoa Lục – đón tiếp một cách tích cực.

Việc khởi xướng Khối Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương (TPP, hay là Trans-Pacific Pact) phản ảnh quan điểm của chính quyền Obama rằng thế giới nay đã trở thành một cộng đồng chung: Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Tây Thái Bình Dương đều là những khu vực quốc tế liên hệ đến quyền lợi hỗ t ương của mọi nước và không còn là sân nhà của riêng một cường quốc nào. Phương thức duy nhất giúp duy trì hoà bình và thịnh vượng là các quốc gia phải hợp tác trao đổi mậu dịch và văn hoá đặt trên những nguyên tắc chung để cán cân thương mại được quân bình, cạnh tranh bình đẳng và không có tình trạng cá lớn nuốt cá bé. Nỗ lực này đầy tham vọng và cho dù sẽ gặp rất nhiều khó khăn do quyền lợi và thực tế giữa các nước còn khác nhau quá xa, nhưng đã đưa Hoa Lục vào một sự chọn lựa khó khăn là liệu có nên hợp tác hay không với các quốc gia trong vùng.

Nhưng chính sách của Hoa Kỳ không chỉ giới hạn nơi những tính toán chiến lược và kinh tế. Lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Hillary Clinton tại Hawaii và chuyến viếng thăm sắp tới của bà sang Miến Điện cho thấy dân chủ và nhân quyền vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Hoa Kỳ sẵn sàng tiến bước đầu tiên nhưng cần được các quốc gia khác đáp ứng. Bài học quá khứ cho thấy Mỹ đã nhiều lần thay đổi chính sách và bỏ rơi nước bạn, nhưng đối với các đồng minh cùng chia sẻ những giá trị dân chủ và nền tảng luật pháp như Tây Âu, Nhật, Do Thái, Úc thì cho dù có nhiều bất đồng nghiêm trọng Hoa Kỳ vẫn luôn luôn tôn trọng và duy trì bảo vệ an ninh cho họ. Như vậy sự chọn lựa tuỳ thuộc nơi mỗi quốc gia là liệu họ có sẵn sàng thay đổi để trở thành một đối tác chiến lược lâu dài với Mỹ hay không.

***

Nếu so sánh với nhiệm kỳ của Tổng Thống George W. Bush trong 8 năm dài Hoa Kỳ đã làm ngơ với Trung Quốc để hoàn toàn chú tâm vào Trung Đông – một mặt vì các quan ngại chính đáng với khủng bố Hồi Giáo, nhưng đồng thời do những quyền lợi phe phái muốn thừa cơ hội “dứt điểm” tại Trung Đông để phục vụ cho lợi ích của Do Thái. Chính sách này khiến Mỹ hao tốn nhân mạng (gần 5.000 binh lính thiệt mạng) tài sản (hai chiến trường Iraq và Afghanistan tốn 1.5 ngàn tỷ USD) và uy tín quốc tế. Để giảm bớt sự chống đối trong nước chính quyền Bush đã thúc đẩy tiêu thụ và tăng trưởng kinh tế bằng cách mượn tiền nước ngoài dùng trang trải cho lạm chi, giảm thuế và giữ tiền lời ngân hàng ở giá rẻ mạt. Quyết định này đã bơm vào bong bóng địa ốc và tạo công ăn việc làm trong hai ngành tài chánh và xây dựng. Trong khi đó sản xuất lại để chạy ra nước ngoài nhằm giúp tăng lợi nhuận và giá trị cổ phiếu cho các công ty, đồng thời hàng hoá nhập cảng vào giá thấp để kềm chế lạm phát. Hoa Lục vừa bán rẻ lại cho mượn tiền tiêu xài khiến chính quyền Bush mất cảnh giác, bị Bắc Kinh che mắt dụ dỗ mới mang tiếng là “China doll” (búp bê Trung Quốc) – mãi cho đến ngày nay Hoa Lục hùng cường trở nên một đối thủ chiến lược nay mới thấy chính phủ Obama thay đổi chính sách.

***

Kinh tế trì trệ là điểm yếu của chính quyền Obama vì không tạo thêm công ăn việc làm, nhưng một phần do ông phải thừa hưởng di sản vô cùng tai hại từ đảng Cộng Hoà vừa tăng chi, trang trải cho chiến tranh mà lại giảm thuế. Sai lầm của Obama là sau khi thông qua khối tiền khổng lồ tổng cộng 1.500 tỷ USD để cứu vãn hệ thống ngân hàng ông đã không tập trung vào việc tạo công ăn việc làm mà lại chuyển sang cải cách hệ thống bảo hiểm sức khoẻ. Kết quả là ông bị mang tiếng tăng chi trong hoàn cảnh ngân sách thâm thủng và thất nghiệp nằm lì ở mức độ 9% rất cao.

Nhưng đồng thời các đối thủ của đảng Cộng Hoà cũng không đưa ra được giải pháp nào ngoài một luận điệu duy nhất: kinh tế trì trệ -> giảm thuế; thất nghiệp cao -> giảm thuế. Nếu đảng Cộng Hoà đắc cử mà Trung Quốc vẫn tiếp tục cho vay mượn để bơm vào nền kinh tế thì họ sẽ giảm thuế và vẫn tập trung vào Trung Đông cho dù các quyền lợi lâu dài của Hoa Kỳ sẽ bị tổn hại.

Nhận xét này của người viết nơi trong tuần rồi tin tức ngoại giao quan trọng nhất phải là cuộc họp thượng đỉnh tại Nam Dương và lời loan báo Hoa Kỳ sẽ trở lại Á Châu của tổng thống Obama. Vậy mà trong cuộc tranh luận nội bộ của đảng Cộng Hoà không hề có một lời bình luận nào về Đông Á, thay vào đó các ứng cử viên chỉ chú trọng vào Trung Đông (Iran-Syria-Iraq-Aghanistan). Bên ngoài cuộc tranh luận lần đầu tiên trong suốt 40 năm nay một ứng cử viên của đảng Cộng Hoà là Mitch Rooney đã chỉ trích gay gắt Trung Quốc nhưng không có bằng chứng lâu dài nào cho thấy có sự thay đổi lập trường của đảng hay phát biểu nói trên chỉ vì nhu cầu tranh cử ngắn hạn.

Với những nhận xét kể trên người viết chọn sẽ bỏ phiếu cho tổng thống Obama trong năm 2012 vì chính sách của ông phù hợp với quyền lợi lâu dài của của Hoa Kỳ và Đông Á, trong đó có Việt Nam

© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments: