Wednesday, November 9, 2011

SỰ ĐI LÊN CỦA MỘT SIÊU CƯỜNG KINH TẾ : TRUNG QUỐC MUỐN GÌ? [1/2] Peter Ford, Christian Science Monitor




Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Mon, 11/07/2011 - 08:18

Là một siêu cường kinh tế, Trung Quốc muốn gì trên trường thế giới?

Được xem như là một trận đấu giao hữu tại Bắc Kinh, thành phố cuồng nhiệt về môn bóng rổ, giữa đội Hoyas của Đại học Georgetown từ Washington D.C., và đội Tên Lửa Bát Nhất của Quân đội Trung Quốc. Nhưng sau một số thiên vị quá rõ ràng từ những trọng tài Trung Quốc và những cú chơi cuội sống sượng của Bát Nhất, nó đã kết thúc bằng một cuộc ẩu đả của toàn bộ hai bên, trong khi các cổ động viên Trung Quốc trong sân vận động Olympic quẳng ghế và chai nước vào những người Mỹ.
Một số người nước ngoài trong đám đông của cái đêm tháng Tám nóng nực ấy muốn xem trận ẩu đả này không gì khác hơn là biểu tượng về vai trò của Trung Quốc trên thế giới hôm nay: xem thường luật lệ và tính ngay thẳng, sử dụng vũ lực để theo đuổi những lợi ích hẹp hòi riêng.
Rõ ràng là bạn không phải tìm kiếm ở đâu xa để thấy những ví dụ về việc Trung Quốc đang làm những điều theo phong cách thô lỗ của mình cho dù tính nhạy cảm của phương Tây có bị tổn hại đến đâu.
Chỉ trong vài tháng qua, những công ty nhà nước Trung Quốc đã bị phát hiện đang thương lượng với chính quyền đang bị phong toả của Đại tá Muammar Qaddafi bất chấp lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh đã áp lực mạnh mẽ đến Nam Phi để không cấp thị thực nhập cảnh cho Đức Dalai Lama để tham dự lễ sinh nhật thứ 80 của Đức Giám mục Desmond Tutu, và những nhà ngoại giao Trung Quốc đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án cái chết của gần 3000 người dân bởi bàn tay của quân đội Syria.
Và còn chưa kể đến thói quen trong nước của chính phủ Trung Quốc trong việc bắt giữ những luật sư, những người hoạt động nhân quyền, nghệ sĩ, thậm chí người được Giải Nobel Hoà bình chỉ vì đã nói lên những suy nghĩ của họ, một việc rất bình thường trên hầu hết thế giới.
Sự đi lên của nền kinh tế Trung Quốc và ngôn ngữ vừa đưa tăng âm lượng trên chính trường thế giới đã làm người dân lẫn các chính phủ trên toàn cầu phải lo lắng, bất chấp việc Bắc Kinh hết sức trấn an nỗi lo sợ của họ. Những hiệu sách tại Hoa Kỳ và châu Âu trưng bày những cuốn sách với tựa đề như “Cái chết từ Trung Quốc” và “Khi Trung Quốc Thống trị Thế giớị” Edward Friedman, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Wisconsin-Madison, cũng đã có cùng quan điểm với một số nhà quan sát khi ông đã đi xa đến mức gọi việc đi lên của Trung Quốc là “sự thử thách lớn nhất với nền tự do của thế giới kể từ Chiến tranh Thế giới Thứ I” với mục đích “làm cho thế giới tránh khỏi chủ nghĩa độc tài.” Nhưng thật sự có phải Trung Quốc đang muốn lật đổ trật tự quốc tế do Hoa Kỳ đứng đầu kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ II - chính cái hệ thống đã giúp quốc gia này thăng hoa một cách nổi bật? Và nếu những người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc thật sự muốn thế, liệu họ, hoặc những người kế nghiệp họ, sẽ thành công?

Công Phu Gấu Trúc (Kung Fu Panda) và bình an nội tại

Những thường dân Trung Quốc - từ những người nông dân thất học đang chăm sóc những mảnh ruộng cho đến những kỹ sư điện toán trẻ cầu tiến ở Bắc Kinh - đã được tuyên truyền để thấy đất nước của mình hiền hoà, và thật lòng không hiểu vì sao những người ngoại quốc lại xem nó là một mối đe doạ. Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất với nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, họ biết điều này, nhưng họ cũng chỉ ra rằng một người dân thường ở đây chỉ có thu nhập bằng 1/10 so với thu nhập của một thường dân Hoa Kỳ. Và hầu hết đất nước này chắc chắn vẫn nằm trong thế giới thứ ba.
Trung Quốc đang hiện đại hoá quân đội của mình nhưng vẫn thấy khó khăn khi phải để một tàu khu trục, một tiểu khu trục, và một tàu tiếp vận làm nhiệm vụ quốc tế chống hải tặc tại Vịnh Aden. So với khả năng của Hoa Kỳ, đang tham gia hai cuộc chiến lớn và cùng lúc giữ vững hoạt động của sáu hạm đội tổng lực, sức mạnh quân sự của Trung Quốc - ngay cả với một đội quân thường trực đông nhất thế giới - vẫn còn yếu ớt.
Đa số những nhà quan sát Trung Quốc ở phương Tây đều đồng ý về những điểm chung. Điều Trung Quốc muốn thì rất rõ ràng và không thể bác bỏ: được thịnh vượng, an ninh và tôn trọng.
“Chúng tôi muốn trở thành một đối tác bình đẳng trên trường thế giới, và chúng tôi muốn người dân Trung Quốc được thịnh vượng,” Ngô Kiến Dân, cựu đại sứ tại Paris và hiện là cố vấn cho Bộ Ngoại giao nói. “Vì thế, việc hợp tác quốc tế là điều không thể thiếu được; Trung Quốc không quá tự đại khi nói rằng đã đến lượt chúng tôi điều khiển thế giới theo hướng của mình.”
Rất hiếm khi Trung Quốc từng nhìn kỹ và lâu vào phần còn lại của thế giới. Vào thế kỷ 15, Đô đốc Trịnh Hoà từng dẫn đầu một hạm đội thám hiểm đến tận châu Phi, nhưng những hoàng đế sau đấy chỉ thoả mãn ngồi trên ngai vàng Trung Quốc, trung tâm của vũ trụ, và chú trọng vào mảnh đất của mình. Trung Quốc đã trải qua một trăm năm phục tùng trước quyền lực phương Tây sau khi thua trận trong cuộc Chiến tranh Thuốc phiện vào thế kỷ 19, và hàng chục năm vướng vào những xâu xé trước và sau khi Cộng sản Mao Trạch Đông chiếm chính quyền vào năm 1949.
Chỉ khi vừa trở nên giàu có gần đây thì Bắc Kinh mới thấy mình đóng vai trò quan trọng trên trường thế giới.
“Đây là một thử thách rất lớn trong việc tái cấu trúc quan hệ của chúng tôi với thế giới mà vẫn giữ nguyên được lòng tin của họ,” giáo sư Chu Phong tại Phân viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh lo lắng.
Vì thế, khi Trung Quốc đi lên, những người lãnh đạo đang làm hết sức mình trong việc tìm cách trấn an thế giới rằng thành công của họ, với cụm từ mà các quan chức thường thích dùng, là một viễn cảnh “hai bên cùng có lợi” cho mọi người. Quá lo lắng đến nỗi những nhà thảo chính sách ở đây sợ những người ngoại quốc bực mình nên đã loại bỏ công thức nguyên thủy của mình về tương lai của Trung Quốc - “đi lên hoà bình” - vì có vẻ quá đe doạ. Thay vào đó, họ thoả thuận với cụm từ “phát triển hoà bình”.
Tháng trước chính quyền đã công bố một sách trắng dài 32 trang đầy dẫy những từ ngữ trấn an, giải thích việc họ muốn thế giới hiểu rõ cụm từ này ra sao.
“Đã có một sự hiểu lầm về chính sách đối ngoại của Trung Quốc,” Wang Yajun, chuyên gia hàng đầu về chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản nói khi trình bày tài liệu trước giới truyền thông. “Thật sự là đã có những nghi ngờ.”
Thông điệp chính của sách trắng là Trung Quốc không đe doạ bất cứ ai, rằng sự đi lên của họ sẽ đóng góp cho hoà bình thế giới, và rằng “mục tiêu trọng tâm của ngoại giao Trung Quốc là nhằm tạo ra một môi trường quốc tế ổn định và hoà bình cho sự phát triển của mình. Trung Quốc có thể trở nên hùng mạnh trong tương lai. Nhưng hoà bình vẫn là tối trọng đối với sự phát triển của mình, và Trung Quốc không có lý do nào để đi trệch khỏi con đường phát triển hoà bình.”
“Trung Quốc không muốn, và sẽ không, thách thức trật tự quốc tế hoặc thách thức những quốc gia khác,” Ông Wang nhấn mạnh, chỉ ra bản tuyên bố trong sách trắng rằng Trung Quốc đã “phá bỏ tiền lệ cố hữu khi một cường quốc đang lên thì thường tìm cách bá quyền.”
Không phải ai cũng tin vào điều này, thậm chí tại Trung Quốc. “Nhân loại đang tiến bộ,” Vương Tiểu Đông, một nhà tư tưởng dân tộc nổi tiếng với quan điểm đang ngày càng gây ảnh hưởng trong công chúng Trung Quốc, “nhưng không nhiều đến nổi để Trung Quốc sẽ trở thành một trường hợp đặc biệt trong lịch sử nhân loại. Quan điểm rằng Trung Quốc sẽ phát triển quyền lực của mình nhưng sẽ không dùng đến nó chỉ là một thứ ngôn ngữ ngoại giao.”
Những quốc gia láng giềng Đông nam Á của Trung Quốc có lẽ cũng đồng ý. Cho đến đầu năm nay, Bắc Kinh đã rất mạnh mẽ trong việc thúc đẩy việc tranh chấp thừa nhận chủ quyền lãnh thổ trong vùng biển Nam Hải, khiến những quốc gia nhỏ hơn lo lắng. Nhưng việc họ đã giảm bớt cường điệu trong những tháng vừa qua trước những than phiền cho thấy họ không thể cứ làm những gì mình muốn.
“Trung Quốc liên tục làm phép thử, và khi họ không đạt được điều mình muốn họ thường nhượng bộ,” Bonnie Glaser, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington nói. “Với việc họ phát triển khả năng quân sự của mình, họ phải rất cẩn trọng để không sử dụng nó vào những việc khiến những láng giềng phải lo sợ.”
Việc chính phủ Trung Quốc cần phải tự giải thích xuất phát một phần từ sự bí mật cố hữu của hệ thống: Những người ngoài thậm chí không biết được khi nào Uỷ ban Thường trực của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản nhóm họp, nói gì đến việc biết được chín thành viên này đã ra quyết định ra sao hoặc quyết định ấy là của ai.
Đồng thời, một số nhà quan sát lại cho rằng, không phải luôn luôn có một câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi vì sao Trung Quốc hành xử như thế. Chính phủ Trung Quốc không phải là một tổng hợp nguyên chất. Những nhóm áp lực và bè cánh từ quân đội cho đến chính quyền cấp tỉnh có quyền lợi riêng của mình và đôi khi có thể thúc đẩy những khía cạnh của chính sách đối ngoại theo chiều hướng của mình.
“Họ không có một lộ trình rõ ràng và chi tiết trong việc làm cách nào để đạt được mục đích lâu dài hơn là chỉ theo đuổi việc phát triển như họ đã làm,” Michael Swaine, một nhà quan sát Trung Quốc tại trung tâm Đầu tư vì Hoà bình Quốc tế Carnegie tại Washington nói.
Hoặc, nói thẳng ra, vấn đề đối ngoại dường như cũng chẳng chiếm vị trí cao trong lịch trình của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. “Những vấn đề quốc tế là thứ yếu,” Francois Godement, nhà sáng lập Trung tâm Á châu, một viện nghiên cứu đặt tại Paris noi. Thay vì thế, ưu tiên hàng đầu của Đảng Cộng sản, là việc giữ nguyên quyền lực, những vấn đề trong nước đang đe doạ sự ổn định xã hội thật sự quan trọng hơn.
“Chúng tôi phải thay đổi mô hình phát triển không lâu dài thành lâu dài” ít lệ thuộc vào việc gây ô nhiễm cao, hàng xuất khẩu rẻ tiền, Ông Ngô, cố vấn của bộ ngoại giao lập luận, “và chúng tôi phải rút ngắn khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.”
“Trung Quốc sẽ phải bận tâm trong một thời gian dài đối với lịch trình đối nội,” Giáo sư Chu cũng đồng ý. “Nếu bạn muốn đối phó với một mối quan hệ phức tạp, điểm khởi đầu là bạn phải tạo ra tiềm lực tốt nhất. Như trong phim Công phu Gấu Trúc (Kung Fu Panda) nói - bạn phải cần bình an trong lòng.”

Trung Quốc giàu có nhưng cô đơn

Khi những vị tai to mặt lớn trong khu vực khai thác mỏ của Cộng hoà Dân chủ Congo tụ họp và tháng trước trong một khách sạn nhỏ bên bờ hồ của thủ đô đồng Lubumbashi, một số thành viên mới quan trọng rõ ràng là đã vắng mặt tại hội nghị. Những người tham dự nói rằng họ không ngạc nhiên khi không có công ty Trung Quốc nào gửi đại diện đến; những người Trung Quốc hiếm khi gặp gỡ những đồng nghiệp khai thác mỏ, họ giải thích.
Nhưng nếu đến thăm một sòng bài địa phương, được bảo vệ cẩn mật sau những bức tường có chăng dây thép gai, thì bằng chứng rất rõ ràng rằng người Trung Quốc đã có mặt, với nhiều tiền để tiêu xài: Những khách chơi trong không khí máy lạnh mát mẻ đầy khói toàn là người Trung Quốc - tụ tập chung quanh những bàn roulette và chơi bài xì-dách hoặc xì-phé, với cả núi phỉng trước mặt.
Những người này là một phần của sự hiện diện ngày càng đông của Trung Quốc tại Congo, vốn đã phô trương những cơ bắp kinh tế đầy ấn tượng. Các công ty Trung Quốc đang đứng sau những hợp đồng trị giá 2 tỉ Mỹ kim, hiện đang thi công, để mua hai mỏ đồng lớn gần Lubumbashi. Trên khắp lục địa châu Phi, những người như họ đang bắt tay vào nỗ lực mạnh mẽ nhất của Trung Quốc để tìm bạn nước ngoài, tìm cách bảo đảm nguồn dầu, khoáng chất và những nguyên liệu thô mà nền kinh tế vẫn đang bùng nổ của Trung Quốc đang cần.
“Sự hậu thuẫn tài chính của Trung Quốc đối với châu lục này giúp các quốc gia châu Phi có được một lựa chọn” giữa Đông và Tây, một nhà hoạt động ẩn danh người Trung Quốc tại một tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi sự hợp tác giữa Bắc Kinh và châu Phi, cho biết.
Cơ bắp tài chính của Trung Quốc đã trở thành chìa khoá cho ảnh hưởng ngày càng nhiều tại Cộng hoà Dân chủ Congo, nơi Bắc Kinh đã ký kết một hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng để đổi lấy khoáng sản trị giá 6 tỉ Mỹ kim vào năm 2009. Những đối tác phương Tây truyền thống của Congo không có sẵn tiền cho công tác vĩ đại nhằm tái xây dựng đất nước từng bị chiến tranh tàn phá này, Lambert Mende, bộ trưởng thông tin Congo cho biết, vì thế “Trung Quốc rất quan trọng.”
Để có được 10 triệu tấn đồng và 600 nghìn tấn cobalt, Trung Quốc sẽ xây đường xá, trường học, đập thuỷ điện và bệnh viện. Một nửa hợp đồng này mang tính đổi chác, có nghĩa là nó không ký nhiều vào gánh nặng nợ nước ngoài của quốc gia này.
“Liệu hợp đồng này sẽ cho thấy có tác dụng tốt hơn so với khuôn mẫu phương Tây về lâu dài hay không thì phải đợi để xem,” Lizzie Parsons thuộc tổ chức áp lực Global Witness nói. Một số câu hỏi chưa được trả lời: liệu số tiền này sẽ bị rút tỉa vì tham nhũng, liệu tất cả những cơ sở hạ tầng sẽ được xây, và sự biến chuyển về giá cả khoáng sản sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hợp đồng.
Những chiếc máy xây dựng màu vàng từ Trung Quốc đã trở thành hình ảnh bình thường trên những công trình đường xá trên khắc thủ đô Kinshasa, và ngày càng nhiều người giao dịch thương mại với các công ty Trung Quốc. Kinh nghiệm làm ăn không luôn dễ chịu, theo một doanh nhân phương Tây từng làm việc tại Kinshasa gần hai thập niên.
“Khi bạn trông thấy một người Trung Quốc đến văn phòng của mình, hãy tự chuẩn bị để nghênh chiến,” ông nói. “Rất hiếm khi bạn vui vẻ sau cuộc thương lượng. Họ không có tính tôn trọng hoặc lịch sự, và không có tình cảm,” ông than phiền, bổ sung thêm rằng ông hiếm khi xây dựng được mối quan hệ cá nhân với các khách hàng Trung Quốc như ông đã có được với những doanh nhân Congo hoặc phương Tây.
Tuy nhiên, người Trung Quốc lại rất nhạy bén, và những đối tác truyền thống phương Tây cảm thấy hơi bị đe dọa bởi họ, đặc biệt là trong thực tế những công ty Trung Quốc có quan hệ gần gũi với chính quyền Congo, vị doanh nhân phương Tây thừa nhận.
“Chúng tôi nhận thức được sức mạnh của họ,” ông nói. “Họ được bảo kê; họ có thể lái xe không có biển số mà không ai dám chặn lại. Thử làm việc này, bạn sẽ thấy điều gì xảy ra.”
Một quốc gia khác đang tìm cách giữ con bài Trung Quốc trong tay áo, đặc biệt khi quan hệ của nước này với Washington đang trở nên chua chát, là Pakistan, những người lãnh đạo nước này gần đây đã ca ngợi “tình hữu nghị trong mọi hoàn cảnh” của hai quốc gia láng giềng.
Hoạt động đầy hiệu quả của Trung Quốc trên đất Pakistan đã nhận được một lời đón chào nồng ấm: Một cuộc thăm dò của Pew và năm ngoái đã cho thấy có 85% người Pakistan có cái nhìn thiện cảm với Trung Quốc, trong khi chỉ có 17% có cái nhìn tương tự đối với Mỹ, quốc gia viện trợ chính của Pakistan.
Người Pakistan nhớ rằng chính Trung Quốc đã cung cấp vũ khí khi Washington từ chối họ trong quá khứ, nhưng gần đây Bắc Kinh dường như lại miễn cưỡng để can dự quá sâu vào những vấn đề an ninh: Thương mại đang lên, và Pakistan là một thị trường lớn cho hàng điện tử, xe gắn máy, đồ chơi và thực phẩm từ Trung Quốc, nhưng những nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đang cẩn trọng trong việc cam kết quá sâu với Islamabad, những nhà quan sát tại Bắc Kinh cho biết.
(còn tiếp)
.
.
.

No comments: