Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Tue, 11/08/2011 - 07:07
(Tiếp theo)
Ở phía nửa kia của thế giới, tại Brazil, cũng có câu chuyện tương tự. Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ như là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil vào năm 2009 qua việc mua một lượng dầu mỏ, đậu nành và quặng sắt khổng lồ; hàng xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc tăng 18 lần từ 2000 đến 2009.
Nhưng “quan hệ của chúng tôi với Bắc Kinh hầu như thuần tuý chỉ trên mặt thương mại và đầu tư,” Roberto Abdenur, cựu đại sứ của Brazil tại cả Bắc Kinh và Washington nói.
“Với Hoa Kỳ, đây là quan hệ về văn hoá và chính trị - hai quốc gia chia sẻ nhiều quyền lợi mà Trung Quốc không có,” ví dụ như việc cổ vũ nhân quyền, dân chủ, và minh bạch chính quyền, ông bổ sung.
Thật thế, đối với một chính quyền thường tuyên bố rằng mình hài lòng với trật tự thế giới hiện tại, Bắc Kinh lại không bình thường khi có quan hệ tốt với những chính quyền vốn bị trật tự này tẩy chay, ví dụ như những kẻ đang cầm quyền tại Iran, Bắc Hàn, Sudan, Miến Điện, và Zimbabwe.
“Với việc làm bạn với những kẻ độc tài, Trung Quốc đang thách thức hệ thống dân chủ toàn cầu hoạt động ngược lại với mục đích của dòng chủ lưu của thế giới,” Mao Vu Thức, một nhà cải cách nổi tiếng, từng dạy dỗ nhiều nhà kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, than phiền.
Dù điều này không khuyến khích lòng tin tại những thủ đô phương Tây nhưng lại không là vấn đề đối với những quốc gia đang phát triển, những nước từng có kinh nghiệm riêng với các chính phủ phương Tây - bị họ cai trị hoặc giao dịch với họ - thường là bị bỏ rơi với cảm giác bị đối xử bất công.
Trung Quốc có ít cơ hội để sử dụng ảnh hưởng chính trị quốc tế một cách tương xứng với sức mạnh kinh tế của mình. Một phần bởi vì có ít chính quyền nào trên thế giới, và giới cử tri thì còn ít hơn nữa, lại xem hệ thống đàn áp, độc tài, độc đảng của Trung Quốc như là một mô hình để ngưỡng mộ hoặc làm theo, bất chấp những thanh tựu kinh tế của nó.
Mặc dù việc Trung Quốc sẵn sàng “lên tiếng về quan điểm khác biệt từ một quốc gia duy nhất trên thế giới có quyền lên tiếng cho đến nay... thì hấp dẫn các quốc gia khác,” Gong Wenxiang, một giáo sư tại Phân viện Báo chí thuộc Đại học Bắc Kinh nói. “Tôi không thể thấy được việc mọi người hài lòng với một cường quốc mạnh mẽ lại thường hậu thuẫn những kẻ độc tài. Đấy không phải là một hình ảnh tích cực.”
“Trung Quốc là một cường quốc trên khía cạnh nguồn lực, nhưng không phải là một cường qucố trên khía cạnh hấp dẫn,” David Shambaugh, giám đốc chương trình Chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington bổ sung. Sự thiếu vắng quyền lực mềm, “thì không phải là một mô hình, không phải là một sức hút để những nước khác đi theo.”
Cho đến nay, Bắc Kinh cũng chẳng biểu lộ những dấu hiệu về việc thúc đẩy một mô hình cụ thể nào về quản lý chính quyền hoặc tư tưởng chính trị, khiến cho những người như ông Mende, bộ trưởng thông tin Congo, rất hài lòng. “Chúng tôi không tin vào thói quen của phương Tây thường xen vào công việc nội bộ của những nước khác,” ông nói. “Chúng tôi không thích người khác ra lệnh cho mình. Trung Quốc thì tôn trọng hơn quyền tự quyết của đối tác của họ.”
Phương pháp không nhúng tay cũng đưa quốc gia này ra khỏi những liên minh có thể sẽ làm Bắc Kinh vướng vào việc bảo vệ đầy tốn kém cho quyền lợi của những quốc gia khác. Mặc dù những quan chức Pakistan muốn dùng Bắc Kinh để chống lại Washington cũng nhớ rằng Bắc Kinh chưa lần nào nhúng tay vào để giúp Pakistan trong bất kỳ cuộc chiến nào giữa họ với Ấn Độ mà trong đó Pakistan đều thua trận.
“Trung Quốc muốn làm ăn nhưng lại không muốn gánh chịu trách nhiệm,” Giáo sư Chu, vị học giả quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh nói. “Chúng tôi còn lâu mới sẵn sàng về mặt tâm lý để biến mình thành một cường quốc có thể tin cậy được.”
Cuốn sách trắng mới đây của chính quyền cũng thừa nhận điều này: “Đối với Trung Quốc, một đất nước đông dân nhất trên thế giới, việc tự vận hành tốt là vấn đề quan trọng nhất trong việc hoàn thành trách nhiệm quốc tế của mình.”
Những sự kiện vừa qua tại Lybia đã minh hoạ cho việc Trung Quốc đã đi bao xa trong việc đóng vai trò ngoại giao quốc tế đầy sáng tạo của mình. Trong suốt thời kỳ khủng hoảng, Bắc Kinh đã chỉ là một kẻ thụ động với phản ứng của một người ngoài lề, đi theo chân sự can thiệp của phương Tây. Nhưng, vì chỉ chú tâm vào việc bảo vệ quyền lợi dầu hoả của mình trên tất cả, nó đã là cường quốc quan trọng cuối cùng chịu nhìn nhận chính quyền Lybia mới. Thái độ cẩn trọng này cũng đã được biểu hiện vào tuần trước khi Trung Quốc miễn cưỡng đóng góp đủ nhiều vào quỹ cấp cứu tài chính cho khu vực châu Âu khi những nhà lãnh đạo châu Ấu hi vọng. Nói cho cùng, Trung Quốc sẽ không cứu thế giới.
“Chính sách ngoại giao của Trung Quốc là chú trọng vào việc lời lỗ chứ không phải đối phó với khía cạnh lợi ích toàn cầu nói chung,” Giáo sư Shambaugh lập luận. “Đây là một quốc gia rất ích kỷ, chỉ lo cho bản thân mình.”
Một hệ quả của thái độ này? “Trung Quốc đang đi lên, nhưng chúng tôi là một cường quốc cô đơn đang đi lên,” giáo sư Chu nói. “Hoa Kỳ có đồng minh, chẳng có ai là đồng minh của Trung Quốc cả.”
Láng giềng nói ‘Không bao giờ’
Việt Nam từng là một đồng mình, khi Hà Nội chống lại người Mỹ, nhưng không còn như thế nữa.
“Jamais,” đó là từ viết trên chiếc áo của một người biểu tình Việt Nam vào tháng trước, “Không bao giờ.” Khẩu hiệu này nhắc lại việc Hồ Chí Minh từng mạnh mẽ trả lời khi ông được hỏi bởi một phóng viên Pháp rằng liệu Việt Nam có trở thành một chư hầu của Trung Quốc sau chiến tranh hay không. Nó vẫn biểu lộ thái độ chống Trung Quốc phổ biến trong nhiều thế kỷ vốn đã ăn sâu hơn bất kỳ tính trung thành nào trong giữa những người cộng sản.
Những người biểu tình đã phản đối thái độ lấn lướt mà Trung Quốc thúc đẩy trong việc tuyên bố chủ quyền Quần đảo Trường Sa, một cụm những mõm đá trên biển Nam Hải mà Việt Nam cũng thừa nhận chủ quyền. Cả hai nước đang nhắm vào những mỏ dầu và khí đốt dưới đáy biển chung quanh. Những tàu chiến của hải quân Trung Quốc đã bắt giữ hơn 1 nghìn ngư dân Việt Nam trên vùng biển đang tranh chấp, cơ quan ngư nghiệp Hà Nội cho biết.
Trung Quốc cũng đang dính líu vào những tranh chấp lãnh thổ tương tự tại biển Nam Hải với một số cường quốc trong khu vực, và tháng trước họ đều gửi các bộ trưởng quốc phòng của mình đến Tokyo để thảo luận những phương cách giúp làm sâu đậm thêm mối hợp tác giữa họ.
“Việc Trung Quốc mong muốn trở thành người đứng đầu trong khu vực đang gặp những kháng cự từ những quốc gia khác,” Hugh White, cựu quan chức quốc phòng Úc nói. “Bắc Kinh muốn đóng vai trò lãnh đạo đồng thuận và mềm dẻo, nhưng họ đã không thể đạt được nó” vì không có nước láng giềng nào của Trung Quốc chấp nhận cả.
Ưu tiên chủ yếu trong vùng của Trung Quốc là ngăn cản Đài Loan tuyên bố độc lập và cuối cùng sẽ thống nhất hòn đảo này với lục địa. Nhưng sự leo thang của Bắc Kinh trong việc tuyên bố chủ quyền trong hầu hết khu vực biển Nam Hải và việc nhanh chóng hiện đại hoá lực lượng hải quân của mình nhằm củng cố những tuyên bố trên đã báo động Washington và những nước láng giền. Năm mươi phần trăm lượng mậu dịch của thế giới được chuyên chở qua vùng biển này.
“Mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc là thách thức khả năng của Hoa Kỳ trong việc biểu lộ sức mạnh trên khu vực phía tây Thái Bình Dương,” Ông White nói. “Họ muốn có thể bắn chìm được những tàu sân bay của Mỹ.”
Theo một quan chức cao cấp Hải quân Hoa Kỳ, Trung Quốc có thể sớm điều chỉnh việc này bằng việc sử dụng tên lửa đạn đạo để củng cố việc “chống xâm nhập khu vực” gần vùng biển Trung Quốc. Sử dụng những vũ khí loại này là một phần của chiến lược phòng thủ, “Trung Quốc có thể giảm thiểu những lựa chọn chiến lược của Hoa Kỳ một cách trầm trọng,” ông White cảnh báo, nếu Washington còn muốn hỗ trợ Đài Loan hoặc những đồng minh khác trong khu vực Đông nam Á.
Điều này đặt những nước láng giềng của Trung Quốc vào một vị thế khó xử. Tất cả các quốc gia này, từ Nhật cho đến Lào, biết rằng tương lai kinh tế của mình phụ thuộc vào Trung Quốc, cường quốc của châu Á. Thành công của Trung Quốc sẽ là thành công của họ. Nhưng trong nhiều thế kỷ, những quốc gia như Việt Nam và Hàn Quốc đã sống dưới gọng kềm của một Trung Quốc thành công, Linda Jakobson, một nghiên cứu viên tại Học viện Lowy ở Sydney, Úc chỉ ra, “và không ai trong khu vực lại muốn quay trở lại thời kỳ ấy.”
Động cơ lợi nhuận hay động cơ địa-chính trị?
Nếu những nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc biết rằng họ vẫn đang thiếu vắng điều kiện để đóng vai trò quyết định trên chính sự thế giới, những công ty khổng lồ Trung Quốc lại nhận thức rõ hơn giới hạn của mình.
“Có một quan điểm cho rằng Trung Quốc đang mua cả thế giới,” Andre Loesskrug-Pietri, một thương nhân người Pháp-Đức có công ty đầu tư cá nhân tại Bắc Kinh chuyên giúp các công ty Trung Quốc mua lại những cổ phần nước ngoài. “Nhưng điều này không đúng sự thật.”
Đầu tư vào nước ngoài của Trung Quốc đang nhảy vọt vượt bực, tăng gấp đôi hằng năm, và những vụ đầu tư nổi tiếng như việc Lenovo mua lại bộ phận sản xuất máy tính cá nhân của IBM từng làm báo chí quan tâm. Nhưng tổng số vốn đầu tư trực tiếp vào nước ngoài của Trung Quốc vẫn còn thấp - khoảng bằng với Đan Mạch (1% tổng số toàn cầu so với 22% phần vốn của Hoa Kỳ). Và 60% những thương vụ nước ngoài là về tài nguyên, ví dụ như cổ phần trong những mỏ dầu cát tại Canada, những mỏ than tại Úc, những mỏ khí đốt tại Argentina, và những mỏ đồng tại Zambia.
Có rất ít các công ty Trung Quốc có khả năng và kinh nghiệm cần thiết để có thể cạnh tranh trong môi trường đa quốc gia, Thilo Hanermann thuộc Rhodium Group ở New York và tác giả của một nghiên cứu gần đây về đầu tư nước ngoài của Trung Quốc nói. “Những gì các tập đoàn Trung Quốc đang làm hiện nay là tìm cách bắt kịp,” ông giải thích. “Các công ty Trung Quốc bị lạc hậu trong kỹ thuật, nhân viên, nguồn nhân sự, thương hiệu cũng như giá trị vô hình.”
Họ cũng phải học hỏi về cách làm ăn mới, rất khác biệt với thói quen của họ ở Trung Quốc, nơi chìa khoá của thành công thường là mối quan hệ mật thiết với các quan chức chính quyền, những người có thể cung cấp tín dụng và qui định dễ dãi -- với một cái giá.
“Càng sống lâu ở đây, tôi càng thấy không lo lắng về cái gọi là mối đe doạ mà phương Tây cảm thấy về việc Trung Quốc sẽ thống lĩnh thế giới,” Ông Loesskrug-Pietri nói. “Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc thường không quen thuộc với văn hoá mua bán nước ngoài, và chúng ta vẫn còn lâu lắm mới được những giám đốc và công ty thực sự mang tính toàn cầu.”
Không một thương hiệu nào trong Top 100 do tạp chí Businessweek công ty cố vấn Interbrand xếp hạng thuộc về Trung Quốc. Mặc dù 61 công ty trong top 500 Fortune là của Trung Quốc, hầu như chẳng có bất kỳ một giám đốc nước ngoài nào; đa số là những công ty nhà nước với những người lãnh đạo do Đảng Cộng sản đề cử. Và hầu hết những công ty Trung Quốc đầu tư ở nước ngoài cũng đang làm như thế, Loesskrug-Pietri nói, để có được cái họ cần nhằm cạnh tranh tốt hơn trên cái thị trường mà họ xem là hấp dẫn nhất -- Trung Quốc.
Khoảng một chục công ty Trung Quốc đang phát triển để có được một hình ảnh toàn cầu thực sự: Lenovo là một; Hoa Vị (Huawei), một công ty kết nối viễn thông đang bán thành phẩm của mình trên 140 quốc gia là một ví dụ khác; Công ty Hải Nhĩ (Haier) cũng đã bắt đầu bán một số lượng đáng kể các mặt hàng gia dụng tại Mỹ và châu Âu cũng như tại châu Á. Và những công ty tư nhân lớn có uy tín đang vươn mình ra quốc tế cũng thường nhận được điểm cao từ các đối tác nước ngoài.
“Tôi đã có ấn tượng tốt,” Henri Giscard d’Estaing, tổng giám đốc của Club Med nói. Chủ nhân người Pháp của khu du lịch này đã bán 10 phần trăm cổ phần cho Phục Tinh, một tổng công ty Trung Quốc vào đầu năm nay. “Họ xử sự như những cổ phần viên kỳ cựu; họ đã kết luận rằng chúng tôi biết làm ăn và để cho chúng tôi hành sự. Làm ăn với Phục Tinh đã trở nên bình thường và đơn giản hơn là đa số mọi người vẫn nghĩ” về giao thương với một công ty Trung Quốc ra sao, ông Giscard d’Estaing bổ sung.
Trong khi một số nhà chỉ trích việc đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc “được xem là động cơ của nhà nước, hoặc mang một mục đích địa chính trị nào đấy... Tôi lại thấy đó chỉ là một động cơ thương mại và hành xử vì lợi nhuận mà thôi,” Dan Rosen, một nghiên cứu sinh thuộc Học viện Peterson tại Washington nói.
Nhưng có rất ít công ty Trung Quốc cảm thấy sẵn sàng để vươn ra nước ngoài, bất chấp sự khuyến khích của nhà nước.
“Họ thường cảm thấy bất an. Họ biết rằng mình không hiểu sự việc vận hành ra sao, và họ cẩn trọng về việc phải đảo lộn những hoạt động hiện tại,” Loesskrug-Pietri nói.
Một số trong họ cũng có lý do đúng đắn để lo lắng về những phản ứng mà họ có thể tạo ra. “Khi những công ty Trung Quốc vươn ra toàn cầu họ đã gặp phải rất nhiều nghi ngờ,” ông Ngô than phiền. “Đây không phải là dấu hiệu tốt.”
Ví dụ như công ty tư nhân Hoa Vị (Huawei), trong ba năm qua đã bị ngăn cản ba lần vì lý do an ninh quốc gia khi ký các hợp đồng trên đất Mỹ, sau khi một số nhà chỉ trích cho rằng công ty này có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Hoa Vị (Huawei) luôn bác bỏ điều này, nhưng chỉ sau khi lần thất biạ thứ ba thì công ty này mới chịu công bố cơ cấu lãnh đạo và thành viên hội đồng điều hành để cố trở nên minh bạch hơn.
Ngay cả kiểu bí mật này cũng không phải là vấn đề, những nhà đầu tư Trung Quốc ở nước ngoài đang gặp phải thái độ bài Hoa ngày càng dâng cao. Tại Brazil, những nhà sản xuất địa phương cáo buộc rằng những hàng hoá nhập khẩu rẻ tiền từ Trung Quốc từ đồ chơi cho đến xe hơi hoặc máy móc công nghiệp đã cướp đi 70 nghìn việc làm của người Brazil, chính quyền gần đây đã đánh một khoản thuế bảo vệ lên các xe nhập từ nước ngoài, nhắm vào hiệu xe Chery do Trung Quốc sản xuất, loại xe được trang bị đầy đủ và rẻ nhất trên thị trường với giá 13.600 Mỹ kim.
Và khi những nhà đầu tư Trung Quốc bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực đất canh tác tại Brazil, quốc hội đang thảo luận một điều luật trong đó cho phép người Mỹ và châu Âu mua đất nhưng không phải là người Trung Quốc.
Tại Zambia, nơi những đầu tư của Trung Quốc vào các mỏ đồng lên đến 2 tỉ Mỹ kim, nhưng cũng là nơi những chủ nhân người Trung Quốc đã tạo tai tiếng xấu cho mình, trong cuộc bầu cử tổng thống tháng qua, Michael Sata đã thắng cử, ông đã tạo sự nghiệp của mình bằng phong trào bài Hoa. Thậm chí tại Miến Điện, một trong những người bạn thân nhất của Trung Quốc tại châu Á, tháng trước chính quyền đã bãi bỏ một dự án đập thuỷ điện gây nhiều tranh cãi vì làn sóng ngày càng cao của dân chúng nhằm chống đối sự tràn ngập của các doanh nghiệp Trung Quốc trên đất nước này.
Một cường quốc nông cạn chứ không phải là một siêu cường
"Trung Quốc thực sự phải học cách lèo lái qua vùng biển sóng gió này," ông Chu cảnh báo. "Phương Tây đã phản ứng hơi thái quá, nhưng chúng ta phải lưu ý hơn đến thực tế là chính chúng ta là người tạo ra sự bất thường này."
"Chúng ta là những người mới đến, và người ta thường nghi hoặc những kẻ mới đến," ông Ngô nói. "Người ta cũng có rất nhiều nghi ngờ về Đảng Cộng sản vì nó tạo ra rào cản về tư tưởng. Nhưng nếu việc làm của chúng ta đi đôi với lời nói, sau một thời gian chúng ta có thể xây dựng được lòng tin."
Tạm thời, Trung Quốc vẫn là một "cường quốc nông cạn", Shambaugh lập luận. "Trung Quốc mạnh về lĩnh vực kinh tế nhưng rất yếu về lình vực an ninh cũng như chẳng có nhiều quyền lực mềm" như ảnh hưởng văn hoá, hoặc khả năng thuyết phục những quốc gia khác noi gương mình.
"Một khi những nền dân chủ phương Tây vẫn còn mạnh và thịnh vượng," ông Swaine tại Trung tâm Carnegie bổ sung, "Trung Quốc sẽ không đủ sức ảnh hưởng nền kinh tế thế giới để khiến cho những quốc gia khác phải nương theo nó. Trong bất kỳ khoảng thời gian trước mắt có thể thấy được, tôi không thấy Trung Quốc sẽ trở thành một loại siêu cường như Hoa Kỳ đã từng sau chiến tranh."
Và nói cho cùng, ông chỉ ra rằng, những câu hỏi này sẽ trở nên vô nghĩa trong nhiều thập niên tới. "Thế hệ của những nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ quyết định liệu họ có muốn trở thành một loại siêu cường như thế hay không," Swaine tin, "họ vẫn chưa chào đời."
.
.
.
No comments:
Post a Comment