Wednesday, November 23, 2011

"SÁCH VỞ ÍCH GÌ CHO BUỔI ẤY !" (Huy Phương/Người Việt)




Bài và ảnh của Huy Phương/Người Việt
Monday, November 21, 2011 7:59:19 PM

Ai đọc sách và đọc sách ai?

Một vòng qua các nhà sách, gặp gỡ các chủ tiệm, ai cũng than phiền người đọc càng ngày càng ít, lý do mà chúng ta đã biết là vào thời đại của computer, các ông bà già thì mắt càng ngày càng mờ, con trẻ lớn lên nói ngọng, nói chi chuyện đọc sách tiếng Việt.

Người ta thích bỏ ra $25.00 để mua một băng nhạc, hay bỏ $150.00 để mua một cái vé đại nhạc hội có thu hình, nhưng $15.00 cho một cuốn sách thì không.

Ông Võ Thắng Tiết, nhà xuất bản Văn Nghệ đã một đời vì sách vở từ trong rồi ra ngoài nước, cuối cùng cũng phải “xếp giáo quy hàng.” Ông Nguyễn Hùng Trương của Khai Trí đã có công gầy dựng nên một thời đọc sách của miền Nam, cuối cùng cũng đem giấc mộng tàn về bên kia thế giới. Nhưng vì sao có nhà in vẫn sống nhờ in sách, nhà xuất bản hay các tác giả tự in sách tháng nào cũng có sách mới, nhà sách vẫn chưa dẹp tiệm. Tuy so sánh với những ngày ca nhạc, TV, Internet chưa “lộng hành” thì không bằng, nhưng hôm nay vẫn còn có người đọc sách, vậy thì chưa đến nỗi nào.

Tuy không có những nhà xuất bản quy mô có ảnh hưởng lớn như Khai Trí, Văn nghệ, Xuân Thu, Ðại Nam, nhưng đã có Văn Hóa của Nguyên Vũ, Làng Văn của Nguyễn Xuân Nghĩa (Canada), Tổ hợp Xuất Bản Miền Ðông của Nguyễn Ngọc Bích, Tiếng Quê Hương của Uyên Thao, Văn Mới của Nguyễn Khoa Kha,... đã từ nhiều năm nay ở hải ngoại xuất bản hằng trăm cuốn sách có giá trị. Các cơ sở báo chí như Người Việt, Việt Báo, Thế Kỷ 21, Viễn Ðông, Cội Nguồn,... đã in sách riêng cho nhiều tác giả, hay Nguyễn Ngọc Ngạn in sách dưới tên Thúy Nga. Rất nhiều tác giả tự xuất bản dưới cái tên của một nhà xuất bản nhỏ như Song Thao (Nhân Ảnh), Nguyễn Tiến Hưng (Hứa Chấn Minh), Nguyên Huy (KBC),Vĩnh Phúc (Tam Vĩnh, London), Huy Trâm (Hương Văn)... Một số sách ghi là “Tác Giả Xuất Bản” như Huỳnh Văn Lang, Phạm Tín An Ninh, Tràm Cà Mau, Hồ Văn Kỳ Thoại... một số lại không thấy ghi tên.

Ðôi khi nhà xuất bản chỉ là sân chơi chung cho nhiều tác giả, tự in, tự phát hành lấy sách của mình như Nam Việt (Nguyễn Ðạt Thịnh, Võ Hương An, Nguyễn Thanh Ty, Trần Ðông Phong, Ðinh Lâm Thanh,...). Nếu kể tên các nhà xuất bản do tác giả tạm đặt ra để in một, hai cuốn sách của chính mình thì chúng ta có thể kể đến con số hằng trăm, vì ở đây sách vở không bị kiểm duyệt, việc in sách tương đối dễ dàng. Ngoài ra số kinh, sách tôn giáo được in ra phổ biến cũng không phải là ít.

Sách Việt Nam bán đầy các nhà sách, nhưng là các loại sách mà hải ngoại hiện nay không xuất bản như tự điển, sách nấu ăn, sách dịch về tôn giáo, thuốc men,... và tỷ lệ sách bán ra không đến 20%.

Một điển hình hoạt động của một nhà xuất bản là Tủ Sách Tiếng Quê Hương của nhà văn Uyên Thao, khởi sự thành lập đầu năm 2000, đã xuất bản được 54 tác phẩm gồm nhiều thể loại. Về vấn đề phát hành, ông Uyên Thao cho biết sách chủ yếu bán cho độc giả dài hạn gồm bạn bè của nhóm chủ trương và một số bạn đọc trực tiếp gửi thư cho Tủ Sách.

Số sách giao cho đại lý phát hành, rất hạn chế, gần như không đáng kể. Về bản quyền thì Tiếng Quê Hương trả theo tỷ lệ 10% trên giá đề cho tác giả, nhưng trên thực tế, ngoài các tác giả ở trong nước, các tác giả ở hải ngoại thường không nhận tiền bản quyền mà chỉ yêu cầu trả cho một số sách nào đó. Nói chuyện tương lai, số lượng độc giả rất hạn chế nên khó khăn trở thành chuyện bình thường, dù sao, tủ sách vẫn sẽ tiếp tục công việc cho đến khi nào còn có thể chịu đựng nổi.
Hoa hồng dành cho các nhà sách hiện nay rất cao kiểu “tùy người đối diện,” từ 40 đến 50, có khi đến 60% trên giá bán.

Sách ai bán chạy nhất?
Một chủ hiệu sách cho chúng tôi biết trong những năm mà Internet chưa phổ biến, dâm thư là loại sách bán chạy nhất, và theo đơn đặt hàng khá hậu hĩnh, nhiều nhà văn giấu bút hiệu của mình để viết truyện phòng the dưới một cái tên khác.
Trong thời gian sau năm 1990, sau khi có một tập thể lớn những người cựu tù nhân chính trị đến Hoa Kỳ, cuốn hồi ký nhà tù “Tôi Phải Sống” của LM. Nguyễn Hữu Lễ ở New Zealand đã đạt kỷ lục số sách bán ra tại hải ngoại mà về sau không có tác phẩm nào đuổi kịp: 12,000 cuốn. Những gì liên quan đến Ðệ I, Ðệ II Cộng Hòa đều được độc giả quan tâm, năm 2006, cuốn “10 Ngày Cuối Cùng của VNCH” trong một tháng bán hết 2,000 cuốn. Những cuốn sách viết về chuyện xa gần với Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đều là những best-seller từ cuốn “chống” như “Chín Năm Máu Lửa Dưới Chế Ðộ Gia Ðình Trị Ngô Ðình Diệm,” của hai tác giả Nguyệt Ðạm và Thần Phong đến cuốn “bênh” như “Những Ngày Cuối Cùng Của TT Ngô Ðình Diệm,” của Hoàng Ngọc Thành & Thân Thị Nhân Ðức, rồi “Những Huyền Thoại Và Sự Thật Về Chế Ðộ Ngô Ðình Diệm” của Vĩnh Phúc, “Dòng Họ Ngô Ðình, Giấc Mơ Chưa Ðạt” của Nguyễn Văn Minh. Kể cả cuốn sách “Nhớ Lại Những Ngày Ở Cạnh Tổng Thống Ngô Ðình Diệm” của Nguyễn Hữu Duệ, Liên Binh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ, một nơi không có gì là “ở cạnh” tổng thống như cận vệ, tùy viên cũng tái bản đến lần thứ bảy. Bên bênh bên chống bên nào cũng có một số độc giả đông đúc chờ đợi để mua sách. Ba cuốn sách về Tổng Thống Thiệu của Nguyễn Tiến Hưng “Hồ Sơ Mật Dinh Ðộc Lập,” “Khi Ðồng Minh Tháo Chạy” và “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” đều là những cuốn sách đắt khách. Trong tương lai loại sách này nếu in ra vẫn còn rất nhiều người mua.

Tiếp đến những sách viết về hồi ký “cải tạo” hay hồi ký chiến tranh Việt Nam cũng được hoan nghênh. “Tháng Ba Gẫy Súng” của Cao Xuân Huy là một ví dụ, sách in đến lần thứ 8. Một loại sách in ra khá nhiều, khó bán nhất, mà các nhà sách không muốn nhận bán, là thơ, trừ thơ Du Tử Lê. Một cuốn sách in ra phải có một tác giả quen tên mới bán được.

Ai mua sách?
Những người chúng tôi thường gặp tại các nhà sách, hỏi ai cũng có dính líu đến chế độ VNCH, không H.O. thì cũng vượt biên, vượt biển. Những người trẻ hơn đi tìm sách là những người có học ở Việt Nam đi theo diện đoàn tụ. Lớp trẻ sinh ra ở Mỹ đương nhiên không đọc được sách Việt đã đành, mà một ông giáo sư đại học sang Mỹ từ năm 1975 cũng không đọc sách báo Việt, không quan tâm đến sinh hoạt cộng đồng với một lý do: “quá bận!”

Người Việt giàu có ở hải ngoại cũng ít đọc sách, giới khoa bảng người Việt cũng ít dọc sách. Giới trung lưu, thu nhập trung bình, có khi chỉ có đồng “tiền già” là những người hay lui tới các nhà sách để mua sách đọc. Sáng 15 tháng 11 trong thời gian Người Việt phát hành cuốn Wikileaks, tại nhà sách Văn Bút, ông Võ Hải, 76 tuổi, H.O. 4 đã mua một lúc 4 cuốn Wikileaks, ông nói là để đọc và cho bạn bè. Tôi gặp một bà tuổi trung niên tên Dung ở nhà sách Tú Quỳnh, tay ôm một lúc 7 cuốn sách dịch tôn giáo của tác giả Nguyên Phong nói là mua để gửi cho bạn. Ở Tự Lực, chúng ta vẫn thường thấy cảnh một độc giả ôm một mớ sách đến quầy sách tính tiền hơn $100.00. Như vậy là vẫn còn người đọc sách tiếng Việt và khuyến khích bạn bè đọc sách tiếng Việt. Xin những người yêu tiếng Việt ở hải ngoại yên tâm.
.
.
.

No comments: